Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Theo dòng chảy sinh mệnh văn hóa: Suy ngẫm từ Đại Giới...

Theo dòng chảy sinh mệnh văn hóa: Suy ngẫm từ Đại Giới đàn hơn 300 năm trước

138
0

Năm Ất Mùi, 1715, chúa Nguyễn Phúc Chu đề bia cao lớn dựng trên lưng con rùa bằng đá đặt trong một nhà bia đối diện với chuông đồng được đúc và đặt trong lầu chuông rộng lớn trước đó 5 năm để “nguyện cầu gió hòa mưa thuận, nước thịnh dân an, chúng sanh trong pháp giới đều được vẹn toàn trí tuệ”.

Lời mở đầu văn bia lịch sử dựng năm 1715 trước cửa chùa Thiêng Mụ viết theo lối văn cổ Sớ Từ, được Phật tử Nguyễn Sanh Mai dịch ra Việt ngữ năm 1963:

Trời Nam một giải non sông
Đây là Việt Quốc hưng long đời đời
Dựng ngôi Bửu Sát lâu dài
Thiền quan tỏ rạng, mặt trời chiếu lâm.

Đúng theo vòng quay năm tháng, trải qua 5 kỷ nguyên, Canh Dần rồi lại đến Canh Dần (1710-2010) vừa đúng 300 năm – Diệu kỳ thay, Cố đô Huế năm nay cũng chính thức tổ chức một kỳ Đại lễ cầu Quốc Thái Dân An đầy ý nghĩa tổ chức tại Đền Huyền Trân vào hai ngày mùng 8 và mùng 9 thánh Giêng (ÂL) vừa qua, đáp ứng hoài vọng tốt lành của nhân dân cả nước Việt Nam yêu dấu.

Và cũng hơn 300 năm trước, tức vào năm Ất Hợi, 1695 chúa Nguyễn Phúc Chu đã “duyệt” và hỗ trợ cũng như điều động nhiều quan lại làm “ngoại hộ” cho một kỳ tổ chức Đại giới đàn mà sách vỡ vẫn còn ghi chép là “Tam đàn cụ túc” gồm 3 pháp đàn sadi, Tỷ kheo và Bồ tát lần đầu tiên tại xứ Đàng Trong của nước Đại Việt tổ chức tại chùa Thiền Lâm, ở đường Điện Biên Phủ, đối chênh với ngôi chùa Từ Đàm lịch sử.

Kỳ Đại Giới đàn năm Ất Hợi, 1695 đó được tuần tự khai diễn vào các ngày 1 tháng 4 truyền Sa di giới; ngày 6 tháng 4 truyền Tỳ kheo giới và ngày Phật đản, mùng 8 tháng 4 có Quốc mẫu, công nương, hậu cung quyến thuộc đồng đăng đàn thọ Bồ tát giới. Còn Quốc chúa thì tự đặt riêng một đàn có quân sĩ hầu cận cẩn mật để thọ Bồ tát giới và nhận Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sáng làm Bổn sư với Pháp danh là Hưng Long, biệt hiệu là Thiêng Túng Đạo Nhân.

Thuở ấy cư sĩ thọ Bồ tát giới cũng nằm trong “Trường kỳ” của Đại Giới đàn. Riêng về việc Quốc chúa “chịu” thọ giữ  Bồ tát giới là thành tựu lớn cho Tăng đồ và niềm hạnh phúc lớn lao của con dân. Chúa đã biết nhất tâm giữ lòng trung chính với Tam bảo vững như kim cang vậy.

Lại nhớ rằng, chỉ trước ngày thọ Đại giới chưa đầy hai tháng, Quốc chúa đã diện kiến Hòa thượng Bổn sư (Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sáng) để nghe lời dạy, thực thi 4 chủ trương quan trọng ích nước lợi dân:

1. Khôn khéo bang giao để tự lập một cách chính danh, chính phận.
2. Đặt binh đồn để giữ vững biên thùy
3. Thương yêu binh sĩ để khích lệ lòng trung dũng
4. Đặc học quan để giáo dục nhân tài.

Hạnh phúc cho xứ Đàng Trong của nước Đại Việt vào nửa đầu thế kỷ 17, Quốc chúa vững niềm tin nơi Tam bảo, quan lại, thần dần thuần thiện đi chùa, theo Phật, đời sống văn hóa phát triển bền vững lành mạnh, văn học rực rỡ, dân hùng nước mạnh, xã hội phồn vinh. Đó cũng là cơ sở luận lý cho nhà bác học Lê Quý Đôn gọi kinh đô Phú Xuân Huế là Thiền kinh. Thật là một bài học lịch sử quý giá cho đời xưa và cả đời nay.

Cố kinh Huế ngày nay lại vừa khai diễn Đại Giới đàn từ Rằm đến 17 tháng 2 Canh Dần (30.3 đến 1.4.2010) đã thành tựu viên mãn, tuy đã không còn Quốc chúa thọ Bồ tát giới, nhưng hàng trăm Tăng, Ni thọ sa di, Tỳ kheo giới;  cùng với đó có hàng trăm Đạo hữu Phật tử đê đầu lãnh thọ Bồ tát giới, và Thập thiện giới cũng là một niềm hạnh phúc cho nhân quần xã hội, bởi sẽ có thêm hàng trăm, hàng ngàn con người “hành thiện” thì chắc chắn xã hội sẽ thêm phần lành mạnh hơn.

Q.S

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here