Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Bến sông Hương

Bến sông Hương

146
0

Ben ấy ngày xưa…

Thuở ấy, bến đò Thừa Phủ bên hữu ngạn, bến đò cạnh Nghinh Lương Đình bên tả ngạn, là nơi đón đưa khách từ bên này qua bên kia sông. Đò là phương tiện qua sông đưa học sinh trường Quốc Học và Đồng Khánh ở phía Bắc sông Hương đến trường. Hình ảnh con đò khua mái chèo trên dòng sông xanh, đưa nữ sinh Đồng Khánh với tà áo dài trắng, tóc xõa ngang vai, nghiêng nghiêng nón lá, đã in đậm trong hoài niệm của biết bao thế hệ học sinh.

Cùng với bến đò Thừa Phủ một thời lãng mạn đó, có những bến gắn liền với sinh hoạt vui chơi của dân thành phố Huế, của sinh viên học sinh: Bến “Xẹc” (cercle sportif: câu lạc bộ thể thao, hiện nay ở địa chỉ 11 Lê Lợi) với chiều chiều những chiếc périssoire rẻ sóng, lướt nhẹ, tiếng cười nói tan vỡ trên sông; bến ông Hai(1) là bến xuất phát những chuyến đò du lịch, cũng là nơi rất nhiều người, phần đông là thanh niên nam nữ, tắm sông mỗi chiều hè. Hoài niệm quá khứ cũng đưa ta về với bến của những nhà vườn tiếp giáp sông, như là đặc ân của Huế dành cho chủ nhân nhà vườn đó, bến hài hòa với bờ sông xanh và cây trái khu vườn.

Nay còn đâu…

Năm 1972, cây cầu Phú Xuân khánh thành, đã chấm dứt nhiệm vụ hơn 70 năm (1899 – 1972) của bến Thừa Phủ. Không còn đò, không còn áo trắng với nón lá nghiêng che, còn lại bến ngồi trơ cổ độ. Cũng cùng một số phận như thế, bến “Xẹc” còn lại cái xác không hồn, bến ông Hai đã rệu rã, cỏ lau mọc đầy. Rồi các bến tư nhân, trãi qua một thời khó khăn, dòng sông bên lỡ bên bồi, tác hại của lũ lụt,… đã nhuốm màu tang thương và tự hủy hoại, còn chủ nhân thì chẳng đoái hoài. Có chăng là người ta đã mở những quán cà phê, giải khát, nhà hàng sát với bến ngày nào, để bến nhìn lên, ngậm ngùi.

Cũng như thế, còn đâu những bến tắm sông. Một thời dân Huế có thú tắm sông về mùa hạ. Quá nhiều bến tắm sông lý tưởng: Bến Me, Bến ông Hai, Bến trước trường Quốc Học, Bến Tòa Đại Biểu, Bến Đập Đá, … các bến ở Vỹ Dạ, Kim Long, An Cựu, … làm cho dân Huế có được niềm vui tắm sông sảng khoái về mùa hè. Nhưng thế sự đổi dời, sông Hương không còn trong lành như xưa, đời sống phố thị không còn phẳng lặng, rồi con người định hướng lối sống khác, niềm vui khác, chuyện tắm sông không còn là niềm vui nữa, cho nên bến tắm tự tiêu tan; tuy thế phía trên thượng nguồn, xa phố thị, vẫn còn một số bến tắm, và Bến Me là nơi duy nhất tương đối còn phong độ. Mong sao bến không đứng rũ tà huy vào mùa hè, mà trái lại, vui tươi đón thanh thiếu niên mỗi sáng chiều.

Vẫn còn đó, bến đò Đông Ba

Nếu chợ Đông Ba là chợ sầm uất và nổi tiếng khắp nơi, từ người tiêu dùng bình thường cho đến du khách, thì bến đò phía sau chợ là nơi tập trung của ngon vật lạ từ các miền đổ về. Nơi đây các con đò dọc từ thượng nguồn cũng như hạ nguồn, từ Thuận An cho đến vùng đầm phá, vùng biển đưa về bến các loại hải sản tươi ngon, các sản phẩm nông nghiệp, heo ca gà vịt,… và chuyên chở theo chiều ngược lại những sản phẩm công nghiệp, hàng tiêu dùng, thực phẩm đa dạng, vật liệu xây dựng,… cho miền quê. Từ thời giao thông đường bộ khó khăn, con đò dọc chở đủ thứ, và đủ loại người: loại “thượng đế” đi thường xuyên là các chị tiểu thương, rồi học sinh sinh viên, người đi lại có nhu cầu thăm viếng, những người bệnh và thân nhân vào Nhà Thương Huế, hoặc vào lấy số chầu chực tại các phòng khám tư; những người làm ăn xa, về thăm quê, hớn hở gặp người quen, lơ lớ giọng Sài gòn,… Âm thanh trên con đò thật là hỗn tạp: tiếng chào hỏi vồn vã của người quen nay gặp lại, tiếng cười nói thoải mái của dân buôn bán, tiếng chọc ghẹo buông lơi của mấy anh chị, rồi con nít khóc ré hòa với heo kêu eng éc… Đó là chuyện xa xưa, còn ngày nay, hoạt động này kém tấp nập, lý do vì mạch máu lưu thông đã phát triển: những cây cầu hiện đại, những quốc lộ, huyện lộ, đường nông thôn đã vươn dài tận những nơi xa xôi, lên tận vùng cao, vùng đầm phá. Xe hơi đi đến mọi nơi, taxi về đến đầu làng ngõ xóm, còn xe gắn máy là phương tiện đổi đời cho người dân quê, làm cho khoảng cách về địa lý và văn hóa giữa thôn quê và thành thị càng rút ngắn. Con đò ngày nay chỉ chở hàng hóa, vật phẩm và người buôn là chủ yếu.

