Trang chủ Phật giáo khắp nơi Hãy nghĩ tới những người khốn khổ nhất thế giới

Hãy nghĩ tới những người khốn khổ nhất thế giới

123
0

Trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị về khí hậu toàn cầu đang diễn ra tại Copenhagen, viện nghiên cứu Copenhagen Consensus Center đã cử các nhà nghiên cứu tới rất nhiều điểm nóng, những nơi chịu tác động tồi tệ nhất của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu là hỏi người dân địa phương quan điểm của họ về những vấn đề mà họ đang phải đối mặt.

Trong suốt 7 tuần quan sát và xem xét báo cáo của các nhà nghiên cứu. Thật đáng ngạc nhiên, trong hầu hết mọi trường hợp được hỏi, vấn đề mà người dân địa phương quan tâm nhất lại không phải là vấn đề thời sự nóng bỏng trong tuần qua trên hầu khắp các phương tiện thông tin đại chúng. Với họ, sự nóng lên toàn cầu không thật sự là vấn đề sống còn.

Tại bất cứ đâu nhóm nghiên cứu có mặt, người dân đều thể hiện rõ ràng về sự cần thiết phải tập trung vào các vấn đề trước mắt và cấp bách hơn. Samson Banda, 27 tuổi sống tại khu ổ chuột ở Lusaka, Zambia hỏi lại chúng tôi rằng "nếu ngày mai tôi chết vì căn bệnh sốt rét, tại sao tôi cần phải quan tâm tới sự nóng lên của toàn cầu?"

Trong khi đó, câu trả lời của bà Momota Begum, 45 tuổi sống trong một trang trại tại Biharis, Bangladesh là "Khi con cái của tôi không đủ ăn, tôi không nghĩ sự nóng lên toàn cầu lại là vấn đề khiến tôi lo lắng." Cũng giống như hai người trên, bà Mary Thomas, một quả phụ và bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, sống tại dải đất phía đông nam Mt. Kilimanjaro ở Tanzania cho biết bà có để ý thấy sự tan băng trên dãy núi gần nơi bà sống, song khẳng định "Cũng chẳng cần phải có băng ở trên núi làm gì khi chẳng còn ai sống trên đó vì căn bệnh HIV/AIDS."

Khi đói nghèo còn đeo đẳng, nói đến biến đổi khí hậu là điều gì đó quá xa vời. Ảnh: WHO

Sự nóng lên toàn cầu chắc chắn sẽ để lại những ảnh hưởng nghiêm trọng tới các vấn đề hiện hữu như sốt rét, suy dinh dưỡng hay thiếu nước sạch. Song điều này không có nghĩa giái pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề này là ra sức cắt giảm khí thải.

Theo ước đoán của các chuyên gia, nếu biện pháp mới không được đưa ra để ngăn chặn bệnh sốt rét, tới năm 2100 sẽ có hơn 3% dân số trên Trái đất có nguy cơ mắc bệnh. Trong khi đó, chi phí cho chương trình cắt giảm khí thải CO2 hiệu quả nhất nhằm mục đích giữ nhiệt độ trái đất ổn định (như đề xuất của nhóm G8) sẽ vào khoảng 40 triệu tỷ USD/năm, nhưng cũng sẽ chỉ mang lại kết quả nhỏ bé cho nỗ lực giảm thiểu số người mắc bệnh sốt rét.

Ngược lại, nếu mỗi năm các chính phủ chi ra 3 tỷ USD để trang bị màn chống muỗi, thuốc diệt côn trùng DDT thân thiện với môi trường và các trang thiết bị khác, thì số người mắc bệnh sốt rét sẽ giảm đi một nửa chỉ trong 10 năm. Hay nói cách khác, với số tiền bỏ ra để cứu 1 nhân mạng bằng cách cắt giảm khí thải, cùng một chính sách hợp lý hơn, số tiền này sẽ cứu sống được 78.000 người.

Không ít các nhà khoa học cho rằng chúng ta không cần phải lựa chọn giữa việc đối phó với sự biến đổi khí hậu hay giải quyết những vấn đề cấp bách ngay lập tức. Thay vì lựa chọn phải làm gì, họ cho rằng chúng ta có thể làm được cả hai việc cùng lúc, tất nhiên với điều kiện các biện pháp đưa ra phải hợp lý.

Trong bản báo cáo mới được công bố vào tuần trước của các nhà khoa học thuộc tổ chức cứu trợ quốc tế Oxfam, một bằng chứng được đưa ra cho thấy các quốc gia châu Âu đang có kế hoạch "rút tiền" từ những quỹ viện trợ phát triển và sau đó "đổi tên" thành trợ giúp biến đổi khí hậu.

Theo tổ chức Oxfam, nếu các nước giàu chuyển 50 tỷ USD từ số tiền viện trợ phát triển sang thực hiện mục đích trợ giúp biến đổi khí hâu, sẽ có ít nhất 4,5 triệu trẻ em thiệt mạng và ít hơn 8,6 triệu người được tiếp cận với các phương pháp điều trị HIV/AIDS. Còn kết quả thu được từ sự điều chỉnh nhằm cắt giảm lượng khí thái theo kiểu Nghị định thư Kyoto sẽ chỉ là "hạ nhiệt Trái đất" 1/1000 độ Fahrenheit trong vòng 100 năm tới.

