Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Có không? Không có!

Có không? Không có!

135
0

Vì vậy mà câu chuyện có không, không có ngoài quy ước ngôn ngữ, vẫn là một vấn đề. Như khái niệm số trong toán học chẳng hạn. Con số “không” (0) là một chân lý đã hiện hữu như một phi lý đến tột cùng. Người ta cho rằng người Ấn Độ là dân tộc đã phát minh ra con số không (0), và từ đó họ đa đẩy nền toán học của nhân loại tiến rất nhanh và rất xa; như thế con số không (0) là chân lý của toán học. Nhưng tự thân nó, con số không (0) vẫn là một hiện hữu phi lý, bởi vì nó là không, mà nó lại có. Một cái toán của trẻ em lớp mẫu giáo cũng cho ta thấy được điều này: 4 + 2 = 6 (bằng sáu); nhưng 4+2+0 = 6 (vẫn bằng sáu). Cọng tức là góp vào, chung vào; và rõ ràng khi cọng thì số không (0) có góp vào với chúng bạn cái gì đâu, bởi nó là “không” mà! Nhưng khi chia thì thế nào? Với cái tính đầu ta có 6 : 2 = 3, vì có hai con số, thì mỗi con số bình quân có 3; với cái tính sau ta có 6 : 3 = 2, vì sự có mặt của số không (0) nên thành ba con số, thì mỗi con số bình quân có 2. Thế là sao? Góp vào thì số không (0) không có gì để góp cả; nhưng khi chia thì nó vẫn lấy đủ phần như ai; không mà có là thế! Về nội hàm thì số không (0) không có gì, nhưng về ngoại diên thì cứ như trên mặt ký tự số không (0) vẫn có một vòng tròn, như thế là nó có. Có mà không, không mà lại vẫn có. Kỳ thật! Cái phi lý thứ hai của con số không (0) là khi nó đứng trước một con số bất kỳ, thêm vào cả dãy số không (0) thì nó vẫn là không, nhưng càng thêm nó lại càng nhận chìm con số kia đến cực tiểu; trái lại khi nó đứng sau một số, càng thêm chừng nào nó vẫn là không, nhưng nó lại đẩy con số bất kỳ ở trước lên cực đại. Hạ người ta xuống hay đẩy người ta lên vẫn là “không”, sao thế? Nếu bảo rằng nó là không, nhưng nó thay cho những số hạng hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn v.v… như thế thì rõ ràng nó lại có. Có mới thay được, chứ không thì làm sao thay?

Trong ngôn ngữ diễn đạt, chữ “không” ấy lại mang tính cách quái lạ hơn! Một người nói: “Tôi không làm”, tức là người ấy có làm; vì người ấy đã “làm” cái “không làm” ấy rồi! Kỳ quái hơn nữa là hai “khong” lại khử nhau để trở thành “có”. Nếu người ở trên nói: “Tôi không không làm” tức là xác định hai lần “Tôi có làm”!…

Chuyện Thiền của Trung Hoa kể rằng: sư Vô Môn Huệ Khai, về sau là tác giả Vô Môn Quán, đến học đạo với Thiền tổ Nguyệt Lâm Sư Quán, Thiền tổ lấy công án của ngài Triệu Châu là một chữ “Vô” có nghĩa là “không” trao cho ngài làm tham thoại đầu. Khi đắc ngộ, ngài trình kệ lên Thiền tổ bằng một bài ngũ ngôn bát cú gồm bốn mươi (40) chữ “Vô”. Lạ thật! Nếu đã “Không” thì viết làm gì nhiều thế? Bốn mươi chữ “không” vẫn là “không” (trong toán học: 0 x 40 = 0) thì một chữ “không” cũng đủ để biểu đạt “tính không” của vạn pháp; hoặc giả ngài chỉ đưa trả lại Tổ chữ “Vô” mà Tổ đã giao cho ngài tham thì cũng nói đầy đủ “tính không” của vạn pháp rồi. Còn nếu muốn viết thì viết biết mấy vạn chữ “không” cũng không nói lên cái gì hơn về “tính không”, hà tằng phải bốn mươi chữ? Dân Việt Nam đã có câu ca dao:

“Có thì có tự mảy may,
“Không thì cả thế gian này cũng không”

Như thế bốn mươi (40) chữ “không” thì vẫn chưa là rộng lớn hơn “cõi thế gian này” mà dân Việt đã nói? Lại nữa, khi đã biểu đạt khái niệm “không” ra như thế, là đã “có” rồi; có từ trong niệm khởi, có ở mặt chữ ký tự biểu diễn ý niệm; thậm chí là có cả nơi ý niệm viết và nơi sự viết ra kệ để trình Tổ.

