Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Màu sắc Ca sa đàn

Màu sắc Ca sa đàn

125
0

Trên thế giới có rất nhiều kiểu dáng y phục, mỗi nước mỗi kiểu, mỗi dân tộc đều có cách ăn mặc khác nhau và tất cả các kiểu dáng y phục cũng như cách ăn mặc của từng dân tộc, đều có sự thay đổi theo thời gian hoặc là những giai đoạn lịch sử của dân tộc đó cho phù hợp với hoàn cảnh đương thời hay là thể chế chính trị đất nước hay dân tộc đó. Cho nên có kiểu y phục còn được tiếp tục sử dụng, còn có kiểu y phục chỉ còn giá trị lịch sử không còn được người đương thời sử dụng, có kiểu được biến tấu cho phù hợp với thời đại mất đi kiểu dáng ban đầu.

Áo Ca Sa còn gọi là Y hay là Giải thoát phục, trong [Thích Thị Yếu Lãm] ghi rằng: “ Áo Ca Sa do nơi màu sắc mà được gọi tên như vậy, tiếng Phạm gọi đủ là Ca-La-Sa-Duệ. Xứ này gọi là không chánh sắc”. Trong [Tứ Phần Luật] dạy: “Tất cả các màu thuộc chánh sắc đều không được dùng làm màu của áo Ca Sa, màu của áo Ca Sa dược dùng là màu hoại sắc…”. Trong [Nghiệp Sớ] ghi: “Màu của Ca Sa được định vào thời Lương Võ Đế, dùng màu đỏ thêm vào mực đen cho ngã sắc thành nâu, đây là màu hoại sắc của Đạo phục Tăng Ni.”.  

Trong Kinh [Đại Tập] Phật dạy: “Ca Sa còn được gọi là ly nhiễm phục”. Kinh [Hiền Ngu] Phật dạy: “Ca Sa là áo xuất thế”. Kinh [Như Huyễn Tam Muội] Phật dạy: “ Ca Sa là Y Vô cấu, còn gọi là Y nhẫn nhục, Y Liên hoa vì không nhiễm bùn nhơ, Y Tràng tướng vì không bị tà ác làm cho khuynh ngã, Y Điền tướng vì khi người nhìn thấy không sanh tâm ác, Y Tiêu sấu vì người đắp y này có thể diệc trừ các phiền não, còn gọi là Y Ly trần, Y khứ uế.

Ca Sa có 9 loại và 3 phẩm bực. Theo [Tát Bà Sa Luận] Y 9 điều, Y 11 điều, Y 13 điều, thuộc hạ phẩm Tăng Già Lê, y cắt rọc điều tướng hai miếng dài một miếng ngắn. Y 15 điều, Y 17 điều, Y 19 điều, thuộc trung phẩm Tăng Già Lê y cắt rọc, điều tướng ba miếng dài một miếng ngắn. Y 21 điều, Y 23 điều, Y 25 điều, thuộc Thượng phẩm Tăng Già Lê, , y cắt rọc điều tướng bốn miếng dài một miếng ngắn.

Ca Sa còn Được gọi là Phước Điền Y, nguyên nhân Ca Sa được may theo hình dáng của nhiều thửa ruộng hợp thành. Theo [Tăng Kỳ Luật]: “Một thời Đức Phật ở thành Vương Xá, đi kinh hành trước động Đế Thích thấy phía xa ruộng lúa ngăn bờ thành từng khoảnh thật là phân minh, Phật dạy ngài A Nan rằng: “Quá khứ Chư Phật đều lấy hình thức thửa ruộng làm điều tướng của Y, từ đây về sau cũng phải y như vậy lấy hình thức này làm điều tướng của Ca Sa…”. Trong [Tăng Huy Ký] có ghi: “Trong ruộng chứa nước, sanh trưởng mầm lúa, lấy gạo nuôi dưỡng thân mạng, còn Pháp Y là ruộng bởi thấm nhuận nước Tứ Tư Lương (1/ Phước Đức Tư Lương, tức thiện căn của việc Bố thí, Trì giới.v.v…hành 5 Pháp trong Lục Độ. 2/Trí Đức Tư Lương, tức do tu tập pháp thứ 6 trong lục độ, hành trì pháp chánh quán cho nên đắc được diệu trí. 3/Tiên Thế Tư Lương, do kiếp trước tu tập tích tụ thiện căn cho nên đời nầy có đầy đủ phước trí trang nghiêm. 4/ Hiện Pháp Tư Lương, do công năng tu tập ở đời này mà được phước trí đầy đủ.). Làm tăng trưởng mầm Tam Thiện (tức vô tham, vô sân, vô si, nhân đó mà sanh vô lượng thiện pháp) lấy các pháp đây làm chất dinh dưỡng để nuôi lớn Pháp Thân Huệ Mạng.

