Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Văn hoá giáo dục Phật giáo

Văn hoá giáo dục Phật giáo

121
0

1.Xác định nội dung các hạng từ 

Các hạng từ trong đề tài : Văn hóa – Giáo dục – Phật giáo.

Xác định nội dung không phải đi tìm một định nghĩa. Ba hạng từ này đã có quá nhiều định nghĩa tùy theo quan điểm và góc độ người nghiên cứu như văn hóa nhân loại học, dân tộc học, xã hội học, khảo cổ học v.v…. Hơn nữa với chúng ta, là Phật tử xuất gia tại gia thì sinh hoạt văn hóa giáo dục là một trong sinh hoạt thường nhật. Có điều cần xác định nội dung để có thể sinh hoạt đúng hướng và ít thiếu sót.   

Với hạng từ Văn hóa tôi quan niệm có nội dung như sau : “Văn hóa là một thành tựu được tích lũy có chọn lọc, giữ gìn và phát triển, qua quá trình lịch sử của một cộng đồng người trong một địa bàn nhất định. Tức như văn hóa phi vật thể xưa quen gọi là văn minh tinh thần và văn hóa vật thể xưa quen gọi là văn minh vật chất.” Một tổ chức quốc tế, UNESCO của Liên Hiệp Quốc từ năm 2002 đến nay đã công bố như một định nghĩa chung được chấp nhận như sau : “Văn hóa được xem như một tập hợp các đặc trưng về tinh thần và vật chất, tri thức và tình cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội.  Văn hóa không chỉ gồm có văn học nghệ thuật mà còn cả cách sống , các quyền căn bản về con người, hệ thống giá trị, các truyền thống và tín ngưỡng…” ( Culture comprises the whole complex of distinctive spiritual, material, intellectual and emotional features that characterise a society or a social group. It includes not only the arts and letters but also modes of life, the fundamental rights of the humain being, value systems, traditions and beliefs. ).

Có người bảo từ văn hóa là do dịch từ tiếng Culture của phương Tây, nhưng khái niệm về văn hóa đã được tìm thấy trong tư tưởng phương Đông từ rất xa xưa. Kinh Dịch có câu :” Quan thiên văn dĩ sát thời biến, quan nhân văn dĩ hóa thành thiên hạ.” nghĩa là quan sát hiện tượng thiên nhiên để thấy sự biến dịch của thời tiết, quan sát hiện tượng xã hội để giáo hóa con người. Đây nói lên cái sinh hoạt con người trong thiên nhiên và cộng đồng xã hội qua thời gian và không gian.

Với hạng từ Giáo dục, buổi đầu, phương Đông cũng như phương Tây đều lấy con người làm đối tượng, nhằm phát triển 3 phương diện trí tuệ, tình cảm và thể chất. Từ Éducation xuất hiện ở Pháp từ đầu thế kỷ 16, đến giữa thế kỷ 17, Viện Hàn Lâm Pháp mới đưa ra định nghĩa đẩu tiên như sau :”Giáo dục là sự dạy dỗ trẻ em hoặc về phương diện trí tuệ hoặc về phương diện thể chất.” ( L’éducation c’est le soin qu’on prend de l’instruction des enfants, soit en ce qui regarde les exercices de l’esprit, soit en ce qui regarde les exercices du corps ). 

Cũng có người bảo từ giáo dục được dịch từ tiếng Latin là Educare. Thế nhưng quan niệm về giáo dục cũng không phải phương Đông chậm chân hơn phương Tây. Sách Mạnh Tử, thiên Tận thượng có nói: “Đắc thiên hạ anh tài nhi giáo dục chi.” Nghĩa là giáo dục để được bậc anh tài trong thiên hạ. Giáo dục buổi đầu ở phương Tây và phương Đông có vẻ đi theo hai chiều ngược nhau. Nghĩa là trong ba phương diện của giáo dục trước tiên chú trọng vào giáo dục trí tuệ. Khi nền giáo dục phương Tây vào Việt Nam, trong Sách Tập Đọc, Quốc văn giáo khoa thư , Lớp Đồng Ấu đã thấy xuất hiện trong bài tập đọc các câu như : “Tôi đi học để làm gì ? Tôi đi học để biết đọc biết viết biết tính toán và biết nhiều khoa học khác nữa…” Đó là giáo dục 3R của phương Tây. Trong khi phương Đông trước tiên dạy cho đứa trẻ “ứng đối, tiến thoái, sái tảo” hay “tiên học lễ hậu học văn” đặt nặng giáo dục đạo đức tình cảm lên trước.

