Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Tâm-Thân, đôi bạn muôn thuở

Tâm-Thân, đôi bạn muôn thuở

128
0

Lũ tí hon đành chun qua cửa sổ kia, nhưng khi rớt xuống, chúng rơi loạn xạ trên tấm thảm như những đốm nhỏ hỗn độn không có thứ lớp. Tên khổng lồ mỉm cười thích thú. Hắn bèn thụt tay về xem lũ tí hon có sắp hàng thứ lớp như trước không. Hắn ngạc nhiên thấy chúng chun qua hai cửa sổ và sắp thành những hàng sáng tối đều đặn trên tấm thảm như trước. Tên khổng lồ lặp đi lặp lại hai động tác đó nhiều lần, và lũ tí hon đều có những phản ứng như trước. Bầy tí hon biết giao thoa như những sóng với những lằn sáng tối xuất hiện trên màn ảnh khi cả hai cửa sổ đều mở, nhưng khi một trong hai của sổ bị bịt lại, chúng rơi loạn xạ trên tấm thảm chẳng khác nào những hạt sỏi ném qua cửa sổ. Phải chăng bầy tí hon đang trêu ghẹo tên khổng lồ?

Thật ra tên khổng lồ đó là một nhà khoa học, còn lũ tí hon kia là những quang tử. Lý thuyết nguyên lượng khẳng định rằng những hạt tí hon trong thế giới vi mô như các bức xạ điện từ, âm điện tử, dương điện tử, trung hòa tử, nguyên tử, những phân tử và những ions có tầm vóc đủ bé đều có bản chất lưỡng tính, sóng và hạt. Khi một tia bức xạ điện từ chiếu trên bề mặt của một tấm kim loại, những điện tử có thể bị bắn ra khỏi tấm kim loại. Điều này chứng tỏ bức xạ điện từ có tính chất hạt, va chạm tấm kim loại và bắn những điện tử ra khỏi tấm kim loại. Ngược lại khi một chùm bức xạ chiếu vào hai kẻ hở song song thì thấy có giao thoa trên một bức màn đặt phía sau hai kẻ hở. Điều này chứng tỏ bức xạ điện từ có tính chất sóng. Tùy theo phương pháp quan sát, chúng ta có thể thấy những bức xạ điện từ khi thì trải rộng trong một vùng không gian như những sóng, khi thì thu hẹp trong một vùng nhỏ bé như những hạt. Bản chất lưỡng tính sóng và hạt liên hệ mật thiết với sự bất định nguyên lượng của thế giới vi mô. Những phần tử trong thế giới vi mô không bao giờ có những vị trí cũng như vận tốc nhất định, cũng không bao giờ có những năng lượng nhất định vào những thời điểm nhất định. Điều này chứng tỏ thế giới vi mô là một thế giới vô cùng sinh động, huyền ảo và hoàn toàn bất định. Ngay trong những vùng không gian mà chúng ta thường gọi là chân không, chúng ta vẫn có thể quan sát thấy những hạt vật chất khi ẩn khi hiện một cách ma quái do năng lượng ngẫu nhiên tích tụ nơi này hay nơi kia trong những khoảng thời gian ngắn ngủi. Khi chúng ta bắn từng quang tử một đến hai khe hở song song, dù chỉ bắn một cách chậm chạp, chúng ta vẫn thấy sự giao thoa dần dần xuất hiện trên tấm màn đặt phía sau. Điều này chứng tỏ mỗi quang tử dường như đã tự giao thoa, nghĩa là, mỗi quang tử đã xuyên qua cả hai khe hở! Lý thuyết nguyên lượng khẳng định rằng mỗi phần tử trong thế giới vi mô được mô tả bằng cái gọi là sóng xác suất, có thể có những trạng thái khác nhau chồng chập lên nhau. Chỉ khi nào chúng “bị dòm ngó” bởi những phần tử trong thế giới vỹ mô như con người chẳng hạn, chúng mới che dấu cái bản chất xác suất của chúng, và chỉ biểu hiện một trạng thái duy nhất trong những trạng thái khả hữu đó cho thế giới vỹ mô thấy.

Do sự bất định nguyên lượng, con người không bao giờ thấy được thực chất của thế giới vi mô. Cái mà con người (thuộc thế giới vỹ mô) có thể thấy chỉ gồm một trong vô số những trạng thái khả hữu của thế giới vi mô. Những gì chúng ta biết được về cái thế giới vi mô mờ ảo như những đám mây mù đó chỉ hoàn toàn thông qua sự quan sát, nghĩa là thông qua tâm thức của chúng ta. Khoa học do đó không phải là một ngành nghiên cứu để mô tả bản chất của sự vật mà là ngành nghiên cứu để mô tả kiến thức của con người đối với sự vật đó. Khoa học là những gì chúng ta biết, và những gì chúng ta biết tất cả đều do quan sát. Khi muốn quan sát những tiềm nguyên tử xuất hiện dưới dạng sóng, chúng ta sẽ có sóng. Khi muốn chúng xuất hiện dưới dạng hạt, chúng ta sẽ có hạt. Những hạt tí hon của thế giới vi mô là kết cấu tối hậu của vạn vật, và trong quá trình biến hóa, chúng biết kết hợp hài hòa, biết phân hóa, biết cọng sinh, và nhờ đó, thế giới vỹ mô dần dần hình thành. Do đó thế giới vỹ mô khó tránh khỏi tính bất định, đôi khi chỉ sai một ly có thể đi một dặm.

