Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo thế giới Hội nghị Phật Giáo Thế Giới lần thứ tư tại Thái Lan

Hội nghị Phật Giáo Thế Giới lần thứ tư tại Thái Lan

124
0

Hội nghị Phật Giáo Thế Giới lần thứ tư tại Thái Lan (từ ngày 26 – 29/05/2007)


Đoàn Việt Nam do Hoà Thượng Thích Trí Tâm làm trưởng đoàn cùng với 20 đại biểu chính thức và trên 100 Tăng Ni Phật tử khắp các tỉnh thành đã đến dự, đặc biệt có Thượng Toạ Trí Siêu (Tiến sỹ Lê Mạnh Thát) là thành viên chính thức của Tổ chức đã đem lại tiếng nói lớn của Phật Giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo Thế giới.


Đại Hội với chủ đề “Cống hiến của Phật giáo cho sự điều hành tốt và phát triển” (Buddhist Contributions to Good Gevernance and Development) đã đề cập đến rất nhiều vấn đề của Phật giáo trong thời hiện đại, đồng thời đưa ra những quyết định thống nhất về phương thức và các hoạt động chung cho Phật giáo toàn thế giới. Cụ thể là thống nhất hằng năm tổ chức hội nghị nhằm ngày Phật Đản, mỗi nước đều có quyền đăng cai hội nghị này; thống nhất chọn ngày trăng tròn tháng Năm dương lịch để tổ chức lễ Phật Đản trên toàn cầu; thống nhất thành lập trang thư viện điện tử nhiều ngôn ngữ theo địa chỉ http://www.buddhist-elibrary.org http://www.buddhist-elibrary.org để truyền đạt thông tin rộng khắp hơn. Đặc biệt Hội Nghị đã thành lập một tổ chức mới có tên gọi là Hiệp Hội Đại Học Phật Giáo Thế Giới viểt tắt là IABU (International Association Buddhist Univercity) với 80 cơ sở Đại học từ 23 nước và vùng miền khắp 5 châu. Hiệp Hội đã bầu tiến sỹ Lê Mạnh Thát làm Phó Chủ tịch. Ngoài ra, Hội nghị còn đưa ra những quy định chung cho lĩnh vực giáo dục ở hệ đại học và cao đẳng về giá trị bằng cấp có giá trị quốc tế, về chương trình và giáo trình tương đương.

Việt nam là nước thứ hai được Liên Hiệp Quốc trao quyền đăng cai tổ chức Hội Nghị Phật Giáo Thế Giới sau Thái Lan vào năm 2008. Bế mạc Hội nghị, Ban tổ chức ICO (International Organizing Committee) đã long trọng trao biểu tượng luân lưu cho Việt nam với sự có mặt của Đại sứ Việt nam tại Thái Lan, Hoà Thượng Thích Trí Tâm và Tiến sỹ Lê Mạnh Thát đã tiếp nhận huy hiệu này.


Thủ tướng Thái Lan đã có bài phát biểu rất sâu sắc về các khái niệm quản lý liên quan đến lời dạy của đức Phật và ông cũng nhắc đến đế chế Asoka trong việc quản lý quốc gia ổn định nước nhà. Thủ tướng khẳng định chỉ có con đường Trung Đạo mới phù hợp cho sự phát triển kinh tế và xây dựng đạo đức xã hội.


Sau Hội nghị này, Việt nam là nước chủ nhà trong năm tới nên cũng đã có những kinh nghiệm để chuẩn bị Hội Nghị Phật Giáo Thế Giới năm 2008 sẽ hoành tráng và ấn tượng hơn. Là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị Phật Giáo Lần Thứ V, chúng ta có cơ hội giới thiệu hình ảnh Phật giáo Việt nam cho thế giới, bên cạnh đó chúng ta còn có những lợi ích thiết thực về mặt giáo dục và ngoại giao. Chúng ta sẽ quảng bá cho các nước thấy được Đạo Phật và dân tộc Việt nam luôn song hành suốt chiều dài của lịch sử đất nước.


Tuy nhiên, chúng ta cũng cần suy xét lại hệ thống giáo dục Phật giáo Việt nam hiện nay để có những bước tiến triển mới. Hầu hết các trường Phật học, từ Sơ cấp cho đến Đại học, chưa có hệ nào có một chương trình, giáo trình thống nhất. Người dạy môn nào thì chỉ soạn ra một giáo trình riêng, ngưòi học không biết dựa vào tư liệu nào để theo dõi và nâng cao kiến thức, đào tạo trình độ Sau Đại Học vẫn chưa có. Trong xu hướng toàn cầu hoá như vậy, chúng ta buộc phải chuẩn hoá chương trình và bằng cấp để sinh viên các nước có thể đến đăng ký theo học. Bởi vậy, để chuẩn bị tổ chức Hội Nghị Phật Giáo Thế Giới năm 2008, Việt nam cần có những cuộc Hội thảo tiền đề để hoàn thành những nhu cầu căn bản mà Hiệp Hội này đã đề ra.





  • Thích Phước Nghiêm

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here