Thành phần thứ ba xứng đáng được lịch sử thắp cho nó một cây nhang
– Tuần Việt Nam: Thưa ông, mai là ngày 30 tháng 4, kỷ niệm ngày chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước, Tuần Việt Nam muốn chuyện trò với ông về chủ đề "hòa hợp dân tộc". Trước 1975, ông được biết như là một người có tiếng nói đáng để ý trong khuynh hướng hòa giải hòa hợp dân tộc; ông có thể nói vài lời về khuynh hướng đó, về lịch sử sinh thành ra nó?
GS. Cao Huy Thuần: Trước 1975 hay sau 1975, lúc nào tôi cũng chỉ là một người theo đạo Phật, không đại diện cho ai và cũng không phải là thành phần của một khuynh hướng chính trị nào. Tôi chỉ nói lên những gì mà tôi nghĩ là đúng với đạo Phật, và nếu có ai muốn tìm hiểu về Phật giáo thì tôi có thể góp ý, thế thôi.
– Nhưng, cụ thể hơn nữa, ông được biết đến, trước 1975, như là một tiếng nói đáng để ý trong "thành phần thứ ba", thành phần chủ trương hòa hợp hòa giải.
Tôi chưa bao giờ tự nhận mình như thế, và nếu có ai nói về tôi như thế thì họ cứ nói và tôi cứ cười. Xin trả lời như vậy là đủ về cá nhân tôi.
Còn về "thành phần thứ ba" và "hòa giải hòa hợp dân tộc", tôi có thể trả lời như một người nghiên cứu. Đứng về mặt nghiên cứu, đây là đề tài rất lý thú cho bất cứ ai nghiên cứu về chiến tranh, chiến tranh Việt Nam cũng như mọi chiến tranh khác, bởi vì ở đâu có chiến tranh, hơn thế nữa, ở đâu có chính trị, ở đấy có thành phần thứ ba, dưới dạng này hoặc dạng khác.
Riêng về chiến tranh Việt Nam, các giới nghiên cứu quốc tế đang có khuynh hướng chú trọng đến những diễn tiến đưa đến thương thuyết để chấm dứt chiến tranh. Trong chiều hướng đó, một hội thảo quốc tế về hiệp định Paris 1973 đã được tổ chức tại Đại Học Paris I, vào tháng 5/2008, với sự tham gia tích cực của nhiều chuyên viên Việt Nam đến từ Hà Nội. Thành phần thứ ba là điểm độc đáo nhất, mới lạ nhất, đáng nói nhất, của hiệp định 1973. Nó đã chết non cùng với hiệp định này, nhưng không phải vì vậy mà nó mất cái bài vị của nó trên bàn thờ lịch sử.
– Đây là đề tài chưa được giới nghiên cứu trong nước thảo luận…
Thành phần thứ ba xứng đáng được lịch sử thắp cho nó một cây nhang, như ông Võ Văn Kiệt đã thắp trong một bài viết ở cuối đời. Ông cựu thủ tướng ấy là người đã có lòng thắp nhang cho một nấm mồ vô chủ. Không ai viết tên trên đài chiến sĩ vô danh, cho nên chủ nhân của nấm mồ vô chủ ấy có thể tự nhận mình như chiến sĩ vô danh của hòa giải hòa hợp dân tộc.
– Người chiến sĩ ấy vô danh nhưng có cha đẻ là hữu danh? Bởi vì cha đẻ là hiệp định 1973!
Hiệp định 1973 không phải là cha đẻ mà chỉ là người làm giấy khai sinh. Ai cũng biết, chiến tranh Việt Nam kéo dài cho đến Tết Mậu Thân 1968 thì nhà cầm quyền Mỹ vấp hai phản ứng quyết liệt: phản ứng chính trị đến từ nội bộ; phản ứng quân sự đến từ chiến trường. Đánh mà biết không thắng, tình hình đó tất phải đưa đến thương thuyết. Cái bánh không ăn hết được, tất phải bẻ hai.
