1. Một cậu bé chừng 8 tuổi mặc đồng phục Phật tử, trên tay cầm một xấp giấy chương trình đêm văn nghệ tổng kết "Tuần Văn hóa Phật giáo 2010". Trông khuôn mặt còn quá thơ dại ở cái tuổi chỉ biết ăn chơi, tôi lo lắng vì nghĩ xấp giấy chương trình này chắc sẽ được đem xếp tàu bay giấy hay làm thuyền thả trôi sông.
– Này! Cháu định đem xấp giấy này đi đâu đó?
Cậu ngước mắt nhìn tôi với vẻ tự tin và ánh mắt hân hoan:
– Dạ, cháu đang đi giới thiệu với khách.
– Cháu đi cẩn thận kẻo té ngã. Vậy tối nay cháu sinh hoạt ở bộ phận nào?
– A! cháu trong đội đồng ca.
Thế là thoắc một cái cậu đã biến ra sân hòa vào trong đám đông trước cổng.
Nhìn theo cậu bé tôi tự hỏi phải chăng sự hồn nhiên, trong sáng, tính tích cực và cả sự tự tin toát ra từ một đoàn sinh Phật tử nhỏ xíu vì đã được giáo dục và nuôi dưỡng từ trong gia đình Phật tử ?
2. Trong khu vực làng quê ẩm thực chay tôi thường gặp một thanh niên tóc tai bù xù, mặt mày hơi bậm trợn. Nếu đi ra ngoài đường tình cờ gặp cậu ta chắc tôi phải dè chừng tránh xa. Mà đúng thôi vì sau này tình cờ tôi được biết cậu ta là dân anh chị trong một xóm lao động. Cậu ta có mặt ở đây từ đầu, khi mới khởi công xây dựng làng ẩm thực. Không biết sao mỗi khi gặp tôi thì cậu đều chào hỏi thân thiết và lễ phép. Có lúc cậu còn xởi lởi mời uống nước hoặc hỏi thăm tôi có khỏe không. Điều đó gây cho tôi sự chú ý và rất nhiều lần tôi đứng từ xa quan sát con người có vẻ cá biệt này. Cậu làm việc một cách tháo vát, nhiệt tình, luôn luôn hồ hởi vui vẻ với anh em, đồng thời đối xử với khách rất lịch sự. Hầu như cậu ta sống ở ngôi làng tân lập này suốt ngày suốt đêm đã hơn mười ngày nay.
Tôi thắc mắc không biết cái ngôi làng ẩm thực chay này có gì hấp dẫn để một thanh niên bụi đời về sống một cách thánh thiện như vậy ? Giá như trong xã hội có được nhiều ngôi làng như thế này thì sẽ giúp cho biết bao số phận nương tựa vào để thay đổi cuộc đời.
3. Đêm thắp sáng bảy đóa sen trên sông Hương vừa kết thúc, từng đoàn người lũ lượt kéo nhau rời Nghinh Lương Đình. Tôi chợt thấy một cô gái cầm trên tay hai lồng đèn vải của Ban tổ chức đã rải trên bờ sông. Chị ta đang cho xe nổ máy và chuẩn bị di chuyển.
– Xin lỗi chị! ai đã tặng chị hai lồng đèn này vậy ?
– Dạ em thấy có quá nhiều lồng đèn đang bỏ trên bờ sông nên lấy hai cái.
– Không chị ạ, lồng đèn đó sẽ được ban tổ chức trang hoàng ở một địa điểm khác nữa. Chị vui lòng trả lại chỗ cũ.
– Xin lỗi anh, em không biết. Tôi áy náy với chính mình, không biết tôi có làm cô gái buồn hay mắc cở không nhưng trong lòng thì vô cùng quí mến thái độ của cô gái đó. Tôi nghĩ không riêng cô gái này mà còn có rất nhiều người đang điều chỉnh hành vi, thái độ sống của mình vì sự bừng sáng của bảy đóa sen: Mùa Phật Đản đã đến rồi.
4. Lễ khai mạc thắp sáng bảy hoa sen trên sông Hương đã kết thúc từ lâu. Trong Nghinh Lương Đình và trên bến sông chỉ còn một đám con nít nghịch ngợm đang đùa giỡn và Ban tổ chức đang làm việc. Lũ trẻ đuổi bắt nhau hay tò mò đứng nhìn bộ phận kỹ thuật thu dọn đồ đạc. Bỗng một cậu bé đến trước mặt tôi:
– Thưa bác cho cháu xin một bông sen ạ.
– Cho phép các cháu lấy sen chơi nhưng không được giành nhau, cẩn thận kẻo té xuống sông.
Nhìn lũ trẻ chia nhau những cành sen mà lòng tôi bỗng ngập tràn hạnh phúc. Giờ này còn đùa nghịch ở công viên, lũ trẻ này chắc chắn không phải con nhà giàu, con nhà quí tộc. Vậy mà sao chúng ngoan, chúng có văn hóa đến thế? Chẳng lẽ Mùa Phật Đản đã mang lại phép nhiệm mầu làm cho tâm hồn những đưa trẻ này trở nên thanh khiết?
5. Đã khuya, qua cầu Phú Xuân một mình, nhìn những đóa sen nở lung linh trên mặt nước lòng tôi thanh thản nghĩ về những hoạt động sôi nổi trong Mùa Phật Đản: Từ những đề tài hội thảo dày công nghiên cứu trong "Tuần lễ Văn hóa Phật giáo 2010" hay những lời tranh biện sôi nổi của cử tọa; những lo lắng của bộ phận tổ chức làng ẩm thực chay trước ngày triển khai công việc rồi bao nhiều vất vã gian nan phải vượt qua suốt trong thời gian thực hiện; sự thiết kế đầy sáng tạo và sự chuẩn bị công phu cho đêm Thắp sáng 7 đóa sen đã hao tốn biết bao nhiêu công sức; bên cạnh những hoạt động tập trung còn có biết bao nhiều hoạt động khác khắp thôn cùng ngõ hẻm của đồng bào Phật tử mà không thể nào kể hết. Tất cả-hình như nó đang nhẹ nhàng trôi dần theo thời gian, chỉ duy cái còn lại là đã trả lời được câu hỏi "Văn hóa Phật giáo đã đóng góp gì cho văn hóa Dân tộc".
N.V.T