Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Lưu trử Những đóng góp của Đạo Phật cho Dân tộc dưới triều Lý...

Những đóng góp của Đạo Phật cho Dân tộc dưới triều Lý (1010 – 1225) Kỳ 3: Về Quân sự

239
0

Cấm quân bấy giờ gồm có 16 quân. Cộng 3.200 người. Tên quân cũng đặt lại như sau: Ngự Long, Vũ Thắng, Long Dực, Thông Điện, Phủng Thánh, Bảo Thắng, Hùng Lược, Vạn Tiệp (LTK). Tất cả cấm quân đều thích trên trán 3 chữ "Thiên tử quân". Đứng đầu các tướng phụ trách cấm quân là chức thiếu uý. Toán quân trực ở trước điện vua do điện tiền đô chỉ huy sứ chỉ huy. Các vệ thì có các cấp tướng như: Tả hữu kim ngô vệ tướng quân, kim ngô độ lãnh binh sứ, tả hữu vệ tướng quân, hàm vệ, đinh thắng thượng tướng quân, đại tướng quân, tướng quân.

Ngoài cấm quân, có quân các lộ, các phủ. Tất cả nhân dân đến tuổi hoàng nam (18 tuổi) đều phải đăng lính, nhưng vẫn được ở nhà cày bừa, mỗi tháng mới phải đi phiên một kỳ ngắn. Đó là chính sách "ngụ binh ư nông" (Có nghĩa là giữ quân lính ở nhà nông) vừa đảm bảo số quân cần thiết phòng khi không may có chiến tranh xảy tới. Các chức chỉ huy quân đội có: Đô thống, nguyên soái, thống quản, thượng tướng, đại tướng, đô tướng.

Những lần chinh phạt lớn, vua tự làm tướng hay cử các hoàng tử thân vương làm nguyên soái chỉ huy. (LSVN, TKX – 1427, q 1. T2)

"Quân đội nhà Lý đã đạt đến một trình độ tổ chức và huấn luyện khá cao. Quân đội phiên chế thành các đơn vị: Quân, vệ và bao gồm các binh chủng: bộ binh, thủy binh, kỵ binh, tượng binh. Trang bị quân đội, ngoài các loại vũ khí đã thấy từ trước như giáo mác, cung nỏ, khiên v.v.. còn có thêm máy bắn đá. Lực lượng quân đội hùng hậu đó giữ vai trò rất quan trọng trong việc củng cố nhà nước về mặt đối ngoại, đã lập nên nhiều chiến công rực rỡ trong các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước".[38]

Năm 1011, sau khi Lý Thái Tổ lên ngôi vua thì Chiêm Thành chịu cống. Nhưng chỉ được ít năm, rồi thôi; mùa hè năm 1043, lại còn cho quân tới quấy phá ở ven bể. Vì thế vua Lý Thái Tông mới mở cuộc thân chinh. Chuyến ấy, quân ta vào sâu trong nước, giết chúa là Sạ Đẩu, bắt 36 con voi, 5.000 người[39] và chém giết nhiều người bản xứ. Thái Tông trông thấy động lòng thương, hạ lệnh cấm không được giết người Chiêm Thành, ai trái phép sẽ chiếu theo quân luật trị tội. Rồi vua kéo quân vào kinh đô Vijaya, bắt cung nhân, nhạc nữ rất nhiều.

Sau khi chiến thắng Chiêm Thành trở về, vua ban thưởng các quan, đổi niên hiệu: Thiên Cảm Thánh Vũ, và ban bố tờ chiếu xá nửa tiền thuế cho toàn dân:

"Việc đánh dẹp phương xa, làm tổn hại công việc nhà nông. Thế mà có ngờ đâu, mùa đông năm nay lại được mùa lớn! Nếu trăm họ cùng no đủ thì trẫm còn lo gì thêm nữa? Vậy, xá cho thiên hạ một nửa tiền thuế năm nay để an ủi nỗi khó nhọc lội suối trèo đèo” – ĐVSKTT, Nguyễn Đức Vân dịch .

Từ đấy Chiêm Thành chịu thần phục nhà Lý.

Năm 1038, châu Quảng Nguyên (nay thuộc tỉnh Cao Bằng) có tên tù trưởng Nùng Tồn Phúc làm loạn, tự xưng là Chiêu Thánh Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Trường Sinh, đắp thành, luyện quân, không nộp cống cho nhà Lý nữa. Vì vấn đề thống nhất quốc gia, và để ngừa trước không cho xảy ra tình trạng hùng cứ địa phương, nên năm 1039, Thái Tông thân chinh đi đánh dẹp, bắt được Nùng Tồn Phúc đem về kinh xử tội. Vua xuống chiếu phủ dụ toàn dân:

"Trẫm từ khi làm chủ thiên hạ tới nay, các bề tôi văn võ, không người nào dám bỏ tiết lớn; phương xa cõi lạ, không nơi nào không thần phục. Mà họ Nùng đời này qua đời khác cũng giữ yên bờ cõi được phong, hằng năm đều nộp cống phẩm.

Nay Tồn Phúc càn rỡ, tự tôn tự đại, tiếm xưng vị hiệu, ban hành chính lệnh, tụ tập quân ong kiến, làm hại dân biên thùy. Vì thế, trẫm cung kính thi hành mệnh trời trách phạt, bắt được bọn Tồn Phúc, gồm 5 người, đều đem chém đầu ở chợ" – ĐVSKTT, Nguyễn Đức Vân dịch

Trong khi Nùng Tồn Phúc bị quân nhà Lý bắt sống thì A Nùng (vợ Nùng Tồn Phúc) và con là Nùng Trí Cao chạy thoát. Năm 1041, Nùng Trí Cao cùng với mẹ là A Nùng từ động Lôi Hỏa về châu Thảng Do (gần Quảng Nguyên) lập ra một nước Đại Lịch. Thái Tông cắt quân đi đánh, bắt được Trí Cao đưa về kinh. Nhưng vua nghĩ trước đã giết cha chúng, nay thương tình không giết, tha cho về và lại phong cho làm Quảng Nguyên Mục. Tình hình được tạm yên.