Thế giới vi mô rất năng động và tuy mang tính ngẫu nhiên, vẫn mang sắc thái của những mẫu mực nào đó khi quan sát từ thế giới vỹ mô. Lấy hiện tượng phóng xạ làm thí dụ. Nguyên tử của nhiều hóa chất thường không bền, và do đó có khuynh hướng thoái hóa thành những nguyên tử nhẹ hơn và phóng ra những tiềm nguyên tử có năng lượng cao như hạt alpha (hạt nhân helium), hạt âm điện tử, hạt kháng âm điện, và những bức xạ điện từ dưới dạng tia gamma. Chẳng hạn, chất uranium trong thiên nhiên gồm 3 chất đồng vị: uranium-234 (chiếm 0.0057%), uranium-235 (chiếm 0.72%), và phần còn lại là uranium-238. Trong lúc uranium-238 khá bền, hai chất đồng vị kia rất dễ bị thoái hóa. Sự thoái hóa của từng nguyên tử thường xảy ra một cách ngẫu nhiên không thể tiên đoán được. Tuy nhiên số lượng trung bình của những nguyên tử bị thoái hóa trong một khoảng thời gian đủ dài (ví dụ 1 giờ đồng hồ) thì không thay đổi bao nhiêu. Chẳng hạn, cứ khoảng 713 triệu năm thì phân nửa chất uranium-235 bị phân hóa. Cứ khoảng 248 ngàn năm thì phân nửa chất uranium-234 bị phân hóa. Cứ khoảng 1622 năm thì phân nửa hóa chất radium bị phân hóa. Như vậy, dường như mỗi phần tử của thế giới vi mô tuy rất tinh quái nhưng đều bẩm sinh có những hành vi tuân theo những qui luật nào đó (mà chúng ta gọi là những định luật khoa học). Chúng biết kết hợp cọng sinh để tạo ra những hóa chất mới nhưng không phải kết hợp một cách loạn xạ. Nếu sự kết hợp không tuân theo một mẫu mực nào hết thì có lẽ vạn vật sẽ có vô số hóa chất. Đằng này, như chúng ta biết, số hóa chất chỉ hữu hạn. Như vậy phải chăng vật chất vô tri vô giác như nhiều người vẫn quan niệm? Thật ra đây một đề tài tranh luận triết học vẫn triền miên xảy ra từ xưa đến nay.

Do sự phân chia giữa thể xác và linh hồn và do sự xem trọng phần hồn là một thứ linh thiêng phi vật chất, thế giới vật chất bị xem là vô tri vô giác, là thứ yếu. Triết học gia Chalmers đặt câu hỏi: “Làm sao thứ phi vật chất như tâm thức lại có thể hình thành từ thứ vô thức như vật chất?” (How something as immaterial as consciousness can arise from something as unconscious as matter?) Nhà triết học Fodor phát biểu: “Chẳng ai có chút ý niệm nào để biết làm sao vật chất lại có thể có ý thức.” (Nobody has the slightest idea how anything material could be conscious). Nhà vật lý học kiêm triết học Peter Russell lại cho rằng “Không có vật chất vô tri ngoài sự xuất hiện trong tâm trí.” (There is no insentient matter apart from that appearing in the mind). Trong lúc đó nhà nghiên cứu vũ trụ Eddington phát biểu: “Chất liệu của thế giới là tri chất.” (The stuff of the world is mindstuff). Khoa học ngày nay cho chúng ta biết thế giới vật chất là một hiện thực, luôn luôn năng động và tương tác theo những mẫu mực nhất định mà chúng ta gọi là những định luật khoa học. Nhà vật lý học Dyson phát biểu: “Vật chất theo cơ học nguyên lượng không phải là một chất trơ, nhưng trái lại, là một nhân tố linh động, luôn luôn biết chọn lựa giữa những biến đổi khả hữu.” (Matter in quantum mechanics is not an inert substance but an active agent, constantly making choices between alternative possibilities). Theo ý nghĩa này, vật chất hoàn toàn không vô tri vô giác như nhiều người vẫn quan niệm, trái lại là một hợp nhất giữa tâm và thân. Nếu vậy sự phân biệt giữa tâm và thân trở nên không cần thiết.

