Trang chủ Phật học Mở cánh cửa không*

Mở cánh cửa không*

137
0

Tổ đình Ấn Tôn Từ Đàm là nơi phát tích nhiều danh tăng thạc đức, nơi phát xuất phong trào chấn hưng Phật giáo, nơi đã diễn ra Đại hội thống nhất Phật giáo Trung Nam Bắc, nơi phong trào chống kỳ thị triệt hạ cờ Phật giáo. Từ Đàm Huế là trung tâm, là chiếc nôi Phật giáo Việt Nam mang nhiều dấu ấn lịch sử, nơi danh lam thắng tích văn hóa…mà hôm nay Giới đàn chúng ta hân hạnh được tổ chức nơi ngôi Tổ đình Từ Đàm lịch sử này và mang tên của Tổ là Giới đàn Minh Hoằng, mà tất cả giới tử chúng ta diễm phúc lắm mới được dự phần trong dịp hy hữu này.

Khi nhìn thấy các con trong độ tuổi niên thiếu mà đã mang trong mình ý chí cao cả, làm Thầy gợi nhớ lại câu chuyện giữa Đức Phật và tôn giả A Nan trong kinh Lăng Nghiêm. Đức Phật hỏi ngài A Nan “ông thấy và cảm mộ cái gì trong giáo pháp của ta mà dám dứt bỏ tình cốt nhục cha mẹ, thân thích, kể cả thân mạng của chính mình nữa, mà phát tâm xuất gia học đạo?”. Ngày ấy Phật còn tại thế, nên ngài A Nan trả lời là thấy Phật đẹp quá, ngài có 32 tướng tốt, 80 vẽ đẹp, tức là thấy Phật toàn hảo tốt đẹp nhân cách quá, mà ngài A Nan cảm mộ phát tâm xuất gia.

Nay thì Phật nhập Niết bàn đã lâu, không biết quý vị thấy cái gì trong đạo pháp mà cảm mộ đến nổi dứt bỏ tình thân cha mẹ, bằng hữu, thân thích họ hàng, nhất là các vị đang độ tuổi niên thiếu, đầy hy vọng với một xã hội vật chất đầy cám dỗ như vậy mà các vị lại gạc bỏ ra đi? Có vị thì nói “không biết sao cả, khó nói quá”, có vị lại nói rằng “con có túc duyên”, có vị thì sẽ nói “thấy đạo Phật từ bi”…Cũng đúng như thế, khó nói thật! Có duyên và từ bi bao dung thật.

Trước khi vào chùa các vị đã có duyên sinh trong gia đình mộ Phật, quy y Tam Bảo làm Phật tử, rồi gần gũi chư Tăng, phát tâm vào chùa tập sự ở Điệu, có vị thì vài ba năm, có vị thì đã năm bảy năm, đã thích nghi nếp sống thiền môn, hiểu được lời dạy của Phật, Tổ thiết thực lợi ích cho đời sống, niềm tin ngày vững mạnh. Nay thiện duyên đã hội đủ các vị phát tâm cầu thế độ, mà cảm động nhất là trong ngày và trong giờ phút các vị phát tâm trước ngôi Tam bảo, trước thầy thế độ đã làm chấn động cả ba cõi nhân thiên, mà Phật, Tổ, Thầy đã tán thán khích lệ, bởi vậy quý vị phải luôn luôn giữ gìn và phát huy cái chân tâm trong giây phút ban đầu này. Đó là:

Lành thay bậc trượng phu
Rõ biết đời vô thường
Bỏ tục hướng giải thoát
Công đức khó nghĩ bàn

Hủy hình giữ chí tiết
Cắt ái lìa thân thích
Xuất gia hoằng Phật đạo
Nguyện độ hết mọi người

Cạo bỏ râu tóc
Nên nguyện chúng sanh
Xa lìa phiền não
Rốt ráo thanh tịnh

Thật là cảm động, thật là cao cả, với ý chí dõng mãnh, với tâm hồn thanh khiết. Nhờ đó mà hôm nay gặp được duyên lành cầu thọ giới pháp, và Giới pháp Sa di là giới pháp căn bản đầu tiên của người xuất gia. Bởi vậy Thầy nhắc nhủ các vị phải gạn lọc tâm tư cho thật kỷ, phát tâm cho dũng mãnh, kiên cường, vì nền tảng có kiên cố vững chắc mới có thể xây dựng lâu đài trên đó được.

