Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Nhớ tổ tiên một ngàn năm trước

Nhớ tổ tiên một ngàn năm trước

132
0

Năm nay, khi nhắc đến tổ tiên đời trước, người Việt Nam nào cũng phải nhớ đến một biến cố xẩy ra cách nay đúng một ngàn năm: Mùa Hạ năm 1010, khi Lý Công Uẩn mới lên ngôi đã quyết định dời kinh đô nước ta về Thành Ðại La cũ, một địa điểm đã được dùng làm thủ phủ từ nhiều thế kỷ trong thời Bắc thuộc. Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư chép, khi tới La Thành thì Lý Thái Tổ thấy rồng hiện ra bay lên trời, cho nên đổi tên là Thành Thăng Long, tức Hà Nội bây giờ. Triều đại nhà Lý gồm chín đời vua, kéo dài 215 năm, đặt nền móng cho nền độc lập của quốc gia, vẫn được coi là một thời kỳ rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc. Năm nay, mọi người Việt Nam đều vui mừng tưởng nhớ công ơn nhà Lý và cùng kỷ niệm cuộc dời đô của Lý Thái Tổ từ 1000 năm trước.

Chúng ta cũng không quên công ơn những anh hùng tiền bối trước đời Lý. Nền tự chủ của dân tộc Việt đã bắt đầu từ năm 939, 70 năm trước khi Lý Thái Tổ lên ngôi, sau khi Ngô Quyền đánh đuổi giặc Nam Hán rồi xưng vương, thiết lập triều nghi, đặt quan chức để “xây sự nghiệp lâu dài.” Sau đó, Ðinh Bộ Lĩnh đã có công thống nhất chính quyền tự chủ trong một nước phân tán, rồi đến Lê Hoàn huy động được quân và dân cùng đánh đuổi giặc nhà Tống xâm lăng. Chiến thắng của Ngô Quyền cũng không thể đạt được nếu không có những cuộc nổi dậy của người dân Việt ngay trước đó, với các nhà lãnh đạo như Dương Diên Nghệ (931), Khúc Thừa Dụ và con, cháu (907-923), tất cả đều tranh đấu xây dựng nền tự chủ, mặc dù chưa quyết định lập một quốc gia mới.

Lý Công Uẩn đã thừa hưởng di sản của những cuộc tranh đấu trong nhiều thế kỷ trước. Nhưng triều đại nhà Lý đáng cho mọi người kính ngưỡng vì đánh dấu một thiên niên kỷ mới trong lịch sử Việt Nam với hai thế kỷ xây dựng những nền tảng vững bền cho các triều đại sau. Trong chín vị vua triều Lý, chỉ từ đời Cao Tông khi lớn lên mới bắt đầu hư hỏng, đến thế kỷ 13 mới bắt đầu có loạn (1208) và sau đó họ Trần chiếm ngôi (1225). Ðặc điểm của 200 năm nhà Lý với sáu vị vua trước đó là chính sách cai trị đối với dân rất nhân từ, hơn hẳn các triều đại về sau; nhưng đối với nước ngoài thì vẫn vô cùng dũng cảm. Khi xây thành Thăng Long, Lý Thái Tổ đã lập nhà ở cho thái tử Phật Mã ở ngoài thành để có thể sống bên cạnh dân chúng và hiểu thấu lòng dân. Vua Lý Thánh Tông và Nhân Tông nổi tiếng có lòng thương dân nghèo và thương cả những người bị tù tội. Nhưng cũng trong thời Nhân Tông trị vì, Lý Thường Kiệt đã đánh chiếm Quảng Ðông (1075) và sau đó đánh đuổi quân nhà Tống xâm lược (1076) và đưa quân sang đánh Chiêm Thành (1104), củng cố địa bàn dân Việt ở các châu nay thuộc Quảng Bình và Quảng Trị mà vua Chiêm đã nhượng từ năm 1069 trong đời Lý Thánh Tông. Tổ chức hành chánh, giáo dục và luật pháp ở nước ta đã được đặt nền tảng từ đời Lý. Năm 1042 Lý Thái Tông ban đạo luật “Hình thư”, là văn bản hình luật sớm nhất ở nước ta. Năm 1018, Lý Thái Tổ cho sứ giả sang Tầu thỉnh Tam Tạng Kinh của Phật Giáo, sau cho chép thành nhiều bản đặt trong thư viện Ðại Hưng. Năm 1070 Thánh Tông lập Văn Miếu thờ Khổng Tử ở cửa Nam Thành Thăng Long, đồng thời cũng là trường đại học đầu tiên của nước ta, tuy việc giáo dục dành riêng cho các hoàng thân và con cháu các đại thần. Việc thi cử cũng bắt đầu từ đời Lý vào năm 1075, sau đó thêm sáu khoa thi khác, và chương trình thi gồm cả “tam giáo”, là các hiểu biết về Nho, Lão và Phật Giáo.