Quan điểm cho rằng có một loại thế giới phi vật chất gọi là thế giới tâm linh (được gọi là linh hồn) tồn tại độc lập với thế giới vật chất (bị coi là vô tri vô giác) là quan điểm của trường phái lưỡng nguyên (dualism). Ngược lại trường phái duy vật (materialism) xem cái gọi là tâm linh (được gọi là trí) thật ra chỉ là một sản phẩm của thế giới vật chất. Ngoài ra còn có nhiều trường phái khác, trong đó có trường phái duy tâm (idealism) và trường phái duy thực (realism). Trường phái duy tâm cho rằng thực tại chỉ hình thành bằng tư tưởng, do đó cái gọi là thế giới vật chất thật ra không tồn tại ngoài tâm thức của con người. Trường phái duy thực cho rằng vật chất cũng như tư tưởng, cả hai đều tồn tại và tồn tại độc lập với tâm thức con người.

Trường phái lưỡng nguyên cho rằng linh hồn có thể tồn tại độc lập với não bộ và có khả năng điều khiển não bộ. Linh hồn là phi vật chất trong lúc não bộ là vật chất nên não không thể tạo ra linh hồn. Não bộ chỉ là một phương tiện để linh hồn thể hiện ý muốn của mình. Triết học lưỡng nguyên xuất hiện từ thời cổ Hy Lạp, và sau đó được nhà toán học kiêm triết học người Pháp, René Descartes, triển khai hoàn chỉnh hơn trong thế kỷ 17. Vấn đề nan giải của triết học lưỡng nguyên là không thể giải thích một cách thỏa đáng tại sao cái phi vật chất gọi là linh hồn có thể ảnh hưởng đến thế giới vật chất trong lúc linh hồn tồn tại độc lập với vật chất? Descartes cho rằng linh hồn có thể ảnh hưởng thể xác thông qua tuyến tùng ở não bộ. Và lời suy đoán này của Descartes đã bị nhà triết học Gilbert Ryle chế nhạo bằng câu nói “Có một linh hồn để điều khiển thể xác chẳng khác nào có một con ma trong chiếc máy.” Ngày nay, những người theo trường phái triết học này vẫn cố gắng tìm một lời giải thích hợp lý hơn bằng cách vận dụng lý thuyết nguyên lượng:

Não bộ con người có khoảng 100 tỷ tế bào não. Trong mỗi tế bào não, ngoài những bộ phận thiết yếu để duy trì sự hoạt động, tế bào còn có những bộ phận khác, chẳng hạn sợi nhận tín, sợi phát tín, và khớp thần kinh. Tín hiệu di chuyển trong những sợi nhận tín và phát tín mang tính điện, nhờ những ions potassium và sodium mang dương điện giữa vùng bên ngoài và bên trong những màng bọc của sợi. Tại những khớp thần kinh nối liền hai tế bào não, tín hiệu truyền từ tế bào này sang tế bào khác thì mang tính hóa học, do sự di chuyển của những phân tử như glutamate, amino acids, aspartate, v.v., đựng trong những bọc chứa ở đáy khớp. Có khoảng từ 30 đến 50 bọc chứa như thế, và mỗi bọc chứa khoảng từ 5 đến 10 ngàn phân tử những hóa chất nói trên. Khi điện tín trong sợi phát tín đến khớp thần kinh, màng bọc bị khử cực, và một số những phân tử hóa chất trong bọc thoát ra và di chuyển xuyên qua đáy khớp thần kinh, kích thích tế bào não kế cận, tạo nên một điện tín di chuyển theo sợi nhận tín đi vào tế bào này. Những người theo trường phái triết học lưỡng nguyên cho rằng sự truyền tín hiệu ở khớp thần kinh là một quá trình thuộc thế giới vi mô, mang tính bất định, xảy ra một cách ngẫu nhiên với những xác suất khác nhau, và do đó những khớp thần kinh chính là nơi dụng võ của thế giới linh hồn. Họ cho rằng linh hồn là một trường phi vật chất, tương tự như trường xác suất vậy, và sự tác động của linh hồn tại đây là những gì con người chỉ có thể tiên đoán bằng xác suất.