GS. Cao Huy Thuần. Ảnh: Lan Đào |
Buổi sáng ngày 13/5/1968, cũng như bao nhiêu bạn bè người Pháp và người Việt, tôi đứng chờ hàng giờ trên đường phố dẫn đến hội trường Kléber, nơi bốn phái đoàn họp lần đầu để thương thuyết, và đã cảm động đến ứa nước mắt khi bốn chiếc xe với bốn lá cờ được hộ tống oai nghiêm đến phòng hội nghị. Bốn lá cờ: Mỹ, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Chính Phủ Cách Mạng Miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa. Tôi ứa nước mắt vì nghĩ mình sắp được trở về quê hương thanh bình. Lầm to! Thương thuyết kéo dài 5 năm! Năm năm đằng đẵng! Nín thở cho đến 1973 hai lá phổi mới nhận lại không khí. Hiệp định Paris ngưng chiến tranh Việt Nam được bốn bên ký vào ngày 27/1 năm ấy. Chiều ngày 27, tôi lại ứa nước mắt lần nữa khi ngồi một mình trong công viên Montsouris nhìn mấy con vịt bơi trong hồ. Tôi thầm nói với vịt: từ giã mày nhé! Lại lầm to! Hiệp định bị chiến sự xé toạc! Vừa khai sinh đã chết yểu!
– Ai xé?
Chiến sự. Giá như những người cầm quyền Việt Nam Cộng Hòa hồi đó khôn ngoan, không chừng họ còn đất sống. Nhưng Việt Nam Cộng Hòa, từ ông Diệm đến ông Thiệu, chưa bao giờ được cai trị bởi những người khôn ngoan, chừng mực. Ông Diệm tham ăn tôn giáo. Ông Thiệu tham ăn hết cả cái bánh tuy hàm răng của Mỹ không còn. Nạn nhân của ông là tất cả những ai bị ông đẩy vào chiến tranh khi chiến tranh trong tay ông đã hết phù phép. Ông nhìn không xa hơn cái mũi. Và mũi ông là cái cò súng, tuy hết đạn viện trợ. Hiệp định Paris 1973 là cơ hội ngàn năm một thuở để ông Thiệu cứu ông và cứu dân tộc. Để ông cùng với dân tộc đi vào hòa bình khi chính ông đã bị Mỹ bỏ rơi. Nhưng ông ấy nghĩ: đi vào hòa bình là đi vào tử lộ. Ông sợ nhiều thứ mà sợ nhất là "thành phần thứ ba"!
Hiệp định 1973 nói rõ: chấm dứt chiến sự; người Mỹ rút lui; thành lập một hội đồng hòa giải hòa hợp dân tộc để người Việt giải quyết vấn đề của người Việt; hội đồng sẽ tổ chức bầu cử tự do ở miền Nam và gồm ba thành phần bình đẳng với nhau: chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, chính phủ cách mạng miền Nam, thành thần thứ ba. Thành phần thứ ba là ai? Chưa biết. Nhưng chưa biết mà ông Thiệu đã sợ. Ông sợ, vì ông chỉ có súng mà không có dân. Súng của ông bắn vào địch cũng có mà bắn vào dân cũng nhiều. Hết chiến tranh, hết súng. Hết ngoại thuộc. Hết chỗ dựa. Ông sống với ai, ai bầu cho ông? Trong chiến tranh, ông chọi một, mà đã chọi không nổi. Bây giờ mất súng mà còn phải chọi hai, sức đâu? Cho nên tay ông ký, vì bị Mỹ ép, mà bụng ông đã mở cờ xé chữ ký khi mực chưa khô.
