Bằng tinh thần nhập thế tích cực, vô ngã, vị tha, từ bi cứu khổ của Đạo Phật, các Thiền sư, danh Tăng, Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam đã tích cực ủng hộ các triều đại, những minh quân, những nhà lãnh đạo đất nước chân chính, nhằm góp phần giúp nước, giúp dân, đưa ra những kế sách có lợi cho công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc, phát triển đất nước, xã hội phồn vinh, văn minh tiến bộ qua mọi thời kỳ khác nhau của lịch sử và xã hội. Cụ thể như các thời Đinh, Lê, Lý Trần … là thời cực thịnh của Phật giáo, Đạo Phật được xem là Quốc đạo.
Từ những khái niệm trên, thử giới hạn vấn đề lịch sử là: Phật giáo thời Đinh, Tiền Lê kế thừa, hội tụ và phát triển trong dòng chảy lịch sử dân tộc và Phật giáo Việt Nam hơn 2000 năm qua.
Như lịch sử cho thấy, xuất phát từ Phật Quang Đại Sư, Khương Tăng Hội, Mâu Bác, Chi Cương Lương Tiếp, Phương Đình, Duy Giám, Vân Kỳ, Khuy Xung, Đại Thừa Đăng, Đạo Thanh, Đàm Hoằng, Huệ Thắng, Đạo Thiền đã đặt nền móng cơ bản cho Phật giáo Việt Nam trong những thế kỷ đầu. Nhất là Thiền học Việt Nam ở thế kỷ thứ 3 (251), Đạo Thiền (527) là kết thúc giai đoạn lịch sử, với các kinh điển được lưu hành: Kinh Lục Độ Tập, Thí dụ, Cựu Tạp Thí dụ, Tứ Thập Nhị Chương, Pháp cú, Niết Bàn, Pháp Hoa Tam muội, Kinh Vô Lượng Thọ, Quán Kinh, kinh Kim Cương, kinh An Ban Thủ Ý v.v… với cơ sở Quỳnh Viên, Tiên Sơn v.v…
Đến thời Lý Nam Đế, đánh đuổi Tiêu Tư quân nhà Lương về nước, giành độc lập dân tộc, đất nước đặt quốc hiệu Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên năm 544, Ngài liền xây chùa Khai Quốc (chùa Mở Nước) bắt đầu thời kỳ dựng nước, phát triển đất nước và Phật giáo. Các nhà lãnh đạo kế tiếp như Triệu Việt Vương, Lý Phật Tử, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương 779), Ngô Quyền (938) v.v… đều là những Phật tử hộ trì Phật giáo trong tinh thần đoàn kết, hòa hợp và phát triển lâu dài.
Trong bối cảnh Phật giáo Việt Nam thế ấy, một dòng Thiền xuất hiện, là Tỳ Ni Đa Lưu Chi, người Thiên Trúc. Lúc đầu Ngài ở chùa Chế Chỉ – Quảng Châu, dịch kinh Tượng Đầu Tinh xá, Nghiệp báo sai biệt. Năm 580 Ngài đến hoằng hóa ở phương Nam tại chùa Pháp Vân (chùa Dâu), do Thiền sư Quán Duyên trụ trì. Trong thời gian lưu lại chùa Pháp Vân, Thuận Thành, Bắc Ninh – Trung tâm Phật giáo Luy Lâu, Ngài dịch thêm bộ kinh Đại Tổng Trì Đà La Ni và độ cho đệ tử người Việt Nam là Pháp Hiền.
Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi lấy kinh Tinh xá Đầu Voi và Đại Tổng Trì Đà La Ni làm cơ sở, qua những tư tưởng chủ đạo Bồ đề Vô trụ, không tướng, 6 Ba la mật, Đà la ni, Thiền quán, sám văn v.v… và có sự truyền thừa rõ nét : Đại sư Pháp Hiền đời thứ 1; Đại sư Pháp Đăng đời thứ 3; Thanh Biện đời thứ 4; Vô Ngại đời thứ 5; Long Tuyền đời thứ 7; Định Không đời thứ 8; Thông Biện đời thứ 9; Đại sư Pháp Thuận đời thứ 10; Đại sư Vạn Hạnh đời thứ 12, Huệ Minh đời thứ 13, Khánh Hỷ đời thứ 14, Pháp Dung đời thứ 15, Chân Không đời thứ 16, Viên Học, Diệu Nhân đời thứ 17; Viên Thông đời thứ 18; Y Sơn đời thứ 19. Trong số đó, có những Thiền sư giúp ích rất nhiều cho Triều đại nhà Đinh và Tiền Lê cũng như đất nước và phát triển Đạo Phật như Thiền sư Pháp Thuận, Vạn Hạnh.
Trong tư trào ấy, một dòng Thiền thứ hai xuất hiện, do Thiền sư Vô Ngôn Thông người Quảng Châu qua phương Nam hoằng hóa. Ngài đến chùa Kiến Sơ làng Phù Đổng, Gia Lâm năm 820, do Đức Lập trụ trì, về sau được Thiền sư cảm hóa, đổi tên là Cảm Thành.
Tư tưởng Thiền Vô Ngôn Thông là trực nhận và trực giác, không phân biệt – Chính Ta là Phật, Phật là Ta, người Việt Nam là Phật, Phật là người Việt Nam, đất nước Việt Nam là Tây Trúc, Tây Trúc là Việt Nam. Tâm địa nếu thông, thì trí tuệ xuất hiện. Ngay nơi đây và từ con người nầy không cần tìm đâu xa, chính trong sinh tử mà nhận chân được sự giác ngộ, giải thoát…
Thiền Vô Ngôn Thông có sự truyền thừa cụ thể như: Thiền sư Cảm Thành đời thứ 1; Thiện Hội đời thứ 2; Vân Phong đời thứ 3; Khuông Việt đời thứ 4; Đa Bảo đời thứ 5; Định Hương đời thứ 6; Viên Chiếu đời thứ 7; Thông Biện đời thứ 8; Không Lộ đời thứ 9; Minh Trí đời thứ 10; Giác Hải đời thứ 10; Quảng Nghiêm đời thứ 11; Thường Chiếu đời thứ 12; Thông Thiền đời thứ 13; Hiện Quang đời thứ 14; Ứng Thuận đời thứ 15; Nhật Tông đời thứ 16; Tuệ Trung đời thứ 17 đã có những Thiền sư hết lòng phò Vua giúp nước, lãnh đạo Phật giáo cả nước như Khuông Việt Đại sư, Đa Bảo Thiền sư.
Qua đó, cho thấy Phật giáo thời Tiền Lý, với hai dòng Thiền mang tính bản địa, bình dân, phù hợp với sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, đồng thời cũng mang tính tích cực, triết lý và nhân bản, đã tạo thành những con người ưu tú cho Phật giáo Việt Nam, đất nước Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, xã hội: Vạn Xuân, Đại Cồ Việt không ai khác hơn là Khuông Việt Thái sư (Tể tướng), Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Đa Bảo Đại sư v.v…Về mặt đạo – Tăng thống Khuông Việt Pháp sư, Tăng lục Pháp sư Trương Ma Ni, cố vấn Đại sư Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Thiền sư Đa Bảo, Trú Trì, Định Huệ, Ma Ha v.v…tạo thành một Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất cho cả nước Đại Việt và Phật giáo xem là Quốc đạo thời bấy giờ.
