Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Học tập, hành trì đạo Phật trong thời đại hiện nay.

Học tập, hành trì đạo Phật trong thời đại hiện nay.

126
0

 Chúng ta nên nhớ rằng, đức Phật từng nói Ngài dạy một phương pháp trung đạo, giúp cho không phải số ít mà là số đông loài trời và loài người có thể học và hành trì được. Và Phật cũng nói là Như Lai xuất hiện ở đời là vì hạnh phúc của số đông loài Trời và loài Người. Cho nên, nhiệm vụ của chúng ta là tìm tòi một phương pháp học tập và hành trì Đạo Phật, để cho đa số người Việt Nam, không kể tuổi tác, giới tính và trình độ văn hóa cao hay thấp đều có thể thực hành được.

Như vậy, yêu cầu thứ nhất của phương pháp hành trì đó là phải phục vụ được đa số, chứ không phải là thiểu số mà sách Phật gọi là “đại căn, đại trí”.

Yêu cầu thứ 2 là tuy phương pháp đó giản dị, nhiều người hành trì được, nhưng nó phản ảnh được tinh thần cốt lõi của Đạo Phật, là hướng người tu tập đến giác ngộ và giải thoát, đến sự an lạc hiện tiền cũng như mai sau.

Yêu cầu thứ 3 là hướng vào nội tâm, hướng nỗ lực chính chứ đừng bao giờ để sai lệch là điều phục tâm, khiến cho tâm dần được bình lặng. Vì như lời của vua Trần Thái Tông nhắc lại lời của quốc sư Viên Chứng trong Khóa Hư Lục: “Tâm lặng mà biết , đó là ông Phật thật”.

Vì tâm lặng mới sáng, đã sáng thì thấy. Thấy gì? Thấy rõ thiện, ác, phải, trái, thấy rõ con đường dẫn tới giác ngộ và giải thoát. Tâm lặng, trong sáng, chính là cái chìa khóa của chân hạnh phúc và trí tuệ.

Sau đây là những bước đi tuần tự dẫn tới tâm bình lặng và trong sáng, những bước đi, theo tôi nghĩ, vì nó tuần tự, không vội vã, không gây căng thẳng, cho nên bất cứ người nào cũng theo được.

Bước thứ nhất là mở rộng tình thương, cũng như Phật dạy là mở rộng lòng từ bi, yêu thương mọi người, mọi vật. Tình thương là xu thế tâm lý tự nhiên của con người, từ khi con người mới lọt lòng mẹ và được nuôi dưỡng, sưởi ấm bằng tình thương của mẹ. Con người càng lớn lên thì tình thương đó càng mở rộng bao quát hơn, từ mọi người trong gia đình, họ hàng thân thích cho đến bạn bè, người quen, đối với tất cả, kể cả loài vật. Tình thương là phương thuốc đối trị hay nhất bệnh vị kỷ, bệnh chấp ngã là đầu mối của mọi đấu tranh, mâu thuẫn và bất hạnh đôí với cá nhân cũng như xã hội.

Tình thương là xu thế bản năng của con người, cùng phát triển với trí tuệ, nó là động lực hướng người tới giác ngộ và giải thoát, trước hết là giác ngộ về cái ta không có thật, giải thoát khỏi cái ta không có thật. Vì ý nghĩa và giá trị của tình thương lớn lao như vậy, cho nên giáo chủ Đạt Lai Lạt Ma nói: “ Trái tim của tôi là ngôi chùa của tôi, tình thương là triết lý của tôi…” (1)

Bước thứ hai cũng rất là tự nhiên, đó là sống theo nếp sống tám lời dạy của đức Phật, mà sách Phật chữ Hán gọi là Bát Chánh Đạo. Tôi ghi lại đây bằng chữ Việt thông thường, kèm theo chữ Hán – Việt trong ngoặc đơn, để độc giả khỏi bỡ ngỡ. Tám lời dạy đó thật là giản dị, dễ hiểu, ai cũng có thể làm theo kể cả những người không phải là Phật tử.

a) Lời dạy thứ nhất: là thấy biết đúng đắn (Chánh tri kiến). Không những biết mà còn là thấy đúng như vậy, cái biết đó mới thật sự sâu sắc. Có thấy biết đúng đắn, tức là nhận thức đúng thế nào là khổ, vui, là ác, thiện, phải, trái, thì mới quyết tâm diệt khổ tìm vui, tránh điều ác, điều trái làm điều thiện, điều phải.