Sau khi Lý Thái Tông đã chiến thắng Nùng, lúc trở về, dân động Vũ Kiến, châu Quảng Nguyên, dâng một khối vàng sống 112 lạng. Triều đình họp xin đổi niên hiệu là Càn Phù Hữu Đạo và tặng thêm tên hiệu tám chữ "Kim Dũng Ngân Sinh, Nùng Bình Phiên Phục" (vàng nổi lên, bạc sinh ra, bình trị được họ Nùng, qui phục được nước Phiên). Vua đã đáp lời quần thần xin dâng tên hiệu:

"… Trẫm đem tấm thân cô đơn, sống gửi trên (tất cả) sĩ dân, dậy sớm thức khuya, lúc nào cũng (lo sợ) như lội vực sâu, chưa biết lấy đạo gì để thấu trời đất, lấy đức gì để kịp Nghiêu Thuấn.

"Vừa rồi giặc Nùng dẹp yên, nước Chiêm qui phục, hang nảy vàng ròng, đất sinh bạc trắng, ý chừng có điều gì mà được như thế chăng? Hay là có điều gì (trời đất) cảnh tỉnh chăng?

"Trẫm rất lấy làm lo sợ, sao xứng đáng tôn danh hiệu tốt đẹp. Lời bàn của các khanh nên dẹp bỏ đi"[40] bản dịch của Phạm Tú Châu, Thơ Văn Lý Trần, tập I.

Năm 1044, Nùng Trí Cao về chầu vua Lý ở Thăng Long. Nhưng sau bốn năm, năm 1048, Nùng Trí Cao lại phản, chiếm động Vật Ác (tây bắc Cao Bằng). Vua sai quan thái uý Quách Thịnh Dật đem quân đi đánh nhưng không thắng được. Năm 1052, Nùng Trí Cao đem 5.000 quân đánh lấy Ung Châu, rồi chiếm hết vùng đất ở Quảng Đông, Quảng Tây, tự xưng là Nhân Huệ Hoàng Đế, đặt quốc hiệu Đại Nam. Nhà Tống lo sợ. Vua Lý biết quân lực nhà Tống yếu, vờ xin đem quân sang giúp. Vua Tống đồng ý. Nhưng Địch Thanh là tướng có kinh nghiệm can di. Do đó vua Tống không nhờ quân nhà Lý nữa.

Năm 1053, Địch Thanh được vua Tống cho phép cầm quân đi đánh Trí Cao. Trí Cao chống cự không nổi, phải rút quân. "Trí Cao cử Lương Châu đến triều đình Lý xin cứu viện, nhà Lý muốn nhân đó, kiềm chế cuộc tiến quân của nhà Tống, bèn cử chỉ huy sứ Vũ Nhị đem quân lên giúp. Nhưng quân Trí Cao vẫn không tiến thêm được bước nào. Thất bại liên tiếp, Trí Cao phải chạy sang nước Đại Lý rồi chết ở đấy" (LSVN, thế kỷ X – 1427, q 1 t2).

Để chuẩn bị chống Tống, điều cần trước nhất là, đánh Chiêm Thành, nhằm cảnh cáo nước này (đã) dựa vào thế lực nhà Tống, cắt đứt quan hệ với Đại Việt, và còn đem quân quấy phá vùng biên cảnh nước ta.

Năm 1069, Lý Thánh Tông xuống chiếu thân chinh Chiêm Thành (VSL). Quân sĩ gồm 5 vạn (TT). Lý Thường Kiệt được chọn làm Đại tướng quân và đi tiên phong (VĐUL). Cách ba ngày sau, vua xuống thuyền xuất quân, giao quyền bính cho Nguyên Phi Ỷ LAN[41] và Thái úy Lý Đạo Thành.[42] Quân ta đã vào lấy được Vijaya nhưng vua Chiêm trốn thoát. Vua sai Lý Thường Kiệt đem quân đuổi bắt vua Chiêm. Vua đợi mãi chưa bắt được. Sợ vắng mặt lâu, trong nước dân sự không yên, nên đưa một phần quân về nước. Nhưng về dọc đường, được tin bà Nguyên Phi (Ỷ LAN) coi nội trị giỏi, khiến nhân hòa hợp, cõi nước yên lặng. Vua tự nghĩ rằng: "kẻ kia là đàn bà, còn giỏi như thế, ta là đàn ông, há lại vụng về sao?" Rồi vua quay trở lại đánh, bèn thắng.

Sau khi bắt được Rudravarman III, vua Lý đãi yến quần thần tại điện vua Chiêm.

Cuộc rước vua viễn chinh khải hoàn diễn ra tại kinh đô Thăng Long rất long trọng. Vua Chiêm Thành mình mặc áo vải trắng, đầu đội mũ làm bằng cây gai, tay trói sau lưng, có 5 tên lính hiệu Vũ đô dắt đi. Các thuộc đảng cũng bị trói dắt theo sau.

Thế là vua Lý Thánh Tông đã thỏa lòng tự lập: sau khi xưng đế, lập được vũ công, vua bèn đổi niên hiệu Thiên Huống Bảo Chương ra Thần Vũ để ghi vũ công lớn lao ấy.

"Rudravarman III xin dâng đất chuộc tội. Vua Lý bằng lòng. Ba châu Bố Chính, Đại Lý, Ma Linh thuộc Chiêm Thành từ đó sáp nhập về nước ta. Nay là địa phận Quảng Bình, phía tây Quảng Trị.

Rudravarman III được tha về nước[43]

"Rồi năm 1103 ở Diễn Châu (thuộc Nghệ An) có Lý Giác làm phản. Lý Thường Kiệt đích thân đi dẹp giặc. Lý Giác thua, chạy sang Chiêm Thành, đem quốc vương là Chế Ma Na qua đánh lấy lại 3 châu: Địa lý, Ma Linh, Bố Chính. Nhưng năm sau (1104) vua Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt vào đánh Chiêm Thành, Chế Ma Na thua xin hàng, trả lại 3 châu như cũ.

"Từ khi bình phục được nước Chiêm thành rồi, thanh thế nước ta bấy giờ rất lớn. Tống phải kiêng nể. Vua Tống luôn luôn dặn biên thần đừng gây sự với ta. Còn Chiêm Thành, thì kinh sợ và thần phục".[44]

Sử chép: Dưới thời LÝ THÁNH TÔNG, năm kỷ dậu (1069) nhân khi vua đi đánh Chiêm Thành, có bắt được vua nước ấy là Rudravarman III (Chế Củ) và nhiều lính làm tù binh, trong số các tù binh có Hòa thượng Thảo Đường.

