Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Nơi tôi ăn Têt

Nơi tôi ăn Têt

155
0

Vừa nhô đầu ra khỏi cửa, tôi đụng độ nụ cười nhoẻn của một o (tiếng Huế: cô), – áo cụt tím màu khoai tía đã bạc màu, quần vải nâu cũng bạc thếch,- đi đến: “chị mua cho em chị ơi”. O đong đưa hai cái thúng. Tôi nhận ra o bán rau cải, khoai môn, ớt, mướp đắng… hôm trước. Hôm ấy tôi mua hai bó môn (nhiều cây môn tím gấp lại, buộc bằng lạt tre, tôi thấy đẹp, nhớ bát canh môn lá lốt của mẹ ăn đứt cả những món thịt chả trên bàn) và mua hết mớ cải cay làm dưa. Mấy cô em la oai oái, “làm dưa, chị lại bày việc nữa rồi, để giờ mà đi chơi”. Các cô không biết, tôi nhớ vị dưa cải màu vàng úa, ăn với nước mắm nguyên chất trộn với ớt bột một chiều đông lạnh bên cạnh bà nội. Cải dạo ấy sao cay đến the nồng cả mũi, nước mắt ứa ra, mà ngon chi lạ, cải dạo này không còn cay nữa. Nhớ bà và nhớ làm sao không khí lạnh giá đạm bạc của những buổi chiều tháng chạp và hơi thở êm ái của bà…Thương bà thì thôi…

O bán hàng hôm nay ít lam lũ mà gọn gàng và tươi tắn, không nài nỉ như lần trước, chắc vì hàng của o sẽ không bị héo…o không sợ buổi chiều đến mau. Một đầu thúng sắp hoa giả màu ngũ sắc đầu kia giấy tiền giấy bạc, hương, đèn, áo quan đủ màu…”Hai mươi Tết rồi, chị mua giấy vàng bạc…” 

20 tháng chạp, ngày ấy đã được đeo thêm chữ Tết và từ đó âm Tết được nhắc lại trên triệu triệu miệng con người nơi đây cho đến khi…Tết.

 “Hai mươi làm tốt hai mốt xỏ tai hăm hai đeo hoa hăm ba đưa về (ngày ông Táo về trời)”. Tôi tưởng mình nghe tiếng của bà và mẹ trong nhà trong. Tôi mua một xấp giấy vàng bạc, năm xấp giấy áo quan và thêm món nữa…Quay qua thúng hoa tôi bảo o tôi thích mua hoa giấy làm ở làng gì đó tôi quên tên trong vùng quê ở Huế, hoa của người nhà quê mình làm, chứ không thích hoa bằng nilon, khi mô có o đem đến bán. O nói hăm ba mới có chị nờ, chừ còn sớm quá chưa ai làm…Tôi hí hửng đem giấy vàng giấy bạc vào nhà, soạn ra, thấy giấy bạc in hình trự tiền mộc bản, giấy vàng in thỏi vàng, nền là giấy gió, áo quan giấy lụa mỏng, màu đẹp nhủn nhặn phảng phất khói hương của căn nhà Huế xưa. Tôi bảo, để dành giấy ni dùng làm gói quà Tết thì đẹp lắm…Cô em cười ngất bảo chị mà lấy giấy ni goái (gói) quà thì…người nhận sẽ trợn trừng mắt …xin lạy cả tơi cả nón luôn, đồ cúng mà chị ơi…Hắn cười cả những khi đi xe honda chạy việc ba ngày Tết, hắn bảo, mỗi khi nghĩ đến cái mặt hí hửng của tôi khi tìm ra giấy…để gói quà Tết là hắn cười rung rúc sau cái khẩu trang.

Đồ cúng sao mỹ thuật đến thế? Ra chợ toàn những giấy đỏ xanh bóng bẩy loè loẹt, toàn thứ nilon, phẩm chất tệ mạt. Những thứ đó mới là “quê” kệch chứ. Hoá ra người âm có khiếu (gou^t) thẩm mỹ hơn người dương!