Dẫn đi từ khái niệm ấy, để chúng ta nhận thấy được điểm hội tụ, sự tập họp các nguồn năng lực nhân tài và trí tuệ, những nhà tư tưởng, chính trị gia lỗi lạc, những nhà kinh tế, chính sách đương đại và những nhà tu hành chứng ngộ của Phật giáo, nhân bản, nhân văn của dân tộc Việt Nam và Phật giáo Việt Nam đã tạo thành sức mạnh tổng hợp, ngăn chặn và đánh tan mọi âm mưu xâm lược từ phương Bắc. Tạo cho Việt Nam một thế đứng vững mạnh, độc lập tự chủ và hùng cường trong sự phát triển chung của thế giới, trong đó Đạo Phật Việt Nam là dòng chủ lưu.
Cụ thể là, năm 968, sau khi đánh dẹp loạn 12 Sứ quân, đất nước qui về một mối, vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi đóng đô ở Hoa Lư – Ninh Bình, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Ngài đã phong Pháp sư Ngô Chân Lưu làm Tăng thống, lãnh đạo Phật giáo cả nước năm 969, phong Pháp sư Trương Ma Ni làm Tăng lục và danh từ Tăng thống được tiếp tục sử dụng qua các triều Lý, Trần, Lê đến đời Nguyễn vua đổi thành Tăng cang. Năm 971, lại phong thêm Ngô Chân Lưu chức Khuông Việt Thái sư (Tể tướng) để giúp đỡ và phát triển đất nước Đại Cồ Việt và tôn trọng cung kính các Đại sư khác như Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Ma ha, Đa Bảo, Trú Trì, Định Huệ, Vân Phong, Phò Trì v.v… trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam cả nước thời đó. Chính Khuông Việt Đại sư, xuất thân từ Thiền phái Vô Ngôn Thông, sinh năm 930, xuất gia tu học tại chùa Phật Đà, hậu duệ của Ngô Thuận Đế, lớn lên đến tu học tại chùa Khai Quốc (thời Tiền Lý, Đinh, Tiền Lê, An Quốc, Lý Trần, Trấn Quốc thời Nguyễn), cầu pháp với Đại sư Vân Phong và thụ giới tại đây. Năm 40 tuổi, tiếng tăm vang dội, vua Đinh Tiên Hoàng mới vào cung hỏi đạo, Ngài đối đáp hợp lý, được vua sắc phong làm Tăng thống (969). Năm 971, phong làm Khuông Việt Thái sư. Đồng thời, cũng được vua Lê Đại Hành cung kính, mời vào cung tham vấn về quân sự, quốc sự. Năm 973, Ngài lập đền thờ Tỳ Sa Môn Thiên vương tại núi Vệ Linh, hóa thân Phù Đổng Thiên Vương Việt Nam.
Trong thời gian làm Tăng thống và Khuông Việt Quốc sư, Ngài ủng hộ, hướng dẫn Đinh Bộ Lĩnh, Nam Việt Vương Đinh Liễn và cả gia đình cũng như triều đình tu theo Phật giáo, lấy đức trị dân, hướng dẫn theo chánh pháp, theo đạo đức, nhân bản và hộ trì Phật pháp. Nhất là ủng hội Đinh Liễn khắc các Tràng Kinh Tổng Trì Đà La Ni và Chú Lăng Nghiêm vào các Trụ kinh năm 973, 979 là minh chứng hùng hồn cho sự hoằng hóa Đạo Phật của Khuông Việt và việc xây dựng chùa chiền, khắc kinh, tạo tượng tôn thờ, với các tràng Kinh đã khắc để làm tài liệu nghiên cứu, học tập tu dưỡng cho Tăng già, Phật tử Việt Nam thời ấy và có ảnh hưởng liên đới với nền văn hoá dân tộc Việt Nam ngày nay vẫn còn có giá trị thực tiển không thể phủ nhận.
Đến thời Lê Đại Hành. Sau khi Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị thái giám Đỗ Thích ám sát năm 979, Ngài đã cùng Pháp sư Pháp Thuận, Vạn Hạnh Thiền sư v.v… trù tính kế hoạch đưa Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn lên ngôi, lấy hiệu Lê Đại Hành, năm 980.
