Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Nẻo về đất Tổ

Nẻo về đất Tổ

140
0

Ôi chao! Cao quá! Vốn là người ít leo núi, nên con cảm thấy hơi lo lo…  Ồ! May quá, ở đằng kia có cáp treo rồi! Rứa là nỗi lo vơi đi được một chút. Hân hoan trong hộp cáp, con có dịp nhìn xuống phía dưới, chiêm ngưỡng được màu xanh từ những ngọn lá của rừng cây. Cây nào cũng cao, cũng lớn cả. Có những cây đã già cỗi rồi nhưng vẫn đứng sừng sững ra đó, trông rất oai vệ. Hộp cáp đưa con đi quá nhanh, có lúc tưởng chừng như mình sắp bị vướng vào một ngọn cây gần đó. Khoảng chừng mười phút trôi qua, con phải từ giã hộp cáp, đặt những bước đầu tiên lên hành trình Hoa Yên.

Du khách ở đây rất đông, nhìn trên gương mặt, ai nấy đều tỏ ra hớn hở. Họ dừng lại thật lâu bên những ngọn tháp cổ kính đầy rêu phong, lớn nhỏ có khoảng 40 cái, rồi tỏ lòng cung kính khấn nguyện.

Con dừng chân trọ qua đêm ở chùa Hoa Yên đúng vào đêm trăng sáng. Một mình, con lững thửng dưới những tán cây cao vút, ngắm nhìn trăng giỡn đùa rải hoa trên mặt đất và lắng nghe tiếng suối đâu đây rì rào, hoà cùng với tiếng xạt xào của lá trúc. Bất giác, con chợt nhận ra chính mình. Ấm áp và bình yên chi lạ.

Những cội tùng già giữa núi rừng thiêng Yên Tử

Lần đến cạnh một cây tùng, tương truyền rằng, nó đã được trồng từ khi vua Trần Nhân Tông lên trên núi Yên Tử tu hành, nhẫm tính đến nay đã hơn 700 năm rồi. Thế mà nó vẫn còn đó; nó còn như minh chứng cho nỗi thăng trầm của đất Tổ. Con ghé tai lắng nghe cây tùng kể chuyện: ‘Bảy trăm năm nay, Yên Tử đã gắn liền với tên tuổi của một vị Hoàng đế Trần Nhân Tông. Sau chiến thắng quân Nguyên Mông, ngài đã rời ngai vàng và chọn Yên Tử làm chốn khổ hạnh. Thiền phái Trúc Lâm, do ngài sáng lập, giờ đây đã trở thành mạng mạch rất quan trọng đối với Phật giáo Việt nam. Nó là chiếc nôi nuôi dưỡng và un đúc những tinh hoa của đạo Phật qua bao thế hệ. Đã bảy trăm năm rồi, nhưng dấu tích của ngài vẫn còn đó, hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am tháp, hàng ngàn di vật cổ quí’.

Sáng sớm hôm sau, con lại hoà cùng với dòng người hành hương để tiếp tục chặng đường còn lại. Ôi! Sao mà vui quá! Tiếng cười nói của nhau, tiếng vọng về của núi, và cả tiếng lọc cọc của chiếc gậy trúc va vào những tảng đá nối tiếp nhau, đưa bước chân nhỏ bé của mình lên đến tận trên đỉnh.

Những ngôi chùa xinh xắn và những ngôi bảo tháp trầm mặc trên một đỉnh non cao.

Đứng trên đỉnh núi cao ngút ngàn, phóng tầm mắt nhìn trời mây non nước hữu tình với ngôi cổ tự nên thơ, thật khó có thể tả nổi cảm giác của mình lúc này. Một ngôi chùa xinh xắn trên một đỉnh non cao. Ngài ngồi đó với đôi mắt bao dung dưới ánh hào quang nhật nguyệt. Gương mặt ngài toát lên vẻ viên mãn của một vị chân tu giác ngộ. Một nụ cười hàm tiếu còn đọng lại miên viễn trên môi.

Được chiêm bái ngài nơi đây, lòng con như được lây lan một niềm vui vui nho nhỏ, một niềm vui chân thật đang phát ra từ chính tâm mình. Con bất chợt nhìn xuống, hướng theo những tia nắng lung linh, một thảm màu xanh trải dài… Và con như đang đi trên đó. Xa xa những hòn đảo nhỏ thấp thoáng giữa một Vịnh Hạ Long trong xanh mượt mà. Cõi lòng con từ từ tan ra, từ từ hoà vào giữa hư không cùng một màu xanh thanh tịnh. Trong bâng quơ, bỗng dưng con lại nhớ đến mấy vần thơ:

“Nào ai quyết chí tu hành,
Có về Yên Tử, mới đành lòng tu”.

Con quỳ gối giữa đỉnh non cao, thành tâm hướng về ngài, cầu nguyện cho màu xanh này luôn luôn ở nơi mỗi người con Phật. Trang nghiêm và thanh tịnh đến diệu kỳ.

 K.C

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here