Với chính sách khoan dung của triều đình ta hồi ấy là, trong số những tù nhân, được vua trọng dụng, cho làm chức quản hầu; nhân một hôm vị Tăng lục đi vắng lúc trở về, nhìn vào bản "Ngữ Lục" của mình thấy nhiều đoạn văn bị sửa chữa. Vị tăng lục đem tự sự trình lên vua. Vua cho điều tra. Có một tù nhân nhận là mình đã sửa. Vua cho đòi tên tù nhân ấy tới thẩm vấn, thì y ứng đối thông thái, luận về những yếu lý Đạo Phật rất tinh tường quán triệt. Hỏi ra thì biết đó là vị thiền sư người Trung Hoa sang truyền đạo ở Chiêm Thành, chẳng may bị bắt làm tù binh. Vị thiền sư ấy chính là hòa thượng Thảo Đường. Khi biết rõ tông tích vua liền phong ngài làm quốc sư và cho mở đạo tràng giảng kinh trong thành Thăng Long. Số đệ tử theo học đạo mỗi ngày một đông, cả vua cũng xin làm đệ tử. Từ đấy Đạo Phật Việt có thêm một phái Thiền tông thứ ba, phái Thảo Đường.

Dòng Thiền Thảo Đường (1069-1205) truyền được 5 đời, gồm 19 vị tổ kế thừa.

Cuộc Đánh Cảnh Cáo Nhà Tống Dưới Triều Vua Lý Nhân Tông 1075.

Năm 1068, khi Tống Thần Tông lên cầm quyền, triều đình nhà Tống gặp phải cảnh huống khủng hoảng về quân sự, chính trị, kinh tế và xã hội. Qua năm sau, năm 1069, Vương An Thạch, một nho thần, được cử làm tể tướng, y đề ra chính sách cải cách kinh tế, "làm dân bớt bị quấy, thêm giàu; làm quốc khố dồi dào, làm binh lực nước mạnh."[45] nhằm cứu vãn tình thế khó khăn trong nước và sự uy hiếp của hai nước Liêu – Hạ ở phía Bắc và tây bắc Trung Hoa,[46] đồng thời có ý đồ mở rộng biên cương xuống phía Nam mà Quảng Nam là vùng ở cực nam nước Tống gồm hai lộ: quảng Nam tây lộ và Quảng Nam đông lộ. Gọi tắt là Quảng tây và Quảng Đông. Nước Đại Việt đời Lý tiếp giáp đất Quảng Tây. Theo kế hoạch trên "nếu thắng, thế Tống sẽ tăng, và các nước Liêu – Hạ sẽ phải kiêng nể". Vẫn theo sự tính toán của Vương An Thạch thì:

"Lúc quân ta (tức quân Tống) diệt được Giao Chỉ (tức nước ta), uy ta sẽ có. Rồi ta báo cáo cho Thiểm Tây biết, quân dân Thiểm Tây sẽ có thắng khí. Với thắng khí ấy, ta sẽ nuốt tươi nước Hạ. Mà nếu nuốt được nước Hạ thì ai dám quấy nhiễu Trung Hoa nữa".[47]

Vương An Thạch làm nội chính cách mạng, nhưng khi đem ra thực hiện "Tân pháp" gặp phải rất nhiều sự chống đối trong nước, nhất là các lão thần. Khoảng tháng 6 năm 1074, Vương An Thạch tự thấy không làm được gì, xin từ chức. Nhưng tình hình mỗi ngày càng phức tạp hơn. Đến tháng 3 năm 1075, chỉ sau mười tháng vắng mặt ở Biện Kinh, Vương An Thạch lại được vua Tống triệu về chấp chính.

… Nước Đại Việt, từ lâu, đã là mục tiêu của vua tôi nhà Tống muốn đánh lấy. Theo Vương An Thạch vẫn là "đánh lấy nước yếu để dọa nước mạnh". Triều đình nhà Tống ra lệnh cho các tướng tá phòng thủ phía Nam[48] "chuẩn bị lương thực, bắt lính, đóng chiến thuyền và tổ chức tập trận". Nhà Tống còn ra sức mua chuộc các thủ lĩnh bộ tộc thiểu số vùng biên giới, hòng làm suy giảm tiềm lực kháng chiến của dân tộc ta.

Trong lúc Tống sửa soạn đánh Lý, thì có sứ Liêu đến Biện Kinh, hỏi viên tiếp sứ rằng:

– “Nam Man có việc gì?”
– Nam Man tức là Giao Châu. Viên tiếp sứ trả lời:
– Nam Man cướp. Triều đình đã sai người dẹp.
– Binh dùng có đến vài vạn không?
– Không đến vài nghìn.
– Ai làm tướng?
– Quách Quỳ và Triệu Tiết"
(LTK trang 237)

Ở nước ta, khi Lý Thường Kiệt lên cầm quyền, trước hết, ông lo việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và xây dựng lực lượng quốc phòng, để kịp thời đối phó với quân xâm lăng nhà Tống. Trong khi đó, có người Tống ở Quảng Tây tên là Từ Bá Tường, gửi mật thư cho vua Lý (1075) nói rằng: "Tống sửa soạn đánh Giao chỉ. Theo binh pháp: Trước khi người có bụng cướp mình chi bằng mình đánh trước. Lúc nào quân đại vương vào đánh, Bá Tường này xin làm nội ứng".

Khi đã nắm vững được tình thế chủ động rồi, một mặt Lý Thường Kiệt[49] tâu vua Lý Nhân Tông xin gửi công hàm tới triều đình Tống đòi lại tụi Nùng Thiện Mỹ và 700 bộ thuộc đã trốn sang Trung Hoa; một mặt, ông lập tức tâu vua: "Ngồi im đợi giặc, không bằng đem quân ra trước để chặn thế mạnh của giặc".

Triều đình Lý tán thành.

Thế là cuộc chuẩn bị đánh Tống được nhanh chóng thực hiện. Với một đội quân từ sáu tới mười vạn người, chia làm hai đạo thủy và bộ, do Lý Thường Kiệt tổng chỉ huy, nhằm tiêu diệt các cứ điểm quân sự của Tống ở các trại biên giới, cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu, và chủ yếu là đánh Ung châu.

Ngày 27/ 10/ 1075, quân ta mở đầu cuộc tiến công vào đất Tống. Trước khi ra quân, Lý Thường Kiệt tuyên bố:

“Trời sinh ra dân chúng, vua hiền ắt hòa mục. Đạo làm chủ dân, cốt ở nuôi dân. Nay nghe vua Tống ngu hèn, chẳng tuân theo khuôn phép thánh nhân, lại tin kế tham tà của Vương An Thạch, bày những phép “thanh miêu”, “trợ dịch”, khiến trăm họ mệt nhọc lầm than mà riêng thỏa cái mưu nuôi mình béo mập.