Sử dụng nhiều tiền hơn cho mục tiêu cắt giảm khí thải cũng đồng nghĩa với hiện thực số tiền bị cắt giảm trong các chương trình có tính hiệu quả cao hơn như viện trợ lương thực, tăng cường chất dinh dưỡng vi lượng, phòng ngừa HIV/AIDS, nâng cấp cơ sở hạ tầng giáo dục và y tế, cải thiện sức khỏe và nguồn nước sạch.

Việc kêu gọi tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết trên không có nghĩa chính phủ các nước có thể bỏ qua vấn đề nóng lên toàn cầu; thực chất vấn đề cần bàn tới ở đây chính là phương pháp triển khai thực dụng của một chiến lược có tính hiệu quả và ít tốn kém hơn.

Tại Trung tâm Bella ở Copenhagen, các đại biểu, chính trị gia và các nhà vận động môi trường đang cố gắng đàm phán để đạt được một thỏa thuận có thể thay thế Nghị định thư Kyoto. Hầu hết mọi người đều nhắm tới thông điệp: các quốc gia trên thế giới cần cam kết cắt giảm khí thải ngay lập tức và mạnh mẽ hơn nếu không tất cả chúng ta sẽ không tránh khỏi hậu quả tồi tệ nhất của sự nóng lên toàn cầu.

Nghe qua thông điệp trên có vẻ rất hợp lý, tuy nhiên, phân tích kỹ thì thấy thông điệp này chẳng có gì thực chất. Nếu các chính phủ chấp nhận đánh thuế mạnh hơn vào việc sử dụng nguyên liệu khí đốt, một kịch bản chắc chắn không xảy ra, việc làm này sẽ không mang lại tác dụng chấm dứt tình trạng thay đổi khí hậu nhanh chóng. Thay vào đó, các nước sẽ mất hàng trăm tỷ USD, nếu không nói là hàng triệu tỷ, vì các công nghệ sản xuất năng lượng thay thế vẫn chưa thể sử dụng được.

Trong nhiều thế kỷ qua, nền kinh tế thế giới đã bùng nổ mạnh mẽ và đời sống của còn người được cải thiện rõ rệt, phần lớn nhờ giá nhiên liệu hóa thạch tương đối rẻ; tuy nhiên, điều này sẽ không còn tiếp diễn trong một vài thập kỷ tới. Ngay trước khi Hội nghị Copenhagen khai mạc, rất nhiều nhà lãnh đạo từ các quốc gia lớn đã đưa ra những cam kết về mục tiêu cắt giảm khí thải, dù những cam kết này là không thể đạt được xét về mặt kinh tế, kỹ thuật và cả khía cạnh chính trị.

Chúng ta cũng đã chứng kiến những điều tương tự tại "Hội nghị Trái đất" 1992 ở Rio de Janeiro và 1 thập kỷ sau đó tại Kyoto. Cũng như những lời hứa trước đây, những cam kết được đưa ra tại Copenhagen rồi cũng sẽ bị phá hỏng bởi các chính phủ tương lai.

Tuy nhiên, có một dấu hiệu mang tính tích cực đã xuất hiện tại Copenhagen vào tuần trước. Ai đó đã làm lộ bản nháp về thỏa thuận khí hậu, có nội dung dường như khác rất xa so với khuôn mẫu Kyoto. Nếu như Nghị định thư Kyoto cho phép các quốc gia đang phát triển không phải đưa rất bất kỳ cam kết nào, thì bản nháp thỏa thuận này lại kêu gọi tất cả các nước giàu và nghèo cùng phải cam kết cắt giảm khí thải.

Khi nội dung này bị rò rỉ, những cuộc tranh cãi giữa đại biểu các nước ngay lập tức nổ ra, phản ánh thực tế là để đạt được cam kết cắt giảm khí thải không phải là một việc làm đơn giản. Tất nhiên, tất cả chúng ta đều mong chờ các chính trị gia sẽ tiến xa hơn những gì đã làm được theo Nghị định thư Kyoto. Tuy vậy, thay vì tiếp tục đưa ra những hứa hẹn xa vời về khí thải gây hiệu ứng nhà kính, phải chăng họ nên đưa ra một cam kết chắc chắn về việc nghiên cứu và phát triển năng lượng xanh?

Đặc biệt, chính phủ các nước nên tăng ngân quỹ cho việc nghiên cứu và phát triển năng lượng xanh lên mức khoảng 0,2% GDP toàn cầu tức 100 tỷ USD, gấp 50 lần con số hiện tại, nhưng lại thấp hơn một nửa so với giải pháp Kyoto. Không phải cách tiếp cận này chỉ đơn thuần là dễ đạt hiệu quả hơn về khía cạnh chính trị, mà nó còn mang cơ hội thành công cao hơn rất nhiều. Để đảm bảo những thay đổi này có thể mang lại hiệu quả, các nhà lãnh đạo không nên tiếp tục đưa ra các biện pháp chẳng mấy thuyết phục và nên thừa nhận cách giải quyết theo kiểu Nghị định thư Kyoto sẽ chẳng đi đến đâu.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị Copenhagen kết thúc mà không đạt được một thỏa thuận nào chưa chắc đã là một dấu hiệu buồn cho những nỗ lực ngăn chặn sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Nếu chúng ta nghiêm túc về việc giúp những người khốn khổ nhất trên thế giới, chúng ta cần phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận vấn đề một cách triệt để hơn.

Trang Anh dịch (theo Tuần Việt Nam)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here