Năm Thiên Phúc thứ 1 (981), nhà Tống Thái Tổ sai Hầu Nhân Bảo đem quân sang xâm chiếm Đại Cồ Việt. Vua Lê Đại Hành đã mời Vạn Hạnh Thiền sư bàn kế sách để đánh giặc Tống, bàn luận về tương quan cán cân lực lượng của hai bên. Vua hỏi trận đánh này thắng bại thế nào?, Vạn Hạnh Thiền sư đáp: “Chỉ trong 3, 7 hôm là giặc rút lui”. Quả thực, 3, 7 hôm sau giặc Tống rút lui về nước, trả lại sự an bình cho Tổ quốc, quân Tống không còn ý đồ tấn công nước Đại Cồ Việt, đất nước tiếp tục độc lập tự chủ, hùng cường phát triển cho đến 1076 thời Lý. Đồng thời, Vua đã lệnh cho Thiền sư Khuông Việt đến đền thờ Tỳ Sa Môn Thiên Vương núi Vệ Linh hóa thân Phù Đổng Thiên Vương – Việt Nam, khấn nguyện kết quả như ý.
Nhất là bài thơ Thần Nước Nam, năm Thiên Phúc thứ I (981) Vua Tống Thái Tổ sai Hầu Nhân Bảo, Tôn Hoàng Hưng đem quan đến sông Đại Than tấn công Đại Cồ Việt, vua Lê Đại Hành và Phạm Cự Lượng đem quân đến trấn ở bên nầy sông Đồ Lỗ. Ban đêm nha vua nghe một vị thần đọc bài thơ:
"Đất nước Việt Nam do vua Nam ở
Việc này đã phận định tại sách trời
Tại sao ngươi dám đến đây xâm phạm
Cuối cùng chuốc lấy thảm bại thôi"(Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên dĩ định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư).
Quân Tống nghe bài thơ trên trong đêm vắng, giữa không khí mưa sấm nỗ rầm rầm, hoảng sợ thối lui, tan hàng rã ngũ. Quân Tống đại bại, Vua Lê Đại Hành rút quân về, mừng thắng trận.
Trên cơ sở đó, bài thơ được ghi lại thành văn phải là do Quốc sư Pháp Thuận chấp bút, vì Ngài là Cố vấn cho nhà Vua trong tất cả văn bản về ngoại giao và chính trị thời bấy giờ. Và qua đó, bài thơ Thần Nước Nam được xem là Tuyên ngôn độc lập của nước Nam xưa (981). Và từ đó, trở thành bản Tuyên ngôn Độc lập dưới thời Lý Thường Kiệt năm 1076 (khi đánh quân Tống lần thứ 2).
Năm Thiên Phúc thứ 7 (986), Ngài được vua Lê Đại Hành, chỉ định giả làm anh lái đò đưa sứ Tống là Lý Giác. Trong quá trình đón tiếp trên sông Nam Sách – Hải Dương về Hoa Lư, Lý Giác khi thấy hai con ngỗng bèn xuất khẩu thành thơ:
“Song song ngỗng một đôi
Ngửa mặt hướng chân trời”.
Ngài lập tức phụ thêm hai câu cuối:
“Lông trắng phơi dòng biếc
Nước xanh chân hồng bơi”.
Nhà ngoại giao Lý Giác vô cùng kính phục dân Nam, khi về đến Sứ quán có làm thơ bài tặng cho vua Nam.
Vua Lê Đại Hành cho mời Khuông Việt Quốc sư đến để hỏi về nghĩa bài thơ:
May gặp thời minh giúo được mưu
Một thân hai lượt sứ Giao châu
Đông đô đôi biệt lòng thêm luyến
Nam Việt muôn trùng mắt dõi theo
Ngựa đạp mây mù qua sông đá
Xe rời núi biếc thả đòng đưa
Ngoài trời còn có trời soi sáng
Sóng lặng khe đầm ngắm nguyệt thu.(Hạnh ngộ minh thời tán thịnh du
Nhất thân nhị độ sứ Giao Châu
Đông đô lưỡng biệt tâm vưu luyến
Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu
Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch
Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu
Khê đàm ba tịnh kiến thiềm thu).
