Trang chủ Thiền môn xứ Huế Trên đường về Thiên Thai

Trên đường về Thiên Thai

134
0

Những ngày cuối tháng 11 âm lịch mà trời Huế trong xanh và nắng vàng rực rỡ quả là “một điều lạ”. Trên con đường hướng về Thiên Thai, nơi có ngôi cổ tự Thiên Thai-Thiền Tôn hàng trăm năm ẩn dưới bóng tùng cổ thụ. Nơi mà cách đây gần 300 năm, Tổ sư Thiệt Diệu-Liễu Quán (1667-1742) đã tầm rong độ nhật để phát tích suối nguồn đạo mạch, mở ra pháp phái thiền Liễu Quán chảy xuyên xuốt đến tận mọi miền của dải đất xứ Đàng Trong (từ Quảng Trị cho đến Móng Cái) cho đến ngày nay. Lòng tôi bỗng nhiên  trào dâng bao niềm xúc cảm với những suy tư cổ kim  lẫn lộn. Đâu là con đường mòn ngày xưa mà ngày ngày Tổ đã đi qua, đâu là ngôi miếu mà Thần Hoàng nhường lại cho Tổ ngày đêm làm nơi tham chiếu công án thoại đầu và đâu là dòng suối trong xanh mà tổ đã vớt rong độ nhật…

Biết tìm ở đâu giữa vô vàn sự hổn độn của thế cuộc và sự đổi thay của lòng người. Chẵng lẻ quy luật muôn đời của cửa thiền vẫn là "Nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thuỷ", mà nhạn thì "vô lưu tích" còn thuỷ thì "vô lưu ảnh". Chỉ biết căn cứ lại chùa xưa Thiền Tôn là nguồn! Cổ tháp rêu phong là cội. Nhưng cái hiện tồn chùa núi "Thiên Thai Thiền Tôn" cũng đã bao lần thay đổi mất dấu cổ tự. Biết tìm đâu thông điệp xưa quý mà giải mã nguồn cơn phát tích đạo mạch.

Chùa Thiền Tôn cũ Chùa Thiền Tôn mới

Hỏi ai, biết ai mà hỏi! Những vị long tượng tài bồi Phật pháp đống lương cũng đã theo gót người xưa mà quy thú Niết bàn. Những người hậu bối hôm nay muốn nhập vào "đạo mạch trường lưu" thì chỉ biết "tìm dấu tích", mà dấu tích thì cứ phai mờ theo năm tháng biết tìm nơi mô!

Chợt nghe trong tiếng reo vi vu của những cội thông già phát ra lời tự tình mã hoá của thông điệp người xưa: "vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ". Hư không bát ngát duyên hợp với cội thông già tạo ra âm thanh vi diệu rồi gởi vào hư không bát ngát. Hỏi thử trong vô vàn những người hôm nay và mai sau mấy ai chịu khó lắng nghe và cảm thụ, hay là cứ để cho dòng chảy của đạo mạch cứ trôi qua trôi qua theo nhật nguyệt trần thế phôi pha "hợp rồi lại tan" "thịnh rồi lại suy".

Cội xưa vẫn còn đó, ngôi cổ tháp của Ngài nằm giữa núi Thiên Thai trên một đồi thông uy nghi trầm mặc vẫn còn lưu giữ được nét rêu phong cổ kính. Ngước mắt đọc mấy chữ "Đàm hoa lạc khứ hữu dư hương" (hoa đàm tuy rụng vẫn còn đưa hương) đã bị rêu thời gian làm hoen ố mà mừng và tấm "bia đá lời vàng" vẫn còn nguyên vẹn là thông điệp duy nhất còn lại kể từ ngày Tổ "thoát hoá Tây quy" (22-11 Nhâm Tuất, 1742).

