Đêm hội diễn ra vào lúc 20giờ tối ngày 10/6 tại Kỳ Đài-Phu Văn Lâu (Kinh Thành Huế). Cũng như nhiều người khác, tôi háo hức đến sớm hơn nửa giờ để được nhìn ngắm kỹ hơn không gian sân khấu được thiết kế rất quy mô, lấy Kỳ đài-Phu Văn Lâu cổ kính trầm mặc làm hậu cảnh, tận dụng tối đa hiệu ứng ánh sáng màu để pha chiếu tạo lên một không gian sân khấu vừa hiện đại vừa lung linh huyền ảo dấu tích xưa.
Hành trình mở cõi là một câu chuyện dài được “kể” lại thành 03 chương: chương 1: Kể chuyện diễn trình mở cõi; chương 2: Kể chuyện thống nhất giang sơn; chương 3: Kể chuyện ngày hội non sông. Nội dung chương trình dựa hoàn toàn trên cơ sở diễn tiến cuộc Nam tiến của dân tộc ta, khởi nguồn từ thế kỷ X và kết thúc khải hoàn vào năm 1945, mở ra một trang mới của lịch sử dân tộc bằng thời đại Hồ Chí Minh.
Có hàng trăm diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ hóa trang thành “người xưa” cùng nhau kể lại câu chuyện “Hành trình mở cõi” của dân tộc. Những mốc niên đại và sự kiện “mở cõi” được kịch hóa là từ lễ cưới công chúa Huyền Trân, (1306); đến khi Nguyễn Hoàng vào Nam, đặt nền móng cho sự khai phá Đàng Trong (1611), các chúa Nguyễn lập Khu Dinh điền ở Biên Hòa (1623), dời thủ phủ vào Kim Long (1635), lập Sài Gòn- Gia Định (1698), năm 1757, lập nên Cà Mau (1757); vua Quang Trung lên ngôi, chọn Huế là Kinh đô của cả nước; sau đó ra Bắc đại phá quân Thanh (1788); vua vua Gia Long thống nhất đất nước (1802), đặt Quốc hiệu Việt Nam (1804); Cách mạng Tháng Tám thành công (1945); Thống nhất hoàn toàn đất nước (1975).
Một câu chuyện dài của dân tộc, nhưng với công chúng đến xem có thể có người nắm bắt hết được nhưng chắc cũng có lắm người không thể hiểu hết được. Bởi “Hành trình mở cõi” của dân tộc ta thời nào cũng có và kéo dài cả ngàn năm, mà mỗi thời có một dấu ấn nhất định. Thời Lý là “màn dạo đầu” với cuộc chinh phạt Chiêm 1044 và 1069 lấy về ba châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh (nay là Quảng Bình và bắc Quảng Trị).
Thời Trần thì ý thức đã thành hành động, năm 1306, với sự kiện nhà Trần gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân để đổi về hai Châu Ô, Rí (nay thuộc vùng nam Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế); đây là lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử dân tộc một “cuộc mở cõi” trong hòa bình, không chinh chiến gươm đao, không máu đổ thịt rơi. Và mãi đến nay, trên sông nước Hương giang đêm đêm vẫn vang vọng mãi câu hò “nước non ngàn dặm ra đi…” như một lời nỉ non của công chúa Huyền Trân với muôn dân.
Thời Hậu Lê với cuộc chiến tranh Việt-Chiêm năm 1471 lấy trọn vẹn miền bắc Chiêm Thành (từ đèo Hải Vân đến bắc Phú Yên ngày nay) đặt tên vùng đất mới là thừa tuyên Quảng Nam. Lãnh thổ của Đại Việt được kéo về phía nam đến núi Thạch Bi, nay thuộc Phú Yên. Lê Thánh Tông có khắc chữ vào vách đá trên đỉnh núi, ghi công mở đất và phân định ranh giới.
Thời các chúa Nguyễn và vua Nguyễn (từ 1611 đến 1945) đã có một công cuộc mở mang bờ cõi về phía Nam chưa từng thấy trong lịch sử định hình gần như trọn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như ngày hôm nay. Vì vậy, Đêm hội tập trung khai thác diễn trình mở cõi của các chúa Nguyễn và vua Nguyên như một lời khẳng định về chủ quyền, khẳng định nền độc lập của Việt Nam.
Và đêm hội khép lại với những màn biểu diễn nghệ thuật ca ngợi thời đại Hồ chí Minh thông qua hai sự kiện lịch sử vẽ vang Cách mạng Tháng Tám thành công (1945) và Thống nhất hoàn toàn đất nước (1975) như một lời khẳng định chắc chắn về sự thống nhất đất nước với sự toàn vẹn về lãnh thổ.
Sợi chỉ xuyên suốt câu chuyện là tinh thần dân tộc, độc lập chủ quyền. “Hành trình mở cõi” với ngôn ngữ nghệ thuật giàu chất ước lệ sử thi, những khúc đoạn hùng tráng đã khép lại chương trình lễ hội đặc sắc, ấn tượng đi vào lòng người. Bằng những tình cảm da diết “Hành trình mở cõi” làm bừng sáng lên vai trò lịch sử của vùng đất Thuận Hóa-Phú Xuân-Thừa Thiên Huế nói riêng và cả xứ Đàng Trong nói chung ngàn năm vẫn “vọng về cố hương” Thăng Long lịch sử.
Từ thuở mang gươm đi mở nước
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
T.N