Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Kinh nghiệm giác ngộ giải thoát của Đức Phật phát xuất từ...

Kinh nghiệm giác ngộ giải thoát của Đức Phật phát xuất từ các suy tầm (vitakkà) thiện và ác

118
0

Ngài thuật lại: “Trước khi Ta giác ngộ, khi chưa thành Chánh Giác, còn là Bồ Tát Ta suy nghĩ như sau: “Ta sống suy tư và chia hai loại tầm. Phàm có dục tầm nào , sân tầm nào, hại tầm nào, Ta phân thành một loại. Phàm có ly dục tầm nào, vô sân tầm nào, bất  hại tầm nào, Ta phân thành loại thứ hai””. Đối với bất thiện tầm Ngài đối xử rất đặc biệt với mục đích loại trừ chúng. “Ta sống không  phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Khi dục tầm khởi lên, Ta tuệ tri: Dục tầm này khởi lên nơi Ta và dục tầm này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết Bàn. Khi Ta suy tư: “Dục tầm đưa đến hại người”, dục tầm được biến mất. Khi ta suy tư: “Dục tầm đưa đến hại cả hai”, dục tầm được biến mất. Khi Ta suy tư: “Dục tầm diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết Bàn”, dục tầm được biến mất. Như vậy, Ta tiếp tục từ bỏ, tẩy trừ, chấm dứt dục tầm được khởi lên”. Cũng vậy, đối với sân tầm, hại tầm. Khi chúng ta suy tầm, suy tư nhiều về vấn đề gì, thời tâm sanh khuynh hướng đối với vấn đề ấy. Khi chúng ta suy tầm, suy tư nhiều về dục tầm, chúng ta từ bỏ ly dục tầm. Khi tâm đã nặng về dục tầm thời tâm vị ấy có khuynh hướng dục tầm. Cũng vậy đối với sân tầm, hại tầm. Như vậy là sự ngăn chặn không cho khởi lên các bất thiện tầm. Rồi Đức Phật dùng ví dụ một người đang chăn bò về mùa thu, khi lúa đã bắt đầu trổ hạt. Người ấy phải luôn luôn ngăn chặn, không cho con bò chạy xuống ruộng, vì biết rằng con bò phá hại mùa màng sẽ đưa lại nhiều sự nguy hại, như bị đánh đập, trách móc, tù tội v.v… Rồi Đức Phật tuyên bố: “Cũng vậy, Ta thấy sự nguy hại, sự hạ liệt, sự uế nhiễm của các pháp bất thiện và thấy sự viễn ly, sự lợi ích, sự thanh tịnh của các thiện pháp”.

Đối với các bất thiện tầm, Thế Tôn đã ngăn chặn sự sanh khởi, và đoạn trừ chúng, còn đối với thiện tầm, trái lại, Ngài tế nhị nuôi dưỡng chúng, giúp chúng phát triển và hướng đến nhất tâm. Khi ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm khởi lên, Thế Tôn biết các thiện tầm này không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào phiền não, đưa đến Niết Bàn. Thế Tôn biết rằng, nếu Thế Tôn suy tầm, suy tư ngày đêm các thiện tầm, không phải từ nhân duyên ấy Thế Tôn thấy sợ hãi, nhưng nếu Thế Tôn suy tầm, suy tư quá lâu, thân có thể mệt mỏi. Khi thân bị mệt mõi thì tâm bị dao động. Khi tâm bị dao động thì tâm xa lìa định tĩnh. Khi ấy từ nội thân, Thế Tôn trấn an tâm, trấn tịnh tâm, khiến được nhất tâm, khiến thành định tĩnh. Vì sao vậy? Vì để tâm khỏi dao động. Nếu chúng ta suy tầm, suy tư nhiều về vấn đề gì, thời tâm sanh khuynh hướng đối với vấn đề ấy. Nếu chúng ta suy tầm, suy tư nhiều về ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm, chúng ta từ bỏ dục tầm, sân tầm, hại tầm. Khi tâm được đặt nặng về ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm, tâm vị ấy có khuynh hướng về ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm. Ví như vào tháng hè, khi tất cả lúa gạo đều cất vào kho, người chăn bò ở dưới gốc cây hay ở ngoài trời, được an nhàn tự tại, chỉ cần phải ghi nhớ: “Đây là những con bò”. Vị tu hành cũng như vậy, vị ấy chỉ cần phải ghi nhớ: “Đây là phương pháp”, tức chỉ cho chỉ và quán mà vị hành giả đang hành trì.

Đến đây Thế Tôn đã loại trừ các bất thiện tầm, hướng đến nhất tâm và bắt đầu hành trì thiền định. Ta ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Diệt tầm và tứ, Ta chúng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tĩnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà Bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba. Xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh”. Từ Thiền thứ tư ở Sắc giới, Thế Tôn chứng và trú túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh: “Với tâm định tĩnh, thuần tịnh không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến dễ sử dụng, vững chắc như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh. Ta như thật thắng tri: “Đây là khổ. Đây là khổ tâp. Đây là khổ diệt. Đây là con đường đưa đến khổ diệt. Đây là những lậu hoặc. Đây là những lậu hoặc tập khởi. Đây là những lậu hoặc đoạn diệt. Đây là con đường đưa đến lậu hoặc đoạn diệt! Nhờ biết như vậy, thấy như vậy, khởi lên trí hiểu biết: “Ta đã giải thoát”. Ta đã thắng tri: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành. Những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”. Trong đêm, canh ba, Ta chứng được minh thứ ba. Vô minh diệt, minh sanh. Bóng tối diệt, ánh sáng sanh, trong khi Ta sống, không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần”.

