Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Chùa Linh Quang Huế tổ chức huý nhật lần thứ 38 của...

Chùa Linh Quang Huế tổ chức huý nhật lần thứ 38 của Hoà thượng Thích Mật Nguyện

171
0

"Hòa thượng Thích Mật Nguyện thế danh là Trần Quốc Lộc, thân phụ là cụ Trần Quốc Lễ, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Hoàng. Ngài sinh ngày 25 tháng 6 năm Tân Hợi (1911). Quán tại Phú Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.

Năm 15 tuổi (1926), Ngài xuất gia theo hầu Hòa thượng Giác Tiên ở chùa Trúc Lâm. Năm 19 tuổi (1929) thọ Sa di, được Bổn sư cho Pháp danh là Tâm Như, Pháp hiệu Mật Nguyện. Ngài theo học Sơn Môn Phật Học Đường Tây Thiên; lại được vào Bình Định, đến chùa Thập Tháp học với Quốc Sư Phước Huệ, sau khi được thọ đại giới tại giới đàn Tịnh Lâm. Sau một thời gian Ngài được Hội An Nam Phật Học mời làm giảng sư. Ngài có bẩm sinh biện tài, ngôn ngữ lưu loát, lại có tài năng viết lách; nên Ngài đã hoằng giáo bằng cả hai phương tiện: diễn giảng giáo pháp cho đại chúng và viết bài công bố trên báo chí ở Tập san của Giáo Hội Tăng Già. Ngài được Bổn sư cho kệ phú Pháp rất sớm:

Tâm như pháp giới như,
Vô sanh hành đẳng từ.
Nhược năng như thị giải,
Niệm niệm chứng vô dư.

心 如 法 界 如
無 生 行 等 慈
若 能 如 是 解  
念 念 證 無 餘

Năm 35 tuổi (1946), Ngài có khai lập chùa Bảo Tràng Huệ Giác tại Hòa Tân (Bình Định), nhưng hiện nay chùa này không còn, vì chiến tranh đã phá hủy. Cũng năm này, Ngài lại về Huế và được chư Sơn Môn Huế công cử Ngài trú trì chùa Linh Quang, trong kỳ Đại hội họp vào ngày 10-4-1946. Đến đầu năm 1951, Ngài được cử làm Chánh Trị sự Sơn Môn Thừa Thiên, và được mời làm giảng sư ở Phật Học Đường Báo Quốc. Năm 1954 Ngài được cử làm Trị sự trưởng Giáo Hội Tăng Già Trung Việt. Trong buổi họp Đại hội vào ngày 10-9-1959 tại Sài gòn, Hòa thượng được bầu làm Trị sự phó Giáo Hội Tăng Già Việt Nam.

Năm 1960, Ngài mở cuộc đại trùng tu chùa Linh Quang; 1961, mở Đại giới đàn tại đây. Năm 1963, Ngài là một trong những vị Cao Tăng Huế đã lãnh đạo Tăng tín đồ Phật giáo Huế đấu tranh chống kỳ thị, đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm.

Từ 1966 trở về sau, Hòa thượng luôn luôn chăm lo đào tạo Tăng tài cho Phật giáo xứ Huế và hiến dâng toàn cuộc đời một Tăng sĩ để làm cho Phật giáo phát huy theo ánh sáng của Đức Phật. Bởi đó, mà khi bệnh cũ tái phát, Ngài cũng không hề nghỉ ngơi điều trị. Ngày 10 tháng 7 năm Nhâm Tý (1972) Ngài thị tịch. Hưởng thọ 62 tuổi đời.

Hòa thượng đã dịch Kinh Giải Thâm Mật, Kinh Vô Lượng Thọ; và dịch các tác phẩm Tân Duy Thức Luận của Thái Hư Đại sư. Bài viết rất nhiều đăng ở tạp chí Viên Âm, Giác Ngộ, Liên Hoa, và nhiều đạo từ trong đó Ngài kêu gọi chư Tăng đoàn kết để phục vụ Đạo pháp và Dân tộc, kêu gọi tín đồ Phật giáo Huế hãy khơi dậy đức tính Từ Bi, Trí Tuệ và Dũng Mãnh, vận dụng các đức tính này vào cuộc đời thường để tạo một xã hội có nếp sống biết thương yêu nhau, hiểu biết và hướng thượng."

N.N 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here