Ngay khi lập đô ở Thăng Long, Lý Thái Tổ đã chú ý đến việc phát triển kinh tế, nói theo thuật ngữ ngày nay. Ngài ban lệnh bắt các lưu dân phải trở về làng để làm ruộng. Ðời Thái Tông đã tái lập lễ “tịch điền” có từ thời Lê Hoàn, khi nhà vua làm lễ cày ruộng đầu tiên vào Mùa Xuân để khuyến khích nông nghiệp. Nhân Tông vẫn theo tập tục đó và thành lập quy chế cứ 10 nông dân họp lại giúp nhau như các hợp tác xã đời nay. Năm 1108, Nhân Tông là vị vua đầu tiên chính thức ra lệnh đắp đê Cơ Xá để bảo vệ kinh thành, đồng thời nối liền các con đê mà dân các địa phương đã làm từ nhiều đời trước kéo dài ra tới cửa biển. Nhà Lý cũng cho đào thêm các sông đào để dẫn nước làm ruộng đồng thời ngăn nạn lụt, và áp dụng chính sách “ngũ binh u nông”, tức là quân đội cũng làm ruộng. Ðời Lý Anh Tông, mở chợ ở Vân Ðồn cho thuyền buôn của Xiêm La và Java vào buôn bán, sau các thương nhân Trung Hoa cũng tới.

Một sứ giả nhà Tống đến thăm thành Thăng Long vào thế kỷ 12 đã mô tả như sau: “Nhà vua ở trong một lâu đài có bốn tầng… chung quanh có những cung điện đề tên là Thủy Xương Cung, Thiên Nguyên Ðiện và một tòa nhà cao còn giữ hàng chữ An Nam Ðô hộ phủ. Tất cả các tòa nhà đều sơn đỏ bóng… Tại cổng vào có một tháp lớn, trong tháp là một đại hồng chung. Những người dân nào có điều oan ức được đến thỉnh vào cái chuông này, tiếng chuông làm mọi người phải tỉnh dậy, có khi người đó đưa cả người tranh chấp với mình tới, để được phân xử ngay…”

Tác giả trên, được Mã Ðoan Lâm trích dẫn, tả mọi người dân Việt lúc đó, không phân biết địa vị, đều búi tóc trên đầu (đời Trần, một người Trung Hoa khác nhận xét dân Việt lúc đó đều cạo đầu trọc). Vua cài búi tóc bằng kim vàng, dân chúng chỉ được dùng kim bằng bạc hay sắt. Nhà vua mặc áo dài mầu vàng, bên ngoài mặc áo ngắn không tay mầu tím. Các quan lại cao cấp đều mặc áo đen… Phụ nữ thường mặc áo mầu xanh lá cây, cánh tay rộng và cổ đứng, dưới mặc mầu đen… Mỗi năm đến ngày ba Tháng Ba Âm lịch, con trai và con gái họp lại và đứng thành vòng tròn. Họ làm quả cầu năm mầu, người con trai ném quả cầu, người con gái nào bắt được sẽ được đính hôn. Trong cuộc chơi này họ đều hát.

Khi Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long, ngài không thể tưởng tượng được sẽ có ngày con cháu nòi giống Việt đang sống ở bốn phương trời khắp mặt đất, một ngàn năm sau, vẫn tưởng nhớ đến công đức của triều đại nhà Lý đối với dân tộc.

Nhưng tổ tiên chúng ta sống vào một ngàn năm trước khi vua Lý lập đô cũng không thể tưởng tượng được có ngày giòng giống Lạc sẽ giành được độc lập đối với người phương Bắc. Vào năm 10 sau Công Nguyên, viên thái thú nhà Hán đang cai trị Giao Chỉ là Tích Quang. Ông này được Hậu Hán Thư tả như một ông quan tốt “dậy dỗ dân man di dần dần theo lễ nghĩa.” Nói cách khác, là Hán hóa người Lạc Việt. Tích Quang lúc đó nhận được một làn sóng “dân tị nạn” đông đảo từ Trung Quốc sang, đó là những quan lại, nho sĩ trung thành với nhà Hán chống Vương Mãng tiếm vị nên chạy về phương Nam. Những người này đóng vai trò những “cố vấn Trung Quốc” cải cách chính trị và xã hội giúp người Việt thời đó để sớm được đồng hóa! Nhưng sau khi ông Tích Quang trở về Tàu năm 25 Công Nguyên, thì chỉ sáu năm sau người dân Lạc Việt từ toàn thể “65 thành” cùng nổi lên theo Trưng Vương đánh đuổi các cố vấn Trung Quốc. Hai Bà Trưng mở đầu cuộc kháng chiến kéo dài 900 năm, cho tới khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán ở sông Bạch Ðằng thì người Việt mới giành được độc lập.