Bởi tính mệnh muôn dân đều phú bẩm tự trời, thế mà bỗng sa vào cảnh éo le độc hại. Lượng kẻ ở trên cố nhiên phải xót, những việc từ trước, thôi nói làm gì nữa!
Nay bản chức vâng mệnh quốc vương chỉ đường tiến quân lên Bắc, muốn dẹp yên làn sóng yêu nghiệt, chỉ có ý phân biệt quốc thổ, không phân biệt chúng dân. Phải quét sạch nhơ bẩn hôi tanh để đến thuở ca ngày Nghiêu, hưởng tháng Thuấn thăng bình!

Ta nay ra quân, cốt để cứu vớt muôn dân khỏi nơi chìm đắm. Hịch văn truyền tới để mọi người cùng nghe. Ai nấy hãy tự đắn đo, chớ có mang lòng sợ hãi". Bản dịch của Trần Văn Giáp, trích Thơ Văn Lý Trần tập 1.

Lý Thường Kiệt ra lệnh tập trung thủy quân ở Vĩnh An và bộ quân ở dọc biên thùy các châu: Quảng Nguyên, Môn, Quang Lang và Tô Mậu. Khí giới thì ngoài cung nỏ, trường thương mà hai bên đều dùng, ta có tên tẩm thuốc độc, và máy bắn đá. Ta còn dùng nhiều chiến thuyền và voi để xung phong. Voi có thể do cả đường thủy và đường bộ tiến vào.

Đạo quân thuộc các bộ tộc thiểu số, do Tôn Đản chỉ huy, được lệnh xuất quân trước, chia thành nhiều ngả vượt biên giới tiến chiếm các trại Vĩnh Bình, Thái Bình, Hoành Sơn… châu Tây Bình, Lộc Châu. Một cánh quân khác đóng gần biên giới Khâm châu cũng kéo tới đánh các trại Như Hồng, Như Tích và Đề Trạo. "Quân ta tới đâu như vào nhà trống không người"  (VSL).

Trong khi ấy, Lý Thường Kiệt dẫn đại quân đi đường thuỷ, từ châu Vĩnh An (móng cái) tới Khâm châu và Liêm châu. Ngày 30 – 12 – 1075, quân ta tiến chiếm thành Khâm Châu, bắt toàn bộ quan quân, không phải giao phong một trận nào. Ba ngày sau, 2 – 1 – 1076, Liêm Châu cũng mất vào tay quân ta. Tám nghìn thổ binh bị ta bắt làm phu khiêng vác…

Chiếm xong hai Châu Khâm, Liêm, Lý Thường Kiệt dùng chính sách "phủ dụ" để nêu danh nghĩa làm yên lòng dân Tống, ông sai yết bảng dọc đường kể tội quân Tống. Lời Lộ Bố nói rằng: "Quan coi châu Quế đã kiểm điểm dân các động và dã tuyên bố rõ rằng muốn sang đánh Giao chỉ". Ông cũng lợi dụng sự tranh chấp giữa hai phái tân và Cựu trong triều đình Tống, để chia rẽ hàng ngũ địch. Trong các lộ bố có nói: Trung Hoa dùng các phép thanh miêu, trợ dịch, làm dân khốn khổ. Nay ta đem quân tới cứu".[50]

Khi được tin hai châu Khâm, Liêm đã mất, vua tôi nhà Tống rất lo ngại, hoang mang. Triều đình náo động. Các tướng ở địa phương bối rối. Ti kinh lược Quảng Nam tây lộ vội vã xin viện binh: 20.000 quân, 3.000 con ngựa, xin thêm khí giới, đồ dùng và một tháng lương, và xin được điều động các dân khê động, tất cả lấy dọc đường từ Kinh đến Quảng Tây. Để điều khiển quân được mau chóng, Ti ấy cũng xin dời đến thành Tượng, gần phía Bắc Ung Châu (LTK).

Trong lúc bối rối, triều đình Tống đối phó rất lúng túng. Vua Tống cách chức Lưu Di và sai Thạch Giám thay coi Quế Châu và làm kinh lược sứ Quảng Tây, đồng thời xuống chiếu cho các quan lại địa phương, dặn rằng: "Nếu xem chừng quân Giao Chỉ tới đâu mà không đủ quân giữ, thì chỉ giữ lấy chỗ hiểm mà thôi. Chỗ nào có tiền, vải, lương thực, thì phải chở tháo đi, đừng để lọt vào tay địch". Sau đó lại ra một lệnh trái ngược, nói rằng: "Nếu quân bỏ thành đi chỗ khác, thì lo rằng dân rối sợ. Hãy bảo các quan Ti đều phải trở lại thành mình".

Trên các mặt trận, quân Lý hoàn toàn làm chủ. Lý Thường Kiệt cho đạo quân ở Khâm và Liêm Châu tiến lên phía Bắc. Đạo đổ bộ ở Khâm Châu kéo thẳng lên Ung Châu. Đường thẳng dài chừng 120 cây số, nhưng phải qua dãy núi Thập Vạn. Còn đạo đổ bộ ở Liêm Châu tiến sang phía đông bắc, chiếm lấy Bạch Châu, hình như để chặn quân tiếp viện của Tống từ phía đông tới. Rồi hẹn ngày 18 – 1 – 1076, hai đạo quân sẽ cùng hội lại tạo thành một sức tiến công bão táp và bất ngờ vây chặt lấy Ung Châu.

Ung Châu là một thành lũy kiên cố, do tướng Tô Giám cùng với 2.800 quân cương quyết cố thủ; để chờ quân các châu và quân triều đình tới tiếp cứu: "Cuộc chiến đấu ở thành Ung Châu, bởi thế, sẽ rất gay go, quyết liệt, và sẽ là một trường tranh đấu giữa mưu trí của Lý Thường Kiệt và lòng dũng cảm của Tô Giám" (LTK).

Ngày 11 – 2 – 1075, Trương Thủ Tiết, từ Quảng Châu, đem quân tới cứu viện; bị quân ta chặn đánh ở ải Côn Lôn (phía bắc Ung Châu) cách Ung Châu 40 cây số. Quân Tống bạc nhược chưa đánh đã chạy, nhiều tên quân hàng theo ta. Trương Thủ Tiết và nhiều tướng tá bị giết.