Nhộn nhịp trên bến dưới thuyền

Bến Phu Văn Lâu may thay đã lấy lại phong độ nhờ di tích Phu Văn Lâu trong quần thể di tích Huế. Ngày nay, khách không thẩn thơ trước bến vắng lặng, trước cảnh sông nước “ai sầu ai thảm” mà vào ngồi lịch sự trong thuyền rồng cao cấp, đươc phục vụ như một nhà hàng nổi, thưởng thức ca Huế trên sông.

Du lịch Huế khởi sắc, làm cho hoạt động trên sông Hương càng nhộn nhịp: thuyền rồng đưa khách ngoạn cảnh sông Hương và thành phố từ giữa dòng, thưởng thức thơ nhạc, ca Huế, du lịch lên thượng nguồn. Vì thế, một bến Tòa Khâm thuở nào với xà lan cũ kỹ đưa người sang sông mua bán chợ chiều, tàn lụi đi thì một bến thuyền rồng du lịch hoành tráng phục sinh, gắn liền với tổng thể công viên, đường đi bộ, kéo dài từ bến đò cũ đến cầu Trường Tiền. Chiều chiều quang cảnh nhộn nhịp trên bến dưới rồng, với ca nữ áo dài thời trang, chít khăn vàng, nghệ nhân mang đàn tranh, đàn nhị, tỳ bà, nguyệt, khăn đóng áo dấu, trong khi trên bến thì những “anh chị” còn mang dáng dấp truyền thống giang hồ sông nước mời mọc người xuống thuyền.

Sông Hương là nguồn sống của du lịch Huế, nhưng các ngành văn hóa và du lịch đã làm đẹp thêm cho sông Hương? Khách nhàn du có một con đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu quá lý tưởng, sáng chiều thẩn thơ ngắm cảnh, tâm hồn thanh tịnh, nhưng … nghe đâu đây: bạch bạch bạch … to dần, đó chính là âm thanh thuyền rồng du lịch. Có khi vài con thuyền như thế cùng hợp tấu thì còn đâu cảnh êm đềm trên sông Hương? Mong sao một thế hệ thuyền du lịch mới được tạo dáng mỹ thuật, thanh thoát, không cần lòe loẹt, không nhất thiết rồng bay phượng múa, với động cơ hạn chế tối đa tiếng ồn, để khách có thể chuyện trò trên thuyền, cũng như để làm đẹp cho sông Hương.

Du khách đến Huế, ai mà không đến chùa Thiên Mụ? Ngoài du khách đến chùa theo đường bộ, khách đi thuyền cập bến chùa không ít. Đây là phương tiện thích hợp để khách nhàn du ngắm cảnh bao la phía thượng nguồn, thưởng ngoạn một phong cảnh tuyệt tác từ bậc cấp đi lên đến con đường với hàng cây xanh uốn lượn khúc quanh theo dòng sông, cho đến tháp Thiên Mụ uy nghi cổ kính, biểu tượng của thành phố Huế.

Một bến thuyền khác, đi lên một thắng cảnh nổi tiếng là Điện Hòn Chén, bình thường thì trầm mặc, nhưng đến mùa lễ (vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch) thì vô cùng lộng lẫy. Ban đêm, hàng trăm chiếc thuyền chở tín đồ Tiên Thiên Thánh Giáo và du khách rực lên trong ánh điện lung linh, với hoa đăng lấp lánh cả một vùng sông và những bộ lễ phục đầy màu sắc, những điệu múa hát lên đồng lạ lẫm mà hấp dẫn.

Bến cát sạn: niềm đau của sông Hương…

Ai ai cũng thích thi vị hóa sông Hương mà ít để ý thực tế: Sông Hương rất giàu, không phải là giàu cây trái hai bên bờ, hoặc giàu tôm cá, mà giàu … cát sạn. Những thứ đó trời cho từ trên nguồn, mỗi năm theo lũ lụt trôi về xuôi, mặc nhiên cho con người khai thác, phục vụ cho xây dựng không biết bao nhiêu nhà cửa, công trình, lăng mộ… Trước đây, dân cư còn ít, nhu cầu xây dựng chưa nhiều, việc khai thác còn thủ công, vất vả lắm cát sạn mới đầy một chiếc đò. Ngày nay, việc khai thác được cơ giới hóa rất thô bạo: cả một hệ thống liên hoàn từ hút cát sạn ở đáy sông, đãi và phân loại, rồi đưa lên bờ, làm khuấy động một khúc sông, nước đục ngầu, còn bờ sông biến thành những độn cát sạn rất phản cảm. Có dịp đi thuyền từ chùa Thiên Mụ trở lên Tuần, bạn sẽ cảm nhận niềm đau trước cảnh khai thác như thế: sông Hương bị cưỡng bức, bờ sông bị triệt tiêu cây xanh, còn gì là thơ mộng! Còn chuyện thiệt hại về đời sống nhân dân thì quá rõ: lòng sông biến đổi làm cho lũ lụt càng thêm phá lỡ bờ sông, phá hoại nhà cửa, công trình, hoa màu.