Chẳng có ai là cha đẻ của thành phần thứ ba cả. Thành phần thứ ba không có cha. Họ chỉ có mẹ. Họ tuyên bố: mẹ của họ tên là Việt Nam. Cho nên tên của họ cũng là Việt Nam. Họ gọi mẹ thống thiết: Mẹ Việt Nam! Mẹ Việt Nam! Họ làm thơ tặng Mẹ. Họ hát tặng Mẹ. Họ vào tù vì Mẹ. Họ tuyệt thực. Họ ăn lựu đạn cay. Tất cả chỉ vì một bà mẹ mà họ thấy rách nát đạn bom. Muốn tìm họ ở đâu lúc đó không khó: chỉ cần nghe ở đâu có tiếng gọi mẹ. Tiếng ấy thốt ra từ 1964. Từ 1964.
Mẹ chẳng biết trong những đứa con bà
Đứa nào là quốc gia đứa nào là cộng sản
Mẹ chỉ biết những buổi chiều rất tím
Và máu thằng anh cũng đỏ như máu thằng em.
– Có một nhận định khác, nói như thế này: khi ký hiệp định 1973, ông Thiệu nghĩ mình cũng có trong tay một "thành phần thứ ba" nào đó sẽ theo mình vì sợ cộng sản. Nhận định đó có cơ sở không?
Bất cứ người nghiên cứu nào về những "lực lượng ở giữa" trong bất cứ hoàn cảnh chính trị ở bất cứ nước nào đều biết rằng những lực lượng đó chỉ có thể đứng trên một trong hai vị thế sau: hoặc như một khối độc lập ở giữa, hoặc phân ra làm hai cánh, một cánh nghiêng theo phe tả, một cánh nghiêng theo phe hữu. Đại diện mô hình thứ nhất là chính trị nước Pháp sau Cách Mạng 1789. Phe cách mạng và phe phản cách mạng không ai hạ được ai lâu dài, cho nên, trừ vài khoảng thời gian rất ngắn, sức nặng chính trị quy vào những thành phần ở giữa. Đại diện mô hình thứ hai là chính trị nước Anh. Hai đảng, và chỉ hai đảng, hút vào hai cực như nam châm, các khuynh hướng ở giữa không có đất cắm dùi.
Tình hình năm 1973 ở miền Nam thiên về mô hình thứ hai tuy đồng minh của cánh hữu càng ngày càng mất nhuệ khí và mất dân. Dù vậy, ở giữa vẫn không phải là một khối đồng nhất, vẫn là hai nửa xa lạ nhau trên câu hỏi căn bản: Anh muốn chiến tranh hay anh muốn hòa bình? Anh muốn ngoại thuộc hay anh muốn tự trị? Mậu Thân đào thêm hố chia rẽ giữa hai nửa với nhau, anh bên phải cười anh bên trái là ngây thơ. Bởi vậy, giá như hiệp định 1973 được thi hành, vấn đề cử ai đại diện cho thành phần thứ ba vào Hội đồng hòa giải hòa hợp dân tộc đủ để gây bão táp phong ba mới. Bản thân tôi đã thấy trước gay cấn đó từ 1964 vì tai đã nghe:
Chính chúng ta phải có mọi quyền
Quyết chối từ chém giết anh em
Chính chúng ta phải nói Hòa Bình
Đứng lên đòi thống nhất anh em.
"Thành phần thứ ba ngây thơ" đã thai nghén từ dạo ấy, từ Huế, từ sinh viên của trường đại học trẻ trung ấy, từ tiếng thơ ấy, từ tiếng lòng trong trắng ấy, từ miệng của những đứa trẻ mồ côi ấy gọi mẹ. Bởi vậy, thành phần thứ ba vừa có vừa không. Có trong lương tâm của mọi người Việt Nam. Không, như một thực thể chính trị. Nói tôi là thành phần thứ ba, tôi cười, vì tôi vừa không vừa có.
– Ông không xem chính phủ Dương Văn Minh thành lập ở Sài Gòn vào những ngày tận cùng của chiến tranh là hiện thực chính trị, dù chớp nhoáng, của thành phần thứ ba?
