"Thụ căn diểu diểu/mộc biểu thanh thanh/hòa đao mộc lạc/thập bát tử thành/đông a nhập địa/dị mộc tái sinh/chấn cung kiến nhật/đoài cung ẩn tinh/lục thất niên gian/thiên hạ thái bình". (Gốc cây thăm thẳm/ngọn cây xanh xanh/cây hòa đao rụng/mười tám hạt cành/cành đông xuống đất/cây khác lại sinh/Đông mặt trời mọc/Tây sao náu hình/khoảng sáu, bảy năm/thiên hạ thái bình). Theo Đại Việt sử ký toàn thư, nhà sư Vạn Hạnh giải mã lời sấm rằng: Câu "mộc căn diểu diểu", chữa "căn" nghĩa là gốc-tức là vua; câu "mộc biểu thanh thanh", chữ " biểu" đồng nghĩa với chữ ngọn, tức là bề tôi. "Hòa đao mộc" ghép lại thành chữ Lê; "Thập bát tử" ghép lại thành chữ Lý; "Đông A" ghép lại thành chữ Trần. Bài sấm ngữ này có nghĩa là: "Vua thì non yểu/tôi thì cường thịnh/họ Lê mất thì họ Lý nổi lên/thiên tử (mặt trời) ở phương Đông mọc ra thì thứ nhân ở phương Tây lặn mất, trải qua 6-7 năm thì thiên hạ thái bình".
Chùa Dận
Làng Dương Lôi hiện còn rất nhiều di tích quý giá: Đình Sấm, chùa Cha Lư, chùa Càn Nguyên, đền thờ Lý Thánh Mẫu…Đình Sấm ngày nay còn bảo lưu được nhiều câu đối cổ, trong đó có câu: "Thập bát tử thành mạc trạng Bắc Giang công đức thủy/Nhất Dương Lôi động tự thành Nam quốc đế vương cơ". Nghĩa là: "Mười tám hạt (nhà Lý) thành khó lột tả được bát (tám) nước công đức/Một tiếng sấm động (chỉ Dương Lôi) xuất hiện cơ nghiệp đế vương".
Chùa Minh Châu là di tích vô cùng quan trọng ở Dương Lôi, ra đời cùng thời với các ngôi chùa Cổ Pháp (chùa Dận), chùa Ứng Thiên Tâm (chùa Tiêu), chùa Kiến Sơ (chùa Phù Đổng). Tiếc thay ngôi chùa đã bị phá hủy trước ngày hòa bình lập lại. Sách Thiền uyển tập anh chép: "Năm Bính Thân, niên hiệu Thanh Thái thứ 3 thời thuộc Đường (936), khi trồng cây gạo ở chùa Minh Châu, Trưởng lão Đinh La Quý An có đọc bài kệ:
"Đại Sơn long đầu khởi
Cù Vĩ ẩn Minh Châu
Thập bát tử định thành
Miên thụ hiện long hình
Thỏ kê thử nguyệt nội
Định kiến nhật xuất thanh".
Tương truyền, cố GS sử học Trần Quốc Vượng sinh thời từng dịch bài kệ như sau: "Đầu rồng hiện ở núi lớn/đuôi rồng giấu sự thịnh vượng/Họ Lý nhất định thành/khi cây gạo hiện hình rồng/chỉ trong mấy tháng thỏ, gà, chuột/chắc chắn sẽ thấy mặt trời (vua) anh minh". Ông Nguyễn Đình Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hồng kể: Năm 1992, GS Trần Quốc Vượng điền dã về khảo sát những di tích ở làng Dương Lôi. Khi tận mắt chứng kiến nền chùa Minh Châu và tìm hiểu địa danh trong vùng, biết có ngọn núi Đại Sơn ở cách chùa Minh Châu 1km, GS đã thốt lên: "Tôi đã nhầm khi dịch bài kệ của Trưởng lão họ Đinh!". Sau đó, GS đã chỉnh lại bản dịch 2 câu đầu là: "Đầu rồng hiện ở Đại Sơn/đuôi rồng giấu ở chùa Minh Châu".