b) Lời dạy thứ hai: là động cơ đúng đắn (Chánh tư duy). Tư duy là suy  nghĩ, nghĩa rộng hơn từ động cơ, nhưng từ động cơ của Kinh Tạng Pàli lại có nghĩa cụ thể hơn. Làm việc gì, muốn thành công đều phải có động cơ đúng đắn.

c) Lời dạy thứ ba: là nói đúng đắn (Chánh ngữ), (cụ thể là không nói dối, mà nói thật không nói lời ác mà nói lời dịu hiền, không nói lời chia rẽ mà nói lời đoàn kết, không nói lời vô nghĩa mà nói lời có ích). Lời dạy này của Phật về nói đúng đắn cụ thể và sáng tỏ, không cần phải làm, là Phật tử hay không phải Phật tử, chúng ta đều có thể và nên làm theo lời Phật.

d) Lời dạy thứ tư: là hành động đúng đắn (Chánh nghiệp), tức là không giết, không trộm cắp, không tà dâm.

e) Lời dạy thứ năm: là sinh sống đứng đắn (Chánh mệnh), tức là sống bằng lao động lương thiện, không gian lận lừa đảo, không tham nhũng.

f) Lời dạy thứ sáu: là siêng năng đúng đắn (Chánh tinh tấn), tức là siêng năng tránh mọi điều ác, làm mọi điều lành, làm trong sạch tâm ý mình.

g) Lời dạy thứ bảy: là nghĩ nhớ đúng đắn (Chánh niệm), không nghĩ nhớ bậy bạ, luôn luôn chánh niệm tỉnh giác.

h) Lời dạy thứ tám: là định tâm đúng đắn (Chánh định), hay là tập trung tư tưởng đúng đắn.

Tám lời dạy trên của đức Phật thật là dễ hiểu, dễ thực hành, ai cũng theo được, kể cả những người không phải là Phật tử. Đặc sắc của con đường Bát chánh đạo chính là ở chỗ đó: cho dù là ai, ở đâu, làm nghề gì đều cũng có thể theo được.

Bước thứ ba và thứ tư là hành thiền tích cực và hành thiền tuyệt đối.

– Hành thiền tích cực: là mọi hành động, lời nói và suy nghĩ của chúng ta đều phải thực hiện với tất cả tâm của mình, hết lòng, hết sức với cái tâm luôn luôn hiện hữu và tỉnh giác. Như vậy, theo đạo Phật là sống với cái tâm không phóng dật, không buông lung.

Chúng ta nhớ bài kệ 21 cuản Kinh Pháp Cú do Hòa thượng Minh Châu dịch trang 22:

“Không phóng dật, đường sống
Phóng dật là đường chết
Không phóng dật, không chết
Phóng dật như chết rồi”.

Hành thiền tích cực không có nghĩa gì khác là làm tất cả mọi việc hết lòng, hết sức, với cái tâm mình luôn có mặt. Các thiền sư Tây Tạng thường nói một cách hình ảnh: Đưa cái tâm về nhà. Đưa tâm về nhà, nghĩa là đừng để cho tâm mình chạy lung tung.

Hành thiền tích cực là như vậy, chứ không nhất thiết là ngồi tĩnh tọa, không động thân. Hành thiền tích cực là sống bình thường hàng ngày, làm mọi việc với cái tâm tập trung vào công việc đang làm.

Ở đây, cần mở dấu ngoặc để nói về thiền quán. Thiền quán là một hình thức của hành thiền tích cực. Thiền quán là tập trung suy nghĩ  theo chiều sâu vào một số chủ đề như bốn vô lượng tâm (Từ, bi, hỷ, xả) thân không trong sạch (bất tịnh), mọi pháp đều là nhân duyên sanh v.v…

– Hành thiền tuyệt đối: Với hành thiền tuyệt đối, hành giả ngồi thiền bán già hay kiết già, giữ tâm tĩnh lặng, giữ thân thật thư giãn, trút bỏ mọi ý nghĩ, mọi niệm. Tâm của hành giả như mặt nước hồ thu, không gợn sóng, hành giả dần đi vào một cảnh giới siêu việt, không thể nghĩ bàn.

Trong bốn bước nói trên, các bước 1, 2, 3 chính là nếp sống đạo đức hàng ngày, mọi người đều có thể làm được nếu cố gắng và chú ý, và là bước chuẩn bị tuần tự cho bước thứ tư là hành thiền tuyệt đối, đưa hành giả đến một cảnh giới siêu việt, không thể nghĩ bàn. Vì là không thể nghĩ bàn, cho nên không bàn. Hãy đi thì khắc đến !

M.C

(1) Xem cuốn “Cuốn sách Tây Tạng của sống và chết”, Sogyal Kinpoche.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here