Trang chủ Phật học Địa vị tư tưởng và học thuyế của kinh Hoa Nghiêm

Địa vị tư tưởng và học thuyế của kinh Hoa Nghiêm

128
0

Theo nhiều nhà nghiên cứu Phật học, giá trị trọng tâm của Kinh Hoa Nghiêm là tư tưởng và học thuyết về tâm, hay còn gọi là “Duy tâm luận”.

* Về mặt tư tưởng:

Toàn bộ hoạt cảnh, trạng thái và nhân vật trong Kinh Hoa Nghiêm đều có mục đích phô trần, trần thuật năng lực diệu dụng kỳ vĩ của tâm. Khái niệm chính của Hoa Nghiêm là ở chỗ thiết chế “Tam giới duy tâm”. Tức là tất cả ba cõi, tất cả thế giới sự vật hiện tượng – từ nguyên tử hoặc nhỏ hơn nữa, cho đến các tinh tú, nhật nguyệt xa xôi … đều do tâm tạo tác, tâm duyên sinh, tâm sinh khởi. Kinh lại bảo rằng “Tâm như công họa sư, họa chủng chủng ngũ uẩn, nhất thiết thế giới trung, vô pháp nhi bất tạo”. Nghĩa là tâm này (tâm của con người) như anh họa sĩ. Anh ta vẽ ra ngũ uẩn (sắc thuộc vật lý; thọ, tưởng, hành, thức thuộc tâm lý), tất cả những hiện tượng trong thế giới này (và thế giới khác), không một cái gì mà anh họa sĩ (tâm) không vẽ ra.

 Nói một cách dễ hiểu hơn, tâm là gốc rễ của mọi hành vi của chúng ta. Trước khi làm một việc gì, tâm ta phải chuẩn bị. Nghĩa là nếu chúng ta không có tâm muốn làm một việc gì, điều gì, ta sẽ không làm nó. Bất cứ một việc gì ta thực thi đều phải do tâm sửa soạn. Nó có khả năng tạo tác những kế hoạch hằng ngày, như vạch chương trình học tập hay kế hoạch sẽ làm gì trong giờ tới, ngày tới v.v…Tương tự, tương lai ta hạnh phúc hay khổ đau cũng tùy thuộc vào tâm của chúng ta. Nếu tâm chúng ta chuẩn bị những việc lành thì chắc chắn ta sẽ thọ quả báo tốt trong tương lai. Cũng vậy, nếu tâm ta dự tính những việc xấu ác thì ta sẽ thọ quả báo xấu. Lại nữa, những rắc rối bất hạnh trong đời không phát sinh từ bên ngoài mà từ nơi tâm ta. Dù ta có bao nhiêu hoàn cảnh bên ngoài đưa đến hạnh phúc mà không có nội tâm bình an thì không có thứ tài sản hay sở hữu nào có thể đem lại cho ta hạnh phúc. Nhưng một người không có gì cả, không nhà, không tài sản, không sắc đẹp… vẫn có thể sung sướng hạnh phúc nếu người đó có an lạc nội tâm.

Tuy nhiên, để thẩm định một cách chính xác, tránh sự nhầm lẫn, lẫn lộn về tâm, chúng tôi sẽ phân loại đặc tính của nó như sau:

1. Về hiệu năng: Tâm này sinh ra sum la vạn tượng (vọng tâm), nó thu nhận, phản ánh mọi sự vật hiện tượng, mọi trạng thái tâm lý. Nó hay leo trèo, dựa bám vào bên ngoài và tùy duyên mà phân biệt. Đa phần chúng ta không mấy ai nắm bắt và thấy được nó, vì chúng sinh diệt trong từng sát na theo với ngoại cảnh, như vui đó, buồn đó, thương đó, ghét đó…Như con khỉ, những trạng thái tâm thức, xúc tình của chúng ta không ngừng cử động, không ngừng ném chúng ta từ những đỉnh cao xuống những vực sâu và ngược lại. Nhận lầm tâm này là “của ta”, là nguyên nhân phát sinh ra đau khổ, phiền não, sinh tử luân hồi. Nói chung, đặc trưng của tâm là thường gắn liền với tạo tác và thiên luân.