Ca Sa với ý nghĩa, công năng và phước đức như vậy cho nên trường tồn vượt qua cả không gian, thời gian, biến thiên của sông núi thiên nhiên, triều đại, chánh kiến, con người xã hội. Trong lịch sử tồn tại của Ca Sa, từ ba đời chư Phật cho đến Đức Thích Ca Mâu Ni và bây giờ là chúng ta Tăng già của thời đại văn minh khoa học, vẫn như thế “Tam Y câu dụng thô sơ ma bố” có hơn đi chăng nữa chỉ là chất liệu vải mà thôi.

Phật Giáo Bắc truyền, sự tương ngộ của hai dòng văn hóa lớn của nhân loại Ấn Độ và Trung Hoa. Phật Giáo với tính chất hòa hợp như nước với sữa của mình đã tiếp thu hấp thụ những tinh hoa của hai nền văn hóa Ấn-Trung để tạo thành một hệ phái mới của Phật Giáo có nguồn gốc là Ấn Độ mà chi lưu lại là Trung Hoa, chúng ta thường gọi “Đại Thừa Phật Giáo” hay “Bắc Truyền Phật Giáo”. So với Phật Giáo truyền thống “Nguyên Thủy Phật Giáo” hay “Nam Truyền Phật Giáo” có nhiều chổ khác biệt, những chổ khác biệt này đều do sự ảnh hưởng của tư tưởng và văn hóa địa phương, nhưng mục đích tối thượng của Phật Giáo tu hành để giải thoát sanh tử chứng đắc Niết Bàn thì không có gì thay đổi vẫn như ngày nào Phật còn tại thế.

Phật Giáo truyền qua Đông Độ các vị Phạm Tăng từ Ấn Độ sang Đông Độ hành trang chỉ có “Tam Y Nhất Bát” theo luật định. Khí hậu ở Ấn Độ lúc bấy giờ chỉ cần ba y thì cũng đủ dùng cho hai mùa nóng lạnh nhưng khi đến Đông Độ các Phạm Tăng cũng như chư Tăng Đông Độ vẫn theo luật định kiên trì ba y, nhưng vì khí hậu khắc nghiệt nếu chỉ có ba y thì không thể duy trì cuộc sống bình thường do đó trong quá trình thích hợp với khí hậu cũng như văn hóa tập tục và cách sống của dân cư vùng Đông Độ ba y không còn mục đích là y phục như ban đầu nữa và đã trở thành pháp phục chỉ được mặc trong các thời Khóa tụng, Pháp hội, Đàn tràng, Đám sám, Tăng phục của Tăng già Đông Độ được hình thành từ nguồn gốc y phục người bản xứ được nhuộm theo màu hoại sắc để phân biệt với y phục người thường. Chính từ đây sự hình thành Pháp phục cũng như Tăng phục, màu sắc của Pháp phục và Tăng phục cũng có sự biến đổi, cách ăn mặc cũng có sự khác biệt không như lúc ban đầu. Thời kỳ Phật Giáo mới du nhập chư Tăng theo luật định đắp Y để tay phải lộ trần ra ngoài “thiên đản hữu kiên” vào thời Nam Bắc Triều Chư Tăng thường được thỉnh vào cung để thuyết Pháp, người trong cung thấy chư Tăng để lộ tay ra ngoài cho là không tiện và cũng không hợp với lễ giáo của người Trung Quốc. Nhân đó mới chế ra áo “Phú kiên y” để chư Tăng che tay phải khi đắp y, đây là tiền thân của áo hậu sau này. Do đặc thù mặc áo rồi mới đắp y cho nên Ca Sa truyền thống dùng để quấn không còn thích hợp cho cách ăn mặc mới này, nên việc định chế lại hình thức của Ca Sa cho thích hợp với cách thức mặc áo rồi đắp y, đây là nguyên nhân Ca Sa của Bắc Truyền Phật Giáo không còn như hình thức ban đầu vốn có và cách ăn mặc cũng không còn như trước nữa. Từ đời Đường trở về sau áo hậu là Tăng phục chính của chư Tăng Đông Độ được mặc hầu hết trong các sinh hoạt thường ngày của Tăng đoàn, Ca Sa chỉ còn là Pháp phục được đắp trong việc hành lễ trang nghiêm long trọng.

