Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Bếp lửa mùa đông

Bếp lửa mùa đông

129
0

Những ngày mùa đông đã qua, khi cái lạnh tê tái buốt cuộn vào da thịt cứ tiếp nối những cơn mưa dai dẳng thối cả đất cát, sáng mở mắt lòng tôi lại ấm với bếp lửa mẹ nhóm, rồi trong đầu lại văng vẳng mấy câu thơ Bằng Việt, lúc bùng lúc dịu như bếp lửa thật bên ngoài.

“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – Bếp lửa”

Những mùa đông đó, có lẽ nhiều người trong chúng ta, ai cũng có một lần ngồi bên bếp lửa mỗi sáng đông tê buốt dài lê thê. Trong cái lạnh khắc nghiệt ấy, bếp lửa ấm áp là món quà lớn giữa buổi sớm mai, sưởi ấm cơ thể mới chầm chậm trồi ra khỏi chăn bông và sưởi ấm cả tâm hồn ngủ quên giữa đông giá.

Mùa đông bây giờ, bếp lửa ban mai chỉ còn là kí ức, là kỷ niệm đẹp mà sáng ra vẫn muốn tìm lại, bởi mùa đông xứ Huế vẫn còn lạnh, vẫn đến đúng như lịch trình thường niên, vẫn để buồn trầm lắng cho Huế thân thương. Quái lạ! Hình ảnh bếp lửa đã theo tôi và âu là sẽ theo suốt cả cuộc đời. Thời trẻ con đó tôi thì khôn ngoan gì chứ, chẳng đủ tuổi để có suy nghĩ hay cảm nhận gì lớn lao, chỉ vì thích ngồi bên bếp lửa, vào mùa đông, vì nó ấm. Vì được ăn khoai nướng ngọt ngon nóng hổi và những trò giơ tay nghịch lửa, nhặt than lăn để ném lại vào giữa bếp. Có thế mà bây giờ ăn sâu làm kỷ niệm: liệu có phải những gì ta đang trải nghiệm với một chút vui thoáng trong lòng sẽ mãi ăn sâu trong tâm hồn đến mãi sau?

Trời mùa đông, thi thoảng chị em tôi lại dẫn nhau đi cà-phê sáng, gọi cho nhau cà-phê sữa nóng đặc sánh. Tôi mỉm cười, thích thú với ký ức đang gợi lại, khi mỗi buổi sáng tôi ngồi nhìn những đụn bọt màu nâu nâu, màu như cà-phê sữa xèo xèo ở đầu thanh củi và có mùi hăng hắc ngửi thấy vui vui ở đầu mũi. Hồi đó tuổi nhỏ, tôi không giải thích nổi đó là do nhựa cây trong thân củi chưa khô hết, bị nung nóng nên trào ra theo lỗ hổng giữa cây, nhưng thích vì thấy nó là lạ.

Chẳng lẽ, điều ta thấy thường hay có lúc ghét sợ nó, mãi về sau có lúc lại thích quay về bới tìm mãi? Vì sợ đụng phải cái bọt đó mà mỗi lần đẩy củi vào là chị em tôi không dám dùng tay, phải cầm một que củi khác để đẩy. Để bây giờ có lúc ngồi giữa bốn bức tường kín gió, nhìn cà-phê mà lại thèm có bếp lửa, lại muốn thấy bọt đùn ra, để lần này sẽ phải lấy tay quyệt cho biết nó là thế nào.

Mỗi lần có vật gì đó lẫn vào, cháy trong lửa rồi nổ tí tách nghe thật lạ tai. Sau một loạt thanh âm tí tách, chị em tôi cứ hay tưởng tượng sẽ có một vị thần hay điều kì diệu nào đó xuất hiện, như trong truyện cổ tích. Thích hơn nữa là lúc lửa gần tắt, mấy đứa lại tranh nhau ống thổi, hì hà hì hục lấy hết hơi hết sức thổi cho ngọn lửa cháy bùng lên. Có khi thổi văng cả nước bọt lên thân ống, có khi thổi mạnh đến nỗi tro tung tóe bay vào cả mặt mũi. Và mấy chị em lại cười rộ, trêu nhau. Những lần bay cả vào nồi thức ăn trên bếp, chúng tôi lại được mẹ mắng yêu, lại cười ngặt nghẽo chỉ mặt nhau dính tro, dính nước bọt. Nhưng mỗi lần như thế, tôi lại có cảm giác vui lạ lắm, như mình là người hùng đã cứu vớt ngọn lửa leo lét làm nó bừng lên. Một việc nhỏ xíu nhưng đối với những đứa con nít lại là điều lớn lao và đáng tự hào. Cái khác là khi con người ta lớn lên, ý thức và trải nghiệm, thì không nỗ lực một cách vô thức vì niềm vui đơn giản như vậy nữa, đó là sự đánh mất hay trưởng thành cùng thời gian?