2. Về tính năng: Bản chất của tâm là trong sạch (chân tâm), là cái tâm tự tri, tự giác, hiểu rõ mọi sự mọi vật một cách sáng suốt tuyệt vời, không cần dựa bám vào bất cứ một sự vật nào cả. Nó là ông chủ, là sự sống huyền diệu, tùy duyên bất biến ở trong mọi sự vật và mọi tình huống. Vì vậy, nói chân tâm và vọng tâm nhưng kỳ thật, đứng về mặt tuyệt đối hay chân như, tuy tâm thanh tịnh bất biến mà vẫn phải tùy duyên sinh diệt. Đứng về mặt tương đối hay sinh diệt, thì tâm tuỳ duyên sai biệt nhưng vẫn như như bất biến. Hay nói cách khác, chân tâm và vọng tâm không rời nhau, khi cái tính tuyệt đối của tâm chưa phát hiện thì vốn là một, nhưng khi nó đã phát hiện ra ngoài rồi thì liền có đủ sức mạnh để biến hóa từ vô vi sang hữu vi, phát sinh ra thiên hình vạn trạng, sự sự vật vật trong thế giới sai thù. Kinh dạy:

“Thập pháp giới họa thành đồ
Trực chỉ chân tâm kiến giả vô
Tứ Thánh lục phàm giai thị huyễn
Phù vân tán tận nguyệt luân phô”
(Kinh Hoa Nghiêm)

Tạm dịch:
Mười pháp giới vẽ ra bản đồ (Phật giới, Bồ-tát giới, Thanh văn, người, trời, A-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục giới),
Chỉ thẳng tâm người thấy nó là không
Bốn quả sáu đường đều là huyễn
Mây tan rồi thì mặt trăng hiện ra.

Tuy vầng trăng có sẵn nhưng bị mây mù che mờ nên mặt trăng không hiển hiện rõ ràng được. Mây mù ở đây chỉ cho vô minh phiền não, mặt trăng chỉ cho chân trí, tức tự tâm thanh tịnh sẵn có nơi mỗi chúng sinh. Phàm phu chúng sinh vì còn vọng niệm và óc phân biệt nên mới thấy các pháp sai biệt. Nếu đoạn trừ vọng tưởng mê lầm thì không còn các cảnh giới sai biệt nữa, chỉ còn lại một tâm chân như tròn đầy, rỗng lặng. Cũng như khi mắt hết nhặm, chỉ còn hư không thanh tịnh một màu, không thấy có hoa đốm lăng xăng ở đâu cả. Nếu vọng tâm hết thì tất cả đều bình đẳng, sự sự đều vô ngại, không còn chia chẽ, thị phi nhân ngã, chỉ còn một thể chân như duy nhất mà thôi.

* Về mặt học thuyết:

Học thuyết của Hoa Nghiêm là “Thanh tịnh tâm duyên khởi”, tức là bản thể chân nguyên phô trần mọi hoạt biến, mọi sự vật hiện tượng sai khác nhau, nhưng chung kết thì tất cả sự sai biệt đều được quy về tâm “Nhất thiết duy tâm tạo”. Muôn pháp còn quy vào một tâm huống chỉ là Tam tạng kinh điển. Thế nên, Phật không muốn vướng mắc vào ngôn ngữ văn tự, dù trong bốn mươi chín năm ròng rã, Phật đã dày công quay bánh xe Pháp khắp nơi để truyền bá đạo mầu, mà Ngài vẫn cho rằng mình chẳng hề nói một chữ, một câu! Phật đã chối bỏ chữ nghĩa và lời nói, chỉ vì lời nói và chữ nghĩa chỉ là phương tiện để chỉ cái tâm bừng sáng trong mọi bộ kinh, xuyên qua bức màn danh ngôn, nghĩa tướng mà thôi:

Nhược nhân dục thức Phật cảnh giới
Đương tịnh kỳ ý như hư không
Diệc vô phiền não cập chư thủ
Sở đắc tướng tâm vô chướng ngại
(Kinh Hoa Nghiêm)

Tạm dịch:
Muốn biết cảnh giới Phật thế nào thì phải lắng tâm thanh tịnh như hư không. Khi tâm đã thanh tịnh như hư không rồi thì những kiến chấp phiền não không còn nữa. Lúc đó, tâm của chúng ta sẽ chan hòa khắp tất cả mọi nơi.

Tìm hiểu về tư tưởng và học thuyết “thanh tịnh tâm duyên khởi” trong Kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy đây là một hệ thống tư tưởng rất biện chứng, rất thực tiễn, là then chốt để đi vào thế giới vô biên một là tất cả, tất cả là một. Trong một vi trần và cũng từ trong một vi trần này hiển thị thể tánh của chân tâm hay ba đời chư Phật trong một niệm. Và như thế, con người, tất nhiên là mọi người đều có thể vươn đến đỉnh cao nhất của sự hoàn thiện hay toàn tri ngay trong đời sống hiện thực. Và con người là một vũ trụ, với đầy đủ tính năng của vũ trụ. Con người là Phật, với đầy đủ tính năng của Phật.

Tựu trung, sự nỗ lực tuyên thuyết Kinh Hoa Nghiêm của các nhà Đại thừa rõ ràng không ngoài mục đích soi sáng duyên sinh quan, thế giới quan, vũ trụ quan và nhân sinh quan Phật giáo.

T.N.T.Q

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here