Từ hôm hai mươi Tết ấy, thiên hạ ở Huế, mà không riêng ở Huế, ầm ĩ chuyện sắm Tết, chuyện đi xem chợ Tết. Nghe nói năm ni chợ hoa các thành phố sẽ lớn gấp đôi, đi qua mấy siêu thị chưng quà Tết ngợp trời, màu sắc náo nhiệt như tiếng trống khua loạn của lũ nhỏ múa lân sau nhà tôi không kể giờ giấc và lễ nghi. Hễ cứ có trống là đập. Nghe noái năm ni mốt áo dài cũng thay đổi nhiều, kim tuyến càng lóng lánh hơn, xâu chuỗi đeo cổ càng dài ra, áo đầm hở lưng đang thời trang, thấy mấy cô ca sĩ trong ti vi lưng trần nhún nhảy. Tôi đi mà như bơi giữa đám đông, lắm lúc chìm nghĩm vô phương. Tôi chẳng biết mua chi sắm chi…

Chợt bắt gặp mình có khi ngoái cổ chờ o bán giấy đem hoa trong lúc viết sớ Táo Quân cho buổi phát quà Tết tặng các em thiếu nhi khuyết tật, mồ côi ở trung tâm Liễu Quán.

Hương vị Tết Huế.

Lại ở bên này nhà mà nhớ nhà bên kia. Tôi nhớ những năm du học, mỗi khi Tết về ở nơi tha phương, chúng tôi làm văn nghệ vui xuân, trong đó không thể thiếu cái màn Táo Quân chầu trời “báo cáo” hay “mách lẽo” Ngọc Hoàng chuyện vui chuyện buồn thế gian. Sớ Táo Quân hay ở chỗ hóm hĩnh phê phán cái tham các sân cái si của người trần cũng như thông cảm nỗi khổ của người thế gian. Ông Táo hình như là phóng viên đầu tiên, thiệt thà, chính xác và trung thực nhất trong nghề làm báo của loài người nên có câu “noái láo ông Táo xé áo!” Các phóng viên thời nay coi chừng!

Một thời tôi đã thức cả đêm để viết những cái sớ Táo Quân dài ngoằng. Bẵng đi một dạo  sau 1975, không còn màn Táo Quân, chắc vì bài…trừ phong kiến nên ông Ngọc Hoàng bị đày đi nơi khác và ông Táo hết thiêng…

Khi nghe tôi đề nghị làm màn Táo Quân cho các em vui xuân, ban đầu các Thầy Trí Năng, Pháp Trí ngỡ ngàng, nhưng sau đó thì hoan nghênh. Hôm diễn, chúng tôi chưa có áo, chỉ có anh Dương Đình Châu (cựu khoa truởng khoa da liễu, đại học y khoa Huế) làm ông Ngoc Hoàng là có áo tốt – Huế vẫn là xứ của VUA! Vào phút cuối trước khi mở màn, ban tổ chức đem đến cho ba ông Táo (các anh Thịnh, anh Niêm, trí thức Huế về hưu và tôi) ba bộ áo giấy, như được hoá phép! Các em được một trận cười khi thấy ông Táo đi hia giấy thòi chân ra quá nửa. Ngờ đâu ở Việt Nam hiện nay hàng mã (làm đồ giấy) lại phát triển đến mức kinh ngạc. Anh Bửu Ý bảo, đó là nhu cầu! Quả nhiên 10 ngày trước Tết tôi như bị chết ngạt vì nhà nào cũng đốt hàng mã. Tôi nhớ ngày xưa chỉ có một hàng thợ mã ở góc hẽm cầu Đông Ba cung cấp cho toàn phố, vậy mà giờ đây hầu như đường nào cũng có hàng đồ mã. Nhưng đồ mã bây giờ rườm rà hoành tráng theo nhu cầu hậu hậu hiện đại, cúng luôn cả xe honda, xe hơi loại xịn, máy bay, dinh thự đại gia, tiền đô la giấy nghìn đồng…