Thành Ung Châu vẫn tiếp tục bị vây hãm. Quân ta dùng một thứ công cụ (thường gọi là máy bắn đá) nhằm bắn vào trong thành, khiến người và ngựa chết như rác. Quân của Giám có cung thần tí bắn một phát được nhiều tên, giết nhiều lính và voi của ta. Lý Thường Kiệt ra lệnh cho quân sĩ chiếm thành. Nhưng thành cao và chắc, quân ta phải dùng vân thê, là một thứ thang bắc truyền nối nhau rất cao, để leo lên thành, nhưng vẫn không tiến thêm được bước nào. Ta phải dùng đến kế đào đường hầm, định chiu vào thành, cũng không vào nổi. Sau dùng hỏa công, nghĩa là bắn các chất cháy như nhựa thông vào thành. Trong thành thiếu nước, không thể chữa được cháy.

Sau 42 ngày công phá mà không sao phá được, cuối cùng ta dùng phép thổ công; lấy đất bỏ vào bị, xếp chồng lên nhau, thành bực thềm để lên thành. Bao đất chất hàng vạn, dần dần cao như núi. Chốc lát đã cao đến vài trượng. Quân Lý nối tiếp nhau như kiến mà trèo lên, rồi lọt vào trong thành. Hôm ấy là ngày 1 – 3 – 1076[51].

Lý Thường Kiệt sai phá thành Ung Châu, lấy đá lấp sông để ngăn ngừa quân cứu viện của địch. Rồi tiếp tục tiến lên phía bắc, định lấy Tân Châu. Viên quan coi Tân Châu, nghe thấy quân ta kéo gần đến thành, bỏ thành chạy trốn (LTK).

Sau khi Ung Châu thất thủ. Mộng Vương An Thạch định đánh lấy nuớc ta đã tan tành như mấy khói. Dư luận xôn xao ở khắp nơi rất bất lợi cho y. Các triều thần nhao nhao phản đối vì "ai cũng biết y là chủ mưu và hoàn toàn phải mang trách nhiệm".Tuy nhiên, Vương An Thạch vẫn tìm mọi cách để tự bào chữa: "Đáng lẽ, ta phải đánh khi Càn Đức (tức Lý Nhân Tông) mới lập. Bấy giờ, các khê động đều muốn nội phụ. Nếu lúc ấy ta muốn đánh Giao Chỉ, thì chỉ cần hai vạn tinh binh, chọn năm, sáu tướng vừa vừa, là có thể làm xong chuyện!" Y còn nói thêm: Tôi, khi trước thấy Giao Chỉ đánh Ung Châu chưa hạ được, trong nước chúng bỏ hoang; nên tính có thể hành động chóng mà đánh úp ở hậu phương nó.Làm như thế, thì ta không cần đánh quân nó đương cướp ở nước ta, mà chúng cũng bị tan. Sau khi Ung Châu mất, sự đánh úp chúng không thể bàn đến nữa" (LTK).

Cuộc hành quân thần tốc của Lý Thường Kiệt nhằm đánh phủ đầu vào đất Tống – trước khi chúng định đánh lấy nước ta – đã làm đảo lộn hết mọi kế hoạch của địch, khiến chúng phải chùn bước; đang từ thế chủ động rơi vào thế thụ động; vì thế cuộc đánh phục thù và có ý đồ xâm lăng nước Đại Việt của Tống đành phải lùi lại một thời gian nữa mới có thể thực hiện. Vương An Thạch không kịp chờ kết quả của cuộc phát binh trả thù mà mình đã chủ mưu. Tháng 10 năm 1076, tể tướng Vương An Thạch phải từ chức.

Khi mục tiêu của cuộc "hành quân" đã đạt được, Lý Thường Kiệt ra lệnh cho toàn bộ quân sĩ nhanh chóng rút về nước, chuẩn bị cuộc kháng chiến mới, chống Tống sắp sửa kéo xuống xâm lăng nước ta[52].

Cuộc Khởi Binh Của Tống Đánh Nước Đại Việt

Cuộc khởi binh của Tống lần này có mục đích rõ rệt: vừa đánh báo thù, sau khi quân ta tiến chiếm các châu: Khâm, Liêm, Ung vừa có chủ ý "chinh phục nước ta và sáp nhập đất đai ta vào Tống".

Chỉ sau 8 ngày, Ung Châu bị quân Lý chiếm, ngày 9 – 3 – 1076, vua Tống cử Quách Quỳ làm An Nam đạo hành doanh mã bộ quân tổng quản chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, cầm quân sang đánh Đại Việt.

Muốn chắc đạt mục đích, một mặt, Tống sửa soạn một cách chu đáo về đủ mọi phương diện: tướng tá, quân bộ, quân thủy, khí giới, thuốc men, xe ngựa, tàu thuyền, tuyên truyền, phủ dụ…; mặt khác, vua Tống sai sứ qua Chiêm Thành, Chân Lạp xúi giục các nước này đánh biên thùy phía Nam nước ta.

Trong chiếu dụ vua Tống có đoạn:

"Chiêm Thành, Chân Lạp từ lâu nay bị Giao Chỉ cướp. Nay vương sứ sang đánh Giao Chỉ để phạt tội. Các nuớc ấy nên thừa cơ hội, hiệp lực mà trừ nó. Ngày nào đánh dẹp xong, trẫm sẽ ban thưởng cho"[53]

Ngày 27 – 3 – 1076, Quách Quỳ từ giã Phu Diên về đén Biện Kinh. Quỳ vào yết kiến vua Tống, vua hỏi: "Dẹp An Nam bằng chước nào?"

Quỳ cẩn thận trả lời: "Về việc binh, khó lòng ở xa mà tính trước. Xin đợi đi đến Ung Châu, rồi sẽ hiến phương lược". Vua lại hỏi: "Dùng quân phải thế nào?" Quỳ đáp: "Xin đưa theo tất cả tướng, lại, quân, sĩ cũ ở các châu Phu Diên tại Hà Đông (Thiểm Tây)" (LTK).

Lời tâu của Quách Quỳ được vua chuẩn y vì trước kia, triều đình Tống cũng đã có lệnh chọn những tướng tài có kinh nghiệm chiến đấu ở chiến trường phía bắc sung vào việc cầm các đạo quân Nam chinh.

Tống Thần Tông xuống chiếu dặn rằng: "Sau khi bình được Giao Châu, sẽ đặt châu huyện như nội địa".