Theo Thiền uyển tập anh:
"… Trước khi viên tịch, Trưởng lão Đinh La Quý An gọi đệ tử là Thiền Ông đến dặn rằng, Trước đây Cao Biền đắp thành Đại La ở sông Tô Lịch, biết đất Cổ Pháp ta có khí tượng vương giả bèn đào sông Điền Giang, đầm Phù Chẩn để cắt yểm long mạch, tất cả 19 nơi. Nay ta đã khuyên Khúc Lãm đắp lại như cũ. Ta lại trồng một cây gạo ở cách chùa Minh Châu hơn 1 dặm, đúng chỗ bị cắt long mạch, đời sau nơi này ắt có bậc đế vương xuất hiện để vun trồng Chánh pháp…". Nhiều năm sau khi sư Đinh La Quý An qua đời, cây gạo mà Ngài đã trồng bỗng nhiên bị sét đánh, rồi hiện lên bài sấm ngữ kỳ dị. Như vậy, trước khi Lý Công Uẩn ra đời 38 năm (từ năm 936 đến năm 974), Dương Lôi đã được các bậc cao tăng chọn là nơi ra đời bài sấm cây gạo, báo hiệu sự ra đời của triều Lý. Nằm sát ngay sau Đình Sấm, ngày nay còn có ngôi chùa Cha Lư, thờ Phật và thờ bà Phạm Thị Ngà, mẹ của Lý Công Uẩn. Qua văn bia khắc năm Vĩnh Tộ thứ 6 (1624) và văn chuông còn được lưu giữ tại chùa cho biết chùa Cha Lư có từ thời Lý. Bài minh khắc trên chuông Cha Lư tự chung khắc vào năm Minh Mệnh thứ 9 (1828) khẳng định Dương Lôi là quê hương Thánh mẫu Phạm Thị: "Từ Sơn phủ, Dương Lôi xã. Lý triều Thánh mẫu chi thang mộc ấp dã…". Bài minh này do cử nhân Trần Lai Phủ soạn, còn có đoạn: "Tương giang (sông Tiêu Tương) nhiễu bạch/Hoàn lĩnh (núi hoàn, tức Đại Sơn) châu thanh/Dương Lôi thắng địa/Tú dựng Lý kinh/Tự viết Cha Lư/Nhất hồ Phạn Vũ…".
Ông Nguyễn Đình Phúc cho biết, từ xa xưa đến nay, người dân Dương Lôi vẫn lưu truyền truyền thuyết về bà Phạm Thị Ngà sinh ra Lý Công Uẩn, tuổi thơ của Lý Thái Tổ gắn liền với mảnh đất nơi đây. Vào thời Đinh-Tiền Lê, trong làng có một gia đình nghèo họ Phạm gồm hai ông bà và cô con gái tên là Ngà, nết na xinh đẹp. Một ngày kia, bệnh tật đã cướp đi người cha, ít lâu sau, hai mẹ con rời bỏ xóm làng ra dựng tạm túp lều trước cổng chùa Minh Châu, bán nước cho người đi qua đường và bán hương, cau cho người vào lễ chùa. Minh Châu tự vốn là ngôi chùa nổi tiếng trong vùng, một hôm có 2 vị Thiền sư đến chùa Minh Châu giảng kinh Phật, một vị là Lý Vạn Hạnh trụ trì chùa Tiêu, một vị là Lý Khánh Văn trụ trì chùa Cổ Pháp. Thấy hai mẹ con cô gái bán nước ở cổng chùa Minh Châu là người phúc đức nhân hậu, nên 2 vị sư rất quý mến. Ít lâu sau, người mẹ không may qua đời, cô gái được sự dẫn mạch của 2 vị sư bèn dời mộ cha và thi hài mẹ an táng cùng mộ chỗ gò đất có hình rồng ấp ven rừng Miễu. Từ đấy, cô gái Phạm Thị Ngà về làm thủ hộ, giúp việc cho sư Vạn Hạnh ở chùa Tiêu. Một đêm, cô gái ngả lưng thiếp đi trước cửa chùa, cô mơ thấy một vị thần nhân bước qua người mình. Tỉnh dậy, cô thấy người khác lạ, mang thai từ đấy. Không dám ở lại chùa Tiêu, cô gái lại trở về chùa Minh Châu, sư thương tình cho cô nương náu. Sắp đến ngày mãn nguyệt khai hoa, cô xin phép nhà chùa trở lại xóm cũ Đường Sau nơi có túp lều xiêu vẹo của cha mẹ và sống với cuộc đời thầm lặng. Trong một đêm mưa rét đầu xuân vào tháng Hai năm Giáp Tuất (974), những người hàng xóm bỗng thấy sự lạ lùng, túp lều của cô gái bỗng sáng rực hào quang, và tiếng trẻ sơ sinh cất lên lanh lảnh. Trong cơn đau, cô gái mơ màng thấy 3 bà mụ như từ trên trời hiện xuống đỡ đẻ cho cô. Đứa trẻ sinh ra khôi ngô tuấn tú, dưới hai bàn chân đều có chữ "vương". Biết bao đời nay, dân gian vùng Kinh Bắc còn truyền nhau câu: "Nở Đường Sau/đau chùa Dận", vì xóm Đường Sau ở Dương Lôi là nơi Lý Công Uẩn chào đời, còn chùa Dận ở Đình Bảng là nơi nhận nuôi dưỡng Lý Công Uẩn từ lúc 3 tuổi.
