Theo Phapluan.net dẫn nguồn tin của nhật báo Edmonton Journal số ra ngày 26 tháng 5 có tựa đề “When Buddha sell” (“Khi hình ảnh Đức Phật được đem ra mua bán”), trong đó có đoạn viết “Ngày nay nhãn hiệu đồng nghĩa với lợi nhuận. Ngành tiếp thị tìm cách tạo sự ưa chuộng các mặt hàng hoặc dịch vụ bằng cách đánh vào thị hiếu của người tiêu thụ.
Với sự phát triển của Phật giáo trong các nước Tây phương, ngành thương mãi và tiếp thị dùng đến danh hiệu và hình ảnh của Đức Phật để khuyến mãi các mặt hàng của họ.
Đức Phật đã tạo được sự chú ý của các nhà phát hành sách, các nhà làm phim, giải trí và ngay cả những người làm vườn. Nhiều chủ nhà có khuynh hướng chưng bày tượng Phật trong vườn của họ.
Phật tử chân chính không bao giờ dùng hình tượng Đức Phật hay các Phật tích vào việc trang điểm. Nhưng ngày nay ở các chợ nhiều mặt hàng mang tên đức Phật như gạo, bánh tráng, bột gạo, bún gạo, ngay cả bia rượu (hãng bia Xinchang Brewery ở Trung quốc). Đây là một lỗi lầm trầm trọng vì đức Phật khuyến khích đệ tử của ngài không nên uống rượu.
Dùng hình tượng đức Phật vào việc tiếp thị là một sự phỉ báng trầm trọng. Sự phỉ báng tồi tệ nhất xảy ra vào năm 2004 khi hãng Victoria’s Secret tung ra thị trường mẩu áo tắm hai mảnh có in hình đức Phật. Mặc dù hãng này không có buôn bán ở Thái Lan, nơi 90% dân số là Phật tử, nhà cầm quyền Thái cũng đã chỉ trích các mặt hàng này và cảnh sát đã tìm cách ngăn chận sự nhập cảng sản phẩm này dù qua thương gia hay cá nhân. Cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng đã làm kiến nghị tẩy chay sản phẩm này vì đức Phật và cây Bồ Đề là hình ảnh vô cùng tôn kính đối với người Phật tử. Đem in những hình ảnh này lên bộ đồ dùng để che những nơi kín đáo của phụ nữ là sự phỉ báng vào lòng tin sâu xa của họ.”
Thực vậy, việc sử dụng hình ảnh của những lãnh tụ tôn giáo, những nhà đạo đức mà đặc biệt là những Đấng giác ngộ, tĩnh thức như Đức Phật-một tấm gương lớn để thế giới soi chung về hạnh nguyện từ bi và trí tuệ, về công trình tu chứng vĩ đại của ngài để thoát ly tham dục-trong lĩnh vực kinh doanh và tiếp thị là một tiền lệ xấu không những cho Phật giáo mà còn cho các tôn giáo khác trên thế giới. Bởi chưng Ngài đã khai phá vô minh và chỉ rỏ cho chúng sanh đang trầm luân trong bể khổ chỉ vì sự tham muốn và mưu cầu dục lạc. Ngài là đấng Đạo sư ung dung tự tại trong vòng danh lợi, và vì hạnh nguyện từ bi mà hiện thân vào lục đạo để tìm bày phương tiện giúp người qua bờ giác. Từ đó phái hiểu một cách nghiêm túc rằng, Đức Phật không phải là “sứ giả từ bi” cho các nhà quảng cáo, càng không phải là “ nhà rao bán” sản phẩm kinh doanh cho họ như “dụng ý” mà họ lồng vào trong sản phẩm kinh doanh của mình.
Cũng mới đây thôi, trên trang web của một cửa hàng kinh doanh trên mạng về sản phẩm áo pun (T-shirt và polo-shirt) cho chó và đồ lót, xuất hiện rất nhiều sản phẩm có in hình đức Phật, thần Shiva, Mahatma Gandhi và Chúa Jesus.
Những mặt hàng thiếu văn hoá này ngay lập tức bị phản ứng bởi quốc gia 64 triệu tín đố Phật giáo Thái Lan. “ Không những Phật tử Thái mà tất cả những người con Phật trên khắ p thế giới đều bị xúc phạm. Chúng tôi rất bức xúc về sự xuất hiện của những sản phẩm không lành mạnh này. Thông qua Liên hợp quốc, các nhà ngoại giao của chúng tôi sẽ cố gắng thúc ép để cửa hàng kinh doanh trên mạng cafepress.com tại California dỡ bỏ những mặt hàng trên” Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan Piriya Khempon nói.
Và những phản ứng kịp thời trên của Phật tử Thái đã phát huy hiệu quả ngay lập tức; hôm qua, thứ tư ngày 30 tháng 5, cửa hàng Cafepress.com đã đồng ý dở bõ toàn bộ các danh mục hàng áo T-shirt của chó và đồ lót có in hình Đức Phật. Đây có thể nói là một tín hiệu đáng mừng cho 360 triệu tín đồ Phật giáo thế giới nói chung và cho Phật tử Thái và Việt Nam nói riêng về sự thành công trong việc bảo vệ hình ảnh của đấng từ phụ Bổn sư của chúng ta.
Qua những sự kiện trên, chúng ta thấy sự lạm dụng hồng danh và hình ảnh về Đức Phật của các nhà sản xuất kinh doanh cho các sản phẩm của mình chỉ vì một “ma lực” duy nhất là “lợi nhuận”.
Và khi mà nền kinh tế thế giới đang chuyển mình theo điệu vũ “toàn cầu hoá”, thì sự lạm dụng này càng xãy ra trên diện rộng hơn với nhiều cấp độ và những hệ luỵ khác nhau. Đã đến lúc, các nhà lãnh đạo tôn giáo và các nhà quản lý văn hoá trên thế giới cần có những “hội nghị chuyên đề về việc sử dụng tôn giáo vào mục đích kinh doanh” để đưa ra những tiêu chí định hướng chung cho các doanh nhân mỗi khi muốn tung ra một sản phẩm có sử dụng “khía cạnh tôn giáo nhạy cảm” này. Có như thế chúng ta mới có thể phân biệt rạch ròi giữa đời sống vật chất và tinh thần nhằm tôn vinh những giá trị của đạo đức và tôn giáo ngõ hầu làm cho đời sống tâm linh của chúng ta thêm phong phú và có nhiều ý nghĩa hơn.
Tâm Đức (Theo phapluan.net, buddhistchanne.tv)