Còn Giới pháp cao thượng mà hôm nay các vị đang cầu thọ cũng gọi là Phật giới hay Thánh giới. “Phật giới” là Giới pháp chỉ có đức Phật mới chế định, ngoài ra không ai có thể chế được, chỉ chấp hành tuân thủ mà thôi. Vì Đức Phật là đấng Đạo sư của tam giới, đầy đủ trí tuệ, Ngài thấy rõ nhân duyên và quả báo của chúng sanh trong ba cõi trên cả hai lãnh vực thiện và ác, Ngài có từ bi vô lượng, ngài thương xót chúng sanh mê mờ mãi lặn hụp trong luân hồi sanh tử, nên Ngài mới phương tiện chế ra giới để ngăn ngừa diệt trừ ác pháp, bảo hộ phát triển thiện pháp cho mọi người hướng thiện, hướng thượng. “Thánh giới” là các bậc Thánh nhờ nhiếp trì giới pháp mà đạt được Thánh quả, và sau khi thành tựu đạo quả rồi, các ngài cũng đem giới pháp đó chỉ dạy truyền trao lại để làm thuyền bè phương tiện cứu độ cho muôn loài, bởi vậy giới pháp là bảo vật cao cả vô giá.

Các vị giới tử hôm nay đối trước Đàn giới trang nghiêm thanh tịnh chắc tâm tư các vị không khỏi lẫn lộn giữa sự mừng lo cho những giờ phút sắp tới.

Các Giới tử, các vị đã một lần quỳ trước Tam bảo, vị thầy kính quý đã truyền trao cho quý vị ba pháp quy y và 5 giới pháp, từ đó các vị trở thành Phật tử, nay các vị phát tâm cầu thế độ xuất gia cầu thọ giới pháp, lại một lần nữa quý vị quỳ trước tam sư thất chứng để lãnh thọ 10 giới pháp Sa di. Ngay từ giờ phút đó quý vị trở thành người xuất gia chính thức, là những mầm non của Đạo pháp, những hạt giống bồ đề, những viễn ảnh Thánh nhân. Trong giờ phút thiêng liêng, quý vị đã không kể gì đến xác thân, tính mạng. Các vị đã xã thân cầu Đạo, cầu Giới pháp vì nhận thức rằng, chính Giới pháp mới là pháp môn thanh tịnh viên mãn, có năng lực giải thoát chúng ta ra khỏi khổ, vô minh luân hồi, triền phược. Vì nghĩ đến sự cao quý của Giới pháp như thế, nên chúng ta đem hết tâm thành chí kính để lãnh thọ, chính những giới pháp đó Đức Phật đã thành tựu viên mãn và sau khi thành tựu rồi, ngài đem chỉ dạy lại cho chúng ta, coi như Pháp thân tuệ mạng của chính Ngài.

Bởi thế, sau khi Thế tôn viên tịch, Giới pháp ấy vẫn tồn tại để dắt dẫn cho những người hảo tâm xuất gia. Trước khi nhập Niết bàn, Đức thế tôn đã dạy “sau khi ta diệt độ các ngươi hãy tôn trọng trân quý Ban la đề mộc xoa, như người đi trong đêm tối được gặp đèn sáng, người nghèo khó gặp được châu báu. Giới luật chính là vị Thầy cao cả của các ngươi, dù ta có ở đời thì cũng không gì khác”. Giới luật là thọ mạng của Phật pháp, Giới luật còn là Phật pháp còn. Các Giới tử! Phật vì đại sự nhân duyên mà ra đời, để mở mang chỉ dạy cho chúng sanh nhận hiểu “Phật tri kiến” tu chứng Phật tri kiến cho nên nói ra vô lượng pháp môn diệu nghĩa nhưng cũng không ngoài ba môn học: Giới-Định-Tuệ. Song tuệ do định mà phát, định do giới mà sanh, công năng sanh ra giới do lòng chí thành lãnh thọ, không trái, giới thể vô tác từ đây mà lập. Cho nên giới là khởi đầu của ba môn học, là nền tảng của muôn pháp lành. Các bậc Thánh nhờ giữ giới mà chứng bồ đề, chư Phật cũng do giới mà thành chánh giác. Cho nên muốn được diệu đạo vô thượng, cần phải hết lòng lãnh thọ và hành trì Giới.

Nhưng trước khi lãnh thọ giới pháp, các vị sẽ qua một lần hỏi về những già nạn, nghĩa là những điều mà nếu mắc phải, sẽ là những chướng ngại cho các vị không thể thọ giới được. Các điều già nạn ấy, các vị phải chú tâm nghe kỹ và trả lời một cách thành thật. Phần nhiều các già nạn ấy đều dễ hiểu, chỉ có một số điều cần nói trước để khi hỏi đến, các vị hiểu để trả lời cho nhanh.