Với một đạo quân hùng hậu hơn mười vạn người, do chính tướng từng có kinh nghiệm chiến đấu chống quân Liêu – Hạ từ phía bắc xuống, đặt dưới sự chỉ huy của Quách Quỳ. Mỗi tướng điều động chừng 5.000 quân. Vậy có 45 ngàn quân chính qui, trong số đó có 2.500 kỵ binh châu Kinh, Nguyên, Tần, Lũng. Bộ binh phần lớn lấy ở doanh trại đóng gần biên thùy Liêu _ Hạ, là những toán quân chiến đấu giỏi. Ngoài 5.000 quân chính qui ra, dọc đường sẽ mộ thêm binh các lộ Hà Bắc, Kinh Động và ở miền nam, Động Đình và quân tình nguyện.(1)

Vua Tống còn dặn thêm: "Hãy coi chừng tụi thuyền chài bờ bể, thường làm nghề đánh cá, mò châu. Chỉ cho chúng ở các vùng bể. Nếu chúng ra vào, thì phải xét chúng đi đâu, kẻo sợ chúng làm trinh thám cho Giao Chỉ" (LTK).

Tại chín huyện thuộc Quế Châu, Quách Quỳ ra lệnh bắt 8.500 bảo đinh, 91.200 các hạng khác. Bảo đinh được cấp tiền gấp hai những hạng kia, vì bảo đinh có thể dùng làm chiến binh (LTK). Do đó, quân tuy nhiều, nhưng là ô hợp, ngôn ngữ bất đồng, khó điều khiển, nên giá trị chiến đấu không đều.

Chủ lực Tống là bộ binh. Quách Quỳ và Triệu Tiết đều là những tướng giữ bắc thùy, quen với lính cưỡi ngựa vùng cao nguyên và sa mạc, nên cuộc nam chinh lần này, Quách Quỳ đã đem theo một vạn con ngựa. Tống cũng chuẩn bị một toán thủy binh phối hợp với bộ binh, nhưng thủy binh Tống tới khi hữu sự, mới chiêu nạp hay cưỡng bức đám dân chài lưới ở dọc bờ bể tòng quân, và rất ít được tập luyện; hơn nữa, thủy binh không có chiến hạm, như vậy làm sao so được với thuỷ binh của ta vốn đi chiến trận và có truyền thống đánh đuổi quân Hán – Tống, dưới thời Ngô Quyền – Lê Đại Hành, lập nên những chiến công hiển hách, làm khiếp vía kẻ địch.

Đón đọc Kỳ 4 Về Lương thực  và Chuyên chở, Y dược và luật pháp

Chú Thích:

