Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Đôi quang gánh…

Đôi quang gánh…

140
0

Những sáng tinh sương, trời đang còn rét và lạnh như cắt, mẹ tôi đã vội quàng đôi quang gánh trên vai và đi mua hàng tận ngoài quê của ngoại. Quê ngoại tôi cách chừng 15 km về phía Bắc thành phố Huế. Nó được gọi là làng ‘Thanh Lương’. Cả cuộc đời lo cho kế sinh nhai của gia đình, mẹ tôi thật gian nan và vất vả. Hồi đó, đường sá xấu xa và ghồ ghề, chứ không phải khang trang và rộng rãi như bây giờ. Đường vào làng, khi trời nắng thì đầy bụi bặm và chói chang, nắng gắt và nóng rát cả da thịt; còn lúc trời mưa thì trơn ướt và lầy lội, lạnh buốt đến tim gan. Buổi sáng, khi mua hàng xong là trở ra đường chính (cái) chờ đón xe hàng, rồi đưa về chợ Đông Ba để bán. Hàng hoá nào có nhiều nhặng chi đâu, mà mẹ tôi bán từ sáng đến bốn, năm giờ chiều mới về. Còn tôi, lúc nào nghỉ học, tôi thường ra cổng ngóng đợi mẹ về. Những lúc quá mệt đến nỗi mẹ tôi đi bổ xiêu bổ mếu, ngã nghiêng ngã ngửa từ cổng vào, da mặt bợt nhợt và tái xanh trông thương tâm quá. Cứ mỗi khi đi chợ về, mẹ thường cho chị em chúng tôi mỗi đứa một vài cái kẹo gừng, kẹo cau, mà mẹ biết chúng tôi thích lắm và khoái khẩu lắm. Chúng tôi ăn ngấu nghiến những trái ổi; còn mấy cây kẹo cau, kẹo gừng thì ăn ‘nhín nhín’ sợ chóng hết.

Dọn dẹp quang gánh xong, mẹ đi vo gạo nấu cơm tối cho gia đình, ngày qua tháng lại công việc mua bán và nội trợ cứ quần quật như thế. Ba tôi thì rất mực nghiêm khắc; còn mẹ thì quá đỗi hiền lành. Hai người như hai thái cực; vì thế cho nên, chúng tôi ít thích nói chuyện với ba mà cứ thường thích xúm xít quanh mẹ. Đáng thương cảm nhất là những lần mẹ bị ba ‘ăn hiếp’, mẹ tôi cũng phản đối nhưng chẳng thấu đâu cả. Thoáng nhìn trộm, tôi thấy đôi mắt mẹ buồn bã vô cùng; nỗi buồn phiền và lo toan lại đè nặng lên đôi vai gầy guộc hằng ngày với quang gánh khổ cực. Thế là không những đôi quang gánh hàng ngày đã đè nặng đôi vai gầy, mà mẹ lại gánh thêm một nỗi buồn phiền về những lời lẽ nặng nề của ba tôi. Hàng hoá thì ngày nào cũng bán hết; còn nỗi buồn phiền về ba tôi thì bán mãi mà chẳng ai mua!

Một ngày nọ, khi mặt trời chưa đứng bóng, nhìn ra cổng, tôi bỗng thấy mẹ tôi về mà không có đôi quang gánh trên vai; chỉ thấy chiếc đòn gánh bị gãy làm đôi đang còn trên đôi tay gầy guộc của mẹ. Hớt hãi bước nhanh vào nhà, mẹ liền hỏi: “Ba mô rồi con? Mấy đứa đi mô hết rồi?”. Rứa là mấy chị em tôi vây quanh, rồi rối rít hỏi: “Ủa, răng rứa mạ? Chớ gióng gánh của mạ mô rồi? Mạ bán hàng hết chưa mà về rứa? Còn cái đòn gánh mần răng lại bị gãy rồi?” Bị hỏi dồn dập, mẹ tôi nói không ra hơi. Sau đó chị em chúng tôi để ý thấy cái đòn gánh đã quá cũ kỹ rồi; vì tiếc tiền không mua cái mới, cho nên bửa nay gánh hàng ra chợ, nó đã bị gãy làm hai. Có lẽ vì còn quá mê tín và tin dị đoan, cho nên cứ đinh ninh rằng ở nhà có lẽ đã xảy ra điềm không may; do đó, ngay khi đòn gánh bị gãy, mẹ chẳng màng chi đến chuyện bán buôn nữa, mà lập tức gởi hàng cho người bạn bên cạnh ở chợ, rồi chạy một mạch về nhà xem thử có chuyện gì không may xảy ra hay không.

Trời ơi! Cũng vẫn đôi mắt buồn bã ấy mà đầy ắp cả tình thương, trách nhiệm và bổn phận nơi mẹ, khiến chị em chúng tôi đau nhói cả ruột gan. Kể từ đó, hình ảnh ấy vẫn còn hiện mãi trong tôi. Nó cứ chập chờn trong ký ức, thậm chí khi gặp những người đàn bà trạc tuổi mẹ, với đôi quang gánh kẽo kịt trên vai, với chiếc nón cũ kỹ và đôi dép sắp đứt quai, mà cứ nhớ đến mẹ mình. Ba mươi năm rồi, mà cứ ngỡ hôm qua. Ba mươi năm rồi tôi không còn mẹ. Đôi quang gánh ấy trên vai, chiếc đòn gánh bị gãy trên đôi tay gầy guộc, chỉ bấy nhiêu thôi, mà hình ảnh ấy thật khó khai mờ trong ký ức.

N.Q

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here