Quốc sư nói: Câu thứ 7 “… Ngoài trời còn có trời soi sáng…”có ý “trân trọng vua Nam như là vua Tống”. Vua Lê Đại Hành vô cùng hoan hỷ và nhờ Đại sư làm bài từ để cảm ơn Lý Giác trước khi sứ thần trở về nước. Nội dung:
Trời lành, gió thuận cánh buồm giương
Thần tiền về đế hương
Muôn trùng vạn dậm vượt trùng dương
Đường về thẳm chín tầng
Tình lưu luyến, chén lên đường
Bịn rịn sứ tình lang
Nguyện đem thâm ý vì Nam bang
Phân minh tấu Thánh hoàng.
Và được xem như văn bản văn học ngoại giao đặc biệt của dân tộc Việt Nam do một vị Thiền sư Việt Nam sáng tác.
Đối với Khuông Việt Thái sư, Pháp Thuận Đại sư đã quá rõ, công tác phò vua giúp nước của các Thiền sư đã đóng góp không nhỏ cho vấn đề ngoại giao vừa tế nhị, vừa mền dẽo và tự chủ, nhưng cũng có trường hợp cương quyết và rõ ràng, như trường hợp Vạn Hạnh Thiền sư. Đó là năm Thiên Phúc thứ 2 (982), Vua Lê cử đoàn ngoại giao sang sứ nước Chiêm Thành, do Từ Mục làm Trưởng đoàn, nhưng bị vua Chiêm Thành bắt giữ. Nhà vua rất tức giận, chuẩn bị cất quân sang đánh, nhưng còn do dự. Vua Lê hỏi ý kiến Vạn Hạnh Thiền sư. Ngài đáp: Nên cất quân sang đánh tức thì, nếu không không còn kịp và sẽ bỏ lỡ cơ hội. Quả thực, khi vua Lê đánh Chiêm Thành, thì thu được nhiều thắng lợi, bắt được vua Chiêm là Bề Mi Thuế (Para mesvaravanam)và các tùy tướng, quần thần khác.
Đối với vận nước, vua Lê Đại Hành hỏi Pháp sư Pháp Thuận: Vận nước lâu dài như thế nào?
Ngài đáp:
“Vận nước như mây quấn
Trời Nam ôm thái bình
Vô vi ngự trong điện
Xứ xứ hết đao binh”.(Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh).
Trong bài thơ ngầm chỉ 3 ý: Thứ nhất, người lãnh đạo đất nước là phải tạo được sự đoàn kết toàn dân. Vì Nhà nước là của dân, và người thừa hành là vì dân. Do đó, sự đoàn kết, hòa hợp trong toàn dân sẽ tạo thành một sức mạnh tổng hợp, vừa chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc, vừa phát triển đất nước và phù hợp lòng người. Như Bác Hồ nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đó là một chân lý muôn đời. Ý thứ hai, Người lãnh đạo phải tôn trọng luật pháp, thực hành và có đạo đức, không thực hiện những điều trái đạo đức. Như Đức Phật, nhà lãnh đạo phải có đủ 10 pháp (Kinh Tăng Nhất A hàm) thì đất nước thanh bình, dân chúng an cư lạc nghiệp và thịnh vượng. Ý thứ 3 là phải có trí tuệ và trình độ lãnh đạo, biết quán xuyến việc nước, thực hiện đúng các kế hoạch, đưa ra những chính sách khả thi và phù hợp luật pháp, lòng người và thời cuộc, cũng như tình trạng xã hội v.v… Như Kinh Trường Bộ, Đức Phật dạy: Trong nước dân còn nghèo đói, thì không được đánh thuế hay tăng thuế, trái lại, cần giảm thuế và hỗ trợ cho những gia đình, thành phần khó khăn v.v… Đó là việc làm của người thức thời, biết thời cuộc và quản lý đất nước. Và bài thơ ấy cũng là những qui tắc muôn đời của những nhà lãnh đạo đất nước, không phải dành riêng cho vua Lê Đại Hành.