Các ngài sẽ hỏi: Các vị có phải tặc trú thọ giới không? nghĩa là những kẻ dả đò thọ giới để xen vào vào lạm dụng, phá hoại trong Phật pháp. Những kẻ ấy không phải vì hảo tâm vì mục đích giải thoát, mà vì một dụng tâm tầm thường nhỏ hẹp, cho nên khi vào thì không có tư cách, phá giới, phá trai, phá kiến làm cho Phật pháp vì họ mà bị suy đồi. Nếu các vị hảo tâm, nhất tâm cầu giới pháp để tu tập giải thoát, thì các vị mạnh dạng trả lời là “không”.

Một già nạn khác: các vị có phải nội ngoại đạo phá giới không? nghĩa là kẻ ngoại đạo giả xuất gia thọ giới trở về lại ngoại đạo, sau một thời gian gặp cơ hội thọ giới, cũng xin vào thọ lại, ấy là kẻ nội giáo mà lại là ngoại đạo (do hai lý do vì sự mưu sinh lợi dưỡng, hoặc ác tâm phá hoại). Một già nạn khác nữa: các vị có phải hoàng môn không? Hoàng môn có nghĩa là người phi nam phi nữ, không phải một nam nhi thực thụ. Và một già nạn nữa: các vị có phá Yết ma Tăng không? Ơ điều này thì các vị chưa có pháp nhân, pháp lý để phá, nhưng trường hợp là xúi dục, hỗ trợ, tán đồng và hoan hỷ theo việc làm đó của người khác thì cũng phạm.

Và một già nạn khác nữa: các vị có ác tâm làm cho thân Phật ra huyết không? Nay Phật đã diệt độ không còn, nhưng ác tâm đục khoét phá hoại tượng Phật, xé đốt kinh luật, phá chùa, phá tháp, tùy hỷ theo kẻ ác phê bình chê bai Phật pháp, phá kiến làm cho đạo pháp suy vong cũng đều đồng tội. Một già nạn nữa: các vị có phải là phi nhân không? Nghĩa là chỉ cho Bát bộ, Thiên long, họ có thần thông biến hóa ra người, vốn không phải thật người.

Thêm một già nạn nữa: các vị có phải hai hình không? Nghĩa là người có đủ 2 căn (nam, nữ) nó thay đổi theo hoàn cảnh, rất bất thường. Còn những điều sau không phải già nạn, nhưng các Ngài cũng hỏi: Hòa thượng (Đàn đầu) các vị hiệu là gì? Pháp danh các vị là gì? Y, đảy lọc có đủ chưa?…Còn ít già nạn khác nữa, riêng các già nạn vừa nói trên đó là những điều hơi khó hiểu đối với các vị.

Tựu trung tâm ý của Đức Phật là muốn những người xuất gia rồi sẽ là ngôi Tam bảo, tiêu biểu cho Phật ở thế gian, là trưởng tử của Phật, là những người hoàn toàn đầy đủ về nhân tướng của một tỳ kheo, mang tâm niệm trong sạch, chính đáng xuất gia, với lòng tôn thờ Phật pháp, hoài bảo hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh, chứ không phải một kẻ xuất gia với tâm ý hèn mọn, tặc trú bệnh hoạn hay lợi dụng hưởng thụ.

Các vị sẽ thành thật trả lời những già nạn ấy trước thập sư. Khi qua những già nạn ấy rồi tức là các vị đã hết chướng duyên, đã đủ tư cách thọ lãnh giới pháp để trở thành những vị ứng pháp sa di và xa hợn chút nữa là những vị tỳ kheo tương lai của Đạo pháp. Giới luật quan trọng như vậy, để xác định nhân cách và vị trí của hành giả (xuất gia).

Có câu chuyện 3 chú tiểu cùng vào tu một ngôi chùa, nhưng ba người có ba hoàn cảnh và trình độ tuổi tác khác nhau. Điệu Hạnh thì con nhà khá giả ham chơi, điệu Du thì đã học xong lớp nhì nhưng theo bạn bè hoang nghịch, còn điệu Tâm thì nhỏ hơn lại con nhà nghèo. Khi đến chùa cha mẹ của các em đều mong rằng con mình nếu tu được thì tốt, nếu không tu được thì cũng thành người tốt, cho nên cả ba gia đình đều đem con đến để xin xuất gia. Ban đầu thầy trú trì chưa nhận, thầy bảo tu khó lắm, mà các em như em Tâm còn nhỏ dại, em Du thì đã lớn nhưng đã quen nếp sống bụi đời, còn em Hạnh thì con nhà giàu có, sống hưởng thụ mà lại nhác học mất đà rồi. Thầy nói rồi thì cả ba gia đình kể cả ba em nữa khẩn khoản tha thiết cầu xin quá, cuối cùng thầy trú trì nói lên những sự khó khăn trong tu học và ra điều kiện.