Mọi chuyển biến trong vũ trụ có thể nói là chuyển biến của thế giới vi mô, bởi vì những hạt vật chất tí hon của thế giới này là kết cấu tối hậu của vạn vật. Vì vậy, nếu trí có tác động tại khớp thần kinh ở não, phải chăng cũng có thể có tác động tại bất cứ nơi nào có những tác động vi mô, dù ở ngoài não bộ? Tâm thức là thế giới nội tại riêng tư trong mỗi sinh vật bao gồm những cảm xúc và nhận thức tinh tế. Chúng ta biết nhận thức và biết cảm xúc những màu sắc đẹp xấu của bông hoa, những vị ngọt đắng chua cay của những loài hoa quả, những mùi thơm thối của các đồ vật, những âm thanh trầm bỗng êm dịu của các nhạc cụ hoặc những tiếng nổ chói tai long trời lở đất của bom đạn sấm sét núi lửa động đất. Chúng ta biết yêu thương và thích vuốt ve những con vật yêu quý trong lúc chúng ta ghét sợ những con thú dữ hoặc những con người hung ác tàn bạo, những tham quan ô lại, những thứ ngạo mạn kiêu căng. Nhưng phải chăng chỉ con người mới có tâm thức? Nhiều thực nghiệm khoa học cho thấy nhiều loài sinh vật khác cũng có những cảm xúc và nhận thức ở những mức độ khác nhau, ngay cả những loài động vật chưa phát triển não bộ. Ngay những phần tử tí hon của thế giới vi mô cũng biết “sinh hoạt” theo những mẫu mực nhất định. Những nguyên tử phân tử biết hài hòa kết hợp nhau theo những mẫu mực nhất định để tạo thành những phân tử lớn hơn. Những loài vi trùng cũng biết phân biệt nóng lạnh, biết phân biệt chất đường với chất acid, biết phản ứng với từ trường, biết làm quang hợp biến ánh mặt trời thành năng lượng tiêu dùng. Hầu hết các loài động vật đều biết thương yêu và chăm lo cho con cái. Vào những “mùa nhân tình” giống đực biết khiêu chiến tranh giành để chiếm được trái tim của giống cái, và do đó có thể truyền giống của mình cho thế hệ kế tiếp. Tâm thức con người thì tinh vi gấp bội. Họ biết dùng văn chương thi phú để bày tỏ nỗi niềm, dùng luận lý trong những cuộc tranh chấp, và khi sự tranh chấp phải giải quyết bằng vũ lực, họ biết sáng chế những vũ khí tối tân có thể giết người hàng loạt. Và tất cả những sinh hoạt này là trò chơi của vạn vật, tự chúng phát minh ra, không cần một động lực huyền bí nào khác.

Trước đây người ta tin rằng não bộ không thể thay đổi, và mỗi quá trình cảm xúc và nhận thức của con người đều được chỉ huy tại một vị trí cố định nào đó trong não bộ. Chẳng hạn, những quá trình chuyển động cơ năng của cơ thể thì có bộ chỉ huy tại thùy não ở phía trước trán, có nhiệm vụ khởi xướng và phối hợp hoạt động của những bắp thịt; còn những quá trình cảm xúc thì có những bộ chỉ huy tại thùy não ở thái dương, đỉnh đầu và thùy chấm, có nhiệm vụ điều hành chế biến những tín hiệu đến từ những bộ phận tiếp nhận cảm xúc như tai, mắt, da, mũi, v.v. Khi ta dùng bàn tay sờ một vật, tín điện sẽ phát ra và xuyên qua đường dây sống chuyển lên não bộ, ở đó tín điện kích thích những tế bào não tương xứng làm bàn tay chúng ta có cảm giác đang sờ mó. Nếu chúng ta dùng một dòng điện kích thích bộ phận ở não tương ứng với bàn tay thì bàn tay sẽ có cảm giác như đang bị sờ mó mặc dù lúc đó chẳng có ai sờ mó bàn tay cả. Cũng có những vị trí ở não tương ứng với những kỷ niệm xa xưa từ thuở thơ ấu hoặc những giấc mơ.

Ngày nay các nhà nghiên cứu thần kinh đã khám phá rằng thực ra não bộ rất dẻo, và những vùng ở não chịu trách nhiệm về những cảm xúc khác nhau không phải cố định bất biến, trái lại, có thể tự nới rộng hay thu hẹp, tùy thuộc vào mỗi sự sống khác nhau của chúng ta. Đời sống của mỗi chúng ta cũng như nhiều loài động vật khác đều trải qua một thời kỳ mà các nhà nghiên cứu thần kinh gọi là những chu kỳ tới hạn thường bắt đầu từ tuổi ấu thơ và chấm dứt vào tuổi dậy thì. Khi ở vào chu kỳ tới hạn, não bộ chúng ta rất nhạy bén với môi trường bên ngoài, dễ dàng thay đổi để phù hợp với những cảm xúc và nhận thức của chúng ta, và sự biến đổi này của não bộ có thể ảnh hưởng đến suốt cuộc đời còn lại của chúng ta. Mỗi bộ phận của hệ thần kinh thường có những chu kỳ tới hạn khác nhau nhưng nói chung, não bộ phát triển tùy thuộc vào những kích thích tố của môi trường chung quanh. Sau chu kỳ tới hạn, chúng ta sẽ gặp khó khăn hơn, chẳng hạn, khi học một ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ. Đối với những đặc tính khác cũng tương tự, chẳng hạn, nếu chúng ta nuôi một con vật nào đó từ khi mới sinh, con vật đó sẽ có khả năng quấn quýt với chúng ta suốt đời, quên hẳn mẹ nó đã từng cho nó bú sữa trong những ngày mới chào đời.

