Gần ngày Đại tường của ba tôi, mẹ tôi bàn việc :
– Má muốn nhân dịp Đại tường của ba thì mời Thầy về tổ chức lễ cầu siêu với trai đàn chẩn tế luôn một thể. Con lên chùa thưa với Thầy xin hướng dẫn cách làm. Đây là tâm nguyện của má từ lâu, cố gắng mà làm cho tốt.
Ba mẹ tôi khi lớn tuổi đã dành nhiều thời gian lo Phật sự, riêng má tôi đã tham gia nhiều khóa tu học ngắn ngày, còn anh em tôi chỉ biết đạo Phật qua sách vở chứ nào có am tường chi chuyện nghi lễ. Sợ mẹ lo lắng tôi nói:
– Má yên tâm, con sẽ thưa Thầy rồi chuẩn bị mọi việc chu đáo.
Tôi nói cứng thế mà trong lòng rất lo. Chà! Đi mời Thầy ngại quá. Thầy nổi tiếng khó tính, việc gì cũng phải chỉnh chu. Chùa của Thầy ít đệ tử vì ai cũng sợ và ngại. Tôi nghe kể có nhiều gia đình khi mời Thầy đến nhà cúng mà chuẩn bị không chu đáo thì Thầy chưa cúng, bảo khi nào chuẩn bị đàn hoàn mới cúng. Việc cúng cấp có giờ có ngày mà để xảy ra bất trắc thì nguy quá, tôi thật sự lo lắng. Vào thời kỳ này việc tổ chức cúng cấp theo nghi lễ tôn giáo không dể dàng gì vì chủ trương của nhà nước đối với các tôn giáo chưa được cởi mở, tâm lý chung ai cũng sợ và ngại phiền phức. Có lẻ đám tang của ba tôi là một trong rất ít đám tang được tổ chức theo nghi lễ Phật giáo một cách trọng thể vào thời điểm đó, bây giờ lại tổ chức trai đàn nữa thì chỉ có mẹ tôi mới có gan như rứa.
Cả mười ngày sau đó tôi đi khắp nơi hỏi kinh nghiệm tổ chức trai đàn. Ai nghe tôi nói mời Thầy về chủ lễ cũng lắc đầu lo ngại. Ai cũng bảo Thầy khó lắm, theo Thầy không nổi đâu. Thỉnh thoảng mẹ tôi lại hỏi:
– Con đã thưa với Thầy chưa?
– Dạ, để con chuẩn bị xong rồi mới đến gặp Thầy.
– Tính Thầy chu đáo, con phải thưa sớm để Thầy chuẩn bị. Để cận ngày Thầy từ chối thì tiếc lắm.
Mấy ngày qua trong lòng tôi hơi giao động, nghĩ thầm nếu Thầy khó quá thì mời Thầy khác. Nhưng tại sao mẹ tôi lại bảo “ Thầy từ chối thì tiếc lắm”? Tôi nói chuyện để thăm dò ý mẹ.
– Nghe nói Thầy khó lắm nên nếu mình cố gắng mà không được thì mời Thầy khác cho tiện. Má nghĩ sao?
– Làm việc chi cũng có “cái duyên” nhưng trước hết phải cố gắng, mà đừng nghĩ lui con nợ!* Thầy chu đáo, cẩn thận chứ không khó, chẳng qua bà con mình chưa hiểu hoặc không quen việc nên ngại.
Mẹ tôi nói như rứa là hiểu bụng dạ tôi rồi, tôi lại càng lo nữa. Thế là tôi đánh liều lên gặp Thầy trực tiếp để thưa chuyện. Ngôi chùa nhỏ nằm trên vùng Quảng Tế. Vườn chùa rộng mênh mông như một phần khu rừng, có nhiều cây cổ thụ cao vút. Mới bước vào cổng tam quan mà lòng đã cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng. Không biết trong chùa có bao nhiêu điệu chúng mà quét vườn sạch trơn. Đất vườn mới quét có mùi thơm nồng nồng, cảm giác mát dịu hình như thấm qua giày chạy vào cơ thể. Hồi nhỏ thích nhất là trải chiếu dưới gốc cây mới quét để ngủ trưa, bây giờ thấy cảnh vườn chùa sạch sẽ tự nhiên cảm thấy thân quen. Cảm giác dể chịu cho tôi tự tin hơn khi vào gặp Thầy.
Cách chạm trổ tinh vi trên các đồ gỗ đã bị thời gian làm phôi pha chứng tỏ đây là một ngôi chùa cổ. Đồ đạt không nhiều nhưng được sắp đặt một cách hài hòa. Từ ngoài vào trong chổ nào cũng sạch sẽ, tươm tất. Thầy tiếp tôi ở bộ trường kỷ xưa láng bóng.
