Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Kỷ niệm 37 năm ngày Đức Đệ nhất Tăng thống Thích Tịnh...

Kỷ niệm 37 năm ngày Đức Đệ nhất Tăng thống Thích Tịnh Khiết viên tịch

144
0

 

  

TIỂU SỬ
ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TỊNH KHIẾT
ĐỆ NHẤT TĂNG THỐNG GHPGVNTN

(1891-1973)

Hòa thượng thế danh là Nguyễn Văn Kỉnh, sinh ngày 17 tháng 11 năm Tân Mão (nhằm ngày 17.12.1891) tại làng Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thân phụ của Ngài là cụ ông Nguyễn Văn Toán, thân mẫu là cụ bà Tôn Nữ thị Lý.

Năm 15 tuổi (Bính Ngọ,1906) được song thân khuyến khích, Hòa thượng liền lên đảnh lễ Hòa thượng Thanh Thái Phước Chỉ (1858-1921). Đệ tam Tổ trú trì chùa Tường Vân, cầu xin thọ giáo. Được Tổ chấp nhận và đặt pháp danh là Trừng Thông, pháp tự là Chơn Thường. Thể nhập đời thứ 42 dòng Thiền Lâm Tế Chánh tông, đời thứ 8 dòng Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán Việt Nam.

Năm 19 tuổi (Canh Tuất,1910) Hòa thượng được đặc cách miễn tuổi cho đăng đàn thọ Tỳ kheo Bồ tát giới tại giới đàn chùa Phước Lâm ở Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Năm 26 tuổi (Đinh Tỵ, 1917) thể theo lời cung thỉnh của con cháu Tuy Lý Vương Miên Trinh (1820-1897) Hòa thượng về trú trì chùa Phước Huệ ở thôn Vỹ Dạ, thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên.

Năm Canh Thân, 1920 Hòa thượng đắc pháp. Được Bổn sư ban pháp hiệu là Tịnh Khiết và phú pháp bài kê:

                   Trừng Thông tâm pháp bản đồng nhiên
                    Phó nhữ Chơn Thường đạo chí kiên
                    Phi hữu phi vô phi sở kiến
                    Tịch nhiên khai ngộ chủ nhân tiền.

Năm Quý Dậu, 1933 Hòa thượng lên đảm nhận chức vị trú trì chùa Tường Vân.

Năm Mậu Dần, 1938 sau khi xây dựng xong chùa Hội Quán Từ Đàm, An Nam Phật học hội cung thỉnh Hòa thượng kiêm nhiệm trú trì và chứng minh Đạo sư cho Hội.

Hòa thượng là một người bạn tâm giao của nhà chí sĩ Sào Nam Phan Bội Châu, và cụ Phan đã tặng Hòa thượng một bài thơ tán thán mật hạnh vô vi của Ngài, như sau:

                       Tiền thân chủng xuất tự bồng lai
                       Di hưởng Bồ đề viện lý tài
                       Tố nhụy quang tranh đông dạ tuyết
                       Kỳ phương phẩm đoạt lãnh đầu mai
                       Hương chân vương giả thiên thùy thưởng
                       Trang tỉ thường nga nguyệt ám xai
                       Duy Phật tùng lai năng thức Phật
                       Ân cần huệ  ngã thử hoa khai!

Năm Canh Thìn, 1940 Sơn môn Tăng già Thừa Thiên cung thỉnh Hòa thượng làm Giám đốc Đạo hạnh cho Viện Cao đẳng Phật học tại chùa Bảo Quốc.

Trở lại giữa năm Giáp Thân, 1944, Sơn môn Tăng già Thừa Thiên cung thỉnh Hòa thượng làm Yết ma cho giới đàn tại chùa Thuyền Tôn.

Đầu năm Đinh Hợi, 1947 Hòa thượng được suy tôn lên ngôi vị: “TÒNG LÂM PHÁP CHỦ TRUNG VIỆT”.

Năm Kỷ Sửu, 1949 Sơn môn Tăng già Thừa Thiên cung thỉnh Hòa thượng làm Đàn đầu Hòa thượng cho Đại giới đàn Hộ Quốc tại chùa Bảo Quốc, Huế.

Đầu năm Tân Mão, 1951, Hòa thượng chứng minh và chủ tọa Hội nghị thành lập Giáo hội Tăng già Trung Việt tại chùa Linh Quang, Huế.

Năm Kỷ Hợi,1959 Đại hội kỳ III của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam họp tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn. Thêm một lần nữa, chư tôn đức Hội nghị vẫn tin tưởng và thành kính cung thỉnh Hòa thượng tiếp tục đảm nhận ngôi vị Hội chủ.