Dưới âm bây giờ cũng bị làm xa hoa! Ngày xưa đồ giấy lớn nhất là chiếc đò độ hồn người qua sông…bây giờ thì vô số thứ tiêu dùng đồ sộ. Nghe nói chỉ duy có nắm cơm gói trong bẹ chuối được thả trôi trên sông là người ta còn giữ lúc hành lễ, thứ duy nhất hiền hoà với môi sinh, với sông nước với cá mú, so với hàng triệu bì nilon đang được người tiêu dùng quẳng xuống sông một cách vô tội vạ…Với tôi, chiếc đò, nắm cơm trong bẹ chuối là cả bài thơ của người dương gian gửi xuống âm phủ, với một chữ “ĐỘ” giản đơn không cầu kỳ mà cả dương gian lẫn âm thế đều cần, bây giờ bỗng nhiên cõi âm bị nhiễm nhu cầu dương thế, tiêu hàng bạc tỉ….

Thấy đồ mã ông Táo tôi lại nhớ o bán hàng, không biết o đã làm hoa giấy…sau giờ nghỉ việc chưa? Hoa giấy ngày Tết được người nông dân làm khi công việc đồng áng đã xong. Đó là nghề thủ công nhẹ nhàng, sáng tạo, hầu như là một thú tiêu khiển tại nhà cho bàn tay và con mắt của chính người làm. Ở làng Thanh Tiên, Tiên Nộn, mỗi nông dân là nghệ nhân của màu sắc, của mộc bản, của giấy nghệ thuật bắt nguồn từ HỒN NHIÊN, theo đúng nghĩa chữ “hồn” và “nhiên”. O hàng hoa không đến nhưng…nhờ ông Táo (phóng viên) chỉ lối, mong mỏi của tôi bỗng thành sự thật.

Một sáng sau ngày đưa ông Táo, cô phóng viên đài truyền hình Diệu Hà tình nguyện chở tôi đến làng hoa giấy bằng xe honda. Tôi nhịn buổi cháo gạo để đi sớm. Chúng tôi đến chợ Bao Vinh, gửi xe ở đó rồi chờ thuyền sang hướng Mậu Tài: “Chợ Dinh bán áo con trai, Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim…” câu hò ru em của mẹ bỗng vẳng bên tai, nhịp nhàng theo với sóng ngã Ba Sình Đại Lược. Chiếc đò ngang đưa chúng tôi sang Tiên Nộn khi nắng sớm chưa lên khỏi hàng cau bên kia sông. Nước sông xanh hơn bến Đông Ba nhà tôi, không khí trong lành chứ không uế tạp như ở khúc sông trên phố, hàng ngày nồng nặc hơi bia và hơi nước tiểu người phóng uế sau khi nhậu xỉn ở các quán nhốn nháo bên bờ. Tự nhiên thấy lòng dịu hẳn, không còn bồn chồn, nỗi bồn chồn nôn nóng sắm Tết bên ngoài đang chực tràn qua nhận chìm tôi dù miễn cưỡng.

 Hoa giấy ngày Tết nghề thủ công nhẹ nhàng, sáng tạo, hầu như là một thú tiêu khiển tại nhà cho bàn tay và con mắt của chính người làm.

Chúng tôi xuống thuyền lên bến theo dốc con đường đất đến chợ Tiên Nộn, xem chợ quê trước khi đến các nhà làm hoa giấy. Tôi mê chợ vùng quê, ở đó thoát ra mạch sống con người trong thiên nhiên, lao động từ những cây cỏ để làm nên sản phẩm đáp ứng nhu cầu cuộc sống và giá trị của sản phẩm được truy nhận trong thương lượng mặc cả, ngay cả nhiều khi…mua mắc hơn một chút…vì bị hớ mà vẫn an lòng. Tôi mua 5 cái rế, người Huế gọi là cái kiềng kiềng dùng để lót nồi cơm, đan bằng tre, do người trong làng đan lấy. Tôi bảo cái rế ni có thể để trên bàn ăn mà mình không ngượng vì thiếu thẩm mỹ như các loại chén bát bằng nhựa, ngược lại nó đơn sơ – tuồng như là nghèo- nhưng nó mang cả bàn tay của nghệ nhân, cả tư duy thẩm mỹ con người. Những thứ đó càng ngày càng hiếm.