Được sự hướng dẫn của Pháp sư Pháp Thuận, vua Lê Đại Hành đã cho xây dựng chùa Nhất Trụ để tôn thờ Trụ Kinh khắc Phật Đãnh Tôn Thắng Đà La Ni và Tâm Chú tại Hoa Lư năm 995 để cầu nguyện cho đất nước thanh bình, dân chúng an cư lạc nghiệp. Nhất là công tác thỉnh Đại Tạng Kinh năm 1007, vua Lê Long Đĩnh đã sai em là Lê Minh Xưỡng cùng Hoàng Thành Nhã sang nước Tống thỉnh Đại Tạng Kinh đem về nước. Đây cũng là lần đầu tiên nước ta có một bộ Đại Tạng Kinh làm tài liệu nghiên cứu, học tập cho giới xuất gia và Phật tử Việt Nam thời bấy giờ, góp phần vào kho tàng văn hóa bản địa một cách cụ thể, hữu ích và vẫn còn giá trị thực tiễn qua các triều đại Lý Trần, Lê Nguyễn và cho đến ngày nay.
Từ những ý niệm trên, cho thấy trong thời Đinh – Tiền Lê Phật giáo đã đóng góp rất nhiều công sức trong sự phát triển đất nước, bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc, phát triển Đạo Phật vươn đến tầm cao của thời đại và tạo cho Phật giáo trở thành Quốc Đạo vào thế kỷ thứ 10 và các triều đại kế tiếp, nhất là thời Lý các Thiền sư dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi: Vạn Hạnh, Huệ Sinh, Chơn Không, Sùng Phạm, Viên Thông, Minh Không …; các Thiền sư dòng Thiền Vô Ngôn Thông như: Đa Bảo, Không Lộ, Viên Chiếu, Mãn Giác, Thông Biện, Giác Hải, các nhà vua đầu thời Trần … qua ba cuộc kháng chiến chống quân Tống (đời Lý) và Nguyên Mông (đời Trần), trở thành hiện thực và chứng minh cho tinh thần đoàn kết, hòa hợp có kế thừa và vận dụng qua mỗi thời đại của Phật giáo Việt Nam, trong quá trình phát triển chung của đất nước và dân tộc Đại Việt – Việt Nam. Như Toàn Nhật Quang Đài (thời Nguyễn) nói: “Xưa nay việc nước việc nhà – Cứu dân giúp nước sau mà chẳng nên – Luật rằng, phương tiện xảo quyền – Từ bi lợi vật pháp truyền xưa nay” (Hứa Sử Truyện).
Kế thừa và phát huy tư tưởng Bồ đề Tâm hay Phật tánh sẵn có của chúng sinh là vô tướng cần tu tập thể nhập, cho đến Thần Chú Đà La Ni là điều kiện thể hiện Tâm Mật tương ưng, tức Thân thành Phật của Tỳ Ni Đa Lưu Chi, bài thơ vận nước của Quốc sư Pháp Thuận. Nhất là tư tưởng của Thiền sư Vô Ngôn Thông: Ta là Phật, Phật là Ta. Cõi Phật ở đây, chính đây là cõi Phật, các Pháp xưa nay vẫn là như thế. Ba đời Chư Phật đều nói như vậy. Phật ở khắp mọi nơi của Thiền sư Cảm Thành. Tư tưởng nhận thức đúng về chân lý của Khuông Việt Đại Sư được xem là đạt chân lý. Vì chân lý là nhận thức đúng, nên được an lạc hạnh phúc và trên cơ sở ấy mà nỗ lực hành động, dấn thân làm việc lợi Đạo ích Đời, nhưng vẫn an lạc, tu tập giải thoát tại trần gian và cuộc đời nầy. Đây là sợi chỉ vàng xuyên suốt của tư tưởng Đạo Phật. Quả thực như Cụ Xuân Thủy nói: “Phật ở đâu xa, Phật ở lòng. Cõi lòng thanh tịnh tợ hư không. Tòa sen phảng phất hương thơm ngát. Át cả bùn nhơ át bụi hồng”.