Ca Sa Đàn là thành quả của quá trình biến đổi hình thức của Ca Sa. Ca Sa Đàn là Ca Sa của các vị Pháp Chủ, Chủ Lễ, Sám Chủ, Giới Sư, Kim Cang Thượng Sư đắp trong khi hành Pháp trong các Pháp Hội, Đàn Tràng, Giới Đàn, Đám Sám. Ca Sa Đàn có ba loại: “Kim Lâu Ca Sa”, “Tử Y Ca Sa”, “Hoàng Sắc Ca Sa”.

“Kim lâu Ca Sa” Ca Sa được may bằng vải dệt có hoa văn kim tuyến. Trong [Kinh Trung A Hàm] có chép: “Một thời Đức Phật tại Thành Ca-Tỳ-La-Vệ vườn cây Ni Câu Loại. Bấy giờ Ma Ha Ba Xà Ba Đề Cù Đàm Di đem một chiếc Y chỉ kim tuyến màu vàng đến chổ Đức Phật, cuối đầu lễ Phật bạch rằng: Thế Tôn Y Kim Lâu Ca Sa màu Vàng này là chính do con may, Thế Tôn từ mẫn thương sót nạp thọ. Thế Tôn dạy rằng: Cù Đàm Di đem Y này cúng dường cho chúng Tỳ Kheo, cúng dường cho chúng Tỳ Kheo rồi, cúng dường cho Ta và cúng dường cho Đại Chúng…”. Theo sách [Truyền Đăng Lục] chương “Thích Ca Mâu Ni Phật” ghi: “Thế Tôn bảo Ngài Ca Diếp: Nay Ta đem Y Kim Lâu Tăng Già Lê truyền phó cho ông để trao lại cho vị Phật bổ xứ sau này là Từ Thị Bồ Tát vì Ca Sa này dệt bằng kim tuyến nên không hề hư mục…”. Chương “Ma  Ha Ca Diếp” ghi: “Ngài Ca Diếp đem Y Kim Lâu Tăng Già Lê vào núi Kê Túc chờ Đức Phật Di Lặc ra đời…”.Trong [Liên Đăng Hội Yếu] chương “Nhị Tổ A Nan Tôn Giả” có ghi: “Tổ hỏi Ngài Ca Diếp: Thế Tôn truyền Y Kim Lâu Ca Sa ngoài ra còn gì nữa chăng?…”. Ngày nay chúng ta thấy chư Tôn Đức đắp Y kim tuyến “Kim Lâu Ca Sa” đều có nguồn gốc vào thời Đức Phật có khác là chổ kiểu dáng được may theo kiểu Ca Sa của Bắc Truyền Phật Giáo.

“Tử Sắc Y Ca Sa” còn gọi Y hồng, Y Tổ, Đại Y, Ca Sa có màu sắc màu đỏ tía. Theo [Thích Thị Yếu Lãm]: Y Màu đỏ tía không thuộc trong năm sắc màu chánh là Ca Sa của Triều đình phong tặng cho các vị cao Tăng. Trong [Tăng Sử Lược] có ghi: “theo [Đường Sử Lược] Triều Võ Tắc Thiên có Hòa Thượng Hiệu Pháp Lãng cùng chín vị Tăng, dịch lại Kinh Đại Vân, dịch xong được ban tặng Tử Y Ca Sa. Đây được coi là lần đầu tiên Triều đình Trung Quốc ban tặng Tử Y Ca Sa cho chư Tăng. Nhật Bản cũng có lệ ban tặng Tử Y Ca Sa cho Tăng. Sách [Diên Bảo Truyền Đăng Lục] Nhật Bản, chương “Kiến Nhơn Tự Minh Am Vinh Tây Thiền Sư” có ghi: “Năm Kiến Nhơn thứ hai Đại Tướng Quân Lại Gia Nguyên, cho đất ở Lạc Đông dựng đại già lam…và ban tặng Tử Y Ca Sa…”. Việt Nam vào thời nhà Lý. Sách [Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục] có chép: “Vua Lý Thái Tổ sau khi lên ngôi ban áo mặc cho hàng Tăng Đạo” trong sách [Thiền Uyển Tập Anh] ghi: “Năm 1069 Thiền Sư Thông Biện được Phù Thánh Cảm Linh Nhân Hoàng Thái Hậu phong làm Tăng Thống, ban áo Ca Sa màu Tía…” Cho nên “Tử Sắc Y Ca Sa” ngày xưa được coi như Quan phục của Tăng già trong chế độ Tăng Quan của Triều Đình Phong Kiến, Ngày nay là Pháp phục thường dùng của Chư Tôn Hòa Thượng Trưởng Lão và các vị Sám Chủ của các Trai Đàn, Pháp Hội.