Sau Hội nghị này, thì mọi sinh hoạt của Phật giáo ngày càng chịu nhiều áp lực từ phía chính quyền. Những cuộc đàn áp, khủng bố liên tiếp xảy ra, nặng nề nhất là ở các tỉnh thuộc Trung nguyên và Cao nguyên Trung Phần Việt Nam, như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Buôn Mê thuột v.v…

"Tôi muốn tránh cho lịch sử dân tộc một chấm đen, đồng thời muốn ngăn ngừa một tai họa cho quốc gia, khi mà hàng Phật tử thấy cần bảo vệ đúng mức tôn giáo của mình!”

Trước tình hình nghiêm trọng ấy, vào ngày 02.02.1962 (ngày 06.01 năm Nhâm Dần), nhân danh Hội chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng đã ký một lúc hai văn thư gởi cho Tổng thống Ngô Đình Diệm và cho Quốc hội Việt Nam Cộng hòa, trong đó có đính kèm một tập hồ sơ ghi hơn 50 vụ Phật giáo đồ bị khủng bố, đàn áp tại các tỉnh nói trên. Trong văn thư, Hòa thượng đã có lời chân thành khuyến cáo Tổng thống và Quốc hội: “Tôi muốn tránh cho lịch sử dân tộc một chấm đen, đồng thời muốn ngăn ngừa một tai họa cho quốc gia, khi mà hàng Phật tử thấy cần bảo vệ đúng mức tôn giáo của mình!”

Thế nhưng Tập đoàn Ngô Đình Diệm chẳng hề quan tâm đến những lời lẽ chân thành, nhưng cũng không kém phần cương quyết của Ngài. Sự khủng bố, đàn áp lại càng diễn ra khốc liệt hơn. Vì thế, cuộc đấu tranh của Phật giáo giữa mùa Hè năm Quý Mão, 1963 đã bùng phát mạnh mẽ.

Hai ngày sau vụ đàn áp đẫm máu tại đài phát thanh Huế, là Bản Tuyên ngôn 5 điểm của Năm cấp Trị sự lãnh đạo Phật giáo Việt Nam được long trọng công bố tại chùa Từ Đàm, Huế vào ngày 10.5.1963 đã chính thức “mở màn” cho Đại cuộc đấu tranh.

Suốt 178 ngày đêm diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt của Phật giáo Việt Nam, trên cương vị lãnh đạo tối cao, bằng trí tuệ, tài năng và đức độ cao thâm của một bậc Tăng già 72 tuổi, Hòa thượng đã dấn thân không mỏi mệt để dẫn dắt cho phong trào. Dù bị bạo quyền giam giữ, đọa đày, dù phải chịu đựng vô vàn gian khó, nhưng Hòa thượng vẫn luôn đồng cam cộng khổ cùng chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử để lèo lái cho phong trào đến ngày thành tựu.

Trên cương vị Hội chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng là vị lãnh đạo tối cao, đầy uy đức trong cuộc đấu tranh đòi “tự do tín ngưỡng” và “bình đẳng tôn giáo” của Phật giáo Việt Nam với chế độ Ngô Đình Diệm. Đại cuộc đấu tranh đã kết thúc thắng lợi vào ngày 01.11.1963 và thắng lợi này đã mở ra cho Phật giáo Việt Nam một con đường phát triển đầy sinh lực.

Đầu năm Giáp Thìn, 1964, Hội nghị của 11 Giáo phái và Hội đoàn Phật giáo tại miền Nam Việt Nam, đã long trong tổ chức tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn. Hội nghị đã đồng tâm nhất trí thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và suy tôn Hòa thượng lên ngôi vị “ĐỆ NHẤT TĂNG THỐNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT”.

Ngôi vị Tăng Thống – là kết tinh công hạnh của Ngài đã tận tụy suốt đời trong sứ mệnh phụng sự Đạo pháp, Dân tộc, Nhân loại và Chúng sinh.

Vào lúc 20 giờ, 45 phút ngày 23 tháng Giêng năm Quý Sửu (ngày 25.02.1973) Ngài an nhiên xả bỏ báo thân, thể nhập Niết bàn.

Chín năm (1964-1973) ở ngôi vị lãnh đạo tối cao này, Ngài đã nhiếp phục được nội ma, ngoại chướng và vô cùng sáng suốt để lèo lái con thuyền Giáo hội đến một thời kỳ hưng thịnh, đóng góp xứng đáng công sức vào trang lịch sử vàng son của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại..

N.N 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here