Mỗi người trong chúng ta trên con đường tu học của mình đều đi qua những chặng đường thử thách, nội ngoại ma chướng, vì vậy hành giả cần phải luôn luôn có chánh kiến và chánh tư duy để soi rọi mọi huyễn tướng giả danh, mới mong hết khổ đau vô minh. Là người Phật tử, bất luận là tại gia hay xuất gia, việc thực hành theo lời đức Phật là cầu mong trí huệ để giải tỏa các triền phược, bước tới thánh địa, giải thoát cảnh khổ sinh tử luân hồi. Khổ đau sinh tử là do định kiến vô minh, sở tri hạn hữu, rồi bị trói buộc bởi ngũ dục (tài sắc danh thực thụy); khổ đau phát sinh khi cái chúng ta muốn nắm bắt truột khỏi tầm tay, cái danh vọng hão huyền, cái đam mê say đắm khi vô thường đến. Đó là cái vòng luẩn quẩn.
Cái sở tri vốn dĩ không phải là chánh kiến, mà nó truy xuất như một dữ liệu có sẵn mà văn hóa đã dạy chúng ta, nó ngược chiều với chánh kiến (sự thấy biết đúng đắn không có sự dính mắc của tham ái theo thiên hướng hữu ngã), có như vậy chúng ta mới nhận chân ra được mọi hiện hữu sinh diệt vô thường (sự thấy biết theo thiên hướng vô ngã), mới làm cho chúng ta không còn phải đau khổ và thắc mắc, hay còn gọi là trí huệ xa lìa khổ đau. Để hóa giải sở tri và tiến gần với trí huệ xa lìa khổ đau hay chánh kiến, người Phật tử chúng ta cần tu tập thêm Giới và Định, chiếc vòng “kim cô” vô giá.
Tu tập là nuôi dưỡng tâm từ bi, chất liệu từ bi được ví như nước cam lồ, làm cho cái sở tri mát dịu thuần thục; cái sở tri vốn động như chú khỉ, muốn làm theo thiên hướng chỉ đạo của tư duy, nhưng cũng rất dễ đi vào ma đạo nếu không có sự thực hành giới và tu tập định tâm. Bàn về Tây Du Kí, Thích Chơn Thiên giải thích thật rõ: “Trí tuệ của Tôn Hành Giả (nặng phần tự độ) cần phải được tu tập cùng với bi tâm độ sinh (phần độ tha của Đường Tăng) thì mới thiện xảo, mới tiến gần giải thoát tối hậu. Cũng thế, bi tâm cần được trí tuệ vô ngã dẫn đường, nếu không thì dễ lạc đạo. Tác giả Ngô Thừa Ân diễn đạt điểm giáo lý này qua sự xây dựng hai nhân vật Đường Tăng và Tôn Hành Giả. Khi nào mà Đường Tăng không nghe Tôn Hành Giả thì phái đoàn Tây du mắc nạn lớn. Khi nào mà vắng bóng Ngộ Không thì ma quái hiện ra hành hung, phái đoàn Tây du trở nên buồn bã ảm đạm như một phái đoàn đưa đám tang.” Hay: “Người tu giải thoát rời xa trí tuệ một bước thì bị họa liền một bước. Cần phải thường xuyên giữ chánh niệm hay “như lý tác ý” để tránh các nạn.” [1]
Tai nạn ở đây là chúng ta đã đánh mất niềm tin với đạo, chúng ta cứ ngỡ ngũ dục là sự bảo hiểm của đời sống, khi ngũ dục không còn nữa theo quy luật có không thì chúng ta vẫn khổ đau như thường. Nếu như vậy thì cho dù chúng ta có mua bao nhiêu chiếc vòng "titan thần diệu" để đeo vào mình cũng không giúp bạn thoát khỏi địa ngục, huống hồ chi đây lại là "vòng titan thần điêu" thì hố thẳm địa ngục là điều chắt chắn. Nhưng điều đáng nói là chúng ta không nên mạo nhận hay ngộ nhận, hoặc chủ quan khi mình đang nằm trong hào quang kiên cố của người khác, kể cả trong hào quang của Phật và Bồ-tát. Chúng ta càng không thể yên tâm để nghĩ rằng tiền trong ngân hàng tự động sinh lãi, “sống” trong đạo là chứng đạo; chúng ta có ngờ đâu ngân hàng cũng có ngày phá sản, “sống” trong đạo mà không tu lại phá đạo. Niềm tin của chúng ta cũng chưa thể gọi là chánh tín để tạm gọi là một Phật tử, chúng ta cũng nên đặt thật nhiều câu hỏi cho riêng mình về niềm tin đó. Giả như có thì tại làm sao phải nhờ đến “thần diệu” của vòng Titan?