Cuối cùng, Đức Phật dùng một ví dụ nói lên vai trò của Thế Tôn trong nhiệm vụ giới thiệu con đường giải thoát cho chúng sanh, trong khi ấy, ma vương tìm mọi cách hãm hại loài hữu tình.

Như trong một khu rừng rậm rạp, có một hồ nước thâm sâu và một đoàn nai lớn sống gần một bên. Có một người đến, muốn hại đoàn nai, đóng cửa con đường an toàn, mở cửa con đường nguy hiểm, đặt một con mồi đực, đặt một con mồi cái. Như vậy, sau một thời gian, đoàn nai lớn gặp ách nạn, hao mòn dần. Lại có một người đến, muốn đoàn nai được an toàn, muốn đoàn nai được hạnh phúc, đóng cửa con đường nguy hiểm, mở cửa con đường an toàn, đem đi con mồi đực, hủy bỏ con mồi cái. Như vậy, đoàn nai ấy sau một thời gian được hưng thịnh, sung mãn. Và đức Phật giải thích ví dụ. Hồ nước lớn thâm sâu chỉ cho dục vọng. Đoàn nai chỉ cho các loài hữu tình. Con người muốn hại đoàn nai chỉ cho ác ma. Con đường nguy hiểm chỉ cho con đường tà đạo tám ngành: Tà tri kiến, tà tư duy, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Con mồi đực chỉ cho hỷ và tham. Con mồi cái chỉ cho vô minh. Con người muốn đoàn nai được hạnh phúc chỉ cho Như Lai, Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Con đường đưa đến an toàn, an ổn chỉ cho con đường Thánh đạo tám ngành: Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. “Như vậy, Ta mở con đường an toàn đưa đến hạnh phúc. Ta mang đi con mồi đực. Ta hủy bỏ con mồi cái. Những gì vị đạo sư cần phải làm cho các đệ tử vì lòng thương tưởng chúng, những điều ấy Ta đã làm, vì lòng thương tưởng các ngươi. Chư Tỷ-kheo, đây là những gốc cây, đây là chỗ trống. Hãy thiền định, chớ có phóng dật, chớ có hối tiếc về sau. Đó là lời giáo huấn của Ta”.

Trong kinh này, Thế Tôn giới thiệu con đường giải thoát giác ngộ, phát xuất từ bất thiện tầm, thiện tầm, trừ diệt dục tầm, sân tầm, hại tầm, tăng trưởng ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm. Giai đoạn này được xem như giai đoạn Giới học trong Giới Định Tuệ. Tiếp đến Thế Tôn hành trì Sơ thiền, thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư, được xem như giai đoạn định học trong Giới Định Tuệ. Thế Tôn chứng ba minh, như thật thắng tri khổ, tập, diệt, đạo, thắng tri các lậu hoặc, các lậu hoặc tập khởi, các lậu hoặc đoạn diệt, con đường đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt. Đây có thể được xem là giai đoạn tuệ học. Nhờ biết như vậy, thấy như vậy, khởi lên trí hiều biết: “Ta đã giải thoát”, Ta đã thắng tri: “Sanh đã tận. Phạm hạnh đã thành. Những việc nên làm đã làm. Không còn trở lui trạng thái này nữa”. Giai đoạn này được xem là giai đoạn giải thoát, giải thoát tri kiến, trong tiến trình giải thoát 5 giai đoạn: “Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến”.

Trong kinh này chúng ta chứng kiến khả năng tuyệt diệu của đức Phật đối với bất thiện tầm và thiện tầm, hai cách ứng xử hoàn toàn sa khác nhau để loại trừ các bất thiện tầm và phát triển thiện tầm. Đối với bất thiện tầm, đức Phật nhấn mạnh đến những tai hại của người bất thiện tầm như đưa đến hại mình, hại người, hại cả hai, diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết Bàn. Nhờ phân tích như vậy, các bất thiện tầm được diệt trừ, không còn sanh khởi. Còn đối với Thiện tầm Thế Tôn nêu rõ những lợi ích của thiện tầm, đối trị sự mệt mõi của thân, khi suy tư tầm quá lâu, trấn an tâm, trấn tịnh tâm, khiến tâm không dao động và hướng đến định tĩnh nhất tâm để tu tập thiền định. Cuối cùng, thí dụ được Thế Tôn đúc kết nói lên lòng thương tưởng của Thế Tôn đối với mọi loài hữu tình, trong khi ấy, ma vương hay những sức mạnh thù địch con người lại muốn đem lại sự đau khổ cho các chúng sanh. Cũng trong ví dụ này, con đường Thánh đạo tám ngành được xem như là con đường giải thoát được đức Phật giảng dạy, hướng dẫn mọi chúng sanh đưa đến giải thoát và giác ngộ. Câu nói cuối cùng của bài kinh là cả một lời khích lệ các đệ tử hãy nhiệt tâm tinh cần hành thiện, chớ có phóng dật, chớ có hối tiếc mai sau.

HT. T.M.C

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here