Phát ngôn “không”, thì không phải là không “không”; mà phát ngôn “không” thì “không” ấy vẫn là có, là hiện hữu. Sợ người ta chấp chặt vào cái hữu của cái “không” ấy, liền phát ngôn thêm để đả phá cái chấp hữu vô ấy bằng vô “vô”, tức là không có cả “cái không” ấy, cái hữu lẫn tránh được một sát-na rồi nó lại hiện hữu một cách trơ tráo; cần phải đả phá luôn cái “vô vô” ấy bằng cách tuyên xưng vô “vô vô”, tức là không có cả cái “không không” ấy; nhưng cái hữu vẫn lẩn tránh được trong một sát-na, rồi nó lại hiện hữu một cách trơ lỳ là vẫn có cái “vô vô vô” ấy. Như vậy thì chẳng bao giờ người ta phá đổ được hiện hữu của cái “hữu” cả! Điều này cũng như khi đặt câu hỏi: “Đạo là gì”? Hỏi như thế tức muốn định nghĩa Đạo. Nhưng trước hết phải định nghĩa cái “là gì” ấy là gì bằng câu: “là gì” là gì? Rồi đến “là gì là gì” ấy là gì? Cứ thế mà đẩy mãi thì không bao giờ người ta biết cái “là gì” ấy là gì cả! Vậy là tư duy và ngôn ngữ đã làm cho đầu óc con người càng ngày càng rối rắm thêm!

Trong triết học Đông phương, khái niệm “vô”, tiếng Việt ròng là “không”, được nói đến khắp nơi. Tại Ấn Độ, người ta cho rằng do khái niệm “vô” ấy mà người xứ này đã phát minh ra được con số “không” (0) làm cho ngành toán học có bước tiến nhảy vọt. Tại Trung Hoa, có lẽ không ai hơn Lão Tử, vì ông đã xướng lên thuyết “vô vi”; và không biết chính ông nói hay người sau biện giải thêm, nói rằng thuyết vô vi ấy là “vô vi nhi vô bất vi”. Nói “vô vi” thì chính là đã “hữu vi” rồi! Tức là đã vi cái “vô vi” ấy vậy! Huống chi lại thêm mệnh đề “vô bất vi” tức là khẳng định “vi” một cách trơ lỳ như tảng đá. Cho nên câu “vô vi nhi vô bất vi” tức người Việt ta nói: “không làm mà không chẳng làm”; và nói như thế cũng bằng với mệnh đề “không làm mà làm”. Vậy là làm mà làm trùng phức đến hai lần! Thế là số kiếp bi thê của con người khi sa vào vòng lụy tư duy và ngôn ngữ đã rành rành như hai với hai là bốn… Vậy là “làm”, tức nói “vô” mà thành “hữu”?

Lão Tử cũng đã cho biết: cái bánh xe mà vận hành được là nhờ ở cái trống rỗng giữa ổ trục và trục bánh xe; cái trống rỗng ấy chính là “cái không”. “Cái không” này hoàn toàn khác với “Không” trong đạo Phật. Trong học lý đạo Phật đã có nói đến “vô thường”, “vô sinh”, “vô ngã”, toàn Kinh Bát Nhã thường đọc cũng chỉ nói đến một chữ “Vô”… Nhưng khi đọc Kinh Bát Nhã, ta sẽ đến chỗ chân “Không”; chữ Hán cũng đọc âm Không, chữ Việt cũng đọc âm Không; cho nên khái niệm “vô” (h.) = “không” (v.) và khái niệm “Không” (h.) = “Không” (v.) là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau và không thể giảng, chỉ có tự thân thể nghiệm để liễu nghĩa mà không luận bàn chi cả. Đến đây thì tư duy và ngôn ngữ bất khả. Không nói “bất lực” mà nói “bất khả”, tức muốn nói rằng tư duy và ngôn ngữ vẫn hiện hữu, nhưng bất khả dụng vào lúc này. Bởi vì khi vừa khởi niệm luận giải thì nó đã trở thành “có” mất rồi! Và như thế thì lại bị cái vòng “kim cô” rối rắm của tư duy và ngôn ngữ kéo vào đám sương mù vô minh dày đặc!