Bản chất năng động của não bộ còn có một đặc tính mà các nhà nghiên cứu thần kinh gọi là nguyên lý “dùng nó hay mất nó.” Khi chúng ta lơ là bỏ tập một năng khiếu nào đó để tập một năng khiếu mới thuộc một lĩnh vực khác, phần não tương ứng với năng khiếu của lĩnh vực cũ sẽ dần dần nhường chỗ cho năng khiếu của lĩnh vực mới. Lấy việc học một sinh ngữ thứ hai làm thí dụ: Trước đây khi tính chất dẻo của não chưa được khám phá, người ta cho rằng người đã lớn tuổi khó học một ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ vì chu kỳ tới hạn của tuổi trẻ đã qua làm cho não bộ bây giờ cứng ngắt không thể tiếp nhận tốt việc học ngôn ngữ này. Lời giải thích này ngày nay đã bị phủ nhận, vì thực ra do việc xử dụng tiếng mẹ đẻ hằng ngày, phần não dành cho ngôn ngữ đã bị năng khiếu của tiếng mẹ đẻ choán chỗ một cách vững chắc, ngôn ngữ khác khó có thể xen vào. Đối với giới trẻ khi năng khiếu ngôn ngữ đang ở trong chu kỳ tới hạn thì lại khác. Trẻ em có thể học nhiều ngôn ngữ trong cùng một lúc, và cùng chiếm ưu tiên như nhau trong phần não dành cho ngôn ngữ. Nguyên lý “dùng nó hay mất nó” cũng cho chúng ta thấy rằng không dễ gì có thể bỏ những thói hư tật xấu, bởi vì chúng ta vẫn hăng say “thực tập” những thói xấu đó đều đặn đến nỗi không còn chỗ đứng cho những việc tốt mà chúng ta muốn làm để bỏ những thói xấu đó đi.

Quá trình tạo hình là một quá trình bình thường của não bộ. Những phần não tương ứng với những chức năng khác nhau thường thay đổi trong vòng vài tuần lễ. Những phần não này không những có thể thay đổi kích thước mà còn có thể di chuyển quanh não bộ. Những động vật cùng loại thường có những phần não tương đối giống nhau, nhưng không bao giờ giống y như nhau. Nghiên cứu của nhà thần kinh học Merzenich cho biết khi một người bị tật, chẳng hạn có hai ngón tay dính liền vào nhau, thì phần não tương ứng với hai ngón tay dính này là tổng hợp của hai phần não dành cho hai ngón tay này khi chúng không dính vào nhau. Sau khi giải phẫu để tách hai ngón tay ra thì phần não chung trước đây tách ra làm hai, mỗi phần cho một ngón. Kết quả nghiên cứu này cho thấy: Khi hai tế bào (của hai ngón tay dính nhau) cùng phát tín hiệu một lượt, hoặc khi tế bào của ngón này phát tín làm kích thích tế bào của ngón kia phát tín, thì hai tế bào này sẽ nối nhau. Ngược lại khi hai tế bào (của hai ngón tay riêng rẻ) phát những tín hiệu riêng rẻ, chúng sẽ không nối nhau. Đối với người mù, phần não dành cho thị giác sẽ nhường chỗ cho xúc giác nếu người đó học dùng tay sờ mó để đọc chữ dành riêng cho người mù.

Khi chúng ta luyện tập một năng khiếu nào đó, chẳng hạn tập đàn piano, vùng não tương ứng với năng khiếu này sẽ lớn hơn khi năng khiếu này tiến bộ hơn, và khi năng khiếu trở nên điêu luyện, sự phát tín (từ những ngón tay đánh đàn) trở nên nhanh và hữu hiệu hơn, và số tế bào dùng để phát tín sẽ giảm đi (phần diện tích đầu ngón tay chạm phiếm đàn nhỏ đi). Khi những tín hiệu có thể phát nhanh, chúng gần đồng bộ, do đó những tế bào phát những tín hiệu này có thể nối nhau làm những tín hiệu mạnh và rõ ràng hơn, và nhờ vậy, phần não nhận những tín hiệu này càng trở nên tinh tế hơn. Khi chúng ta muốn nhớ rõ những gì chúng ta đã nghe thì chúng ta phải nghe một cách rõ ràng. Chỉ khi nghe một cách rõ ràng, phần não của chúng ta mới đủ tinh tế và chính xác để nhớ một cách rõ ràng. Nghiên cứu cũng cho biết khi chúng ta lắng nghe một điều gì với sự tập trung tối đa, chúng ta có thể nhớ điều đó lâu hơn. Phần não dành cho một năng khiếu tập luyện với sự tập trung tốt sẽ không những tinh tế chính xác hơn mà còn tồn tại lâu dài và bền vững hơn.