Tiếu tượng Tổ sư Liễu Quán  Bia tháp Tổ sư Liễu Quán

Đê đầu đãnh lễ tưởng niệm đời Ngài và sờ tay lên từng nét chữ rõ ràng, những đường hoa văn hoạ tiết tinh xảo đã in đậm dấu ấn thời gian mà có cảm tưởng như đang chạm tay vào quá khứ cách đây 267 năm về trước. Đây là nơi an nghỉ cuối cùng và là nơi ghi dấu tích cuối cùng của một người mà kể từ khi sinh ra (13-11 Đinh Mùi-1667) đã mang trong mình một tâm hồn trác tuyệt, một bản lĩnh phi thường, một đạo lực kiên cố đã đạp ngàn núi sông hiểm trở của Trường Sơn hùng vĩ bằng đôi chân trần băng đèo vượt ải mấy trăm cây số từ xứ Phú Yên dừa xanh bát ngát, để đặt chân lên rừng thiền Thuận Hoá truy tầm "linh khí thiền phong".

Hàm Long Thiên Thọ tự (1690) vẫn con đó lời vấn đạo giữa thiền sinh Liễu Quán với Lão tổ Giác Phong, nhưng cơ duyên cũng chỉ vẫn cứ cơ duyên, còn tinh tuý của thiền phong thì còn tiềm ẩn nơi nảo nơi nao, xa trong muôn dặm mà gần trong vài bước chân!

Thiền Lâm cổ tự, vẫn còn đó giữa một ngọn đồi cây cối xanh tươi, nhưng dấu hài cỏ của chú sadi Liễu Quán đăng đàn nhận lãnh giới pháp cụ túc (1695-1697) với Hoà Thượng Thạch Liêm, cản bản cũng chỉ dừng ở chỗ căn bản, còn nguồn cơn đạo pháp, dòng chảy tươi mát của suối nguồn pháp phái truyền lưu thì vẫn còn đâu đó…

Trên những chặng đường truy tầm lễ bái danh sư khắp chốn thiền lâm Thuận Hoá, một ngày huyền cơ hội ngộ. Giữa lưng chừng của dảy Hoàng Long Sơn thâm u tịch mịch, trong am tranh (Ấn Tôn Từ Đàm Tự) san sản phát ra lời vấn đạo trác tuyệt giữa Lão Tổ Tử Dung "vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ" (Vạn pháp về một, một đi về đâu) để rồi từ đó thiền sinh Liễu Quán ngày ngày xuất thị nhập sơn, tầm rong độ nhật mong muốn sớm được Lão Tổ chỉ ấn truyền tâm khai thị giác đạo. Để rồi mùa xuân năm Mậu Tý (1708) thể nghiệm công án thoại đầu "chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ" (chỉ vật truyền tâm, ai người hiểu nổi), hiểu thì không mà lại hoát nhiên đại ngộ “Sớm biết đèn là lửa, Cơm chín đã lâu rồi !”. Cánh cửa tâm linh đã được mở toang, một suối nguồn Pháp phái tươi mát từ đây được khai mở, tuôn trào. Ngài đã lên đường hoằng dương khắp miền Thuận Hoá-Phú Yên từ khai mở giới đàn truyền trao giới pháp cho hàng đệ tử xuất gia đến vua quan thứ dân.

Bảo tháp của Tổ sư Liễu Quán trên cổng có câu "Đàm hoa lạc khứ hữu dư hương"

Hôm nay, trên con đường hướng vê Thiên Thai đã trải nhựa trơn tru, hai bên đường nhiều nhà cửa và chùa chiền đã khang trang quy cũ, hoà cùng chư tôn đức Tăng, Ni Phật tử hướng về Thiên Thai, hướng về ngôi chùa núi Thiền Tôn để dâng một nén hương tưởng niệm "hướng về nguồn cội". Mân mê từng lớp rêu bám trên những thân cây tùng già hàng trăm năm tuổi mà cứ tưởng chừng như đang sờ mò từng lớp thời gian trầm tích để lần tìm lại một quá khứ huy hoàng.

Và năm nay nữa, năm Kỷ Sửu (2009) tức là đã 267 năm sau ngày Ngài thoát hoá quy Tây, cũng có nghĩa là đã lần thứ 267 bao thế hệ Tăng, Ni và Phật tử Thừa Thiên Huế nhớ về Thiên Thai, nhớ về nguồn cội, nhớ về cái ngày mà: "Núi Ngự tuần đầy mây chẳng rã, Sông Hương ngày trọn nước không trôi" để đốt nén tâm hương dâng lên người khai phá mà lòng càng nặng thêm những nỗi niềm trắc ẩn "tục diệm truyền đăng".

T.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here