Mua thêm hai đôi đũa bếp vót bằng tre vì tôi đang cần để…trộn mắm và ngào đường làm mứt gừng – trong lúc đang trả giá thì có tiếng người xin cô một ngàn hút thuốc, tôi tưởng ông nói bỡn, dạo này cho ai một ngàn đồng là bị mắng keo kiệt vào mặt, dù người xin vẫn nhận, nhưng ôn chỉ xin đúng một ngàn đồng, rồi bỏ đi trước khi nói cà rỡn, đừng tin con mệ bán nớ hắn noái thách – nói thế mà chả ai giận hay bị chạm…họ cười với nhau vì hầu như cả làng bà con với nhau…

Trong sân nhà làm hoa giấy, một giàn mướp ngọt xanh như ngọc làm dịu con mắt đang đi tìm. Hoa mướp vàng đang trổ bông và những trái mướp non treo lủng lẳng trông mát rượi thật “vườn ai mát quá xanh như ngọc”. Trên sàn nhà cả gia đình đang làm bông giấy để kịp chuyến đò ngày mai lên chợ Đông Ba. Những đóa hồng màu xanh da trời, màu đỏ huyết dụ, những đoá cúc vàng, cúc tím, búp hoa, lá cành đang ngổn ngang, dưới bàn tay thoăn thoắt trong phút chốc đã thành một cành hoa lộng lẫy. Tiên Nộn có nghề làm hoa giấy từ xưa, trước cả Thanh Tiên. Sau, người làng Tiên Nộn đi lấy chồng Thanh Tiên đem theo nghề đến Thanh Tiên, nhưng rồi Thanh Tiên hưng thịnh về hoa giấy hơn Tiên Nộn. Chuyện người làm hoa chắc còn dài như chuyện của người tiên… Chỉ biết tôi hớn hở được mua 30 chục cặp bông giấy trong một thoáng, mua thêm 5 trái mướp ngọt tươi xanh rờn, ôm cả gia bảo bước lên thuyền trở về phố.

Thuyền sắp ra sông, bỗng có người kêu với lại cho đi theo. Một mệ gầy đang gáy hai thúng hoa cúc xuống thuyền, lau mồ hôi. Ngồi đối diện khi thuyền ra giữa sông, tôi nhìn hai thúng cây hoa, rễ bọc trong bao, hoa đơm nhiều búp, lá xanh khoẻ mạnh, hỏi mệ đi bán hoa chợ Tết. “Phải, đây là gánh thứ hai, phải đi cho kịp chợ, hoa trồng trong vườn thằng con trai”. Hoa vùng quê khác với hoa chợ Tết vì ít bị uốn nắn và xịt thuốc mau lớn. Tôi bảo mệ bán cho con 10 cây. Mệ mừng quá, vì như rứa là mệ được về nhà sớm. Lên bờ chúng tôi lúi húi chọn hoa, cho vào túi cột lại, mà ai cũng vui cười. Ngay cả người đứng xem cũng khen hoa đẹp mà người mua cũng đẹp. Tôi biết hoa rẻ như thế này sẽ có người chu miệng bảo tôi ăn Tết hà tiện, chợ Tết có muôn vàn loại kỳ hoa dị thảo mà chị lại bê cúc vườn về nhà. Nghe nói năm ni cây mai ở Huế – dù mai Huế thất bại vì trời quá nóng đã nở toe– cũng đạt đỉnh hơn 100 triệu, còn đọc trong VietNamNet thì thấy cây sanh ngoài Bắc có một đại gia trong Nam mua đến hơn 50 tỷ đồng

Tôi lễ mễ đem các thứ lỉnh kỉnh vào nhà. Cô em lại cười, ui chao mua hoa giấy chi nhiều rứa, hoa ni chỉ cắm nơi trang thờ Thổ địa và trong bếp thờ ông Táo chị ơi là chị. Thật tình tôi đi xa lâu ngày nên mọi đóng khung tục lệ đều bị lỏng lẻo, chỉ nhìn hiện tượng “hoa là hoa”. Tôi bảo hoa ni chị chưng Tết, ai cười thì kệ. Hắn đưa lưng cho tôi, chắc lại cười một mình  Lại quay qua hoa cúc, hắn tội nghiệp mấy cây hoa rẻ. Tôi bảo hoa đắt mấy tôi cũng không đổi, cứ gì phải đắt tiền mới là hay. Khi viết những dòng này, hai chậu cúc của tôi đang nở tươi, có lẽ xinh duyên nhất trong mùa xuân này…