Nghiên cứu của Merzenich về bản chất tự tạo hình của não bộ còn cho biết những chu kỳ tới hạn của những năng khiếu khác nhau có thể tái thiết lập ở tuổi trưởng thành. Và như vậy, không chỉ trẻ em mới có thể đồng thời học nhiều ngôn ngữ thành công một cách dễ dàng mà người lớn tuổi cũng có thể làm điều đó. Merzenich phát hiện rằng trong mỗi chu kỳ tới hạn, nhân cơ bản (nucleus basalis) luôn luôn ở trạng thái hoạt động, và nhờ vậy, sự tiếp thu trở nên nhạy bén. Chỉ cần dùng dòng điện kích thích để nhân cơ bản trở nên linh hoạt thì chu kỳ tới hạn có thể tái thiết lập. Ông và đồng nghiệp Kilgard đã thí nghiệm điều này trên những con chuột già và thấy khi nhân cơ bản được kích thích, những con chuột này có thể tập làm những động tác đã ấn định một cách nhanh chóng, dễ dàng và thành thạo.

Những công trình nghiên cứu trên đây cho thấy sự liên hệ mật thiết giữa cảm xúc và nhận thức với não bộ. Nhưng chưa hết. Nghiên cứu của nhà thần kinh học Pascual-Leone cho biết trí tưởng tượng cũng có thể ảnh hưởng sự tạo hình của não bộ. Tư tưởng có thể thay đổi cấu trúc của não bộ. Doidge, nhà nghiên cứu thần kinh, kể một câu chuyện về đánh cờ bằng trí tưởng tượng của Sharansky, một chuyên viên máy vi tính gốc Do Thái, là người tích cực hoạt động đòi nhân quyền tại Liên Xô. Ông đã bị tình nghi làm gián điệp cho Mỹ và đã bị kết án 9 năm tù. Những tù chính trị bị giam giữ cô lập thường bị tâm thần băng hoại bởi vì bất kỳ năng khiếu nào không được vận dụng đều sẽ biến mất. Nhưng Sharansky, một tay có năng khiếu chơi cờ, thì lại khác. Ông tưởng tượng ông đang đánh cờ với một đối thủ. Ông phải nhớ vị trí của những quân cờ sau mỗi nước đi. Ông dùng hầu hết thời gian ngồi tù để đánh cờ bằng trí tưởng tượng như vậy. Cuối cùng, sau khi được phóng thích, ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng trong nội các của Do Thái. Khi Kasparow, tay vô địch đánh cờ quốc tế, đánh cờ với thủ tướng và các bộ trưởng, Kasparow đã đánh bại tất cả các vị đó ngoại trừ Sharansky! Chỉ vận dụng trí, năng khiếu đánh cờ của Sharansky đã tiến bộ rõ rệt.

Một nhân vật khác, cũng do nhà thần kinh học Doidge kể lại: Gamm, một người Đức trẻ tuổi, với năng khiếu toán học bình thường, đã trở thành một thiên tài làm toán. Gamm có thể tính những phép toán lũy thừa 9 hoặc căn số bậc 5 của một số, hoặc những bài toán nhân, chẳng hạn 68 nhân 76, trong vòng 5 giây đồng hồ. Gamm quả là một máy tính sống! Khi 20 tuổi, Gamm làm việc tại một ngân hàng, làm toán mỗi ngày 4 tiếng đồng hồ. Sáu năm sau, Gamm trở thành một thiên tài làm toán, có thể sinh sống bằng nghề biểu diễn tài nghệ của mình trên các đài truyền hình. Khi rọi não, các nhà nghiên cứu thần kinh phát hiện rằng trong khi Gamm làm toán, phần não dành để tính toán rộng gấp 5 lần so với những người bình thường khác. Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Ericsson, những chuyên gia các ngành nghề thường không nhớ suông đáp số của từng vấn đề riêng rẻ, trái lại, họ nhớ những phương sách để giải quyết vấn đề. Và để trở thành một chuyên gia như thế, họ phải dùng một thời gian khoảng 10 năm tập trung học tập nghiên cứu.

Nghiên cứu cho biết khi dùng thị giác để nhìn một vật thể hoặc khi nhắm mắt để hình dung vật thể đó, võ não thị giác đều sáng lên. Điều này chứng tỏ hình dung một việc làm và thực sự làm việc đó không có tác động khác xa nhau như nhiều người vẫn tưởng. Nhiều thử nghiệm đã chứng minh rằng đối với những diễn viên sân khấu điện ảnh chẳng hạn, trí tưởng tượng giúp ích rất nhiều cho việc trình diễn. Hai nhà nghiên cứu Guang Yue và Kelly Cole đã chứng minh rằng hình dung nâng một vật nặng thực sự sẽ làm cho những bắp thịt rắn chắc hơn. Khi đã có thể dùng trí tưởng tượng nhuần nhuyễn, chúng ta có thể hoàn tất nhanh chóng hơn một việc làm đã suy nghĩ trước. Khi chúng ta suy nghĩ, sự tạo hình não bộ chúng ta thay đổi, và sự thay đổi này có thể ghi nhận bằng những dụng cụ điện tử. Do đó các nhà khoa học đã có thể chế máy điện tử để “đọc” tư tưởng con người cũng như các loài động vật khác.