Những lần lùi khoai lang đến cháy đen cả vỏ rồi bẻ chia nhau ăn. Tay đứa nào đứa nấy dính đầy than, vô tình quệt lên mũi, lem luốc rồi cười với nhau, trêu nhau bằng tiếng Huế là “mặt dính lọ nghẹ rồi”. Khoai lùi thơm nức mũi, ăn đến đâu cảm nhận được mùi vị đến đó. Mùi của khoai, của tro, của khói hòa quyện vào nhau tạo nên một mớ mùi vị rất riêng. Ngồi bên bếp lửa chúng tôi tha hồ được ngửi mùi thơm của thức ăn chín tới, được nhìn thấy những làn khói nghi ngút bốc lên. Cảm giác thật ấm áp lạ thường. Rồi canh thức ăn sôi rồi í ới kêu mẹ tới nhắt xuống và chuẩn bị cho bữa ăn. Bữa cơm mùa đông nhờ thế mà ấm cúng, mấy chị em thường ăn ngon lành hơn. Giờ đây khi cuộc sống đã hiện đại, bếp lửa ngày xưa không còn nữa. Có chăng chỉ còn lại ở nông thôn và hiếm hoi lắm mới tìm được một vài bếp lửa trong thành phố.

Những mùa đông sau này ở cầu Ngói, tôi và các bạn tôi cũng có một bếp lửa gần gũi thân thương, gắn với bao nhiêu kỷ niệm khi bạn bè quây quần bên nhau, sẻ chia tâm sự. Rồi cùng nhau làm tự làm món này món khác. Tôi thường giành quyền nhóm bếp, nói tiếng Huế là nhen lửa. Cảm giác hì hục nhen lửa để rồi thấy ngọn lửa cháy bùng lên làm tôi thấy thích, đó như là biểu tượng nỗ lực và thành công, ngọn lửa bùng lên như cái bung của khát vọng. Những lần đầu mới làm, tôi ham hố nhét quá nhiều củi vào đến nỗi không có không khí để cháy, nhưng thiếu củi thì lửa không cháy đều. Tôi nghĩ cuộc sống cũng vậy, không hẳn quá nhiều thì có thể cháy tốt, mà thiếu quá rồi cũng chẳng thể bùng lên.

Bạn tôi mỗi đứa một tay, cùng nhau nhào bột, gói lá rồi hấp bánh lên ăn nóng. Dù không vuông vức thẩm mỹ như người ta gói bán, nhưng ăn thì lại thấy ngon cực kì. Của mình làm ra nên ai cũng thấy quý. Mỗi lần chờ bánh chín thật là lâu, cảm giác chờ đợi sản phẩm tự tay mình làm ra ăn như thế nào cũng thật là thú vị. Cuối cùng bánh cũng chín! Rổ bánh nóng hổi hổi được gắp ra bốc khói nghi ngút. Chẳng cần chén dĩa, mạnh ai nấy bốc, thổi phù phù rồi vừa nhai vừa tiếp tục thổi cho khỏi bỏng lưỡi. Có lúc suýt phỏng cả tay. Chúng tôi thành những đứa trẻ háu ăn. Nhưng không khí thì quây quần, vui vẻ. Niềm vui đó trở thành nỗi nhớ, thành kỷ niệm đẹp trong mỗi người chúng tôi. Dường như tôi là người được nhiều hơn cả, bếp lửa mang lại cho tôi cảm giác ấm áp khó tả. Ngồi bên bếp lửa không chỉ được sưởi ấm mà tôi còn cảm nhận được sự bình yên. Nhìn những tia lửa cháy bập bùng làm sáng cả một không gian lóe lên trong tôi nhiều hy vọng. Trước ngọn lửa, tôi có cảm giác như được che chở và sưởi ấm, xua tan giá lạnh và một chút thoảng cô đơn. Bây giờ bếp lửa nhà bạn là nơi nuôi hồi ức bếp lửa nhà tôi thuở trước, liệu một ngày chia xa, bếp lửa này có phải là phép nhân đôi, xoáy sâu tiềm thức tôi về những bếp lửa mãi không còn thấy nữa. Lò sưởi phương Tây thì có phải là bếp lửa củi nữa đâu.

Nhưng tình yêu sẽ nuôi sống tất cả, dù chia xa tôi vẫn sẽ yêu và nuôi bếp lửa trong lòng. Bếp lửa của hồi ức, tôi tin vẫn sẽ sưởi ấm những mùa đông. Mùa đông năm nay, những ngày mưa lạnh tôi sẽ vẫn không ngại xa xôi chạy về chủm bếp, để tận hưởng bếp lửa mùa đông, và để mãi về sau không phải tiếc bởi những gì mất đi rồi mình mới biết là quý…

Theo Khám phá Huế

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here