“Hoàng Sắc Y Ca Sa” Ca Sa được dùng màu vàng chánh sắc để may, còn gọi là Đại Y, Tổ Y. Sách [Tăng Sử Lược] ghi: “Đời Hậu Chu rất kỵ nghe sấm truyền của Đạo sĩ áo đen, cho nên đổi áo màu đen của Tăng sĩ thành màu vàng, Tăng sĩ Phật Giáo Đông Độ có Y màu vàng có nguồn gốc từ đây”. Sách [Sơn Đường Tứ Khảo] chép: “ Tăng trước đây mặc đồ màu đen, Vua Nguyên Văn Tông sủng ái Tăng sĩ Hân Tiếu Ẩn, cho nên ban cho áo màu vàng, từ đó Tăng đạo có Y màu Vàng”. Ca Sa có chánh sắc màu vàng thuộc quan Y, ngày nay được thông dùng làm sắc màu Ca Sa chính cho Tăng Già Bắc Truyền.

Ngoài ba loại Ca Sa nêu trên chúng ta còn thấy các vị Sám chủ các Đàn Tràng nhất là những Trai Đàn có hành các ngoại khoa, thường đắp Ca Sa hoặc áo hậu nhiều màu thuộc chánh sắc, Xanh, Vàng, Đỏ, Trắng, Đen. Trong Kinh [Xá Lợi Phất Vấn Kinh] có ghi: “Bộ Ma Ha Tăng Kỳ: cần mẫn tinh tấn tu học chư Kinh, thuyết giảng nghĩa Chân lý, cho nên đắp Y màu Vàng. Đàm Vô Đức Bộ: thông đạt lý vị, khai đạo lợi ích, phát biểu thù thắng, nên đắp Y màu Đỏ. Bộ Tát Bà Đa: bác thông mẫn đạt, dùng Pháp hóa Đạo, nên đắp Y màu Đen. Bộ Ca Diếp Di: tinh cần dõng mãnh, nhiếp hộ chúng sanh, nên đắp Y màu Mộc Lan. Bộ Di Sa Tắc: thiền định tư duy, nghiên cứu thông suốt u mật, nên đắp Y màu Xanh.”. Bộ [Tục Văn Hiến Thông Khảo] chép: “Đời nhà Minh năm Hồng Vũ thứ 14 sắc lịnh màu sắc đạo phục của Tăng lữ được định như sau: Thiền Tăng đạo phục màu Nâu trà, Ca Sa điều màu Xanh, nền màu Ngọc; Giảng Sư Tăng đạo phục màu Ngọc, Ca Sa có điều màu Xanh dương đậm, nền màu Hồng lợt; Giáo Thọ Sư Tăng đạo phục màu Đen, Ca Sa có điều Y màu Đen, nền màu Đỏ lợt…riêng Ca Sa của Tăng Quan điều Y được viền Kim tuyến”.   

Trên đây chúng ta có thể nhận thấy được Ca Sa ngoài màu chính thống là Hoại Sắc ra, với tinh thần tùy duyên bất biến của Đạo Phật khi những sắc màu khác dùng làm Ca Sa có một ý nghĩa vi diệu nào đó, hoặc có thể trợ gúp trong việc hoằng dương Phật Pháp, hay dẫn dắt hữu hình hay vô hình chúng sanh đến với Phật Pháp, hoặc màu sắc Ca Sa có thể làm tăng thêm cảnh trang nghiêm cho Đạo Tràng, hay thể hiện oai nghi của Tăng Già, phước đức của Tam Bảo, tất cả đều có thể tùy duyên nhưng một điều hết sức quan trọng không nên quá lạm dụng màu sắc, nhất là những sắc màu lè loẹt không hợp thiền vị, có khi còn làm biến tướng Ca Sa. Cho nên cần phải thận trọng khi dùng sắc màu để may Ca Sa Đàn.

Ma Bố Hoại Sắc Ca Sa

Kim Lâu Kim Cang Giới Mạn Đà La Ca Sa

Kim Lâu Thai Tạng Giới Mạn Đà La Ca Sa

Tử Sắc Y Ca Sa

Hoàng Sắc Y Ca Sa
Thích Tâm Mãn
(Chùa Minh Thành Thành Phố Pleiku – Tỉnh Gia Lai)

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here