Những thành quả nghiên cứu trên đây đã chứng minh hùng hồn rằng tâm thức và não bộ gắn bó quấn quýt nhau. Tâm làm thân biến đổi. Thân biến đổi làm tâm biến đổi theo. Ranh giới giữa tâm và thân trở nên phai mờ. Triết học lưỡng nguyên của Descartes tuy đã ngự trị nhân loại suốt 4 thế kỷ vẫn không thể trả lời thỏa đáng câu hỏi “Linh hồn (phi vật chất) tác động lên não bộ (vật chất) như thế nào?” Descartes đã xem não như một bộ máy cơ khí, được sai khiến bởi linh hồn. Nhưng rất tiếc, khoa học thần kinh ngày nay đã hùng hồn chứng minh rằng quan điểm của Descartes là một quan điểm hoàn toàn sai lầm. Bây giờ chúng ta biết mỗi tư tưởng (phi vật chất) là một  “vết hằn” ghi trên não (vật chất). Doidge cho rằng biết đâu trong một tương lai không xa, tâm có thể được giải thích hoàn toàn dựa vào vật chất.

Những định luật khoa học (tức những mẫu mực hình thành do sự biến hóa và kết hợp hay phân hủy của vạn vật) cho thấy sự biến hóa của vận vật hoàn toàn không cần thiết đến cái gọi là linh hồn tồn tại độc lập với vạn vật. Hỗn hợp khí hydrogen và oxygen dưới những điều kiện áp suất và nhiệt độ thích hợp sẽ tự nhiên phản ứng lẫn nhau để tạo thành nước. Thả một vật từ trên không, vật thể sẽ rơi thẳng xuống mặt đất theo chuyển động với gia tốc hằng nếu không có một lực tác động nào khác ngoài sức hút trọng lực. Mặt trời tự nhiên tỏa sáng vì nhiệt độ bên trong đủ nóng để có thể tổng hợp hạt nhân. Ngược lại khó có thể tin có một quyền lực vô hình nào có thể tức khắc biến than đá thành kim cương mà không cần trải qua bất kỳ một quá trình biến hóa cần thiết nào hết. Do sự không cần thiết của linh hồn nói trên, thế giới vật chất có thể là tất cả những gì có trong vũ trụ, và trí có thể là hậu quả của những quá trình biến đổi của vật chất. Hiểu rõ tường tận những quá trình này tức hiểu rõ tâm. Sự cảm nhận vẻ đẹp của những sắc hoa hoặc những cảm xúc vui buồn giận hờn yêu thương đều có in dấu trên não, trên thế giới vật chất. Với bước tiến nhanh của ngành thần kinh học, cái hố sâu thăm thẳm chia cách tâm và thân trong lòng nhiều người có thể sẽ biến mất trong một tương lai không xa.

Vật chất biết dùng nội lực của mình (tức sự tương tác không ngừng của vật chất bằng cách trao đổi lẫn nhau những tiềm nguyên tử ảo của chúng) để biến hóa. Nhà triết học Baruch Spinoza của thế kỷ 17 cho rằng vật chất và năng lượng là những thứ căn bản của vũ trụ, và chúng có đầy sức sống. Nhờ biết cọng sinh, biết thích nghi và biết biến đổi môi trường chung quanh cho thích hợp để phát triển, vật chất có thể kết hợp thành những hệ tinh vi hơn với những tính chất tinh tế hơn mà những thành phần riêng rẻ của hệ đó không thể có. Từng phân tử nước không có tính chất dính, nhưng khi chúng hợp lại, nước lại có tính chất dính. Từng bộ phận riêng rẻ của một chiếc xe không thể giúp con người bon bon trên đường lộ như chính toàn bộ chiếc xe. Đối với sự sống, sự tinh vi càng tăng gấp bội, và do đó sự sống hẳn có những tính chất vô cùng tinh tế mà những bộ phận kết hợp thành sự sống đó không thể có được. Phải chăng những tính chất vô cùng tinh tế đó của sự sống có thể đủ tinh tế để được gọi là tâm? Nhà triết học kiêm toán học Alfred North Whitehead vào tiền bán thế kỷ 20 cho rằng mọi vật thể đều có một khía cạnh vật chất và một khía cạnh tâm trí, biết tự tổ chức và có tính sáng tạo. Vì vậy tâm và thân thật ra chỉ là hai biểu hiện của một thực tại duy nhất, đó là quá trình liên tục biến đổi của vật thể (vì vậy triết học của ông được gọi là process philosophy). Trước đó, vào cuối thế kỷ 18, nhà vạn vật học Johann Wolfgang von Goethe cũng cho rằng vật chất không thể hoạt động nếu không có tâm linh, và ngược lại tâm linh không thể tồn tại nếu không có vật chất. Như vậy, mỗi vật thể, ngoài vóc dáng “hình hài” còn có một “tâm thức” của nó, và mức tinh tế của tâm thức tùy thuộc vào mức độ cấu trúc tinh vi của vật thể.