Thành phần thứ ba chỉ hiện hữu khi nó là không. Biến không thành có vào lúc ấy là chuyện lấy mây vá trời.
Dân tộc là một, không có bên ngoài với bên trong!
– Trở về hiện tại, ông quan niệm thế nào về hòa hợp dân tộc hiện nay? Ông đánh giá thế nào về những cố gắng của Nhà nước để gây hòa hợp với người Việt ở nước ngoài? Mẹ Việt Nam giờ đây không còn rách nát nữa mà hùng dũng đứng lên với thế giới. Tiếng gọi bây giờ không phải là con gọi mẹ nữa mà là mẹ gọi con. Con có nghe mẹ gọi chăng?
Cả hai đang gọi nhau và cả hai cần thông cảm với nhau. Trong nhiều tích xưa, kẻ thắng thường kính trọng những kẻ bại trượng phu, và đã là trượng phu với nhau thì không có ai thắng ai bại trên lĩnh vực khí phách. Cũng trong tinh thần trượng phu ấy, kẻ thắng thường biết hạ mình. Hạ mình để được người. Đó là vương đạo. Hãy bằng vương đạo mà hòa hợp, mà nghe nhau. Và nghe với tình cảm, chứ không phải chỉ nghe vì lợi ích vật chất.
"Việt kiều" mua nhà được không, đó là lợi ích vật chất. Lợi ích đó cũng quan trọng lắm, nhưng đó vẫn chưa phải là hòa hợp dân tộc. Nhà nước đã làm được rất nhiều chuyện trên lĩnh vực lợi ích vật chất, nhưng tại sao tâm lý chung vẫn là, nói như thơ Xuân Diệu, "lại gần nữa thế vẫn còn xa lắm"? Tại vì vấn đề không phải là lợi ích vật chất, và càng đắn đo suy tính chi ly trên từng lợi ích như vậy năm này qua năm khác, càng chứng tỏ tình cảm mẹ con thiếu vắng đậm đà.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, phân biệt dân tộc ra kẻ ở bên trong với kẻ ở bên ngoài, kẻ nắm một hộ chiếu hay hai ba hộ chiếu, dần dần mất tính chính xác và tính chiến lược. Chưa kể mất luôn tình cảm. Ta thường hay chép miệng so sánh ta với người Hoa. Sao cộng đồng người ta như thế mà cộng đồng của mình như thế? So sánh sao được! Hồi Tưởng Giới Thạch "mất nước", ông đâu có phi thân qua Mỹ? Người Hoa trên thế giới đâu có phải là sản phẩm xuất khẩu của đại thắng 1949?
Đừng nói tình tự dân tộc của người Việt thua người Hoa! Người Việt có những vấn đề mà người Hoa không có vì hoàn cảnh của họ không giống người Hoa! Người Hoa thuận lợi trong mối gắn bó của họ với đất mẹ vì họ cùng nhục cùng vinh với người cầm quyền trên đất ấy. Cái nhục mà họ đã nuốt là cái nhục mà Mao, mà Đặng đã cùng nuốt, cái nhục bị Tây phương xẻ thịt. Cái vinh mà họ hưởng là cái vinh mà Giang, mà Hồ đã mang lại cho họ, cái vinh của một nước bá vương.
Lịch sử sau lưng họ không phải là chiếc thuyền nan mà là tấm biển nơi công viên "cấm chó và người da vàng". Lịch sử trước mắt họ không phải là dấu hỏi cô đơn trên trang giấy trắng mà là thảm đỏ mênh mông trải khắp địa cầu, trải đến đâu Vạn lý trường thành lan ra đến đấy. Họ không có vết thương rỉ máu nên không cần thở than với thuốc dán con rắn. Họ béo tốt, phương phi vì nhận được sâm nhung bổ thận cùng với thế vận hội, phi thuyền do thám cung trăng, thế giới chia hai với Mỹ. Hoàn cảnh họ khác ta, làm sao so sánh được! Cái gì mà mẹ con ta phải học được nơi họ là mối san sẻ cùng vinh cùng nhục với người cầm quyền. Vinh nhục của một dân tộc mới là chuyện đáng nói; mấy cái lợi ích vật chất bèo bọt kia thấm béo gì!
