Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Phật giáo Việt Nam với tinh thần vô úy cứu dân

Phật giáo Việt Nam với tinh thần vô úy cứu dân

163
0

Tôi xuất thân từ các cuộc vận động của Phật giáo trong những năm 1963 đến 1966. Lúc theo kháng chiến (1966-1975), tôi có nhiều dịp chuyển thư từ, hình ảnh của Hoà thượng Thích Đôn Hậu và cán bộ tập kết ngoài Bắc vào cho các chùa và đồng bào theo Đạo Phật ở Huế. Nhờ thế, sau ngày Giải phóng miền Nam, nhiều lần tôi được Sư bà Thích nữ Diệu Không tiếp tại chùa Hồng Ân và chùa Kiều Đàm (Huế). Biết tôi là người rất thích chuyện cũ và thơ văn nên Sư bà đọc nhiều bài thơ mừng ngày thống nhất đất nước và kể những hoạt động của Phật tử Sài Gòn trước và sau ngày 30.4.1975 cho tôi nghe. Sư Bà nói:

Sư bà Diệu Không, người chủ trương tinh thần vô úy cứu dân

 “Kháng chiến lo cứu nước, mình là Phật giáo còn phải hoạt động cứu dân. Không những cứu bớt đổ máu, cứu những đổ nát mà còn phải cứu thoát ra khỏi sự sợ hãi để hưởng thống nhất hoà bình an lạc!”. 

Tôi rất thấm thía lời dạy của Sư bà. Đây không phải là một lời nói, một khẩu hiệu suông mà là cả một thực tế rất quý báu. Suốt những năm chiến tranh, sau các cuộc giao tranh diễn ra ở vùng nông thôn, nhiều xác cán bộ, bộ đội du kích cách mạng… không may nằm lại tại chiến trường, dân chúng, và người thân của liệt sĩ ít người dám ra mặt nhận xác về chôn. Gặp những tình huống như thế, các khuôn hội Phật giáo chắp tay trước mọi hiểm nguy đứng ra đảm nhận việc chôn cất. Một số nơi còn dựng cả am miếu để thờ người chết trận. Sau chiến dịch Huế Xuân 1968, nhiều người Huế bị chính quyền VNCH bắt giam vào lao Thừa Phủ vì bị tình nghi đã cộng tác với Mặt trận Giải phóng. Đến ngày Rằm tháng bảy năm Mậu thân (1968), Sư bà Diệu Không tổ chức ngày “xá tội vong nhân” đứng ra xin chính quyền VNCH trả tự do cho hàng trăm tù chính trị chưa xác định được “tội danh”. Một trong những người được trả tự do năm ấy là anh Hoàng Phủ Ngọc Phan, (sau này là nhà báo viết chuyện cười Hoàng Thiếu Phủ). 

Thời gian cuối tháng 4.1975, Sư bà Diệu Không đang ở Sài Gòn. Ngày nào Phật tử cũng đem đến cho Sư bà những tin tức chiến sự nghe được qua các đài phát thanh Sài Gòn, Hà Nội, BBC, VOA… Sau khi nghe tin vùng Cao nguyên và các tỉnh dọc bờ biển miền nam Trung phần từ Huế vô đến Xuân Lộc đã được giải phóng, đêm 29/4, sân bay Tân Sơn Nhất lại bị pháo kích dữ dội, Sư bà nghĩ thế nào ngày mai Quân giải phóng cũng vào đến Sài Gòn. Trưa ngày 30.4.1975, Sư bà cho tổ chức các xe phóng thanh chạy khắp thành phố kêu gọi binh lính Sài Gòn bỏ súng. Tại Đại Học Vạn Hạnh gần cầu Trương Minh Giảng (nay là đường Lê Văn Sĩ), thanh niên sinh viên Phật tử đeo băng xanh đỏ thiết lập trạm tiếp nhận súng ống bên cạnh các xe tải cắm cờ ngũ sắc của Phật giáo. Những binh lính ở xa nhà, lỡ đường có thể vào tá túc trong các chùa Phật. Sư bà vận động các chùa nấu cơm tiếp tế cho dân chúng đang tham gia công tác trên các đường phố và binh lính Sài Gòn vừa giải giáp.

Những chuyện cứu dân như trên nhiều lắm, không thể nào kể hết trong một bài báo. Các cuộc vận động của Phật giáo từ năm 1963 cho đến 1975 cho hoà bình dân tộc, cuộc du thuyết quốc tế cho hòa bình Việt Nam của Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở Âu Mỹ  cũng không có mục đích nào khác là chuyện cứu dân. 

Qua tư liệu lịch sử tôi thấy người Phật tử có ý thức cứu dân nổi tiếng là ông Dương Văn Minh – một vị tướng của quân đội VNCH cũ. Vì thương dân mà ông đã tổ chức cuộc đảo chính chế độ độc tài Ngô Đình Diệm vào tháng 11.1963. Mười hai năm sau, vào những ngày cuối tháng 4.1975, ông Dương Văn Minh lại ra giữ chức tổng thống cuối cùng của chế độ VNCH để cứu dân. Trong một bài viết đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng nhân kỷ niệm 20 năm Giải phóng miền Nam Việt Nam (1975-1995), nhà cách mạng lão thành Trần Trọng Tân cho biết: 

“Dương Văn Minh lên làm tổng thống không chủ trương đối đầu. Ông Minh muốn ra thay Hương vì thấy Hương quá thân Mỹ, quá hung hăng chống Cộng, từng đã ra lệnh sử dụng bom CBU, loại giết người hàng loạt, ở Bình Tuy. Vả lại nếu không đứng ra nhận trách nhiệm tổng thống thì e rằng Nguyễn Cao Kỳ sẽ làm đảo chính và y sẽ tuyên bố tử thủ, cuối cùng rồi cũng thua nhưng gây nên nhiều cảnh thảm khốc”. 

