Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Ăn chay-ăn lạt?

Ăn chay-ăn lạt?

150
0

Khách viếng Cố đô, có lăng chùa thắng tích;
Sản vật ngon lành, người thanh lịch mến yêu.
(Thanh Tùng)

Sản vật ngon lành phải kể đến cây trái, hoa quả như quýt ngọt Hương Cần, dâu xứ Truồi, dừa Mỹ Lợi, sen hồ Tịnh, Văn Xá, Phong Điền, gạo de An Cựu, sò huyết Lăng Cô… Nhiều thức ăn gốc động vật, lắm món ăn được chế biến từ thực vật, rau quả. Vào thời đổi mới, nhiều loại thức ăn như bình dân như rau muống , rau má, rau dền, bông bí, trái vả…lên ngôi ở các  nhà hàng, khách sạn nhiều sao. Thị hiếu của du khách kéo theo người bản địa thích ăn món dân dã, nhẹ nhàng tiêu hóa mà lại bổ dưỡng. Chán chường thịt cá, chủ và khách đều có khuynh hướng ăn rau quả, ăn lạt, ăn chay cho dù là ngày thường không phải là ngày sóc, ngày vọng, ngày lễ và ngày vía Phật. Phật tử thích ăn chay nhiều ngày, chưa là Phật tử cũng thích ăn lạt, ăn chay cho nhẹ nhàng, rỗng lòng và thư thái tâm hồn. Quán chay, nhà hàng chay, khách sạn có thương hiệu đều có một đội chuyên trách chế biến thức ăn chay, có khi du khách đòi ăn “cỗ lợt”.

Ngày 10 tháng 4 âm lịch vừa qua, bản thân chúng tôi đi dự lễ 50 ngày của một vị Thầy giáo cũ thành danh, thành phận vượt biên giới quốc gia vì đã đỗ đạt cao, dạy học ở các đại học nổi tiếng về kỹ thuật xây dựng cầu đường. Đi ăn một bữa giỗ học thêm biết thêm nhiều chuyện hay, chuyện lạ, chuyện mới.

Phần lớn khách dự đều thích món vã kho chay, mít ram chay, bánh bột lọc chay và bánh khoái chay, cơm hến chay, bánh canh chay…

Tôi ngồi cạnh nông dân chay người xã Quảng Thái. Trong xã giao, giao lưu với người chưa từng quen biết, anh ta tự giới thiệu mình là Phật tử thích ăn lạt, chứ không mấy thích ăn chay. Lạ quá, lần đầu tiên trong đời tôi nghe và biết ăn chay khác với ăn lạt. Hay do kiêng cử người Huế còn gọi ăn lợt, ăn “cỗ lợt”.

“Chay” với “lợt” hoặc “lạt” sao lại khác nhau vừa theo “ngôn ngữ” vừa theo “bản chất”.  Tôi học được một bài học quý từ người nông dân ở quê lên dinh tham dự lễ cúng 50 ngày của người thân trong gia tộc.

Theo anh ta, nhỏ tuổi hơn tôi chừng năm năm sinh sau. Anh nói: Vì kiêng kỵ húy người Huế gọi “cỗ lạt” là “cỗ lợt”. “Lạt” (không viết hoa) trái nghĩa với mặn, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói rõ:

“Thế gian biến cải vũng nên đồi
Mặn lạt chua cay lẫn ngọt bùi”

Kho cá để ăn, bỏ ít muối và nước mắm cho ăn vào, cái lưỡi cảnh báo cho người ăn đòi hỏi phải tẩm thêm nước mắm cho vừa khẩu vị. Thế thì, “lạt” tức là vì thiếu mắm, thiếu muối. Ăn mặn quá thì phải bỏ đường, vắt chanh vào món ăn mặn (gốc thịt cá) cho nó làm giảm nồng độ mặn đi.

Nếu một người chỉ ăn cơm không thì khó ăn lắm, vì thiếu muối. Ăn cơm muối với ớt là ăn lạt, lạt mà mặn vì phải dùng muối. Trong đời có “chi ngon bằng muối, chi khôn hơn tiền”.

Thành thử ra ý nghĩa, nội hàm của “lạt” (lợt), “mặn” có khác nhau. Tùy theo văn cảnh, tùy theo tình huống mà phân biệt “mặn”/ “lạt”. Có thể là “mặn” đối với khẩu vị của người này, mà “lạt” đối với khẩu vị của người khác tuy rằng thức ăn lấy gốc từ rau quả, từ thực vật…

Người xưa gọi “ăn lạt” (ăn lợt) chỉ vì không có món ăn nào (gốc thực vật hoặc động vật) mà đều không “sát sinh” trong quá trình chế biến, nấu nướng. Nấu cơm có dùng nước để vo gạo không? Lẽ tất nhiên phải dùng nước. Ai đảm bảo trong nước lọc, nước dùng để nấu cơm không có sinh linh nào? Đức Phật dạy trong nước có nhiều sinh linh mà mắt trần chúng ta không thấy.

Vì vậy mà người ta gọi “ăn lợt”, “cỗ lợt”, “cháo lợt”. “Lợt” mà “mặn”! anh thấy không?

Còn thuật “ăn chay” có nội hàm khó lòng được chấp nhận như ý nghĩa, bản chất của thuật ngữ “ăn lợt”.

Không có cái gì là tuyệt đối, làm sao bảo “chỉ là đồ ăn chay thuần túy” mà không vương vào “chất mặn” toát ra từ một loài, nhiều loài nào thật vi tế mà mắt trần ta không nhìn thấy?

Vì thế cho nên nhà chùa dùng thuật ngữ “ăn lạt”  (lợt), “cỗ lạt” (lợt) thay vì gọi “ăn chay”, “cỗ chay”. Có một loài cây gọi là “cây chay”, người ăn trầu lấy tí võ cây ấy để ăn ghém với trầu và vôi võ cho dão dai và ý vị.

Lên chùa ăn “cỗ lợt” thì đó một cách gọi chuẩn mực chuẩn xác hơn “ăn chay”, ăn “cỗ chay”.

Phân tích ngôn từ theo lối “chẻ sợi tóc làm tư”, đó cũng là môt tìm hiểu hay hay. Sa vào phân tích một cách quyết liệt thì sẽ rơi vào ảo tưởng, ảo vọng và cực đoan.

Ngôn ngữ chỉ có tính cách quy ước, tương đối, có tính cách mặc ước mà thôi. Chúng tôi lên chuyện để cầu thế vấn, Nhàn đàm sẽ đưa chúng ta tìm ra lời giải mã. Tùy duyên, phương tiện.

Huế, mùa sen nở, 2554.
L.Q.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here