Lại trở về đôi đũa bếp, cũng là duyên đó. Sáng 28 Tết, các cô chùa Đông Thuyền đến thăm và bàn dự án lập nhà trẻ, các cô đem mứt gừng do chính tự tay các cô ngào. Gừng Huế cay mà được chùa trồng trong vườn, quý quá! Lại nhớ mẹ và chị thường hay làm mứt Tết. Tôi ngỏ ý, nghe nói gừng chùa trồng sạch, tôi muốn xin làm mứt. Nhớ con gái thích ăn mứt gừng Huế. Năm ni tôi được các ni cô thương, đem tặng nào bánh nào mứt, hương trầm ăn Tết.

Nghe tôi muốn làm mứt, các cô em tôi và cả cô phóng viên đều kêu lên, chị lại bày, làm mứt mệt lắm, để thì giờ mà đi chơi, đi ngắm chợ Tết, đi ăn, đi nghe nhạc…tuổi của chị mà còn làm, chị lái xe đi chơi…Không phải tôi sợ lái xe…dù ở đây lái xe là phải sợ mà sợ nhất là xe honda phóng ẩu.

Các cô em không biết đối với tôi, lục đục làm mứt, làm mắm, làm dưa trong những ngày ở Huế đã đem thích thú và bình an cho tôi, hơn cả những cuộc vui khác bên ngoài, hơn cả món khiêu vũ mà tôi yêu thích. Thích thú được cầm trong tay những thứ mà bên Tây không có, được nghe xúc giác chạy rần khi cầm bó rau cải, khi cầm những lát gừng tươi ấm trong tay, khi nhìn nước đường quánh lại trên từng lát gừng tươi, khi thấy mắm tôm chua đỏ thắm. Những giây phút ấy là giây phút tĩnh lặng nội tâm. Cho nên bình an.

 
 Tác giả tại vườn nhà thờ họ Thái ở Kim Long-Huế

Bình an vì sự chú tâm nơi từng thao tác, nơi nỗi vui biến chúng thành thành phẩm, ấp ủ niềm vui  sẽ đến được nghe con gái thương của tôi khen mứt gừng của mạ làm ngon. Mà quả thật mứt tôi làm với đôi đũa bếp ai cũng khen ngon, có phải nhờ đôi đũa bếp?

Bình an là nơi ấy. Và bất an là ở bên ngoài, hình như khắp nơi đều rình rập bất an, bất trắc. Càng náo nhiệt càng bất an trên đường phố. 29 Tết cô em hớt hãi về bão, chị ơi cái ông nhà hàng xóm mới 60, ăn tất niên uống rượi say chạy honda, tông xe chết rồi, mai đưa đám vì không được để qua Tết. Buổi chiều lại nghe hớt hãi, cái cô 40 tuổi gần nhà cũng bị tai nạn xe vừa chết, một ngày hai cái đám chết oan uổng. Hôm sau lại nghe có tai nạn người lao xe honda chết trên dốc cầu Gia Hội. Tất niên uống say, nhưng uống say, lái xe ẩu là cái nạn suốt năm mà con người ở đây quá coi thường. Ngày ba mươi hai cái đám đi qua nhà, một cái ở đầu cầu, nghe buồn não nuột, chẳng còn lòng dạ đi chợ Tết. Mà chợ Tết thì cứ đông nghịt, đến sợ không buồn đi.

Tôi hẹn với cô DH đi chợ Tuần, theo lời của bác sĩ Châu, ở đó có bưởi thơm đơm cúng ông bà là đẹp nhất. Chợ Tuần ở cạnh bến đò Ba Bến đối diện với lăng Minh Mạng, cách Huế hơn nửa tiếng đi xe hơi Tôi lái xe đưa DHà và hai cô con gái đi thoát khỏi đám đông náo nhiệt mà hãi hùng xe cộ ở đường phố. Đừng có ai nói tôi không biết đi chơi…Tết nhé. Đó là một buổi du xuân thiệt tình trong màu xanh bạt ngàn của rừng thông hai bên đường. Huế giàu phong cảnh như tiền rừng bạc bể, Huế mùa xuân diễm lệ thâm u, nhưng xin Huế đừng vội biến mình thành đụn bạc thô tục Huế nhé.