Đúng như thế, sáng ngày 30.4.1975, Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, với tinh thần của người Phật tử, lãnh trách nhiệm lịch sử, chuẩn bị tự ngừng bắn và trao quyền cho Mặt trận DTGPMN để tránh phản ứng của nhiều đơn vị quân đội VNCH đang muốn điên cuồng tử chiến. Cùng lúc đó,  hai ông nhận đuợc điện thoại của các vị lãnh đạo Phật giáo khuyên hai ông nên nhanh chóng đầu hàng vô điều kiện để cứu dân(2). Hai ông Tổng thống và Thủ tướng cuối cùng của VNCH vốn là những Phật tử đã có nhiều gắn bó với Phật giáo từ năm 1963 đến 1975, nên khi nghe lời khuyên của các vị lãnh đạo Phật giáo họ cảm thấy yên lòng. Nhờ thế khi đại diện Cách mạng tiến vào Dinh Độc Lập buộc chính quyền VNCH phải đầu hàng, họ đầu hàng ngay.

 Chuyện ông Dương Văn Minh “đầu hàng” để cứu dân là một sự kiện lịch sử. Người miền Nam từng khát khao đất nước thống nhất, độc lập, hòa bình, rất biết ơn ông. Nhờ ông mà họ được sống để hưởng độc lập hòa bình do Cách mạng đem lại. Trái lại, một số người cố tình muốn đi ngược dòng lịch sử đã không ngừng lên án ông. Hành động đầu hàng của ông Minh không vì quyền, không vì lợi, không vì bất cứ một vinh dự nào ngoài mục đích cứu dân. Cứu được dân rồi, ông sống lặng lẽ ở TP. HCM, sau đó qua Pháp (1982) rồi qua Mỹ nương tựa trong gia đình một người con gái và cuối cùng vĩnh biệt cuộc đời trong một bệnh viện ở Mỹ. 

 Vào những năm cuối đời, có lần ông Minh “bị” ông Đinh Xuân Dũng (con trai của một người bạn mặc áo lính của tướng Dương Văn Minh, đang định cư ở nước ngoài) hỏi:

– Đại Tướng nghĩ sao sau khi Miền Nam sụp đổ?

Không một chút do dự, ông Minh đáp: 

– Điều tôi mừng nhất là tránh cho nhân dân khỏi chết chóc và Sài Gòn khỏi thành bình địa.

Cách đây vài ba năm, ông Trần Quang Thuận (Bộ trưởng xã hội trong chính phủ của tướng Nguyễn Khánh năm 1964 ở Sài Gòn, hiện nay đang họat động trong các tổ chức Phật giáo ở Mỹ) về thăm Huế. Trong câu chuyện lịch sử, ông Thuận kể lại tâm sự của tướng Dương Văn Minh về sự kiện tướng Minh “đầu hàng” vào ngày 30.4.1975 rằng:

– Tướng Dương Văn Minh nói với tôi: “Chiến tranh sẽ kéo dài bao lâu? Một năm? Hai năm? Cuối cùng thì cũng phải đầu hàng thôi, không thể đánh mãi được, đầu hàng càng nhanh càng tốt. Tốt cho người dân Sài Gòn”. 

Chuyện ông Dương Văn Minh đầu hàng để “tốt cho người dân Sài Gòn” đã được những người trong cuộc – Trần Trọng Tân (MTGPMN) và Trần Quang Thuận (Chính quyền VNCH cũ) – khẳng định. Đối với những Phật tử đã chứng kiến sự  nghiệt ngã của chiến tranh, họ thoát chết nhờ sự đầu hàng kịp thời của ông Dương Văn Minh. Nay được sống và thấy được đất nước thống nhất, độc lập, hòa bình, họ xem ông Dương Văn Minh như một vị Bồ-tát. 

Đã là Phật tử (chân chính), dù làm quân hay làm tướng, dù bên Đông hay bên Tây, bên cạnh nhiệm vụ cứu nước luôn có nhiệm vụ cứu dân. Đó là đạo đức Phật giáo và cũng là truyền thống của văn hóa Việt Nam. Thương thay cho những nước đang có chiến tranh với  những khẩu hiệu “cứu nước” mà thiếu lời kêu gọi cứu dân. 

Ngày 30.4.1975, trận chiến cuối cùng ở Sài Gòn, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, kết thúc cuộc chiến tranh gần 30 năm mà không đổ thêm máu thì quả là một chiến thắng vô cùng to lớn, không giấy bút nào có thể tả hết được. 

Bài viết này thay cho một nén hương tưởng niệm những người đã xả thân cứu nước – cứu dân ở trận chiến cuối cùng 30.4.1975. 

Gác Nhiêu Lộc TP. HCM, tháng 4.2005.
N.Đ.X

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here