Về Thiền phái, phái Thiền Vô Ngôn Thông cũng như tư tưởng Thiền Vô Ngôn Thông là đầu mối của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử đời Trần. Bởi lẽ, Thiền sư Hiện Quang (1221) xuất gia tu học với Thiền sư Trí Thông, Pháp Giới. Về sau lên núi Yên Tử tu tập, khai sơn phá thạch, thành lập đạo tràng tại đây, độ đệ tử là Thiền sư Đại Viên, mà Thiền sư Đại Viên là Thầy của Vua Trần Thái Tông (1218 – 1277). Thiền sư Tiêu Diêu thầy của Tuệ Trung Thượng Sĩ, Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230 – 1291) là thầy của Vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308), nhưng khi PHật Hoàng Trần Nhân Tông chứng ngộ, thì trở thành Điều Ngự Giác Hoàng, hợp nhất ba dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường thành một mối, gọi là Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Nhưng về cội nguồn, phải xem Thiền Vô Ngôn Thông thời Tiền Lý, Đinh, Lê, Lý là phát tích của tất cả dòng tư tưởng Phật giáo đời Trần.
Về Pháp môn tu tập, kế thừa tư tưởng Đà La Ni, Như Lai Mật ngôn của Tỳ Ni Đa Lưu Chi trong kinh Đại Tổng Trì Đà La Ni, Phật Đảnh Tôn Thắng Dà La Ni, Đại Bi Tâm Chú của các Tràng Kinh do Đinh Liễn, được sự hướng dẫn chọn lọc của Khuông Việt Quốc sư. Cũng như Đà La Ni Quán Thế Âm của tác phẩm Bồ tát Hiệu Sám Hối Văn của Pháp thuận Đại sư, Ma Ha đã tu tập, vẫn tiếp tục phát huy tu tập của các hành giả triều Lý như Vạn Hạnh Thiền Sư (1025) chuyên tu tập pháp môn Tổng Trì Tam Ma Địa; Viên Chiếu Thiền sư (1010) thấu rõ Tam muội, diễn thuyết lưu loát (văn tự, ngữ ngôn Đà La Ni); Đạo Hạnh Thiền sư (1117) chuyên tụng Chú Đại Bi Tâm Đà La Ni; Đại Xã Thiền sư (1180) thường trì tụng thần Chú Diệu Môn Phổ Hiền của Hoa Nghiêm; Nguyên Học Thiền sư (1181) thường trì tụng Hương Hải Đại Bi Đà La Ni; vua Trần Anh Tông (1318) cho dịch Bạch Tán Thần Chú Kinh; Thiền sư Pháp Loa (1284 – 1330) trì tụng Kim Cương Trường Đà La Ni Chú; Đại sư Phổ Am với Chú Phổ Am (đời Nguyễn); HT. Thiền Tâm và HT. Viên Đức thời hiện đại với Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni và Đại Bi Tâm Đà La Ni, Chuẩn Đề Thần Chú ….