– Mệ ở nhà có khỏe không? Lúc trước Mệ cùng với các bác ở dưới
làng lên đây thọ Bồ Tác giới. Tội! các bác đã lớn tuổi mà rất cố gắng.
-Thưa Thầy mẹ con cũng khỏe.
– Người có học thường hay dùng trí tuệ phản biện để xác tín, bởi rứa cái chi họ dùng giác quan kiểm soát được thì mới tin; còn các mệ thì ngược lại, họ tin rồi mới thấy. Rứa mà họ an lạc hơn nhiều người đó.
Thầy chế hai ly nước chè. Màu nước chè xanh hơi vàng lục sóng sánh trong ly thủy tinh, phản phất mùi gừng thơm rất dể chịu.
– Mời anh uống nước. Hôm ni anh gặp tui có việc chi không?
– Sắp đến nhân dịp Đại tường của ba con nên mẹ con có phát tâm tổ chức lễ cầu siêu và trai đàn chẩn tế, mẹ con đi lại khó khăn nên cho con đến thưa Thầy xin nhờ Thầy giúp. Xưa nay trong gia đình con chưa bao giờ tổ chức việc này.
Thầy im lặng một lúc rồi bỗng nói:
– Thời buổi ni mà dám làm trai đàn hà?* Anh không sợ bị phê bình, kiểm điểm sao? Mất thi đua tiên tiến đó.
Chà, Thầy ở trong chùa mà chi cũng biết. Bỗng trong đầu tôi thoáng một chút tếu nên vừa cười vừa trả lời:
– Thưa Thầy con sợ nhất là bị mẹ con kiểm điểm.
– Anh cả gan hỉ?*Được! anh không sợ thì tui làm cho.
– Thưa Thầy gia đình con chỉ có mẹ con thường đi chùa còn tụi con không biết chi cả. Cách nói năng tiếp xúc với Quí Thầy và nghi lễ tôn giáo thì chúng con mù tịt, mong Thầy thông cảm và hướng dẫn.
– Ở đời làm việc chi cũng cần có tối thiểu 3 yếu tố: tâm, tiền và tài. Tâm không có thì không quyết được việc chi, có làm thì cũng làm a dua mà không đến nơi đến chốn. Người có tâm thì thường gặp duyên lành. Muốn làm mà không có tiền thì làm răng mà làm được. Mình phải chủ động đồng tiền rồi nếu có duyên thì sẽ được người giúp thêm. Cuối cùng thì phải có tài tổ chức mới làm cho công việc thông suốt. Người có tài tổ chức là biết vạch kế hoạch và biết dùng người. Biết tổ chức thì sẽ giảm được chi phí mà công việc bớt phức tạp. Nên lo nghĩ thật kỹ trước khi làm, đến khi vào việc thì nhẹ nhàng thanh thản, có như rứa anh mới vui vẻ phấn chấn đồng thời tránh xung đột trong công việc. Còn nói chữ “duyên” thì vô cùng, không gặp duyên thì đầu không xuôi, đuôi không lọt. Mà nghĩ cho cùng thì cái duyên cũng từ tâm mà ra.
Thầy nói chậm, nhẹ nhàng, nhưng ngữ khí lại rất cương quyết, thẳng thắn. Càng nói chuyện hai người càng cảm thấy thân mật. Cảm giác ngại ngùng, âu lo ban đầu đã không còn nữa, tôi nói chuyện với Thầy như tâm sự với người thân.
Câu chuyện của hai người đi qua nhiều vấn đề khác nhau nhưng nội dung nào cũng nói chuyện một cách tương hợp. Quay lại câu chuyện cúng kiến, Thầy bảo:
– Anh về thưa với bác hãy yên tâm, mọi việc Thầy sẽ thu xếp và sẽ cho một Thầy về trước để bàn cụ thể và sắp đặt. Thời buổi chừ không bày vẽ nhưng cũng phải giữ những nghi lễ tối thiểu. Thưa bác cố gắng giữ gìn sức khỏe.
Tôi bước những bước đi trong sân chùa một cách chậm rải như để tận hưởng những phút giây hạnh phúc, lòng cảm thấy lâng lâng khó tả. Tôi cảm nhận được sự an lạc trong từng giây phút đó. Phải chăng vì lòng thành của mẹ tôi hay vì ba tôi linh thiêng phò hộ mà sáng nay công việc đã diễn ra một cách thuận lợi đến bất ngờ.
Mọi việc lo lắng, chuẩn bị rồi nó cũng đến. Lễ trai đàn chẩn tế diễn ra trong 3 ngày 3 đêm, trong chương trình Thầy sẽ nói Pháp vào đêm cuối cùng. Trong chùa có một vị lanh lợi, thạo việc được Thầy giao nhiêm vụ thường xuyên phối hợp với gia đình, đồng thời lo việc công văn, sớ giấy.