Lãnh đạo hợp lòng dân, ấy là hoà hợp!
– Vậy hòa hợp dân tộc phải quan niệm một cách khác? Cách gì?
Dân tộc là một, không có bên ngoài với bên trong. Khi nghe tin ngư phủ của ta bị "tàu lạ" bắt giữ trong chính biên giới lãnh hải của ta, máu của bên trong có nóng hơn máu của bên ngoài chăng? Vinh nhục có khác nhau chăng? Có cần hòa giải hòa hợp để cùng chung phẫn uất chăng? Khi mới đây tỉnh Quảng Trị làm lễ cầu siêu cho binh sĩ tử trận trong những cuộc chiến kinh hoàng xóa nát cả thành phố, có bên nào, trong hay ngoài, đặt vấn đề chỉ tụng kinh gõ mõ cho quân phục này hay quân phục kia chăng? Có ai không thấy dân tộc hiện nguyên hình là một chăng? Đâu là trong đâu là ngoài khi chạm đến thiêng liêng? Ai dám nói Tổ Quốc không là thiêng liêng đối với đồng bào ta ở Mỹ?
– Để vấn đề được thông suốt, tôi xin đưa ra một giả dụ, tất nhiên chỉ là một giả dụ. Giả dụ Nhà nước ta tuyển mộ chí nguyện quân để bảo vệ chủ quyền của ta trên các hải đảo, và giả dụ các chiến sĩ cũ của Sài Gòn trước đây xung phong tòng quân: họ chấp nhận vui vẻ chiến đấu dưới lá cờ "mới"?
Để vấn đề đư
ợc thông suốt, tôi cũng nới rộng chuyện thêm. Đây là chuyện của nước Pháp, một biến cố thú vị trong lịch sử Pháp. Năm 1870, Napoléon III thất trận ở Sedan, bị Đức cầm tù cùng với 83.000 tù binh. "Nàng ơi, quân ta thua, ta bị cầm tù", vua đánh điện về cho hoàng hậu vỏn vẹn mấy chữ ngắn gọn như vậy. Và ngắn gọn, Quốc hội truất phế vua, chấm dứt Đế Chế, tái lập Cộng Hòa, bầu lên chính phủ lâm thời để tiếp tục chiến tranh.
Nhưng Pháp kiệt quệ quá rồi trước binh lực của Bismarck, cầm cự được ba tháng thì phải xin thương thuyết. Bismarck tuyên bố chỉ thương thuyết với một chính phủ thực sự đại diện thôi; yêu sách đó buộc Pháp phải bầu lại một Quốc hội mới. Quốc hội mới được bầu lên, phe quân chủ đa số. Từ ngoại quốc, công tước Chambord chuẩn bị về nước để lên ngôi. Nước Pháp lại sắp có tân vương, tái lập quân chủ. Nghi lễ đã trù liệu hẳn hoi, áo mão xe ngựa đã đâu vào đấy tề chỉnh. Bỗng, đến phút cuối, ngài công tước gửi một thông điệp đến Quốc hội đòi triệt hạ cờ tam tài, trương cờ trắng lên: cờ trắng là cờ của vua, cờ của ngài. Ngài viết: "Cờ ấy đã phất phới trên nôi của Ta, Ta muốn cũng cờ ấy che bóng cho Ta trên mồ". Nghe vừa hào hùng, vừa lãng mạn. Nhưng ngay cả những dân biểu quân chủ chính thống nhất trong Quốc hội cũng lắc đầu trước thái độ hào hùng lỗi thời ấy.