[38] Lịch sử Việt Nam, tập I, trang 153.
[39] Số 5.000 người Chiêm Thành này được vua Lý Thái Tông cấp ruộng đất, lập thành phường ấp để họ làm ăn sinh sống một cách tự do bình đẳng như mọi công dân khác trong nước.
[40] ĐVSKTT chép rằng sau khi vua có ý kiến này, bầy tôi vẫn cố nài, vua đành phải nhận.
[41] "Lê thị Ỷ Lan, tên thật là Lê thị Yến năm sinh chưa rõ, xuất thân từ một gia đình nông dân, người hương Thổ Lỗi, lộ Bắc Giang. Nhân một chuyến tuần du đến Thổ Lỗi, vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072) bắt gặp bà đang hái dâu. Trong lúc mọi người đi xem xa giá của vua thì bà vẫn đứng dựa vào cây lan mà hát:
"tay cầm bán nguyệt xênh xang
một trăm bó cỏ lại hàng ta đây"
Vua lấy làm lạ, cho vời tới hỏi, sau đó đón vào cung lập làm phu nhân, đặt hiệu Ỷ Lan (dựa gốc cây Lan), rồi lại phong làm Linh Nhân.
Với cương vị nguyên phi, bà đã thay vua Lý Thánh Tông lo việc nội trị trong thời gian vua đi đánh Chiêm Thành (1069). Bà còn bỏ tiền trong nội phủ ra chuộc những người con gái nhà nghèo đi ở đợ rồi gả cho những người chưa vợ. Việc làm đó được nhân dân ghi nhớ, gọi tên là "Quan Âm". Bà là người mộ Đạo Phật, từng đi du ngoạn nhiều nơi để tìm cảnh đẹp rồi cho xây tháp, dựng chùa. Vào những năm cuối đời mình, bà vẫn không quên chú ý đến đời sống của dân chúng.
Trước khi mất vài ba tháng, bà còn khuyên vua ra lệnh cấm tệ giết trâu bò bừa bãi để dân đủ trâu cày, thoát khỏi tình trạng mấy nhà cày chung một con trâu" (TVLT, t1 trang 352)
"Thái hậu Linh Nhân không phải là người xa lạ, tên bà đã khắc đến nhiều lần trong CM. Đó là mẹ vua Nhân Tông nhà lý (1073 – 1197). Bà được con truy tặng là Phù Thánh Cảm Linh Nhân vào năm Thái Ninh (1073)" (CM).
Bà là một Phật tử nhiệt thành, từng có công lớn đối với Đạo Phật Việt, ngoài những việc như xây trên 100 chùa và tháp tại nhiều nơi trong nước, về mặt truyền bá chính pháp, đã có lần bà cho mở hội để thỉnh các vị cao tăng thạc đức từ khắp nơi về chùa Kinh Quốc thiết lễ cúng dường và xin được nghe pháp. Bà đã đặt câu hỏi về NGUỒN GỐC ĐẠO PHẬT VIỆT, việc này xảy ra vào ngày rằm tháng hai, mùa xuân, niên hiệu Hội Phong thứ V (1086).
[42] Theo Việt Nam Sử Lược: "Lúc Nhân Tông lên làm vua mới có 7 tuổi, có quan thái sư là LÝ ĐẠO THÀNH làm phụ chính.
Ông là người dòng họ nhà vua, tính rất khoan chính, hết lòng lo việc nước. Thường những lúc sớ tấu đều hay nói việc lợi hại của dân. Những quan thuộc thì chọn lấy người hiền lương mà cất nhắc lên để làm mọi việc. Bởi vậy trong thì sửa sang việc chính trị, ngoài thì đánh nhà Tống, phá quân Chiêm. Ấy cũng nhờ có tôi hiền tướng giỏi cho nên mới thành được công nghiệp như vậy – (Sđd trang 101) –
[43] Sách Lý Thường Kiệt ghi: Theo Việt Sử Lược, từ khi Lý Thánh Tông đánh bại đến hết đời Nhân Tông, Chiêm Thành sai sứ cống vua Lý, vào những năm: 1071, 1073, 1075, 1077, 1081, 1082, 1083, 1084, 1085, 1086, 1087, 1088, 1089, 1091, 1094, 1095, 1097, 1098, 1099, 1102, 1104, 1105, 1106, 1108, 1110, 1111, 1116, 1118, 1120, 1126.
[44] HOÀNG XUÂN HÃN, trong sách LÝ THƯỜNG KIỆT, có nêu lý do vì sao Lý Thánh Tông đã khởi binh đánh Chiêm Thành. Theo ông, ngoài việc Chiêm Thành không chịu cống vua Lý. Còn một nguyên nhân khác sâu xa hơn, đó là: "…Lý Thánh Tông là vua nước ta đầu tiên có óc làm một đế quốc, có danh nghĩa với một nước Thiên tử. Vua đặt quốc hiệu Đại Việt (1054), tôn các vua trước là Thái Tổ, Thái Tông, coi các nước nhỏ là chư hầu, và muốn ngăn cấm Chiêm Thành thần phục Tống".
Một mặt Chiêm Thành trước bị Lý Thái Tông đánh phá kinh đô, giết chúa, bắt dân, tự nhiên đã trở nên thâm thù với ta. Chiêm Thành lén lút sang thần phục Tống để trả thù ta. Xem thế thì ta không lấy làm lạ rằng Rudarvarman III, mà sử ta gọi là Chế Củ, không chịu cống vua Lý nữa, và vua Lý Thánh Tông nhân đó đánh Chiêm Thành. Xét chính sách triều Lý, sau này, thì sẽ thấy rằng các vua Lý có định tâm lấn nước Tống để mở bờ cõi miền Bắc. Đối với Chiêm Thành, hèn yếu hơn Tống vạn bội, chắc rằng vua Lý Thánh Tông cũng muốn xâm chiếm đất".
[45] Theo sách LTK: các chính sách y đề ra, đối với đương thời,  có tính cách đại cách mạng. Cho nên bấy giờ gọi các pháp ấy là tân pháp.
[46] Bắc thùy nước Tống lúc ấy đang lâm vào cảnh khốn đốn. Không những Thổ Phồn quấy nhiễu, mà thế lực nước Liêu càng tăng, ép Tống phải nhiều lần nhượng bộ, Bấy giờ Liêu lại sai sứ sang yêu cầu Tống nhượng thêm đất ở vùng Phần Thủy Lĩnh" (LKT).
[47]  Lý Đào – Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biện- dẫn theo sách LSVI, tập 1.
[48]  Việc phòng thủ phía Nam, vua Tống xuống chiếu cho các quan cai trị phải cẩn mật đề phòng: "Trong việc Nam chinh. Ung Châu rất quan hệ. Đó là căn bản. Tiền, lương, quân nhu đều để đó. Nếu giặc cùng kế, mà từ hải khẩu (có lẽ chỉ cửa Bạch Đằng) theo đường châu Vĩnh An lấy Khâm, Liêm, rồi từ đó tới Ung Châu, thì chỉ mất một vài ngày. Tuy thành Ung vững chắc, nó không lấy được, nhưng ta há lại không nên đo lường vận lương bị đứt hay sao? Bị đứt thì lòng dân bị lay động. Mà bấy giờ, dầu muốn trở về Ung Châu, trước sau đều có giặc! Phải nói Ti chiêu thảo nên lo liệu thế nào, rồi mật tâu về" (LTK)
[49] LÝ THƯỜNG KIỆT tên là Ngô tuấn; Thường Kiệt là tên tự. Sau được ban quốc tính họ lý, bèn lấy tên tự làm tên, thành tên Lý Thường Kiệt. Theo sách sử cũ thì ông quê ở phường Thái Hòa, thành Thăng Long, nhưng theo bài văn khắc trên quả chuông chùa Bắc Biên, mới phát hiện ở gần Hà Nội và cuốn Tây Hồ Chí thì ông người làng An Xá cũ, thuộc huyện Quảng Đức, ở khu vực phía Nam Hồ Tây trong thành Thăng Long, còn Thái Hòa chỉ là nơi ở sau khi đã giữ chức vụ trọng yếu trong triều. Ông sinh năm 1019 và mất tháng sáu năm ất dậu (từ 13 tháng 7 đấn 11 tháng tám năm 1105).
Lý Thường Kiệt tinh thông thao lược, lại có tài thơ văn. Năm 23 tuổi đã được bổ làm Hoàng Môn Chi Hậu rồi thăng đến chức Thái Úy, làm quan dưới ba triều vua nhà Lý (Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông – 1028 – 1128). Ông có công rất lớn trong việc xây dựng đất nước cũng như việc đánh Tống, bình Chiêm, chặn đứng  các cuộc xâm lược của nước ngoài, nên được ba vua nhà Lý tin dùng và nhân dân tín phục. Lý Nhân Tông từng ban cho ông hiệu Thiên tử nghĩa đệ (em nuôi vua). "Đáng lẽ nước ta lúc ấy đổi thành châu quận của Tống. May! Đương thời có một vĩ nhân cầm quyền, có đủ óc chính trị, biết kết thúc nhân tâm, có cao tài lợi dụng thời cơ, có kinh nghiệm điều binh, khiển tướng. Bậc ấy là Lý Thường Kiệt".
                                                (bài tựa Lý Thường Kiệt, trg 5)
 
Khi ông mất được tặng phong Kiểm hiệu Thái úy bình chương quân quốc trọng sự, Việt quốc công. Nhân dân nhiều nơi lập đền thờ, dựng bia ghi công lao của ông, tiêu biểu nhất là bài văn bia chùa Linh Xứng ở huyện Hà Trưng, Thanh Hoá:
                Lý công nước Việt
 Noi dấu tiền nhân.
Cầm quân tất thắng,
Trị nước yên dân.
Danh lừng Trung Hạ,
Tiếng nức xa gần.
Vun trồng phúc đức,
Đạo Phật sùng tin.
Tác phẩm: hiện còn một bài thơ thất tuyệt, một bài Lộ Bố Văn, và một lời cầu xin vua cho cầm quân đi đánh Lý Giác (TVLT, tập 1).
Bài thơ thất tuyệt đã được ghi vào lịch sử coi như bản TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP ĐẦU TIÊN" của dân tộc ta:
"Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"
 