2. Tương quan giữa văn hóa và giáo dục:

Cuộc sống con người càng phong phú đa dạng thì văn hóa càng được triển khai ra nhiều chi tiết nhiều lĩnh vực. Như ngày nay ta thường nghe mà không còn lạ tai nữa như văn hóa giao tiếp ứng xử, văn hóa phục trang, văn hóa ẩm thực, văn hóa cồng chiêng, cho đến văn hóa tham gia giao thông, văn hóa xếp hàng, văn hóa sử dụng điện thoại di động, rồi nào là khu phố văn hóa, cung văn hóa, nhà văn hóa, gia đình văn hóa v.v… Tất cả những cái được gọi là văn hóa đó dù cụ thể hay trừu tượng, dù vật thể hay phi vật thể, đều không phải từ hư không rơi xuống mà do nỗ lực của con người tiếp thu, tích lũy, chọn lọc, hoàn thiện và phát triển để trang nghiêm cuộc sống. Như vậy những công đoạn tích lũy, gạn lọc, bảo tồn và phát triển là gì nếu không phải là quá trình giáo dục ? Không được giáo dục tự nhiên làm sao có văn hóa ? Một người không học không hành, người ta bảo là người không có văn hóa, học hành chẳng tới đâu người ta cho là thiếu trình độ văn hóa.

Vậy giáo dục dù nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, dù quan niệm theo phương Đông hay phương Tây, dù truyền thống hay hiện đại đều có nghĩa là xây dựng văn hóa, đưa văn hóa lên tầm cao. Văn hóa cao trở lại tạo động lực cho giáo dục tiến nhanh tiến mạnh, đạt được nhiều thành quả tốt hơn nữa. 

Cho nên người làm công tác văn hóa đồng thời cũng là người làm công tác giáo dục. Người làm công tác giáo dục đồng thời cũng là người xây dựng văn hóa.
 
 3. Xác định nội dung hạng từ Phật giáo:

Phật giáo có phải là một thành tựu văn hóa hay một hệ thống giáo dục? Dĩ nhiên xưa nay Phật giáo được coi như một trong các tôn giáo lớn trên thế giới. Nhưng Phật giáo dứt khoát không như một tôn giáo theo khái niệm thông thường, cũng không phải chỉ là một hệ thống triết lý hay giáo dục. Không như một tôn giáo theo quan niệm thông thường vì người Phật tử bác bỏ thuyết sáng tạo, không chấp nhận thần quyển. Người Phật tử không thấy có một thiên đàng nào ngoài thế giới này. Thiên đàng hay địa ngục là do con người tạo ra. Người Phật tử không trông mong chết đi được sinh về làm con dân một nước thiên đàng,  mà nỗ lực hoàn thiện nhân cách, đoạn diệt phiền não chướng sở tri chướng để tự giải thoát, thể nhập bản thể thanh tịnh của pháp thân. Phật giáo là giáo pháp của đức Phật dạy. Vậy cũng có thể nói Phật giáo là một hệ thống giáo dục. Vì một trong 10 hiệu của Phật là Thiên nhân sư. 

Thật vậy, về mặt thế tục đế, nhìn từ góc độ văn hóa người ta có thể thấy Phật giáo là một thành tựu văn hóa, nhìn từ khía cạnh giáo dục sẽ thấy Phật giáo là một hệ thống giáo dục, nhìn từ khía cạnh lễ nghi tín ngưỡng thì thấy một hình thức tôn giáo.

Với nhãn quang một nhà nghiên cứu văn hóa xã hội chắc phải nhìn nhận Thích-ca Mâu-ni là nhân vật lịch sử đã làm một cuộc cách mạng văn hóa vĩ đại, đổ nhào hệ tư tưởng và thang giá trị đã ngự trị bán đảo Ấn Độ tự ngàn xưa. Thử làm một vài so sánh sẽ thấy bao nhiêu điều thú vị.