Lá cờ tam tài của Cách Mạng 1789 đã trở thành chính đáng, đã nhuốm máu của dân quân hy sinh trên khắp chiến trường, đã trở thành lá cờ của dân tộc. Huống hồ, cờ trắng là cờ riêng của các vua ngày trước, chỉ chính thức là cờ của nước Pháp trong khoảng thời gian 15 năm, thời quân chủ phục hồi 1815-1830. Trước Cách mạng, nước Pháp không có cờ chính thức, cờ trắng chỉ là biểu hiệu của vua, vua đi đâu cờ trắng đi đầu. Công tước Chambord muốn cờ trắng bọc thây thì cũng chẳng sao, nhưng ông muốn cờ ấy cũng là linh hồn của nhân dân, của nước Pháp, thì chẳng mấy ai gật đầu với ông. Cho nên ông chẳng bao giờ làm vua. Ông mất ngôi vì một lá cờ. Cộng Hòa lại trở về với nước Pháp. Và cờ tam tài phất phới.
Tôi không có ý so sánh trường hợp của Chambord với trường hợp của một số cộng đồng của ta ở Mỹ. Chambord áp đặt cờ của vua trên cờ của dân tộc. Đồng bào ta ở Mỹ áp đặt gì ai? Họ chỉ gắn bó với một phần đời của họ. Và nếu phần đời ấy là riêng tư, ta nên tôn trọng như một thiêng liêng riêng tư và trao cho thời gian giải quyết vấn đề của thời gian. Tôi nêu trường hợp Chambord chỉ cốt để gợi lên cái ý cờ riêng và cờ chung. Trong những điều kiện tốt đẹp nào đó mà bà con ta cảm thấy nhận được từ phía Nhà nước, tôi nghĩ họ cũng sẽ có cách giữ được sự trung thành của họ trong tình cảm đối với một biểu tượng cũ riêng tư, và chấp nhận trên lý trí mảnh hồn chung của dân tộc phất phới vinh quang trên đất nước mà họ hãnh diện là thành phần. Vấn đề là hãnh diện chung, vinh quang chung. Có cái vinh ấy, cái tự hào ấy, cùng chia sẻ chung với người cầm quyền, chuyện gì cũng giải quyết được.
– Ông có nghĩ là Nhà nước cũng rất quan tâm về điều đó?
Có chứ! Tất nhiên là có! Ai cũng phải công nhận Nhà nước đã có thiện chí làm được nhiều chuyện, rất nhiều chuyện. Ai cũng thấy tận mắt mối quan hệ càng ngày càng tốt đẹp khi người Việt ở xa đặt chân lên quê hương. Bước qua hải quan năm 2010, tôi tưởng chân mình mang hài bảy dặm so với hải quan ngày trước. Bao nhiêu việc tôi có thể làm được ngày nay, khó tưởng tượng được ngày xưa. Chỉ những ai xấu lòng mới phủ nhận những thành tích to lớn đó. Nhưng điều mà tôi muốn nói không phải là những chuyện đó. Đó chưa phải là hòa hợp, lại càng chưa phải là hòa hợp dân tộc. Bởi vì đã gọi là dân tộc, sao còn phân biệt ngoài với trong? Sao còn chia năm xẻ bảy hạng người Việt này với hạng người Việt khác? Dân tộc không có sông Ngân. Người Hoa không có biên cương. Người Do Thái không có biên cương. Nếu có một bài học phải học nơi thành phần thứ ba ngày trước thì đó là hình ảnh bà mẹ không phân biệt con cái.
