Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Âm nhạc cổ truyền xứ Huế, trong mối quan hệ bác học...

Âm nhạc cổ truyền xứ Huế, trong mối quan hệ bác học và dân gian

119
0

Bởi thế, âm nhạc cổ truyền xứ Huế mặc nhiên được phân thành hai dòng như văn chương chữ viết và văn chương truyền khẩu trong văn học. Theo cách hiểu chung thì âm nhạc dân gian chủ yếu là thanh nhạc, gồm những làn điệu dân ca có cấu trúc giai điệu, tiết tấu tự do, giản đơn, dễ hát, dễ thuộc gắn bó trực tiếp với đời sống sinh hoạt đại đa số quần chúng, với môi trường diễn xướng cụ thể cũng như đặc tính truyền khẩu. Âm nhạc bác học là dòng nhạc chuyên nghiệp, vừa thanh nhạc vừa khí nhạc kết hợp với nhau trong một hệ thống bài bản có cấu trúc chặt chẽ, nghiêm ngặt do những tác giả am hiểu về âm luật sáng tác và ghi lại thành bài bản.
Do dựa vào tiêu chí trên, trong âm nhạc cổ truyền Huế, âm nhạc cung đình và Ca Huế được gọi là bác học, còn lý, hò… thì gọi là dân gian. Cách phân loại này không có gì là sai, nhưng nên hiểu là chỉ tương đối. Vì nếu nói Ca Huế là hoàn toàn bác học và lý, hò là hoàn toàn dân gian thì e cũng chưa thật ổn đối với đặc điểm của âm nhạc cổ truyền xứ Huế, nơi hai dòng nhạc này thường xuyên tác động qua lại với nhau, gắn bó, thâm nhập, thúc đẩy lẫn nhau, mà hiện tượng dân gian hóa ở âm nhạc bác học và bác học hóa ở âm nhạc dân gian thường xảy ra liên tục trong quá trình phát triển. 
Đội nữ nhạc cung đình Huế – Ảnh: voque.org

Do ảnh hưởng đặc điểm lịch sử văn hóa Việt Nam, trong âm nhạc cổ truyền Huế, dòng âm nhạc bác học bao gồm hai bộ phận.

1. Bộ phận thứ nhất là âm nhạc cung đình, chủ yếu là hệ thống bài bản khí nhạc, gắn liền với các tổ chức nhàn nhạc được biến đổi theo các thời kỳ mà đến thời kỳ các triều vua nhà Nguyễn chỉ còn lại hình thức đại nhạc và tiểu nhạc. Đây là dòng nhạc chính thống gắn bó với văn hóa Đại Việt mà trung tâm là Thăng Long, phát triển trong các thời kỳ Lý, Trần, Lê với các nhạc mục phong phú:

– Giao nhạc (nhạc ở đàn tế giao)

– Miếu nhạc (nhạc trong các đền miếu)

– Ngũ tự nhạc (nhạc của năm cuộc tế lễ)

– Cửu nhật nguyệt giao trùng nhạc (nhạc để cứu mặt trời, mặt trăng khi có nhật thực, nguyệt thực)

– Đại triều nhạc (nhạc khi có đại triều)

– Thường triều nhạc (nhạc trong các buổi thường triều)

– Đại yến cửu tấu nhạc (nhạc trong những yến tiệc lớn)

– Cung trung nhạc (nhạc trong cung)

Dưới triều Nguyễn, trong loại nhạc lễ cũng đã có hàng loạt các bài ca, bản nhạc do các dàn nhạc và ca công của triều đình đàn, hát như:

– Trong lễ tế giao có 9 khúc ca, tên đều có chữ Thành.

– Trong các miếu thờ những vị khai quốc và các vua triều Nguyễn có 9 khúc ca đều có chữ Hòa.

– Lễ tế thần thổ địa và thần nông có 7 khúc ca, tên đều có chữ Phong.

– Trong lễ đại triều có 5 khúc ca đều có chữ Bình (1).