Lại một chuyện Thiền; không nhớ ngài nào, chỉ nhớ chuyện. Một thiền sinh hỏi thiền Tổ: “Thế nào là Đạo”? Thiền tổ đưa ra một ngón tay. Mấy hôm sau, thiền Tổ gặp thiền sinh ấy. Tổ hỏi: “Thế nào là Đạo”? Thiền sinh đưa ra một ngón tay. Sẵn con dao đâu đó, Tổ chụp ngay lấy ngón tay và cắt phăng mất. Thiền sinh đau điếng; máu chảy tràn lan; nhưng ngộ Đạo ngay lúc ấy, sụp xuống lạy Tổ. Chặt phăng ngón tay lúc đó tức là chặt phăng cả thái độ chấp lẫn cả tư duy và ngôn ngữ; bởi vì Đạo vồn là “Không”, có gì để nói, để diễn tả?

Vẫn trong không khí Thiền, lại có một chuyện khác: một ngài vào nhà ăn để lấy cơm, vừa đi vừa gõ bát. Thiền tổ hỏi: “Phải chăng đó là Thiền”? Nhà sư yên lặng đến xúc một bát cơm và yên lặng đi ra! Thế mới là Thiền, là Đạo! Còn dù cho nói “Đạo bản vô ngôn” thì vẫn là ngôn mà chưa phải là Đạo. Ngôn cái “vô ngôn”; đó là chưa kể khi nói lên câu ấy thì người ta tự chẻ làm hai: chủ thể nhận thức và đối tượng bị nhận thức. Nói “Đạo bản vô ngôn” thì có khác gì nói “Thạch bản vô ngôn”, rõ ràng như thế là người nói và vật bị nói đã thực sự cách nhau rồi… Nói “Đạo bản vô ngôn” là đứng ngoài cửa mà nói, chưa thực sự vào nhà!

Lại nữa, Thiền nói “bất lập văn tự”, nhưng từ xưa tới nay có môn học nào trên thế gian mà người ta đã viết sách nhiều như sách nói về Thiền? Khi vừa mở miệng nói “bất lập văn tự” là người ta đã “lập văn tự” ngay tức khắc trên chính cái “bất lập văn tự” ấy; thế là “bất lập văn tự” đành để rơi mất cái tự thể khi bị con người phát ngôn “bất lập văn tự”; khi đã đánh rơi mất tự thể, tất yếu là bị phóng thể, cho nên sách viết về Thiền nhiều như thế chính là hệ luận của sự phóng thể cái “bất lập văn tự”, không gì khác hơn! Và khi tuyên xưng câu “Đạo bản vô ngôn” là người ta đã “ngôn” trên chính cái “vô ngôn”; cũng đừng nói thêm: “Ngôn nhi vô ngôn” có nghĩa là “nói mà không nói”; bởi như thế vẫn là sa vào trùng phức; vì “nói mà không nói” thì vẫn cứ là đã nói. Nói câu “nói mà không nói”. Nói “vô” là “hữu” nên đã gây ra cái nợ rối rắm đa đoan và đánh mất Đạo. Đừng nói chi cả, thậm chí đừng ra dấu chi cả mà liễu nghĩa trong cái yên lặng ấy, cái “không không” ấy, bởi vì “chân không diệu hữu”; còn càng nói “vô” thì càng có “hữu” mà lại “thô hữu” chứ không làm gì có “diệu hữu”. 

H.B.N.A

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here