Ngày Tết năm nay chúng ta có thể nhìn lại lịch sử nước nhà 1000 năm, hoặc 2000 năm trước, để yên tâm về tương lai, tin tưởng rằng dù thế nào chăng nữa, dân tộc Việt Nam vẫn trường tồn. Khi làm lễ tưởng nhớ tổ tiên, chúng ta cũng tạo cho các thế hệ trẻ về niềm tự hào văn hóa của dân tộc.

Trong các cuốn sách nghiên cứu sử học gần đây, Tiến Sĩ Lê Mạnh Thát đã nêu nhiều chứng cớ cho thấy người Việt đã có phong tục thờ cúng tổ tiên trước khi bị các quan thái thú đời Ðông Hán ép theo văn hóa Trung Hoa. Trong Tiền Hán Thư đã kể chuyện một người Việt nói cho Hán Vũ đế nghe về phong tục thờ và gọi hồn người chết. Những ngôi mộ cổ từ hàng ngàn năm trước Tây lịch và trước khi người Hán đến nước ta, cho thấy có nhiều vật tùy táng, người Lạc Việt coi như những người đã chết vẫn tiếp tục sống ở một thế giới khác.

Lê Mạnh Thát nêu các thí dụ trong kinh Lục Ðộ Tập được nhà sư Khương Tăng Hội người Ấn Ðộ sống ở nước ta vào thế kỷ thứ ba dịch sang chữ Hán, nói đến tục chôn người chết, tục bỏ tiền vào miệng thi hài, những tục đó không thông dụng ở Ấn Ðộ cũng như Trung Hoa. Lê Mạnh Thát nghĩ rằng kinh Lục Ðộ Tập là của tổ tiên người Việt chúng ta. Trong kinh đó đã bàn đến đạo Hiếu, chứng tỏ các quan niệm này đã phổ thông ở nước ta từ rất lâu. Sau một ngàn năm bị người Trung Hoa cai trị, người Việt Nam đã hấp thụ Nho Giáo để hòa lẫn với phong tục thờ cúng tổ tiên. Nhưng so sánh với người Trung Hoa có lẽ người Việt lại tiến bộ hơn, vì ông cha chúng ta không quá chú trọng đến hình thức như đa số người Hoa, mà thường rút lấy tinh túy của Khổng Giáo khi áp dụng vào tục thờ tổ tiên. Từ đời Hán, người Trung Hoa coi chữ Hiếu là đứng đầu các tính tốt, thể hiện đạo Hiếu với một thái độ “giáo điều,” trong khi người Việt, như Lê Mạnh Thát thuật lại theo kinh Lục Ðộ Tập, thì chữ Hiếu không có vai trò độc tôn mà lòng thương người, thương muôn vật mới quan trọng. Ðó cũng là truyền thống thâu nhập văn minh Trung Hoa nhưng vẫn giữ các bản sắc của dân Việt, trong đó có những đóng góp của Phật Giáo đã từ Ấn Ðộ trực tiếp truyền tới nước ta trước khi sang nước Tàu.

Phong tục thờ tổ tiên là một tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc mà ngày nay chúng ta vẫn giữ được. Trong ngày Tết năm nay, chúng ta không chỉ tưởng niệm tổ tiên trong gia đình và giòng họ của mình, mà nên khuyến khích tất cả con em hướng về tổ tiên chung của giòng giống Lạc Hồng, đặc biệt tưởng nhớ vào năm Thuận Thiên nguyên niên, 2010, triều đại nhà Lý đã bắt đầu xây dựng một quốc gia Việt Nam bền vững mà ông cha chúng ta còn gìn giữ cho tới bây giờ. Chúng ta tin tưởng vào truyền thống nhân hậu và anh dũng của nhà Lý sẽ còn được nuôi dưỡng, vun trồng, để cùng nhau xây dựng tương lai.

 

Theo nguoi-viet

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here