Đức Phật từng dạy về niềm tin cho những người Kàlama như sau:
“Này các Kàlama, chớ vội tin vì nghe truyền thuyết, chớ vội tin vì theo truyền thống, chớ vội tin vì được kinh điển truyền tụng, chớ vội tin vì lý luận siêu hình, chớ vội tin vì đúng theo một lập trường, chớ vội tin vì phù hợp với định kiến, chớ vội tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền và chớ vội tin vì vị Sa môn nói ra những lời ấy là người thầy của mình.
Này Kàlama, khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là bất thiện, là tội lỗi; các pháp này bị những người có trí chỉ trích; các pháp này nếu chấp nhận và thực hiện đưa đến bất hạnh và khổ đau, thì này Kàlama, hãy từ bỏ chúng.
Này Kàlama, khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là thiện, là không có tội lỗi; các pháp này được những người có trí tán thán; các pháp này nếu chấp nhận và thực hiện đưa đến hạnh phúc và an lạc, thì này Kàlama, hãy chứng đạt và an trú.” (Kinh Tăng Chi Bộ I)
Đức Phật còn dạy:
“Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với Chánh pháp, đừng thắp lên với một pháp nào khác. Hãy tự mình nương tựa nơi chính mình, nương tựa với Chánh pháp, đừng nương tựa với một pháp nào khác.” (Kinh Trường A Hàm).
Qua hai lời dạy trên của đức Phật thôi chúng ta cũng phải tự suy gẫm lấy mình, đừng vội tin vào những điều mà chúng ta chưa hề biết rõ, thấy rõ và đừng giao phó niềm tin của mình cho một người khác. Mà chúng ta tin chính mình, vì mình là người hiểu rõ mình nhất. Tin hằng ngày chúng ta làm được việc thiện, tin trong chánh kiến để tu hành thì dần dần được giải thoát và an lạc, tin có Phật tánh rồi tu hành sẽ thành Phật. Mọi kết quả đều do một quá trình nỗ lực của mỗi chúng ta, không do một ai khác thay ta hay ban cho ta, mà do chính chúng ta tự phấn đấu; sự tu tập giác ngộ là một tiến trình thực hành Giới Định Huệ, chuyển hóa thân tâm, tự cứu mình ra khỏi địa ngục, đi vào chánh đạo thênh thang.
Gần đây sản phẩm “vòng hộ mệnh titan” đã bán ra thị trường gây náo động trong xã hội, làm nhức đầu nhiều cơ quan chức năng và người dân nhẹ dạ cả tin, kể cả trong nhà chùa cũng lắm thầy sở hữu nó. Điều này cũng là tiếng chuông cảnh báo sự mê tín ở trong dân gian đã đến điểm đỏ. Nhà sản xuất thì lợi dụng sự sự mê tín của người tiêu dùng, thậm chí cuồng tín không thấy được đâu là tà đâu là chánh, nên đã không sợ nhân quả mà buôn thần bán thánh. Nhìn thấy mà sợ, cho nên trách nhiệm của người tu sĩ cũng rất quan trọng trong việc hướng dẫn quần chúng Phật tử, và chính bản thân cũng phải cân nhắc khi thực hành các việc lễ nghi tôn giáo và văn hóa tín ngưỡng dân gian thuần túy. Không phải cứ ở đâu có hàng bông chuối thì thắp hương đến vái, hoặc vòng có chữ Tàu thì bảo là linh, chúng ta nên nhớ rằng “ma cũng giả được cảnh Phật”. Sự suy thoái đạo đức trong xã hội ngày nay ở trong mọi giai tầng xã hội đã chứng minh điều đó, người viết không sợ người khác nói là vơ đủa cả nắm, mà càng phải cứng rắn và nhấn mạnh vào các hoạt động tâm linh nói chung và Phật Giáo nói riêng, vì đó là những nơi gìn giữ giềng mối đạo đức cho xã hội.
Để tránh được tại họa cho mình và cho xã hội, hằng ngày chúng ta nên đọc lại những lời đức Phật dạy, học là làm theo những lời đức Phật dạy để nghiệp chướng dần tiêu, nhờ ánh sáng của giáo lí mà chúng ta bớt đi tham dục, tám thứ gió không làm lay động niềm tin giải thoát. Nên giảm và tránh những nghi lễ rườm rà động tâm, hướng tâm về điều lành, dừng các điều ác, suy nghĩ những điều lành mạnh. Đó là chiếc vòng quý giá và đáng trân trọng nhất, mà dừng lại vòng dây oan nghiệt.
T.N
[1] Link: http://www.quangduc.com/TruyenNgan/161tayduky1.html