Bến đò ngang

Những bến đò ngang tàn lụi dần theo sau bến Thừa Phủ, may mắn chỉ bắt gặp được khi bạn ngược dòng sông Hương lên thượng nguồn. Việc qua lại hai bên sông vẫn phải cần những bến đò ngang, ví dụ như bến đò ở xã Hương Thọ. Hoạt động tuy không nhộn nhịp nhưng có sinh khí, nhất là trong giờ đưa đón học sinh. Bến được xây đàng hoàng, kể cả đường đúc bê tông từ bến đi lên, thuận lợi cho xe gắn máy. Vào lúc đông xuân, may mắn bạn đi thuyền sẽ chứng kiến đám cưới bằng thuyền hoa thật tình tứ sắc màu, một cảnh rước dâu nghèo mà rất sang.

Bến thượng nguồn

Bến gắn với nhu cầu sử dụng sông nước của người dân, vì vậy, càng đi lên thượng nguồn, dân cư thưa thớt, thì bến càng ít, có chăng chỉ là một chút bờ đất, thỉnh thoảng mới có con thuyền neo đậu. Bạn sẽ bắt gặp một vài nét chấm phá bên bờ sông: cây cổ thụ vươn cành để in bóng trên sông, giàn mướp cũng rợp bóng một khoảnh sông nước, và dưới nó, một chiếc thuyền câu tí tẹo an nghỉ dưới tàn lá.

Bạn tiếc gì không đi tiếp ngược dòng sông Hương để thưởng thức cảnh trời mây sông nước ở thượng nguồn? Cho đến nơi mà thuyền không thể lên đươc vì cạn và đá, mời bạn lên bờ sau một hành trình khá lâu. Bờ thì gần nhưng bến đâu không thấy? Đó chính là nơi bạn chọn lên bờ.

Đây là thôn Lương Miêu, xã Dương Hòa, một chiến khu xưa tan nát trong thời chiến tranh, nay vẫn còn hẻo lánh, xa lạ với mọi người. Bạn hãy mạnh dạn xuống thuyền, băng qua một bờ cát nóng gần phỏng chân nếu gặp những ngày mùa hạ gay gắt (mà lạ thay, vào tháng 6, đậu xanh lên tươi tốt), lội qua một con lạch nhỏ, trèo lên dốc, một không gian xanh xuất hiện, bạn đi vào ngõ rộng rợp bóng cây. Bất ngờ bạn nhìn lên phía trước 20 bậc cấp đi lên và chiếc cổng xinh xắn với 3 chữ Hán “Định Huệ Tự”. Bạn sẽ ồ lên, ngớ ngẩn: “Sao ở đây lại có một ngôi chùa đẹp như thế?”

Ngay từ đầu thời kỳ khó khăn sau năm 1975, một vị tỳ kheo ni tuổi chưa đầy ba mươi vẫn quyết theo con đường tu hành, một mình lên chốn quạnh quẽ xa xôi này dựng thảo am, khai phá đất đai, trồng cây, tự canh tác để sống. Đến nay, ngôi thảo am nhường chỗ cho một ngôi chùa ni có đầy đủ chánh điện, hậu tổ, nhà khách. Không gian chùa rợp bóng cây cao, cây ăn trái, và vui thay, trong cảnh độc cư, bàn tay cần lao của ni sư làm đủ việc từ “chém tre đẵn gỗ trên ngàn” đến chăm chút sân chùa, cây cảnh, chậu hoa như một cảnh chùa miền xuôi.

Rất mong bạn chia sẻ cùng tôi được trở về nguồn….

Tại nơi đầu nguồn này, tôi được nghe tiếng mõ câu kinh thời công phu buổi chiều, được ni sư trụ trì tiếp đón niềm nở thắm đạo tình với giọng nói bộc trực, chất phác mà ý nhị, được một bữa đạm bạc mà ngon vô cùng: mì ăn liền với rau của chùa, cơm với rau khoai lang luộc chấm nước tương của chùa làm, và mít mới hái xuống.

Vái chào tạm biệt ni sư, trở về thuyền, trong cảnh chiều chưa tắt nắng, sông Hương thật yên bình, rửa mặt trong nước trong vắt, tôi nghe như thoang thoảng hương thơm của một loại cỏ dại hay cây rừng nào đó. Hương thơm tinh khiết đầu nguồn, làm sao tỏa đến các bến sông chốn thị thành để sông Hương mãi mãi là sông Hương? 

C.H.H 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here