– v.v…

Mặc dù triều Nguyễn là triều đại để lại cho nền văn hóa nước nhà số tài liệu đồ sộ nhất và còn giữ gần như trọn vẹn nhất trong lịch sử nước ta, vì là triều đại gần ta nhất, nhưng đối với âm nhạc, những khúc ca, bản nhạc trên nay chỉ còn lại cái tên. Một số bài bản nhạc không lời ấy còn lưu giữ trong trí nhớ của các nghệ nhân lớn tuổi như cụ Trần Văn Kích (kèn bóp), cụ Nguyễn Kế (tỳ), Mạnh Cẩm (trống)… mà hiện nay đang truyền nghề lại cho một số học viên của lớp âm nhạc cung đình thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và lớp đại học Nhã nhạc của trường Đại học Nghệ thuật Huế. Trong số các bản nhạc ít ỏi còn lại đó, có thể trước đây nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba đã ghi chép lại được một ít. Những bài bản thường thấy là: Đảo ngũ cung, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Vạn giá, Xàng xê, Bông man, Cung nam, Du xuân, Long ngâm, Đăng đàn cung… còn những bài bản như: Làn thảm khúc, Khiết giới khúc, Hồ ngạn, Hựu trường, Hồ ba, Vũ ba đăng, Xuân tình điễu ngữ, Ngọa nam dương, Tam thiên khúc… thì chỉ thấy tên chứ chưa ai được nghe.

2. Bộ phận thứ hai là Ca Huế: Thuộc loại âm nhạc cổ điển thính phòng, bao gồm cả nhạc hát và nhạc đàn với cả một hệ thống bài bản cấu trúc chặt chẽ, đòi hỏi một kỹ năng diễn tấu điêu luyện của cả ca công và nhạc công. Đây là bộ phận âm nhạc đặc sắc có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, không chỉ bởi sự đậm đà bản sắc Huế, mà còn in đậm dấu ấn “hội tụ và lan tỏa” trong lịch sử âm nhạc dân tộc.

Ca Huế, với những sắc thái tinh tế được hình thành trên hai điệu thức chính: điệu Bắc (Khách) và điệu Nam, cùng một hệ thống “hơi” diễn tả từng sắc thái tình cảm như: hơi dựng, đảo, thiền, nhạc, xuân, thương, ai, oán đã tạo nên phong cách đặc trưng cho Ca Huế.

Các bài bản thuộc điệu Bắc thường mang tính chất vui tươi, trong sáng, trang trọng, linh hoạt gồm có: Cổ bản, Lộng điệp, Long ngâm, Lưu thủy, Phú lục, và 10 bản Tàu (thường gọi là thập thủ liên hoàn hay 10 bản Ngự): Phẩm tiết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bản, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong Long hổ, Tẩu mã.

Các bài bản thuộc điệu Nam mang tính chất buồn thương, bi ai, vương vấn như các bản: Nam bình, Nam ai, Quả phụ, Nam xuân, Tương tư khúc, Hành vân, Tứ đại cảnh.

Một số bản ngày nay đã thất truyền như: Tư Mã- Tương Như, Tiên nữ tống Lưu Nguyễn, Bá nha khấp Tử Kỳ… (1)

Dàn nhạc sử dụng trong Ca Huế thường thấy là đàn “ngũ tuyệt”: tam, tỳ, nhị, nguyệt, tranh. Dàn nhạc mà Thụy Loan đã dẫn nêu trong bài Suy Nghĩ về sức sống Việt Nam qua những chặng đường sử nhạc: “Dàn nhạc ngũ tuyệt thường dùng trong ca nhạc thính phòng Huế chính là những dàn nhạc cung đình Nguyễn thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX bỏ bớt đi một số nhạc cụ gõ” (1). Hiện nay dàn hòa tấu thính phòng đã vắng bóng cây đàn Tam, nhưng bổ sung thêm một số trống Huế và song loan. Đệm cho ca thường có thêm sáo và bầu.

Theo một số nhà nghiên cứu, Ca Huế bắt đầu từ hát cửa quyền trong cung vua phủ chúa. Đó là “thời kỳ có những bước chuyển mình từ lối hát cung đình dần dần được dân gian hóa trở lại để thành ca nhạc Huế”… và để rồi tác động trở lại đối với âm nhạc cung đình. Trường hợp 10 bản Tàu được gọi là 10 bản Ngự khi các nhạc công trong Ban Ngự nhạc của triều đình nhà Nguyễn tấu trong các cuộc tế lễ và các dịp khác của vua chúa. “Thực ra đó là những bài bản vay mượn từ ca nhạc Huế và được cung đình hóa” (2) hệ quả của quá trình “tinh chế” vốn âm nhạc dân gian.