Thầy dạy ba em có ba hoàn cảnh, ba cuộc sống khác nhau, tuổi tác, trình độ cũng khác nhau nhưng khi đã vào chùa tu học thì bình đẳng không khác, ai cũng qua thời gian làm điệu, thời gian làm chú (Sa di) thì cũng phải tôi luỵên như nhau. Thầy hỏi các vị có thức khuya dậy sớm được không? Các vị có chấp lao phục dịch việc chúng việc chùa được không? Có hầu hạ quý thầy được không? Có siêng năng học tập không? Ngoài ra phải hạ thủ công phu tụng kinh bái sám, ngồi thiền niệm Phật nữa có được không? Từ nay đã ở chùa thì rất hạn chế sự đi lại, đi đâu thì phải có lý do chính đáng và phải có sự cho phép của thầy. Các điều này cha mẹ các em không dám hứa chỉ khích lệ và hỏi các em mà thôi. Thế là cả ba em đều trả lời dạ được, nhưng qua sự bày tỏ thì có khác, em Hạnh thì trả lời “con cố gắng”, em Du thì trả lời “con cũng có thể được”, còn em Tâm thì dõng dạc “con quyết tâm làm được”, từ đó cả ba được thầy cho xuống tóc làm điệu.

Qua tháng đầu Hạnh thiếu ý chí rồi chứng đâu tật đó, Điệu nghĩ nhà mình khá giả muốn ăn muốn mặc, muốn ngủ, muốn chơi đều tự do, nay lại tù ngục như thế này, Hạnh đã rút lui về mất. Qua tháng thứ hai, Du cũng nghĩ Hạnh chừ nó tự do sung sướng, mình có thua vật chất nhưng mình lại có bạn bè khắp đó đây, tội gì mà hui hút thế này, vậy là Du cũng chuồn luôn. Còn lại một mình điệu Tâm, ngày đầu hai bạn mình bỏ đi Tâm cũng thấy buồn thật, Tâm tuy nhỏ nhất trong ba anh em, nhưng có túc duyên. Điệu nghĩ Hạnh và Du là con nhà giàu, có học, có bạn, còn mình thì đi về đâu? Về nhà thì cũng khổ, bạn bè lại không có…thôi mặc tụi nó, riêng mình thì đã hứa quyết tâm làm được, mình quyết tâm tu học, chấp lao phục dịch, hầu hạ quý thầy, siêng năng công phu tu tập, hơn nữa đâu có riêng mình, mà mọi người đã đi, đang đi đều như thế cả, tất cả đều đi được! Mình nỗ lực quyết chí tu học cho thật tốt, thầy thương bạn mến, rồi một ngày nào đó mình cũng như quý thầy, quý ôn thì có gì bằng! Hơn nữa cuộc đời là vô thường đau khổ, chỉ có tu mới an lạc trong hiện tại và giải thoát trong tương lai. Từ đó Tâm quyết chí tu học, không bao giờ bê trể, rồi thấy hai anh bạn thối chí đó cứ nhang nhãn trước mắt, Hạnh thì say sưa túy lúy không ra gì, còn Du thì trộm cắp, cướp dật nên bị tù tội. Tâm lại càng tinh tấn hơn, sau một thời gian Tâm đã trở thành một vị thầy có tu học, có hạnh có đức, làm một vị thầy mẫu mực khả kính của mọi người.

Qua câu chuyện đó, chúng ta thấy chỉ có người có ý chí, có giáo dục, có tu học, có tuệ đức mới là mẫu mực hữu dụng. Trong ba hạng người chỉ có hạng người hảo tâm quyết chí mới đi đến đích, còn hạng người yếu hèn thì  nhụt chí ngay tháng đầu, kẻ lựng khựng không mục đích thì một thời gian cũng quay về lối cũ trần ai lao lý.