Trước một ngày lễ được tiến hành Thầy hẹn tôi lên chùa. Hôm ấy Thầy kiểm tra mọi việc chuẩn bị ở nhà, rồi hỏi tâm lý của mọi người như thế nào, sau đó Thầy tâm sự như muốn tìm hiểu chuyện nhà, chuyện đoàn kết trong gia đình.
Phong cách chậm rải, thư thả, lúc nào đến cúng Thầy cũng đi sớm, vừa ngồi uống trà vừa quan sát sự chuẩn bị của gia đình rồi dặn Thầy thị giả giúp gia đình kiểm tra lại lần cuối, mọi việc đâu vào đấy mới bắt đầu cúng. Việc đại sự như vậy mà tôi không cảm thấy bị áp lực. Mẹ tôi vốn chu đáo nên lúc nào cũng đón Thầy từ ngoài xóm với lọng vàng và lư trầm. Đến lúc Thầy đắp y xong, chuẩn bị cúng thì tôi lại bưng khay trầm và Mẹ tôi lạy thỉnh Thầy .
Mẹ tôi bảo sao thì tôi làm vậy nhưng trong lòng cũng không an vì không hiểu sao Thầy đa lễ thế? Chỉ cần nhìn ánh mắt thì mẹ tôi đã hiểu tôi suy nghĩ gì. Buổi tối hôm đó sau khi lễ lạc đã kết thúc, cả nhà quây quần ăn trái cây, mẹ tôi bảo:
– Chuyện nghi lễ là do tấm lòng của má chứ Thầy không đòi hỏi gì. Khi má lạy Thầy là má thay mặt cả gia đình nhờ Thầy cầu nguyện lên Tam bảo cho các hương linh được siêu thoát. Một mình má cầu nguyện chưa đủ mà phải cả nhà cùng nhất tâm đảnh lễ thì mới tốt. Nếu bày nghi lễ ra cho nhiều mà chỉ có hình thức thì mang tội, thà không làm còn đã làm thì phải có lòng thành.
Không ai nói ra nhưng mọi người đều vui vẻ nghe lời mẹ tôi dặn và đang điều chỉnh những suy nghĩ của mình.
Suốt trong 3 ngày, lúc nào Thầy cũng động viên gia đình và lo lắng cho sức khỏe của mẹ tôi. Tánh Thầy chu đáo nên Thầy công văn phải vất vả. Mọi việc thiếu sót thì trách nhiệm chính là của Thầy công văn.
Không khí những ngày trai đàn thật vô cùng thiêng liêng, gia đình chúng tôi hình như đang thay đổi cả cuộc sống. Từ hình thức trang trí, mùi hương trầm, đến việc ăn chay cả gia đình trong nhiều ngày và những nghi lễ đã ảnh hưởng đến tâm lý mọi người. Tiếng Thầy tụng kinh hay lắm. Từng chữ, từng câu như đi vào trong sâu thẳm của tâm hồn. Các bài kinh đó tôi không hiểu gì cả nhưng tôi đã cảm nhận rất nhiều. Quỳ nghe kinh tôi như được sống trong một thế giới khác. Đặc biệt nghe những bài tán hình như chúng tôi được tắm gội trong sự nhiệm mầu một cách kỳ lạ. Tưởng chừng mỗi tế bào trong cơ thể đang được đổi thay.
Đêm thứ ba là đêm có nhiều nghi lễ quan trọng và cuối cùng là nghe Thầy nói Pháp. Mọi người đã dọn dẹp gọn gàng. Một cái bàn nhỏ đặt trước bàn thờ, có bình hoa hồng và bộ ấm trà. Gia đình tôi và một số Phật tử trong địa phương ngồi kín cả căn nhà lớn. Thấy các Phật tử háo hức chờ nghe nói Pháp làm tôi ngạc nhiên.
Thầy làm một vài nghi lễ nhỏ trước khi nói chuyện. Khi tiếng chuông vừa dứt Thầy mở đầu :
– Thưa các Bác, thưa Quí Phật tử, thưa các anh chị trong gia đình. Hôm nay Thầy không nói chuyện chi cao siêu cả mà chỉ trao đổi với mọi người về nội dung: làm lễ cầu siêu và trai đàn chẩn tế để làm chi? Trong khi nghe Thầy nói có gì thắc mắc quí vị có thể hỏi, cái chi biết thì Thầy trả lời ngay, cái chi chưa biết Thầy sẽ tìm hiểu hẹn có dịp khác trả lời cho quí vị. Cố gắng nghe và hỏi, đừng ngại chi cả. Rứa mới học đạo.
