Từ xa xưa, những ngôi chùa Huế đều được tạo dựng trong một không gian giữa “rừng núi” thuần tự nhiên rất đẹp và yên tỉnh.
Sách Hải Ngoại Ký Sự của Thạch Liêm Hoà thượng “Chùa cất trên một đám đất bằng, nước bao quanh ba mặt; ngoài cửa chừng trăm bước, là nơi bùn lầy; đắp đất làm đê, thẳng để trồng dương liễu; gió hiu hiu thổi, lau lách phất phơ, cá lội, cua bò, ốc hàu lễn nghễn; người đi đường quanh co đùa giỡn, ngắm nhìn phong cảnh, hứng thú xiết bao!” hoặc “xuyên bóng tùng đi vào, chùa không có vòng thành tường ngoài. Một ao vuông trước điện, nước ao lên xuống ăn rập với nước lên, nước rong ngoài sông” hoặc “Luống rau, giàn bầu, bồn hoa, bụi cúc, rải rác ở các nơi đất trống dưới gốc tùng. Phía sau điện có những cây tùng lớn mấy ôm, ngọn queo cành cỗi, rậm rạp ly kỳ, thực là những thiên niên cổ thụ; trên đọt tùng sầm uất, lá soắn thành từng nắm tròn…chùa son điện ngọc, lấp lánh trong bờ biển rừng tùng. Nước mây man mác, chập chùng bóng dương, phưởng phất chốn Bồng Lai Lãng Uyển…”.
Đó là cảnh môi trường sinh thái của các chùa ở Huế xưa vào cuối thế kỷ thứ XVII đã được Đại Sán Hán Ông ghi lại, tuy đôi nét chấm phá nhưng đã nói lên được nét “văn hoá xanh trong chùa Huế" có lai lịch, lịch sử rất rỏ ràng.
Ngày nay, các chùa Huế có ý thức tiếp nối truyền thống văn hoá xanh ấy rất cao, làm tăng trưởng thêm màu xanh cho thiên nhiên, cho Huế xứng danh là thành phố xanh. Các Tăng Ni trong các chùa Huế đều có ý thức tạo tác, cải tạo vườn chùa, trồng thêm nhiều cây xanh, vườn hồ ngày thêm xanh tươi, xinh đẹp. Bởi thế nếu nói Huế thành phố vườn, thành phố mà màu xanh thiên nhiên còn đứng vững nhất. Thì chắc chắn các chùa Huế đóng góp phần rất lớn trong đó.
Chùa Kim Tiên | Chùa Từ Hiếu |
Quần thể chùa chiền ở mạn Nam sông Hương, từ cầu Bến Ngự lên đến đàn Nam Giao chỉ chưa đầy 2 cây số đã có một loạt những ngôi chùa nằm ẩn mình trong những khu vườn cây cối cổ thụ xanh um, không khí trong lành yên tỉnh như chùa Phổ Quang, chùa Báo Quốc, chùa Linh Quang, chùa Từ Đàm, chùa Vạn Phước, chùa Hải Đức, chùa Thiền Lâm, chùa Kim Tiên…Rồi từ ngã ba Đàn Nam Giao toả ra phía Tây Nam cũng chưa đầy 2 cây số lại có các chùa như chùa Từ Lâm, chùa Quảng Tế, chùa Đông Thuyền, chùa Từ Hiếu, chùa Bảo Quang, chùa Hoà Quang…toả ra mạn Đông Nam cũng chưa đầy 2 cây số lại có các chùa Quy Thiện, chùa Từ Hoá, chùa Tây Thiên, chùa Phổ Tế, chùa Thiền Tôn, tháp Liễu Quán…chùa nào cũng có vườn rộng đến vài mẫu, vài ha toàn là màu xanh thiên nhiên và yên lặng biết bao.
Các chùa Huế thường lại toạ lạc trên đồi cao, nhìn xuống dưới tầm mắt, núi đồi liên tiếp, cây xanh ngút ngàn, hương hoa lừng ngát trong không khí; trong vườn chùa những con đường nhỏ lên xuống uốn lượn thấp cao len giữa cây cối xanh rợp bóng mát. Nhiều chùa còn dựa vào thế của núi đồi, khe suối mà tạo vườn chùa thêm mềm mại như chùa Từ Hiếu, chùa Huyền Không…hoang dã tiêu sơ với tiếng chim hót trong bụi cây. Chùa Thiên Mụ thì có núi đồi uốn lượn xa xa, sông Hương uốn quanh co, có cây cao, chùa tháp, cổ sái, bầu trời xanh, mây trắng nhẹ nhàng bay qua những ngọn thông già hàng trăm năm tuổi…
Một góc chùa Báo Quốc | Chùa Diệu Viên nhìn từ xa |
Thưởng ngoạn chùa Huế, chúng ta cũng chính là đã thưởng ngoạn màu xanh rất đặc trưng của chùa Huế. Màu xanh ấy được un đúc lên bằng một nếp văn hoá ứng xử giữa cây và người, người thương cây, cây thương người tâm tâm ấn ấn nên chốn thiền môn xứ Huế toát lên một màu xanh rất đặc trưng, màu thiền u tịch, yên ắng, tỉnh lặng mà luôn tươi vui, sinh động.
Vì thế, đến chùa Huế, ngoài sự tìm hiểu mỹ thuật trang trí bày biện trong vườn chùa một cách viên dung giữa tâm và cảnh thì chúng ta còn biết thêm được một nét đặc trưng “văn hoá xanh” trong lối sống văn hoá của chùa Huế. Nét đặc trưng đó kết hợp với giữa Thiền với thiên nhiên. Người ta nói rằng nếu vườn chùa Huế mà không có cây xanh, không có màu xanh của cây cối thì “màu thiền của chùa Huế cũng sẽ biến mất” chính vì vậy mà chùa nào ở Huế cũng phải giữ cho được khu vườn luôn luôn xanh tươi.
N.H