Trang chủ Phật giáo khắp nơi Dự kiến 20- 30 nghìn khách tham dự Lễ hội Đền Huyền...

Dự kiến 20- 30 nghìn khách tham dự Lễ hội Đền Huyền Trân năm 2010

105
0

Lễ hội đền Huyền Trân 2010 sẽ được tổ chức trong hai ngày 21- 22/02/2010 (nhằm ngày 08 & 09  tháng Giêng năm Canh Dần) tại núi Ngũ Phong, phường An Tây, thành phố Huế. Đây là sự kiện văn hóa lớn nằm trong chuỗi các hoạt động của tỉnh Thừa Thiên- Huế hướng đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và Festival Huế 2010.

Sự có mặt của 20 cơ quan, đơn vị, 30 đoàn phụ nữ dâng hương cùng với trên 300 diễn viên, 200 võ sinh, 200 nghệ nhân và hơn 1.000 học sinh sinh viên tham gia hứa hẹn một lễ hội hoành tráng, mang đậm chất văn hóa tâm linh.

Lễ hội năm nay sẽ có nhiều chương trình phong phú, đa đạng. Mở đầu sẽ là Đại lễ cầu nguyện "Quốc thái- dân an" tại đền thờ Vua Trần Nhân Tông với sự tham dự của hơn 1.500 tăng ni, đạo hữu và các gia đình Phật tử.

Tối 8/1AL, cùng với các tăng ni trẻ, hơn 1.000 đèn nến sẽ thắp sáng, chạy từ bậc cấp của đôi rồng chầu dài nhất Việt Nam đến đền Trần Nhân Tông, du khách sẽ cùng thành tâm cầu nguyện và tham dự lễ hội hoa đăng tại đây.

Một cuộc hội thảo với chủ đề "Phụ nữ Việt Nam trong di sản văn hóa dân tộc" do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên- Huế, Bảo tàng Phụ nữ- Hội LHPN Việt Nam chủ trì, quy tụ nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi đến từ Hà Nội, TPHCM, Huế và nước ngoài với 25 báo cáo chuyên đề.

Ngoài ra, còn có nhiều phần “hội” như biểu diễn võ thuật, biểu diễn và triển lãm thư pháp, biểu diễn nghệ thuật cắt tranh giấy, ca nhạc thính phòng "Huế Xưa", hội thi cắm hoa nghệ thuật và vẽ tranh thiếu nhi cùng nhiều trò chơi dân gian vui nhộn như hò giã gạo, chơi bài chòi, chọi gà … Không chỉ có dịp thưởng thức một số đặc sản ẩm thực của Huế, các làng nghề thủ công truyền thống Huế cũng sẽ mang đến lễ hội những sản phẩm độc đáo để làm quà cho du khách.

Họp báo Lễ hội đền Huyền Trân năm 2010
Họp báo về Lễ hội đền Huyền Trân năm 2010

Tổ chức đúng ngày giỗ của bà, việc tổ chức Lễ hội Huyền Trân hàng năm là việc làm có ý nghĩa lớn đối với quê hương và đất nước, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc nhằm ghi nhận công lao to lớn của các bậc tiền nhân đã có công mở nước, tạo lập vùng đất Thuận Hóa cách đây 700 năm. Đồng thời, đây là dịp để tuyên truyền, quảng bá văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam, quảng bá một địa danh văn hóa- tâm linh đến với du khách trong nước và quốc tế.

Theo Netcodo

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here