Quan niệm về tu tập của Thầy thật nhẹ nhàng. Tu là điều chỉnh suy nghĩ và hành vi để bỏ chổ tối tìm chổ sáng, bỏ cái xấu tìm cái tốt, bỏ điều sai làm điều đúng. Tu cũng giống như tập thể dục hàng ngày là biến một cơ thể yếu đuối thành một cơ thể cường tráng. Làm người ai cũng sai nên ai cũng phải tu để điều chỉnh, và vì ai cũng đang điều chỉnh nên chúng ta nên nhìn người khác ở phần tốt, phần chuyển biến tích cực, không nên đánh giá người khác, phê phán người khác từ những nhược điểm mà người ta chưa điều chỉnh được. Hàng ngày, mỗi người trong chúng ta chỉ cần dành ít phút để xem lại những điều chưa tốt của mình thì sẽ thấy cái tốt chung quanh nhiều lắm. Tu không phải là ăn chay, niệm Phật, giữ giới luật nhưng ăn chay, niệm Phật, giữ giới luật để mà tu.
Thầy nói một lúc lại dừng lại hỏi ai có thắc mắc gì không, không ai hỏi thì Thầy đặt lại câu hỏi. Với một phong cách giản dị, gần gủi, Thầy nói chuyện như tâm sự với mọi người và từ đó Thầy đã dẫn câu chuyện vào nội bộ của gia đình. Câu chuyện của Thầy rất chung nhưng mỗi người nghe tự cảm thấy có điều gì đó đang nói riêng với mình. Càng nghe tôi giật cả mình vì buổi nói chuyện hôm nay mà Thầy đã hẹn gặp tôi trước khi tổ chức lễ trai đàn.
– Gia đình tổ chức lễ cầu siêu và trai đàn là để cầu cho “âm siêu dương thái”, là để bày tỏ lòng hiếu đạo với những người đã khuất vậy ngay trong giờ phút hiện tại nếu mỗi người đang ngồi đây cởi bỏ hết được những thành kiến với người thân của mình mà mở lòng ra yêu thương những người cùng huyết thống, ruột thịt thì tự nhiên cảm thấy an lạc và cũng có nghĩa là quí vị đã bày tỏ lòng chí hiếu với ông bà tổ tiên. Khi quí vị yêu thương những người thân của mình thỉ quí vị mới yêu thương những người chung quanh, yêu thương cộng đồng. Ai cũng cho mình có hiếu nhưng trong gia đình, thân tộc chưa đoàn kết được thì chưa thể gọi là có hiếu. Hôm nay lễ trai đàn chẩn tế tạm kết thúc phần nghi lễ nhưng trai đàn đó đang tiếp tục diễn biến trong lòng mỗi thành viên trong gia đình. Quí vị sẽ tiếp tục điều chỉnh suy nghĩ, tình cảm của mình để đến khi nào mình biết thương cái yếu đuối , sai sót và thấy được những mặt đáng yêu của những người thân của mình thì tin chắc rằng đại lễ trai đàn chẫn tế thật sự viên mãn.
Phần nói chuyện của Thầy vừa kết thúc cả gia đình chúng tôi quỳ lạy Thầy 3 lạy. Thầy vừa đứng dậy, vị thị giả đã giúp Thầy ra y, gia đình tôi vẫn đứng nguyên tại chỗ. Thầy đến nắm tay mẹ tôi rồi mời ngồi xuống chiếc ghế của Thầy. Mẹ tôi chưa kịp phản ứng Thầy đã ấn nhẹ để mẹ tôi ngồi xuống và một tay vẫn giữ mẹ tôi không cho đứng dậy.
– Thưa các Bác, thưa quí Phật tử, 3 ngày qua tôi đã thay mặt Tam Bảo để chủ trì nghi lễ. Tôi cũng đã thay mặt gia đình để dâng lên Tam Bảo những lời cầu nguyện. Tất cả những nghi lễ mà gia đình đã dành cho tôi không phải cho cá nhân mà đó là cho Tam Bảo. Ngày thường tôi luôn luôn xem Bác gái như người mẹ của mình vì tôi mất mẹ rất sớm. Bây giờ công việc đã xong tôi xin được lạy người mẹ của mình.
Thế là Thầy cúi người xuống vái mẹ tôi. Cả gia đình hoảng hốt, không ai kịp ngăn Thầy lại, mẹ tôi cũng không kịp đứng dậy.
Không ai bảo ai tự nhiên mọi người đều khóc ròng rồi đồng loạt quì xuống lạy Thầy. Đó là những giây phút cuối cùng thiêng liêng nhất của lễ trai đàn chẩn tế. Trong nước mắt mọi tấm lòng đã mở ra và thật sự mọi việc đã viên mãn. Chắc nhiều người còn nghi ngờ về Tam Bảo nhưng tôi đã may mắn được gặp Tam Bảo trong đời thường.
____________________
*“nợ!” là tiếng đệm của người Huế, giống như tiếng “ạ!”