    Đạo Bà-la-môn                                    Phật giáo              
– Thần sáng tạo                                 – Không thần sáng tạo
– Phân chia giai cấp                          – Không giai cấp
– Sát tế đẫm máu                               – Không sát sinh
– Thầy BLM ở tại gia                          – Tu sĩ PG xuất gia
– Thầy BLM phải có vợ con              – Tu sĩ PG không
– Thầy BLM phải có kinh tế              – Tu sĩ PG không
– Thầy BLM để tóc dài                       – Tu sĩ PG cạo đầu
– Thầy BLM mặc toàn trắng             – Tu sĩ PG mặc áo thâm
– Đạo BLM không có nữ tu               – Có
– Phụ nữ là tài sản của nam           – Bình đẳng nam nữ

 Cho nên nếu nói tôn giáo là một hiện tượng văn hóa thì Phật giáo cũng là một hiện tượng văn hóa.

Cũng thế, nếu xem Phật giáo là một hệ thống giáo dục thì nói như vậy cũng không sai. Bởi Phật giáo là giáo pháp của đức Phật dạy. Nhưng oái oăm thay cho đến thế kỷ 20, Phật giáo chưa hề được giới giáo dục đề cập đến như một hệ thống giáo dục. Phật giáo có hay không có một nền giáo dục là điều các nhà giáo dục trên thế giới ít biết đến. Khổng tử đề cao lễ nhạc, giảng dạy tam cương ngũ thường, san định Kinh Thi, để lại cho đời một quyển Luận Ngữ đã được hậu thế tôn xưng là “vạn thế sư biểu”, là tiêu biểu một bậc thầy của muôn đời. Jesus Christ còn lại một Thánh Kinh, thế nhưng nhà xuất bản Prentice-Hall trong THE EDUCATOR’S ENCYCLOPEDIA đã lặt ra 4 điểm gọi là những đóng góp của Thiên chúa giáo cho nền giáo dục thế giới. Rena Foy trong quyển THE WORLD OF EDUCATION, Mac Millan, London ấn hành 1967, chỉ nói đến giáo dục cổ Hi Lạp, giáo dục của La Mã, giáo dục Khổng giáo, giáo dục Thiên chúa giáo. Quyển THE DEVELOPMENT OF EDUCATION IN THE 20th CENTURY của Meyer, Prentice-Hall tái bản nhiều lần cũng không hề đề cập đến giáo dục Phật giáo. Giáo dục Phật giáo là một lãnh vực còn bị bỏ hoang, là đề tài chưa được khai thác. Tiến sĩ Kanazawa Tomitarō trong lời đề tựa quyển NGHIÊN CỨU TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC PHẬT GIÁO, 1955, đã than rằng :” Nhìn lại quá trình nghiên cứu lịch sử giáo dục Phật giáo Nhật Bản từ trước đến nay, ta thấy vai trò của Phật giáo đã hết sức bị xem nhẹ.” Đây chính là điểm người làm công tác văn hóa giáo dục Phật giáo phải đánh lên tiếng chuông cho mọi người nghe, đừng để ba tạng kinh điển nằm im trong tủ kính một cách tôn nghiêm mà không ai biết có gì trong đó, phải rút tỉa các đặc chất của giáo dục Phật giáo, nghiên cứu, giới thiệu rộng rãi, giới thiệu thường xuyên, không phải chỉ để biết mà để áp dụng điều Phật dạy trong cuộc sống.

 4. Nội dung giáo dục Phật giáo:

Sau đây là một số nét tiêu biểu xin được thiệu ước mong sẽ được liên tục triển khai nghiên cứu và phổ biến, và như đã nói là không phải chỉ để biết mà để áp dụng trong cuộc sống.

 4.1. Tư tưởng giáo dục Phật giáo:

4.1.1. Tư tưởng nhất thừa:

Đây là đứng về chân đế mà nói. Chân đế thì không phải với bất cứ ai, bất cứ đối tượng trình độ nào cũng nói được. Lý nhất thừa được diễn tả bằng bài kệ trong Phẩm phương tiện, Kinh Pháp Hoa :
   Chư Phật lưỡng túc tôn,
   Tri pháp thường vô tính.
   Phật chủng tùy duyên khởi,
   Thị cố thuyết nhất thừa.
   Thị pháp trụ pháp vị,
   Thế gian tướng thường trú.