Những người phê phán triết học của Alfred North Whitehead thường đùa cợt rằng bản chất tâm thức của sỏi đá có lẽ mờ ảo đến trơ trơ! Nhưng hãy nhìn mấy viên đá trong công viên, nơi vùng đồi núi, hay mặt trăng cao trên trời. Hình thù cũng như những đường vân trên đá đẹp như một bức tranh. Chỉ cần có chút lãng mạn là có thể thấy vẻ đẹp đó. Ở Việt Nam có Hòn Vọng Phu, vợ bồng con chờ chồng trở về từ chiến trường. Ỏ vùng rừng núi tiểu bang NSW Úc châu có 3 tảng đá đứng sát nhau như ba nàng tiên, và đã được đặt tên là The Three Sisters. Những động thạch nhũ đã gọt giũa hàng triệu năm để biến thành những kỳ tích như những lâu đài huyền bí ở chốn bồng lai. Những tấm kiến tạo cũng biết chu du tứ hải, va chạm long trời lở đất, làm biến đổi bề mặt địa cầu. Hy Mã Lạp Sơn là một hậu quả của những chuyến du hành đó của những tấm kiến tạo, và ngọn Everest cao chót vót đã và đang hấp dẫn không biết bao nhiêu du khách và những lực sĩ leo núi. Đặc biệt hơn là chiếc vệ tinh thiên tạo đang bay vòng quanh trái đất. Người Việt gọi nó một cách rất nên thơ là Chị Hằng. Biết bao nhiêu thơ văn đã và đang ca ngợi Chị Hằng của chúng ta, và có lẽ Chị Hằng sẽ mãi mãi được con người ca tụng. Không biết tâm thức của sỏi đá có trơ trơ không nhưng dường như chúng biết trang điểm làm duyên để lấy lòng khách qua đường. Hơn nữa, nếu nhìn sâu hơn, chúng ta có thể thấy “nội tâm” của sỏi đá là một mối tơ vò. Hàng tỷ nguyên tử san sát chen lấn nhau và hoạt động không ngừng.

Các loài vi trùng cũng như thảo mộc tuy không có não bộ nhưng vẫn có tâm, có khả năng nhận thức. Tuy chúng không có thị giác nhưng chúng có khả năng nhận biết những biến đổi của môi trường chung quanh, biết phân biệt sáng tối, nóng lạnh, và biết phân biệt những nồng độ cao thấp của một số hóa chất. Các loài thực vật biết quang hợp, dùng năng lượng mặt trời để chế biến những chất đường. Chúng biết hợp tác với chim chóc và các loài động vật khác để mang phấn hoa và hạt giống của chúng đến những vùng đất khác. Đối với các loài động vật, khả năng sinh tồn và truyền giống còn biểu hiện qua sự tranh chấp chiến đấu giành giựt. Sự sống mang đủ những sắc thái hỷ nộ ái ố. Những sắc thái đó chứng tỏ sự sống biết nhận thức, biết học tập, biết cảm xúc. Quá trình của sự sống song hành với quá trình của tâm thức. Nói cách khác, quá trình sự sống chính là quá trình tâm thức. Ngoài hình hài ra, vạn vật còn có khối óc và con tim. Không một vật thể nào, dù nhỏ bé như một tiềm nguyên tử hay khổng lồ như một vì sao, có thân mà vô tâm cũng như có tâm mà vô thân. Tâm và thân chan hòa quấn quýt và năng động theo những điệu múa nghê thường. Vạn vật càng trở nên tinh vi phức tạp (chẳng hạn sự sống), điệu múa nghê thường đó của tâm thân càng trở nên tinh tế. Chúng là đôi bạn muôn thuở, tuy hai mà một. Sự phân chia tâm và thân thành hai thứ độc lập có lẽ vừa không cần thiết vừa không hợp lý.

T.Đ

____________________________

Sách tham khảo:
Capra, F., The Web of Life, Flamingo, London, 1997
Doidge, N., The Brain That Changes Itself,  Scribe, Melbourne, 2008
Heisenberg, W., Physics and Philosophy, Penguin, London, 2000
Maturana, H. R. & Varela, F. J., The Tree of Knowledge, Shambhala, Boston & London, 1998
Kirk, John T. O., Science & Certainty, CSIRO, Australia, 2007
Margulis, L. & Sagan, D., What is Life, University of California Press, 2000

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here