Tạm dịch:
Giang sơn nước Nam do vua Nam ở,
Cương giới đã ghi rõ ràng trong sách trời.
Cớ sao lũ giặc bạo tàn dám tới đây quấy nhiễu?
Hãy coi chừng! Lũ bay thế nào cũng chuốc lấy bại vong…
 
[50] Người đời sau kể rằng: "dân Tống thấy lời tuyên cáo, đều vui mừng, đem trâu rượu khao quân ta. Từ đó, mỗi lúc dân Tống thấy hiệu cờ Lý Thường Kiệt dàn ra, thì nói đó là quân của cha họ Lý người nước Nam; rồi cùng nhau bày hương án bái phục bên đường. Nhờ đó mà uy danh quân ta vang khắp. Bởi vậy, cuộc tiến công vào nội địa Tống càng thêm dễ dàng". (LTK).
[51] Lúc quân ta đã lọt vào trong thành Ung, Tô Giám còn đốc thúc lính bị thương, ruổi ngựa đánh rất hăng. Nhưng khi sức đã kiệt, Giàm nói với bộ hạ rằng: "Ta quyết không chịu chết về tay giặc". Giàm bèn trở về dinh, tự tay giết 36 người nhà, kể cả hai con và hai cháu. Rồi tự thiêu mà chết. Quân dân thấy Giàm nghĩa khí như vậy, không ai chịu hàng. Khi biết Giàm đã chết; quân Lý tức giận, vì phải chiến đấu nhiều ngày, nên đã giết sạch dân thành. Cả thảy hơn năm vạn người. Bên ta, quân và voi chết rất nhiều. Quân mất một vạn người (LTK)
[52] SỬ THẦN BÀN RẰNG:
"Nước ta đánh nhau với quân nước Trung Hoa nhiều lần, từ vua Nam Đế trở về trước, việc đã lâu rồi, sau này vua Ngô Quyền đánh Bạch Đằng, vua Lê Đại Hành đánh trận Lạng Sơn, vua Trần Nhân Tông đánh đuổi được Toa Đô, Thoát Hoan, những trận được vẻ vang đó là câu chuyện hãnh diện của nước ta, nhưng đều là giặc đến đất nước, bất đắc dĩ mà phải ứng chiến. Còn đường đường chính chính đem quân vào nước người, khi đánh không ai địch nổi, khi kéo quân về không ai dám đuổi theo, như trận đánh Ung, Liêm này thật là đệ nhất võ công, từ đấy người nước Tàu không dám coi thường chúng ta nữa…
Đến như thư từ của nước ta đưa cho Trung Hoa chỉ dùng có hai tấm ván sơn đen, liệt tên vài vị đại thần dùng ấn tín Trung thư môn hạ mà đóng vào, thế thì triều Lý được trịch với Tống nhiều lắm".
[53] Lý Thường Kiệt đoán trước là thế nào Chiêm Thành, Chân Lạp cũng nhân dịp Tống sửa soạn đánh Đại Việt, sẽ xua quân sang quấy phá miền duyên hải nước ta. Tháng 8 năm 1076, Lý Thường Kiệt đem quân vào tuần tra các châu vừa lấy được của Chiêm Thành, chỉnh đốn việc cai trị, cho dân vào ở thêm, và tăng sự phòng bị (TT). Mà bên Tống cũng không có sức gì uy hiếp Chiêm Thành, Chân Lạp. Cho nên tuy Chiêm Thành có đưa ít quân lên đóng ở biên giới nước ta, nhưng không dám gây sự (LTK).
1 "Phần tinh nhuệ quân Tống là kỵ binh, kỵ binh là quân xung phong chọc thẳng hàng ngũ địch, dẫn đường cho bộ binh. Kỵ binh lại là "kỳ binh", nghĩa là quân đánh những chỗ bất ngờ. Dùng sức ngựa chạy nhanh và qua những gai góc, đá sỏi dễ, kỵ binh có thể, lúc vướng chỗ này, chạy quanh chỗ khác, để bọc hai bên hông địch. Nhưng muốn lợi dụng kỵ binh để phá địch, thì phải làm sao qua khỏi vùng hiểm trở, tới chỗ bằng, để cho ngựa xông xáo dễ dàng.
Bên ta thì thiện chiến về voi. Trong trận đấu Ung, ta đã đem voi theo được, huống chi trên trận địa nước nhà. Thế thủ của ta lại dựa vào sông núi, các đèo hiểm trở, các sông rộng và sâu. Từ trại Vĩnh Bình vào châu Lạng, phải qua dãy núi rậm, có đèo Quyết Lý, ở trên đường từ tỉnh Lạng Sơn đến Đông Mô ngày nay, vào khoảng làng Nhân Lý, ở phía bắc châu Ôn. Rồi lại phải qua dãy núi Lèn (đá không phá đất), đá đứng như tường, ở giữa có đường đi rất hiểm: đó là ải Giáp Khẩu, tức là ải Chi Lăng, ở phía bắc huyện Hữu Lũng thuộc Bắc Giang ngày nay. Cuối đời Đinh, Hầu Nhân Bảo, là tướng Tống đã bị chết ở đó; và đời sau, Liễu Thăng là tướng nhà Minh, cũng bỏ mình ở chốn này. Đèo ải tuy hiểm, nhưng có thể dùng kỵ binh hoặc vượt qua, hoặc len lỏi qua rừng để tránh. Còn sông sâu rộng, thì ngựa khó lòng qua nổi. Phòng thủ sông khá dễ, đóng cọc và dùng rào giậu ở bờ Nam, cũng đủ ngăn quân địch. Vả chăng thủy binh ta, từ đời Ngô, đã lập nhiều chiến công lừng lẩy. Thế sông ở trung nguyên lại rất tiện cho thủy chiến. Sáu ngành sông chầu về Vạn Xuyên (Vạn Kiếp). Đó là căn cứ tự nhiên của thuỷ quân ta. Hoặc phải ra cửa Bạch Đằng chắn quân thuỷ địch, hoặc phải vào sông Đào Hoa (sông Thương), hoặc phải vào sông Nam Định (sông Cầu) hoặc phải đi vào sông Thiên Đức (sông Đuống), để chặn địch qua sông, ta chỉ cần đóng thuyền ở bến Lục Đầu thì đi đường nào cũng rất tiện và chóng" (theo sách Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn.
(1) Trong khi mộ quân, vua Tống sợ quân ta lẩn vào làm gián điệp. Ngày 10-3-1076, có chiếu dặn các lộ ven bể, như Quảng Tây, Quảng Đông, Giang Tây, Phúc Kiến, phải coi chừng việc ấy.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here