Nhưng những tin “bạo lực học đường” tại Việt Nam mới đây làm giựt mình,- nữ sinh đánh nhau, thầy mua dâm bằng tiền và bằng điểm, học sinh chém nhau bằng dao…- cho thấy hành động “BLHĐ” đang vượt quá khuôn khổ tưởng tượng thông thường, báo động những nguy cơ tác hại không lường cho vốn xã hội của cộng đồng con ngườ nơi đây, một khi học đường, nơi tượng trưng cho giá trị cao quý “được làm người có giáo dục” đang bị lung lay, nơi tượng trưng cho cuộc sống hài hoà, an bình giữa người và người đang bị đục khoét, nơi nền tảng tương lai của thế hệ trẻ bị chấn động.
Nếu tìm hiểu khái niệm bạo lực học đường trong nội hàm và ngoại vi của nó, ta hiểu được tình trạng báo động khẩn cấp của học đường hiện nay tại Việt Nam.
Khái niệm “bạo lực học đường” là một khái niệm rộng, bao gồm cả bạo lực thể xác (đánh đập người khác, phá phách đồ vật) và bạo lực tâm lý (trong đó bạo lực bằng lời nói và không lời nói). Tác nhân bạo lực thường được kể là học sinh, học sinh gây bạo lực với nhau, đánh đấm nhau. Học sinh hầu như dược xem là thủ phạm của bạo lực hoc đường kể từ hành vi đánh bạn, phá phách dụng cụ trong trường, trong đó con trai thường bạo hành hơn con gái…Nhưng không chỉ là học sinh mà chính nhà giáo cũng là tác nhân gây bạo lực.
Một nghiên cứu tại Đức tóm tắt :Bạo lực học đường có những hình thức như sau: bạo lực của học sinh trên học sinh (vu khống, chửi bới, khai trừ, bắt nạt, doạ nạt, chọc ghẹo tính dục, xô đẩy, đánh đập
-Bạo lực của học trò trên những hiện vật không thuộc sở hữu của mình (phá phách học đừông hay phá phách đồ vật của bạn học)
-Bạo lực của học sinh đối với thầy cô (phần lớn có tính tâm lý như thách đố bằng lời, nói dối, những nhận xét xoi mói, bày tỏ không muốn làm bài tập, phá rối trong giờ học, hiếm khi có bạo lực thể xác như đánh đập, chà đạp, nếm đồ vật vào người)
-Bạo lực của người dạy đối với học trò (phần lớn về tâm lý như mắng chửi, nhục mạ, phơi trần, cho điểm xấu, rất hiếm khi đụng đến thân thể như bạt tai, day, ném phấn, ném chìa khoá…)
Trong khi thống kê tại Đức ghi chú bạo lực về phía người giáo dục đối với học sinh rất hiếm hoi, hiện tượng bạo lực từ nhà giáo tại VN hiện nay làm sửng sốt với nạn mua dâm, lợi dụng tình dục đối với học trò. Những bạo lực từ phía người có trách nhiệm thường được che dấu bằng những hình thức đạo đức bề ngoài cần được phân tích kỹ hơn để hiểu rõ nguyên nhân của bạo lực học đường.
Ngoại hàm của “bạo lực học đường” phân biệt bạo lực cá nhân còn gọi là bạo lực liên hành động giữa người và người (thể xác, tâm lý) như đã nói trên và bạo lực định chế, bạo lực cơ cấu. Ví dụ: Nhà giáo cho điểm học sinh và qua đó gây bạo lực bằng số điểm thấp hay đánh hỏng. Dĩ nhiên thầy hay cô giáo làm công việc này dưới sự giám thị của nhà trường. Đây có thể là một thứ bạo lực phi cá nhân tạo nên thành phần của những hình thức giao thiệp định chế. Nhà trường là một gạch nối giữa cá nhân và xã hội, là nơi xuất phát con người được giáo dục cho xã hội, nhưng hệ thống của nó có thể trở nên một “bạo lực cơ cấu” cho chính đối tượng của nó là học sinh. Nhà trường là một mắc xích cơ cấu giữa xã hội và cá nhân được giáo dục, đào tạo.
Tình trạng “mua dâm” học sinh, đổi điểm cao bằng tình dục với học sinh mới đây là tình trạng bạo lực nổi bật, nhưng tình trạng học sinh bị ngộp thở vì chương trình học ở trường và ngoài ra còn phải bị học thêm ngoài giờ có thể là môt “bạo lực cơ cấu” làm nên mầm mống bạo lực phản đối trong mỗi học sinh, bên cạnh những nguyên nhân khác của “bạo lực học đường”.
Bởi thế, trong khi tìm hiểu nguyên nhân gây bạo lực học đường từ những nguồn gốc do gia đình (qua thái độ hung bạo của cha mẹ đối với con cái, giai cấp nghèo của cha mẹ, cách giáo dục thất thường của cha mẹ), do trường học (loại trường công, tư, phẩm chất đào tạo, không khí học đường, tiếp cận thầy trò, môn học, môi trường xung quanh), do cá nhân (thiếu khuyến khích, không có tính nhẫn nại), không thể bỏ qua áp lực của bạo lực cơ cấu, một hình thức của bạo lực định chế. Một khi học đường biến thành cơ sở cho bạo lực cơ cấu được dung dưỡng thì bất công xã hội trở nên vấn nạn báo động cho chính xã hội ấy: sự phân biệt đối xử đối với tầng lớp thấp kém, những biện pháp học đường (học phí, áo quần, giờ học, nạn học thêm) gây khó khăn cho học sinh nghèo, áp lực nam giới đối với nữ học sinh, đối với học sinh khuyết tật…không chỉ phản ảnh bộ mặt học đường mà phản ảnh cơ cấu bất công xã hội đang hình thành.
Ngoài lý thuyết về “dồn nén sinh ra bạo lực”: dồn nén hay ức chế đủ kiểu là nguyên nhân cho bạo lực. Nguyên nhân của dồn nén ấy được kể trước hết là sự vô hội nhập xã hội và sự mất định hướng của học sinh. Bạo lực có thể tích cực (thể thao, sáng tạo) hay tiêu cực (chống lại người khác, với chính mình và đồ vật chung quanh), hiện nay đang có hiện tượng chính “thế lực sinh ra bạo lực” trong một tương quan hổ tương bất ngờ: những kẻ bị thế lực mọi nơi đè nén- kẻ yếu như nữ sinh đang trở thành “đại ca”, trở thành thủ phạm của bạo lực thể xác Nhưng bạo động và tệ hại không ngờ là chính những nhà giáo dục dựa trên uy thế của mình, dựa trên quyền chấm điểm – một thứ bạo lực cơ cấu- để gây bạo lực trên học sinh.
Sự báo động đến từ hai phía, cá nhân và định chế học đường Bởi thế chỉ phán xét lên án đạo đức hay tìm hiểu nguyên nhân của bạo lực chưa đủ. Cần hành động và có biện pháp hữu hiệu – trong đó biện pháp đề phòng và biện pháp can thiệp cần chiến lược dài và tức khắc trong mọi giới xã hội, điều ấy có nghĩa cần phân tích nghiêm túc hơn bao giờ “bạo lực cơ cấu có định chế là học đường” để “bạo lực học đường” không còn đất dung thân trên học đường Việt nam.