Từ sự không phân biệt đó, hãy suy nghĩ: điều gì đem lại hòa hợp ở bên trong, chắc chắn cũng đem lại hòa hợp với bên ngoài. Vậy, câu hỏi chỉ còn là: điều gì đem lại hòa hợp? Hỏi đứa con nào, trong hay ngoài, người mẹ cũng nghe một lời duy nhất: xây dựng một Nhà nước trong sạch, dân chủ. Mẹ mà làm được như vậy, con nào ở xa mà chẳng thấy Tổ Quốc của mình phất phới trên lá cờ chung? Khỏi cần chiêu dụ nhân tài: nhân tài sẽ quy về một mối. Khỏi cần kêu gọi đầu tư: tiền bạc sẽ đổ về một cõi. Máu chảy về tim: khỏi cần ve vuốt núm ruột ở xa. Quê hương nóng hổi ruột gan: khỏi cần thơ văn khế chua khế ngọt.
Từ lâu, ai cũng đều biết mối tình thắm thiết giữa Đảng và dân trong thời giành độc lập, trong thời chiến tranh. Cách mạng đã chiến thắng vì Đảng và dân hòa hợp. Đảng biết hòa hợp vì Đảng biết lãnh đạo. Chắc chắn Đảng cũng biết: lãnh đạo trong chiến tranh khác với lãnh đạo trong hòa bình, lãnh đạo trong xã hội nông nghiệp khác với lãnh đạo trong xã hội tri thức. Ta đã từng nghe nói nhiều từ lời của chính Đảng: phải nhận thức lại phương cách lãnh đạo, phải nhận định lại khái niệm lãnh đạo. Biết mới khó, làm không khó. Làm được thì hợp lòng người, hợp dân chủ. Hòa hợp dân tộc giản dị chỉ có vậy. Không có trong, không có ngoài. Không có người Việt ở gần, không có người Việt ở xa. Tổ tiên đã dạy chúng ta: trăm con cùng trong một trứng. Và nếu cha Rồng có dẫn 50 con lên núi, mẹ Tiên có dẫn 50 con xuống biển, ấy là để bảo vệ Lạng Sơn, ấy là để gìn giữ Biển Đông.
Tình tự dân tộc của người Việt không thua gì người Hoa. Ngày nay, nếu con cái bung ra ngoại quốc, cũng nên xem như cha Rồng dẫn đi để chinh phục toàn cầu hóa, đem lợi ích cho mẹ Tiên. Với tinh thần bảo bọc như thế, mọi vấn đề sẽ được giải quyết hợp tình, hợp máu mủ: nào quốc tịch, nào nhà cửa, nào hộ chiếu, nào quyền lợi, nào bổn phận. Giải quyết những vấn đề đó không phải là hòa giải hòa hợp. Đó là lãnh đạo. Lãnh đạo hợp lòng dân, ấy là hòa hợp. Hòa hợp dân tộc không phải là hòa giải giữa trong với ngoài. Đó là hòa hợp giữa dân với Đảng, giữa Đảng với dân.
– Cám ơn ông. Xin hỏi câu hỏi cuối cùng: ông có ý nghĩ gì đặc biệt về ngày hôm nay, 30 tháng 4?
Tôi nghĩ đến một bài thơ, bài "Après la bataille" của Victor Hugo. Tôi vừa dịch xong, xin tặng bạn đọc Tuần Việt Nam.
SAU TRẬN ĐÁNH
Chiến trường đầy xác chết
Khi trận đánh vừa xong
Cha tôi trên mình ngựa
Duyệt chiến trận một vòng.
Đêm xuống. Ai rên rỉ
Giữa bóng tối thê lương?
Viên sĩ quan hầu cận
Thưa: lính bại ven đường.
Máu thấm hoen cỏ dại
Tên lính chết nửa người
Hổn hển. Thở. Kêu cứu
"Nước! Nước! Nước! Người ơi!"
Sĩ quan! Đây bình rượu
Uống đi, kẻ thương binh!
Viên sĩ quan cúi xuống
Kề miệng dốc ngược bình.
Như chớp, người kia rút
Súng nổ đạn vèo bay
Mũ cha tôi rơi xuống
Ngựa cong vó vẫy tai.
Thản nhiên cha tôi nói :
"Cứ cho uống tràn đầy".
Theo Vietnamnet.vn