Khác với hát Ả Đào, phát sinh từ dân gian, từ hát Cửa Đình, rồi vào chốn cung đình, là loại nhạc thính phòng của giới nho sĩ Bắc Hà, Ca Huế lại phát sinh từ cung đình, từ “cung trung nhạc, một loại nhạc thính phòng trong cung thất của vua và của mẹ vua Nguyễn”… (3) sau đó mới lan tỏa ra dân gian, hòa quyện với dòng âm nhạc dân gian Huế đang khởi sắc. Đó là loại nhạc thính phòng của các hoàng thân, quốc thích, các quan chức của triều đình Huế, của các ông hoàng bà chúa say mê nghệ thuật. Từ lối thưởng thức kiểu thính phòng trong tư dinh của giới đại gia, khoa bảng… dần dần không gian diễn xướng được mở rộng, chan hòa vào sinh hoạt văn nghệ dân gian: từ trong những căn phòng ngào ngạt trầm hương, Ca Huế ra với đêm sương bàng bạc trên dòng sông Hương lơ lửng con đò neo đậu vào trăng khuya.

Tóm lại Ca Huế “là sự gặp gỡ và kết hợp hài hòa, nhuần nhụy những tinh hoa của hai dòng dân gian và bác học (4) mà GS Tô Vũ đã có nhận xét: “Ca Huế… mang

Đội nữ nhạc cung đình Huế - Ảnh: voque.org
Đội nữ nhạc cung đình Huế – Ảnh: voque.org

nhiều yếu tố chuyên nghiệp “trí thức” về cấu trúc và phong cách biểu diễn, nhưng về nội dung âm nhạc thì bộ phận đặc sắc nhất lại chịu ảnh hưởng rõ rệt của hò, lý dân gian. Chính từ sự kết hợp hài hòa của hai luồng giao thoa đó đã làm cho Ca Huế có một phong vị đặc biệt, không những thỏa mãn được yêu cầu thẩm mỹ của giới “quý tộc phong lưu”, các sĩ phu phong kiến(ngày trước) mà còn được quần chúng nhân dân (lao động) hâm mộ nâng niu” (1)

Hai bộ phận của dòng nhạc bác học này đã gắn bó mật thiết với dòng âm nhạc dân gian Huế, thể hiện trong âm điệu của các bài bản là ranh giới của chúng không cách biệt là bao bởi mối quan hệ hỗ tương qua lại. Nhất là giữa Ca Huế và dân ca Huế, mà trong đó đối với thể Lý Huế, thì sự phân chia chỉ có tính cách tương đối, chứ không phải rạch ròi. Điều này, thể hiện ở chỗ: nếu người không “sành điệu” thì khó phân biệt đâu là Ca Huế đâu là dân ca. Đây là một đặc điểm của âm nhạc dân gian Huế và “chính Ca Huế đã phát huy ảnh hưởng của nó trở lại với dân ca và đã cổ điển hóa một số làn điệu dân gian, đặc biệt là các điệu Lý” (2).

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác đã tạo ra mối quan hệ mật thiết giữa âm nhạc dân gian và âm nhạc cung đình, bác học Huế, chính các nghệ sĩ, nhạc công, ca công chuyên nghiệp Ca Huế, kể cả âm nhạc cung đình, hầu hết là nghệ nhân tài hoa trưởng thành từ dòng nhạc dân gian. GS- TS Ngô Ngọc Thanh khi đề cập vai trò hội tụ văn hóa của Huế đã nói: “Trước nhu cầu xây dựng nền văn hóa cung đình phong kiến, cần huy động, chọn lọc, tinh chế những vốn văn hóa của Huế và các ngoại vi. Song những vốn văn hóa đó mang nặng tính chất dân gian, do người nông dân sáng tạo nên để đáp ứng thị hiếu của cung đình và trình độ tri thức của giới quan lại, trí thức, vốn văn hóa dân gian đây phải trải qua một quá trình chọn lựa tinh chế. Việc này được giao cho những đại biểu xuất sắc của văn hóa dân gian. Thế là đã xảy ra một bước ngoặt có tính chất lượng trong văn hóa: đó là quá trình chuyên nghiệp hóa, bác học hóa văn hóa dân gian”..(3). Vấn đề này cũng được nhạc sĩ Thụy Loan nêu trong giáo trình Lược sử âm nhạc Việt Nam. Việc nhà Nguyễn xóa bỏ Ty Giáo phường, thành lập Viện Giáo phường để lo việc tuyển người vào các đội ca nhạc phục vụ trong cung đình (4).