 Nghĩa là :

   Chư Phật lưỡng túc tôn,
   Biết pháp thường không tính.
   Giống Phật tùy duyên khởi,
   Cho nên nói nhất thừa
   Là pháp trụ pháp vị,
   Tướng thế gian thường trú.
(Nguyên Hồng, KINH PHÁP HOA, nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2003 )

Về hình thức ngữ pháp, ta lưu ý chữ “thị cố” là một liên từ, chữ “thị “ là một động từ. Về nội dung lưu ý chữ “tính” ở câu đầu và chữ “tướng” ở câu cuối. Không tính là không có tự tính. Tất cả các pháp đều theo luật duyên khởi. Nhất thừa là “pháp trụ pháp vị” nhất thừa là  “tướng thế gian thường trú”.Tướng thường trú là thật tướng bình đẳng, thường hằng trong tất cả các pháp, không phân biệt thế gian hay xuất thế gian. Trong Kinh Niết-bàn, Phật nói “Nhất thiết chúng sinh tất hữu Phật tính”, nghĩa là tất cả chúng sinh đều có Phật tính tất hữu. Cái Phật tính tất hữu đó tồn tại trong tất cả chúng sinh, như ngọc trong đá, như hạt gạo trắng nằm trong vỏ trấu, như kho tàng chôn giấu trong nhà người nghèo, như tượng vàng gói trong vải rách, như người con gái nghèo xấu mang thai một Chuyển luân thánh vương. Cho nên tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật.

Vậy liệu tư tưởng này có đóng góp được gì cho giáo dục ? Ta không nói đến lĩnh vực tâm linh, siêu hình. Chỉ nói từ thế kỷ 20 phương pháp trắc nghiệm tâm lý được áp dụng trong giáo dục. Trắc nghiệm IQ là trắc nghiệm chỉ số thông minh của một đứa trẻ. Theo bảng phân hạng thì chỉ số trên 100 đến 120 trở lên là thiên tài, dưới 70 là  không thể giáo dục được ( uneducable ). Với tư tưởng nhất thừa trong giáo dục Phật giáo thì tệ hại như Nhất-xiển-đề còn thành Phật được huống gì là giáo dục thế gian. Cho nên phải nói hiện chưa tìm được phương pháp nào để giáo dục cho có kết quả chứ không thể nói không giáo dục được.

Về tư tưởng nhất thừa, có thể tham khảo thêm trong các Kinh như Kinh Duy-ma, Kinh Pháp Bảo Đàn, cùng với Kinh Pháp Hoa, Kinh Niết-bàn là các kinh phản ánh sâu sắc lý tưởng này.

4.1.2. Tư tưởng xã hội

Xã hội quan trong Phật giáo được thể hiện bằng tổ chức Tăng-già với nguyên tắc sống Lục hòa. Tinh thần hòa hợp được mở rộng trong các tổ chức đoàn thể thế gian bằng 4 pháp nhiếp hóa.

Trong khi khuyến khích đời sống xuất gia như phương pháp để đạt mục đích giải thoát ( Xem PHẬT THUYẾT XUẤT GIA CÔNG ĐỨC KINH, Đại Tạng Kinh Q.16, tr.815 thượng, và các kinh khác ) một mặt đức Phật cũng quan tâm và tôn trọng sinh hoạt thế tục ( Xem ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM KINH 80, Q.24, Phẩm 25 : Thập hồi hướng, và các kinh khác ). Trong 45 năm hoạt động giáo hóa, từ những việc lớn liên quan chính trị quốc gia đến những việc nhỏ như kinh tế tiêu phí trong tăng đoàn và chi tiêu trong gia đình của tín đồ tại gia, từ vấn đề lớn như chủng tính, đến nhỏ như quyền lợi và nghĩa vụ của vợ chồng, nhiều vấn đề hiện thực đa dạng thuộc phạm vi thế tục đều được Phật dạy đến.  Xem CHƯ ĐỨC PHÚC ĐIỀN KINH, Đại Tạng Kinh Q.16, tr.777 trung , và các kinh khác. Xin nêu một số vấn đề tiêu biểu:

– Trung A-hàm Q.2 Kinh Du Hành, Q.35 Kinh Vũ Thế Phật nói có 7 pháp làm cho quốc gia không bị suy vong : 

1.Thường hội họp lo việc quốc phòng.
2. Trên dưới hòa hợp chung lo việc nước.
3. Tôn trọng các chế độ, tập quán, truyền thống
4. Không dùng quyền lực xâm phạm vợ con người khác.
5. Tôn trọng ý kiến xây dựng của những bậc có đức vọng. 
6. Kính trọng và không phá hoại tín ngưỡng.
7. Kính trọng và bảo vệ các thánh giả hiền đức.