Chợ Tết thì ở đâu cũng đông, nhưng chợ Tết miền quê có không khí thanh bình làm cho tim đập bình thường, dịu dàng, nụ cười cứ nhoẽn ra hồn nhiên nơi nãi chuối tiêu – đặc sản Huế – nơi con gà con vịt, con cá con tôm, rau cải, bó lá chè, trái cây vô số, nhưng Tết này chuối là đắt nhất, vì người ta sợ trái cây Trung Quốc. Chè Tuần nổi tiếng ngon thơm, nước trong xanh…Tôi mua hai quả bưởi thật đẹp, hai trái dừa, hai nãi chuối tiêu và một ký lô tôm sông. Đứng trên lầu chợ với các em nhỏ nhìn sông Hương nơi khúc ba bến giao nhau, màu xanh của núi Kim Phụng du mình hoà với màu lục thủy của dòng nước êm đềm, cảnh vật tĩnh lặng đơn sơ mà hạnh lạc vô song. Tôi bỗng nhớ “ Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi, sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh. Trên con đường viền trắng mép đồi xanh. Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết…). Bức tranh quê bất tuyệt ngày xưa và hôm nay đang bày ra trước mắt, hiền hoà. Tôi đang có Tết trong lòng và vui với hai cháu nhỏ được đi chợ Tết như tôi thuở nào.

Chiều ba mươi bỗng gấp gáp…thời gian hầu như bị dồn vào ngõ cụt…Năm giờ chiều tôi gói hai món quà cho hai người bạn mà tôi cho cô đơn nhất trong năm nay – trừ tôi ra chắc?! Bỗng vui như một khám phá: giấy tiền giấy bạc bị cấm dùng rồi, tôi lấy cái rế tre thay dĩa sắp các thứ chính tay tôi làm lên trên: mứt gừng, tương ớt, tôm chua, và một món đạo vị là trà ngon tinh khiết và gói hoa sói hái trong vườn để ướp trà gói trong lá chuối xanh. Thay vì dây buộc màu xanh đỏ tôi đã nhờ chú giữ vuờn Từ đường lấy bẹ chuối tướt dây phơi khô để buộc, như mệ bán hoa đã dùng buộc các cây hoa và tôi đã giữ lại.

Gói quà Tết của tôi tặng bạn có buồn tẻ, ít ỏi quá không? Ít thì có lẽ, nhưng buồn tẻ thì không, bởi vì đến bây giờ tôi đã dấu chưa nói ra một món, mà món ấy đã theo tôi từ hôm 20 Tết, và cô em tôi đã cười suốt từ hôm ấy đến nay – tôi đem món ấy đặt lên trên các thứ quà trước khi buộc lại, trong mắt tôi gói quà bỗng rực rỡ muôn màu…Món ấy?

Tác giả (áo vàng) trước nhà thờ Họ Thái ở phường Kim Long-Huế

Tối 30 Tết, trong lúc chờ Giao thừa, tôi hối hả viết về “món ấy” đã làm cô em tôi cười vang khi thấy nó trên gói quà Tết…trước khi hạ những dòng lê thê trên đây:
Tôi đã viết:

“Kỷ niệm về những ngày Tết của tôi, xét cho cùng, rất nhỏ nhoi, nó bé tí như một hạt nếp nào đó ở trong xó xỉnh nhà bếp của bà nội tôi, nơi hơi khói ngột ngạt của bếp lửa vào buổi chiều thường làm chảy nước mắt…và nỗi đợi chờ nồi xôi duống xuống cho đến bây giờ nhớ lại vẫn còn nao dạ theo hương thơm ngọt lành bung ra từ cánh tay mở vung nồi của mẹ. Hạt nếp rơi trên nền một chiều nào đó, khi mưa xuân ẩm đất nồng nàng, gió lạnh lùa qua khe. Nó nằm im như đợi chút nắng, nỗi chờ đợi dài cả đời người, rồi hầu như bị bỏ quên.