Đội ngũ này từ “dân nhạc” nhảy vào “quan nhạc” (từ của Trần Văn Khê), rồi sau đó, do sự suy thoái của triều đại phong kiến trong từng thời kỳ lịch sử, thấy rõ là dưới triều vua Tự Đức (1847- 1883), mặc dù nổi tiếng là ham mê thi phú, được mệnh danh là “Nhà vua thi sĩ” nhưng vẫn xảy ra tình trạng giảm biên của các tổ chức triều nhạc. Một số nhạc công cung đình đã đến với dân gian như trường hợp Nguyễn Quang Đại, một nhạc công nổi tiếng, một nhạc quan trong cung đình Huế vào Gia Định sinh sống bằng nghề truyền bá ca nhạc Huế, được gọi là cụ Ba Đội, người được truyền tụng là đã chuyển bài Tứ Đại Cảnh Huế (hơi dựng) thành Tứ Đại Oán (hơi oán) trong nhạc thính phòng tài tử Nam Bộ (1).

Bên cạnh đó, đội ngũ nghệ nhân dân gian là một lực lượng hùng hậu đóng góp nghệ thuật đàn, ca làm phong phú và nuôi dưỡng nghệ thuật Ca Huế thì các nghệ nhân dân gian (có hoặc không dính dáng đến đội ngũ nhạc triều đình) phải kể đến là Nguyễn Quang Đại, gia đình ông Tống Văn Đạt với ba đời truyền nối là nghệ nhân giỏi (con là đội Chỉnh, cháu là đội Phước)… Từ trước Cách mạng tháng Tám đến nay nhân dân thường nhắc đến các danh cầm, danh ca như: ông Cả Soạn, Bảy Thiều, Thừa Khâm, Lý Vũ, Đội Trác, Trợ Tồn, Nguyễn Ngọc Liệu, cô Nhơn, Đẩu Nương, Bích Liễu, Vĩnh Phan, Bửu Lộc, Tuyết Hương, Nguyễn Kế, Nguyễn Hữu Ba, Mai Trung Thứ, Nguyễn Gia Cẩm, Thu Tâm, Châu Loan, Trần Văn Kích, Vân Phi, Minh Mẫn, Thanh Tâm…

Như thế, Ca Huế mặc dù xuất phát tại cung đình nhưng nguồn gốc lại gắn bó với dân gian. Đến đây, có thể nói rằng: Trong nền âm nhạc cổ truyền Huế thì Ca Huế- bộ phận thứ hai của dòng bác học, là nhịp cầu nối giữa cung đình- dân gian. Vậy, dòng âm nhạc dân gian chính là cơ sở để hình thành và phát triển, là cái nuôi dưỡng cho dòng âm nhạc bác học, cung đình Huế, một bộ phận đặc sắc trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

 (Tạp Chí Sông Hương)

——————————————————————————–

(1). Trần Văn Khê. La musique Vietnamienne Traditionnelle – Dấn lại trong Âm nhạc Cung đình Triều Nguyễn của Trần Kiều Lại Thủy. NXB Thuận Hóa. 1997.
(1). Trần Văn Khê- trong Bách Khoa số 101, NXB Văn Hóa- Sài Gòn 1961, trang 68 và 69, cho biết những bản này có trong danh mục 25 bài ca Huế được chép năm 1863 của GS Hoàng Xuân Hãn sưu tập.
(1). Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật số (32). 1980 trang 30.
(2). Nguyễn Viêm. Lịch sử âm nhạc dân gian cổ truyền Việt Nam. Viện nghiên cứu âm nhạc Hà Nội 1996
(3), (4). Trần Văn Khê. Lối ca Huế và lối nhạc tài tử. Tạp chí Bách Khoa số 101- Sài Gòn 1961 trang 68.
(1). Sức sống của nền âm nhạc truyền thống Vn- NXB ÂM NHẠC 1996, trang 130.
(2). Theo Lê Văn Hảo- Huế giữa chúng ta – NXB Thuận Hóa- Huế- 1984.
(3). Huế trung tâm hội tụ và tỏa sáng văn hóa- Văn Hóa Dân Gian Thừa Thiên Huế- 11- 95.
(4). Thụy Loan. Lược sử âm nhạc Việt Nam (Giáo trình) NXB Âm nhạc- Nhạc Viện Hà Nội- 1993 trang 39.
(1) Theo Hoàng Sơn- Âm nhạc sân khấu cải lương, quá trình hình thành và phát triển. Tạp chí Văn Hóa Nghệ thuật số 7- 1996 trang 25.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here