Đền Đô
Trải qua 3 năm vất vả nuôi con, người mẹ Phạm Thị Ngà sinh bệnh nặng. Một tối, người mẹ ôm con đến chùa Cổ Pháp (chùa Dận), ngôi chùa nổi tiếng trong vùng do sư Lý Khánh Văn trụ trì. Trước đó, sư Lý Khánh Văn đã thấy nhiều chuyện lạ: con chó trong chùa đẻ một con chó con lông trắng khoang đen có hình chữ "Tuất Thiên tử"; rồi đến việc trên chiếc cổng lớn của chùa tự dưng xuất hiện bốn chữ "Hưng quốc chi niên". Tối đó, trong giấc ngủ, sư Lý Khánh Văn chiêm bao thấy thần hiện lên báo mộng, cho biết giờ Tý đêm nay có đế vương đến ngự. Vị sư choàng tỉnh dậy, sai tiểu quét dọn chùa, còn ông thắp hương tụng niệm. Đúng giờ Tý, bỗng nhiên con "Tuất Thiên tử" sủa vang và vẫy đuôi mừng rỡ chạy ra cổng chùa. Sư bèn chạy ra, thấy một người đàn bà rách rưới, đội chiếc nón mê, tay ôm đứa trẻ. Sư ông nhận ra người đàn bà chính là cô gái ở chùa Minh Châu trước kia, bèn đưa vào hỏi han sự tình. Nhà sư biết đứa trẻ này tuổi Tuất, khôi ngô tuấn tú, dưới chân lại có chữ Đế Vương thì vui mừng khôn xiết. Ngài bèn bảo Phạm Thị để đứa trẻ lại cho nhà chùa nuôi dạy nên người giúp nước giúp dân. Nghĩ đến tương lai của con sau này, Phạm Thị đành gạt nước mắt nghẹn ngào nhìn con, rồi một mình quay về xóm cũ. Rời gót khỏi cổng chùa Cổ Pháp, đến gò đất ven rừng, tự nhiên thấy hoa mắt, Phạm Thị gục xuống, qua đời trên đường. Thổ thần bản địa thấy vậy bèn sai họ hàng nhà mối đùn lên thành ngôi mộ rất lớn, tương truyền nơi người mẹ nằm xuống chính là một nơi liên hoa khai bát điệp-một trong những huyệt mộ đế vương.
Theo ông Nguyễn Văn Quyết, trưởng thôn Dương Lôi cho chúng tôi biết, cây gạo cổ thụ nơi xuất hiện bài sấm nổi tiếng-bức thông điệp báo hiệu nhà Lý ra đời, mới cách đây 20 năm còn là một cây đại thụ, hơn chục người ôm mới xuể đứng sừng sững ở đầu làng. Do quá già cỗi, nên cây gạo đã bị đổ trong một trận bão lớn. Ông Nguyễn Trọng Lịnh, thủ từ đền Lý triều Thánh mẫu kể: "Vào năm cuối đời, cố GS Trần Quốc Vượng có về thăm lại đền. GS nói, trong đời tôi có 2 sai lầm lớn nhất, đó là nhận rằng Nguyên phi Ỷ Lan ở Dương Xá và nơi sinh Lý Công Uẩn ở Đình Bảng". Ông Nguyễn Đình Phúc khẳng định: Dương Lôi đích thực là quê mẹ của Lý Công Uẩn. Đối với dân làng, bà Phạm Thị Ngà – người con của làng vừa là người bình dị thân thương, vừa là bậc thánh nhân thiêng liêng sùng kính. Cũng bởi vậy, từ xa xưa đến nay, trong làng không có ai dám đặt tên con cháu trùng với tên của bà và Đức vua nhà Lý. Cuộc đời bà, việc bà sinh nở, tuổi ấu thơ của Lý Thái Tổ và công lao của cả một vương triều được tái hiện bằng các di tích, di vật cũng như các phong tục tập quán và lễ hội hàng năm nơi đây. Song quan trọng hơn, điều này được ghi sâu đậm trong tiềm thức, tâm khảm người dân Dương Lôi và nhân dân quanh vùng.
Kỳ 3: Những dòng hậu duệ của Nhà Lý
C.M.K (GNO)