Nhưng rồi bỗng
Nó bừng lên
Xôn xao

Khi âm “Tết” vang tình cờ. Nó bừng như hột nếp đang tung trong nồi cát rang- thứ cát ở lòng biển ngoài khơi Thuận An mà nghệ nhân làm hột nổ chăm chút đi thuyền ra lặn vớt đem về, thứ cát tinh khôi chưa bị chân người làm uế tạp dùng rang nếp làm HỘT NỔ cúng trời đất, thánh thần, tổ tiên mà quê nhà tôi mọi nhà đều dùng đến.

Có lẽ bạn tôi, nhất là bạn Huế, sẽ cười chế diễu khi nghe sự so sánh âm vang Tết với HỘT NỔ thay vì tiếng pháo mừng xuân, thay vì trăm hoa đua nở, thay vì xuênh xoang áo xiêm rực rỡ, thay vì sự trầm mặc đêm ba mươi, thay vì chén trà đầy đạo- thi vị thanh cao…thay vì một thứ minh triết nào cao thẳm,- những hột nổ trẻ con! Nhưng quả tình Tết của tôi, Tết của ngày bé thơ, giống như những HỘT NỔ mà mẹ tung ra giữa trời sau buổi cúng thị thực đêm ba mươi…trong mộng triệu Giao Thừa ước mơ năm mới. Hình như đôi cánh tay rộng lượng của mẹ khi tung những hột nổ lóng lánh ngũ sắc ra khắp bốn phương tám hướng trong đêm đen đã có mãnh lực huyền diệu…đổi cho tôi ngày tháng năm cũ trở thành mới, như những đồng bạc lì xì mới tinh mà tôi có đuợc ngày mồng một Tết. Hớn hở cùng với anh chị em cầm tay nhau hò reo chạy chơi trong vườn, rồi ra ngõ xun xoe áo mới với niềm vui có được bao tiền nhỏ trong túi áo. Hình như đã có mối liên hệ vô hình nào đó nơi cái vung tay quảng đại của bà và mẹ vào trong khoảnh khắc tối nhất của thời gian…

Để sáng hôm sau cảnh vật thành ra mới tinh khôi. Nắng rãi phấn trong không gian bao trùm trên con đường bên bờ sông Hương, xoá hết vẻ gian nan lận đận ngày thường,  gió xuân chao sóng mơ hồ, núi xanh phơi phới pha nhũ bạc. Rồi, hồng đây, vàng đó, tím kia, xanh nọ thấp thoáng nơi ngõ tre, bên hàng dậu, trên đường, những tà áo mới thấp thoáng vào ra. Khung trời yên tĩnh bỗng tươi mươi, vừa thanh bình vừa hưng phấn. Màu hạt nổ như tín hiệu mùa xuân trung rãi trên đường đi, trên cỏ xanh..

Tôi tìm lại cái hạt nổ ngộ nghĩnh mang cả cái Tết Huế của tôi ấy, khi bất ngờ o nhà quê gánh đôi thúng đi qua nhà mời mua. Giữa đám giấy tiền giấy bạc, áo quan, gói hột nổ rộn màu hồng tươi, màu xanh lá, màu vàng đất, màu tím Huế, màu trắng trong thật lòng mời gọi. Trong thoáng chốc tôi thấy mình không còn ngồi đó mà bỗng cất mình bay trong không trung. HẠT NỔ bay không một âm vang,- chúng không NỔ-  chúng bay màu sắc, chúng bay độ sinh, chúng bay tặng thần thánh trân châu của bàn tay con người, nhẹ như khí trời, chúng bay giải thoát như một cuộc bay ảo hoá.

Đêm hôm ấy tôi mơ mình chui vào trong lòng những Hạt Nổ ngũ sắc, dong chơi một mùa Tết thần tiên của hạt nếp biết bay giữa trời quê hương…

Huế, sáng mồng ba Tết năm Canh Dần
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here