Chuyện “ông Thiện ông Ác” là chuyện “nhân quả báo ứng”, cũng là chuyện thường ngày trong đời sống xã hội.
Nhưng chính vì là chuyện thường ngày mà nhân quả trở thành chuyện lớn của mỗi đời người.
Hồi còn nhỏ, mỗi khi theo ông bà đi chùa lễ Phật, tôi rất sợ khi nhìn thấy hai ông Hộ Pháp cao lớn nhất trong chùa. Hai ông Hộ Pháp ấy dân gian vẫn gọi là ông Thiện ông Ác. Ông Thiện có khuôn mặt hiền lành ông Ác có khuôn mặt dữ tợn.
Để tỏ lòng kính Phật, người lớn thường căn dặn trẻ con vào chùa không được dùng tay chỉ trỏ, chạy nhảy, khạc nhổ lung tung, vì nếu phạm vào chư thần thì sẽ bị quở trách. Và câu cửa miệng mà các cụ thường nói là: “Phật thì từ bi, Thánh thì một li cũng chấp”.
Lớn lên tôi vẫn không khỏi thắc mắc về ông Thiện và ông Ác, tôi nghĩ không chỉ riêng tôi, bởi hai nhân vật này từng gây ấn tượng mạnh mẽ cho bất cứ đứa trẻ nào mỗi khi bước vào chùa. Vì chùa quê tôi lúc đó không có sư trụ trì, nên các cụ già có một ít vốn liếng kinh kệ thường giải thích nôm na rằng Hộ Pháp là người bảo vệ Tam bảo, bảo vệ chùa.
Có cụ bảo: “Ai vào chùa ăn trộm, hái hoa bẻ cành, làm chuyện gian tà… Hộ Pháp đều thấy hết, biết hết, sớm muộn thế nào thì cũng có báo ứng”. Cụ khác lại nói: “Xưa, các cụ vẫn nói ông Thiện thì khuyên người ta làm thiện, ông Ác thì ngăn ngừa người ta làm ác, đơn giản chỉ có vậy thôi!”.
Câu chuyện nôm na, đơn giản của các cụ về ông Thiện ông Ác theo tôi suốt cho đến nay, vì thế mỗi khi bước chân vào chùa, theo thói quen tôi cứ đi tìm quanh xem ông Thiện ông Ác đứng ở đâu để lễ bái các ngài.
Vào chùa ở miền Bắc, tôi dễ dàng nhận ra ngay hai vị thần “thân quen” này, nhưng vào chùa miền Nam thì thật khó phân biệt. Có lần ghé thăm chùa Vĩnh Nghiêm ở Sài Gòn, tôi thấy hai vị Hộ Pháp có hình tướng đen đúa dữ tợn đứng hai bên, được gọi là thần Kim Cương. Nhưng đó không phải là ông Thiện ông Ác thân thuộc trong trí nhớ và tình cảm của tôi.
Có người giải thích với tôi rằng: “Việc thờ tự đối xứng hai pho tượng ông Thiện ông Ác nói lên sự tồn tại biện chứng của hai bản nguyên thiện – ác”. Qua giải thích này, tôi có tìm đọc một số bài viết về triết lý thiện ác, về cách bàn về ông Thiện, ông Ác.
Có người ví ông Thiện và ông Ác giống như Thiện tri thức và Ác tri thức: “Ông thiện là biểu trưng cho hạnh từ bi thuận, phù hợp với việc lành; còn Ông ác là biểu trưng cho hạnh từ bi nghịch, phù hợp với hạnh dữ”.
Tôi nghĩ, những cụm từ “hạnh từ bi thuận”, “hạnh từ bi nghịch”, “phù hợp với việc lành”, “phù hợp với hạnh dữ”, nếu không phải người học Phật kha khá thì sẽ rất khó nắm bắt về ông Thiện ông Ác theo nghĩa này.
Cũng có lần đọc báo, tôi thấy người ta viết thế này: “Trách nhiệm của anh cứ thế mà làm. Đẩy quả bóng trách nhiệm lên Thủ tướng để nói rằng, cái này Thủ tướng sẽ quyết định chứ không phải tôi. Anh muốn làm "ông Thiện" đẩy "vai ông Ác" cho người khác là không được!” (Không thể đẩy vai “ông Ác” cho Thủ tướng).
Có vẻ như người ta muốn từ chối vai trò “ông Ác”. Nhưng tôi lại nghĩ những người lãnh đạo đất nước mà nhận vai “ông Ác” như dân gian hiểu (là “trừng ác”) thì càng tạo phúc cho dân chứ có gì đâu mà phải đẩy qua đẩy lại.
Có người lại hiểu như sau: “Trên đời thiện ác thường là song hành, hai ông ấy luôn luôn gác bên đời. Và trẻ con lại được người lớn an ủi: “Hai ông ấy to lớn nhất nhưng lại là cấp bậc nhỏ nhất ở chùa đấy con ạ”… Vậy thì ai là cấp cao nhất trong chùa. Hoá ra cứ vào càng sâu bên trong, càng vào trong, gặp ông nào trong cùng bé nhỏ nhất lại là ông to nhất. Đó chính là ông Bụt, ông Phật”.
Dân gian thường ví “Lớn như ông Hộ Pháp”.
Tôi nghĩ rằng dân gian nói đúng không chỉ trên phương diện hình thức. Vì họ hiểu sự hiện diện của ông Thiện ông Ác là sự hiện diện mang tính nhân quả: “khuyến thiện trừng ác”.
Người xưa đã đúc kết: “Người làm ác thì bị quả báo ác, người làm thiện sẽ nhận được điều tốt lành” (Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai); “Nếu làm lành mà không được hưởng phước, còn làm dữ mà chẳng có tai họa, thì Trời Ðất ắt có tư vị hay sao?”(Thiện ác nhược vô báo, càn khôn tất hữu tư?); “Một ngày làm lành phước tuy chưa đến, mà tai họa đã lánh xa, một ngày làm dữ tai họa tuy chưa đến mà phước đã lánh xa” (Nhất nhật hành thiện, phước tuy vị chí họa tự viễn hỉ, nhất nhật hành ác, họa tuy vị chí phước tự viễn hỉ).
Đức Phật dạy: “Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo, Nếu với ý ô nhiễm, Nói lên hay hành động, Khổ não bước theo sau, Như xe chân vật kéo; Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo, Nếu với ý thanh tịnh, Nói lên hay hành động, An lạc bước theo sau, Như bóng không rời hình" (Kinh Pháp Cú). Mười phương ba đời chư Phật thành tựu cũng từ nhân quả.
Trên con đường dẫn tới cuộc sống, ai cũng có thể ít nhiều hiểu về tác động của nhân quả, xem đó là niềm tin chung của con người và hướng niềm tin đó đến những ứng xử cao đẹp, chuẩn mực. Chuyện “ông Thiện ông Ác” là chuyện “nhân quả báo ứng”, cũng là chuyện thường ngày trong đời sống xã hội. Nhưng chính vì là chuyện thường ngày mà nhân quả trở thành chuyện lớn của mỗi đời người. Kinh thi có câu: "Cái gương để nhà Ân soi, phải tìm đâu xa, ở ngay đời vua nhà Hạ".
Theo: Văn hóa Phật giáo Việt Nam