Đối với vấn đề thọ lãnh giáo pháp và sống theo tinh thần giới pháp tu tập là khó, cho nên đối với hạng người tầm thường, không chí hướng, khi nghe đến là họ đã nhụt chí rút lui, còn hạng người cũng có thấy mập mờ, muốn đi  nhưng thiếu ý chí nhẫn nại, sáng suốt, nên nửa chừng rồi cũng cảnh trần cám dỗ. Chỉ có hạng người có túc duyên, nghị lực, quyết chí họ mới mạnh mẽ hướng tới và đến đích.

Đối với giới pháp tu hành cũng vậy. Giới luật để xác định vị trí, người thọ 5 giới gọi là Ưu bà tắt, thọ 10 giới tại gia thì gọi là Thập thiện, còn 10 giới pháp xuất gia thì gọi là Sadi, thọ 250 giới gọi là tỳ kheo, Đại đức. Còn người mà không thọ giới nào thì chỉ gọi là người đời, chứ không thể gọi là Ưu bà tắt, thập thiện huống nữa là sadi, tỳ kheo, Đại đức. Nhưng mặc dầu Phật tử hay xuất gia đã thọ lãnh giới, mà giữ giới thanh tịnh thì sẽ được phước báo an lạc giải thoát. Từ xưa đến nay không một vị tổ sư nào xuất gia mà không thọ trì giới pháp mà có thể đắc định phát tuệ thành tựu đạo nghiệp bao giờ. Giới luật là phòng ngừa tội ác, bảo đảm cho sự tu tập thanh tịnh giải thoát, là tịnh thủy trong mát để tẩy rửa phiền não, cấu uế cho hành giả.

Mà sadi chúng ta là người mới bắt đầu khởi hành trên lộ trình muôn dặm, rừng thiêng, nước độc, ác ma, ác hữu, bởi vậy cần phải có người bảo hộ dẫn dắt “giới pháp”. Cũng ví như ngọn đèn trần trước gió nên dễ tắt vô cùng, dầu chưa tắt đi nữa thì cũng lập lòe khó sáng tỏ, nhưng khi đã được chụp lồng “giới pháp” vào ngăn chặn được các ngọn gió “nghiệp” chi phối, thì nó sẽ sáng lên chiếu rõ cảnh vật chung quanh “cũng như người giữ giới thanh tịnh, tuệ hạnh giải thóat” trong bước đường tu tập của chúng ta cũng vậy. Cầu xuất gia và thọ giới tuy khó nhưng khó hơn là giữ chí nguyện xuất gia và hành trì giới pháp. Trong ba ý nghĩa xuất gia thì khó nhất là xuất phiền não gia, vì phiền não nó không hình tướng, màu sắc nó bao trùm cả không gian thời gian ba cõi, hễ nơi nào có chúng sanh thì nơi đó có nó, nguy hiểm, chướng ngại nhất cho sự tu hành, nếu ta chế phục vượt qua được nó thì sự vượt ngoài ba cõi cũng không khó lắm, nếu giới cộng định là chúng ta đã nắm cương được nó. Khi đó các vị mới thực hiện được mục đích ý nghĩa của sadi “dứt tất cả ác, đem lòng từ giúp ích chúng sanh, chuyên cần tu học, sách tấn cho nhau phát triển phước trí đạo nghiệp, mong hướng về thanh tịnh giác ngộ, an lạc giải thoát”.

Giới pháp là căn bản để thành tựu được muôn hạnh lành. Chúng ta mặc dầu sinh vào thời mạt pháp, nhưng còn may mắn làm được thân người nam nhi, gặp được giáo pháp của Phật, dẫu Phật đã nhập diệt nhưng vẫn còn diễm phúc  lắm mới gặp được giới pháp của Phật đó chính là bậc thầy cao cả để chúng ta nương tựa tu tập, giới pháp là quan trọng cần thiết cho đời sống tu hành. Đối với ba đời chư Phật đều tôn trọng. Giới pháp cao cả mầu nhiệm như vậy, cho nên các Giới tử phải phát tâm chân thành khát ngưỡng, tâm kiên cường dõng mãnh, tâm trân trọng tôn kính, để cầu nhận lãnh giới pháp thanh tịnh cao ngưỡng ấy.

Ngưỡng nguyện mười phương Tam bảo, Thiên long, Bát bộ, Hộ pháp, Thần vương, Kim cang mật tích, lịch đại Tổ sư, chư vị Hộ giới Thiện thần, thùy từ chứng giám gia hộ cho tất cả giới tử, giới thể châu viên, đạo tâm kiên cố, tuệ nghiệp viên thành.

HT.T.C.H (Bài khai đạo Giới tử Sa di tại Đại Giới đàn Minh Hoằng)

* Tựa đề do BBT đặt

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here