– Các Kinh Tứ Thập Hoa Nghiêm Q.11, ĐTK 10, tr.712, Kinh Đại Pháp Cổ, ĐTK 9, tr,292 Phật dạy về nghĩa vụ và chính sách chống ngoại xâm bảo vệ đất nước.

– Kinh Lễ Bái Sáu Phương, Kinh Dạy Người Thi-ca-la-việt, Nam Truyền Đai Tạng Kinh Q.8, tr.257, Phật dạy nghĩa vụ con người trong quan hệ gia đình và xã hội. Sáu phương đó là tượng trưng cha mẹ, phương Nam tượng trưng thầy dạy, phương Tây tượng trưng vợ con trong gia đình, phương Bắc tương trưng bạn bè, phương trên tượng trưng các bậc hiền đức, phương dưới tượng trưng người giúp việc.

– Kinh Đại Bảo Tích Phật nói về việc phòng chống đói, ổn định vật giá sinh hoạt.

– Kinh Tạp A-hàm 36, Kinh Chư Đức Phúc Điền, ĐTK 16, tr.777, Phật ca ngợi khuyến khích các việc làm công ích như săn sóc người bệnh, tạo phương tiện giúp người qua đường như thuyền bè, cầu bến, nhà nghỉ, mở đường tránh hiểm, đào giếng nước, nhà cấp nước uống, trồng cây xanh, làm nhà xí giúp cho việc vệ sinh công cộng được tiện lợi.

– Kinh Tạp A-hàm và Tăng Nhất A-hàm, Phật dạy người tại gia phải sở đắc bằng chức nghiệp chính đáng của mình. Những chức nghiệp chính đáng được Phật nêu ra như sau : nông nghiệp, chăn nuôi, thương nghiệp, thủ công nghiệp, kinh doanh cho thuê nhà, làm công chức, thầy giáo, thư ký, giúp việc nhà là những nghề nghiệp hiện chính thức được công nhận. Còn các hoạt động như buôn bán chế tạo vũ khí, thuốc độc, nấu rượu kinh doanh quán rượu, hành thương qua sa mạc, buôn bán nô lệ, hành nghề sát sinh, bán hàng thịt, mãi dâm, kinh doanh du hý, làm nghề bói toán, là những nghề nghiệp theo giới luật nhà Phật là không thích đáng.

 4.2. Phương pháp giáo dục Phật giáo:

Các nhà giáo dục xưa nay khi đề cập phương pháp giáo dục thường quan tâm 3 lãnh vực :

– Phương pháp soạn thảo chương trình ( Method of curriculum planning)

– Phương pháp học tập và giảng dạy (Method of Teaching and Learning)

– Phương pháp tổ chức học đường và các tiện ích (Method of  School organization and Educational Facilities)

Tuy nhiên các phương pháp nói trên là khoanh vùng trong lãnh vực giáo dục học đường, có tính hàn lâm, có thi cử và có bằng cấp học vị. Giáo dục Phật giáo không phải không đạt được hiệu quả đó, nhưng mục đích nhằm đến không phải chỉ có thế. Giáo dục Phật giáo nhằm vào mọi sinh hoạt của con người trong cuộc sống cá nhân cũng như trong cộng đồng xã hội ngày nay và mai sau. Phương pháp này không đòi hỏi tiện ích mà đòi hỏi ở người thầy một tấm lòng và có kỹ năng chẩn đoán đối tượng như một vị thấy thuốc. Phật nói :”Ta như lương y vì bệnh cho thuốc.” Một số phương pháp giáo dục Phật giáo có thể được tóm tắt như sau:

– Phương pháp kinh nghiệm từ thực tế : Bản thân đức Phật đã thể nghiệm khổ tu trước khi quyết tâm thiền định dưới cây Bồ-đề. Đầu tiên dạy pháp Tứ đế cho đệ tử. 