Qua bài văn Bồ tát hiệu Sám hối của Pháp Thuận Đại sư, mà trước đó Pháp sư Ma Ha do tu tập quán pháp sám văn nầy mà được Đức Quán Thế Âm Bồ tát gia hộ, rưới nước cam lồ, làm cho đôi mắt bị mù sáng lại như xưa là một chứng minh hùng hồn cho tín ngưỡng và sự hộ trì của Đức Quán Thế Âm đã hình thành và Phật tử Việt Nam đã thực hành tu tập từ hơn 1000 năm qua. Tuy đến thời Trần, thì Trần Thái Tông chủ trương không cầu đối tượng Phật, Bồ tát làm sám pháp, mà chỉ tự cầu, tự sám qua 6 căn đối với 6 trần trình bày thứ lớp trong Khóa Hư Lục. Song, từ đời Lê – Nguyễn cho đến ngày nay, thì Pháp Sám hối theo văn đối tượng của Pháp Thuận vẫn có tác dụng và phát triển phong phú thêm như: Dược Sư Sám pháp, Từ bi Thủy sám, Lương Hoàng sám, Tịnh độ sám nghi, Pháp Hoa sám pháp, Hồng danh Bửu sám pháp v.v… trở thành những thời khóa tu tập của đại đa số Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ngày nay.
Tóm lại, Phật giáo thời Đinh và Tiền Lê là điểm son, là nền tảng cho sự thống nhất Phật giáo, là ý thức cao độ của tinh thần đoàn kết hòa hợp, củng cố hòa bình, xây dựng đất nước phồn vinh, văn minh tiến bộ trong thời đại tự chủ, hòa bình, độc lập, thống nhất tổ quốc từ thế kỷ thứ 10 cho đến nay. Qua đó, Phật giáo cũng tự khẳng định vị trí của mình trong cộng đồng dân tộc, ngoài sự phát huy Đạo pháp cũng không quên nỗ lực hộ quốc an dân, làm tốt đời đẹp đạo, ủng hộ các triều đại hợp lòng dân, những nhà lãnh đạo chân chính, biết lo cho dân và vì dân. Do đó, Phật giáo đã phát huy được tiếng nói của mình trong các thời đại và các lĩnh vực khác nhau: Văn hóa, xã hội, giáo dục, chính trị và ngoại giao, góp phần mang lại hòa bình, độc lập thống nhất đất nước, thống nhất Phật giáo Việt Nam xưa cũng như nay.
Và trên tinh thần đoàn kết, hòa hợp, là sức mạnh tổng hợp của dân tộc, mà Phật giáo Việt Nam là chất liệu keo sơn để gắn kết các thành phần khác nhau, tôn giáo khác nhau trong xã hội, tạo thành một xã hội đa tôn giáo, nhưng đoàn kết, vững mạnh và vì mục đích chung: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh kết hợp lý tưởng Tam giáo Phật, Nho, Lão cùng hoạt động của thời đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê của Việt Nam xưa cũng như đa tôn giáo thời đại ngày nay. Quả thật: “Hoa đời hoa đạo đua nhau nở – Mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương”.
Theo: GHPGVN
Sách tham khảo:
– Phật giáo Việt Nam (Trần Văn Giáp)
– Việt Nam Phật giáo Sử lược (TT. Mật Thể)
– Việt Nam Phật giáo Khảo luận (Vân Thanh)
– Việt Nam Phật giáo Sử luận (GS. Nguyễn Lang)
– Lược sử Phật giáo Việt Nam (GS. Lê Mạnh Thát)
– Việt Nam sử lược (GS. Trần Trọng Kim)
– Lược sử Phật giáo Việt Nam (GS. Nguyễn Tài Thư)
– Thiền Uyển Tập Anh (Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga – NXBVH)
– Nghiên cứu Thiền Uyển Tập Anh (GS. Lê Mạnh Thát)
– Thiền sư Việt Nam (HT. Thích Thanh Từ)
– Phật học Phổ thông Khoá V (HT. Thích Thiện Hoa)
– Ninh Bình Một vùng Sơn thủy hữu tình… (Lã Đăng Bật)