– Phương pháp thực tiễn : Chuyện câu hỏi của Mālunkyaputta người bị xuông mũi tên độc. Chuyện dạy hai người tu quán bất tịnh và quán sổ tức. Chuyện bà Kisagotami ôm con đến xin Phật cứu sống. Chuyện Phật giấu đứa con của Hariti. 

– Ngôn giáo và thân giáo đều có giá trị. Hình ảnh ông thầy có giá trị quyết định trong giáo dục Phật giáo. Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, Ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết. Trong thiền học không cần thiết lúc nào cũng sử dụng ngôn ngữ văn tự như một tất yếu mà một cú đánh hay một tiếng thét có thể khai ngộ đệ tử.

– Phân ngành giáo dục :  Giới định tuệ 3 môn học vô lậu. Tính học có thể nói là bản thể học Phật giáo (Buddhist Ontology). Tướng học có thể nói là hiện tượng học Phật giáo (Buddhist Phenomenology). Đó là một số lĩnh vực, trong các lãnh vực còn nhiều phân ngành như Duy thức học. Nhân minh học. v.v…

– Các phương tiện giáo dục : Để thực hiện tốt việc giáo hóa Phật dạy phải học ngũ minh, tu tứ nhiếp pháp, thực hành lục Ba-la-mật. Cho đến việc ứng phú đạo tràng cũng cần thiết cho phương diện của một ông thầy. Có điều là chớ bao giờ lấy phương tiện làm cứu cánh.

4.3. Gợi ý về các vấn đề văn hóa Phật giáo trước mắt và dài lâu

Đến đây có thể nói ta đã khái quát được Phật giáo là hay không phải là, hay cũng là một hiện tượng văn hóa, một hệ thống giáo dục, một tôn giáo. Vậy trước mắt và dài lâu những gì đang chờ đợi, đang đòi hỏi chúng ta nhiệt thành khẩn thiết cho một lý tưởng ta suốt đời thờ phụng ? Xin đề nghị một số gợi ý như sau:

– Thống kê lưu trữ các mô típ kiến trúc chùa tháp, hoa văn mỹ thuật, quy cách hóa pháp khí, pháp phục, hình thức thờ tự.

– Sưu tập các thể điệu âm nhạc Phật giáo như ứng phú đạo tràng các miền.

– Biên soạn nghi thức khóa lễ tiếng Việt trong chùa cũng như trong nhà dân. Trong chùa như : Hai thời khóa tụng, sám hối, bố-tát, chúc tán, chẩn tế trai tăng, thuyết pháp, Tết nguyên đán, vía Phật Bồ-tát, truyền giới, quy y, thụ bát quan tri, thiền môn chánh độ, kỵ tổ v.v… Trong dân gian như : Cầu an có lễ động thổ, khánh thành, khai trương, tân gia, an vị Phật, thành hôn, cầu lành bệnh. Cầu siêu như : Tiếp dẫn, nhập liệm, thành phục, an táng, tán sa, mở cửa mả, thất tuần, kỵ giỗ, trai đàn bạt độ.

– Việt hóa tất cả văn thỉnh, xướng, bạch, nói pháp ngữ, khấn, nguyện, sớ, điệp, tán, tụng.

– Xây dựng Viện Hàn Lâm phiên dịch kinh tạng : Hán, Sanskrit, Pali. Kế hoạch và phương án triển khai.

– Nghiên cứu, hội thảo các chủ đề nhằm đáp ứng các nhu cầu có tính thời sự cấp thiết như : chuyển đổi giới tính, ly hôn tái hôn, vấn đề tự sát, vấn đề nhân bản con người, vấn đề tránh thai, vấn đề thụ thai trong ống nghiệm, vấn đề ngân hàng nội tạng, vấn đề chết thực sự, vấn đề môi trường, vấn đề đối phó với chủ nghĩa khủng bố, vấn đề chiến tranh và hòa bình v.v…

Trên đây dĩ nhiên không phải tất cả nhưng cầu mong mỗi người có một tâm nguyện, làm được việc gì thì làm, hợp tác và lắng nghe, không có điều kiện hợp tác thì âm thầm đem tâm nguyện làm để cúng dường Tam bảo. May mắn thay, chúng ta không cô độc, vì chung quanh ta có người đã làm và đang làm. Đó là chỉ mong đặt nền móng cho ngày nay và ngày mai.                     

 NH.L.K.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here