Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Văn hoá Phật giáo Huế: "ở đời vui đạo"

Văn hoá Phật giáo Huế: "ở đời vui đạo"

133
0

Thiên kinh vạn quyển, dù cho chính đức Phật “thuyết” hay chư Tổ “giảng” thì cũng không ngoài yếu chỉ nói cho con người giữa thế gian này suy nghĩ và nhìn cho rõ sự biến hành của vạn pháp mà phá vọng chấp, đừng bằng vào hiện tượng “như là nó đang có” mà cho là thật để rước lấy cái “khổ” vào thân. Đấy là nói theo giáo pháp nội điển, là cái “bất biến” của đạo Phật. Còn cứ như cái “tùy duyên” của đạo Phật mà con người thường thấy được thì vẫn có xưa nay và có sai khác. Cái sai khác đó chính là sức vận động tiến hóa của cuộc sống. Chính tự thân sự vận động tiến hóa từng giờ từng phút ấy đã bao hàm cứu cánh làm cho cuộc sống vui hơn, đẹp hơn, và yên ổn thái bình hơn, có đạo hạnh hơn. Tất cả những hiện tượng do sự vận động tiến hóa ấy có thể gọi là văn hóa vậy.

Trên đà tiến hóa của con người, Phật giáo vẫn giữ cái bản căn của mình là “tùy duyên bất biến”, cho nên đã có văn hóa Phật giáo. Lại nói đến văn hóa Phật giáo Huế, hẳn không phải là chỉ nói đến những gì nảy sinh ra trên cõi đất xưa gọi là “Châu Ô”, rồi đến lúc gọi là “Châu Hóa”, mãi về sau gọi là Châu Thuận Hóa đời Trần, để rồi đến nay gọi là “Huế”, mà đủ. Bởi vì văn hóa do con người tạo nên để phục vụ lại chính con người đó, mà con người Thuận Hóa xưa và Huế nay vốn có nguồn gốc từ miền Bắc vào: Kinh Bắc, Sơn Nam, Hoan, Ái…Đạo Phật của người dân các xứ hoặc các trấn này là Phật giáo Yên Tử, do Trúc Lâm Tam Tổ thành lập và xiển dương: Đệ nhất Tổ là ông vua, lên làm vua năm 21 tuổi (Trần Nhân Tông, 1258-1308): đệ nhị Tổ là một người bình dân, xuất gia năm 21 tuổi (Pháp Loa, 1284-1330), đệ tam Tổ là một vị Trạng Nguyên, thi đổ Trạng lúc 21 tuổi (Huyền Quang, 1254-1334).

Tuy thế, trên bề mặt, người ta thấy Phật giáo Yên Tử là dòng Thiền Đại Việt do người Đại Việt khai sáng, lại không theo dân Đại Việt vào lòng Thuận Hóa. Mạn Bắc chỉ tới Tri Kiến Am ở Bố Chánh, do chính Hương Vân Đại đầu đà kiến lập và ngài có ở tu trì tại đó; mạn Nam có đến cửa Tư Dung với Quy Kỉnh thiền viện của Hương Hải thiền sư, nhưng rồi sau đó cũng ra Bắc lại. Tông chỉ của Phật giáo Trúc Lâm là “Cư Trần Lạc Đạo”, nên không có sự truyền thừa chính thức ở Thuận Hóa vào thời hừng đông của xứ này; song trong lòng dân vẫn thấm đượm phong cách Thiền Tông Trúc Lâm Yên Tử. Hằng ngày lo chăm chỉ khai phá đất đai trồng trọt, lo cho đời thường đủ no ấm, mà tâm hồn vẫn nghĩ tưởng đến việc tu thân, ăn ở sao cho “hiền như ông Phật” để tích đức cho con cháu. “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt” là một nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong đời sống người dân Hóa Châu xưa. Tuy câu này là của dân tộc Đại Việt, không phải riêng của cư dân vùng Thuận Hóa đặt ra; song khi di dân vào đây, câu này có nội dung đẫm phong cách Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.”Đất vua”, rõ ràng là cõi đất này đã do một chính sách đặt trưng chỉ có Phật giáo mới thực hiện nổi, mà có. Vua đã hy sinh ruột của mình để khỏi làm họ tổn xương máu quân lính của cả hai nước Champa-Đại Việt, lại trấn an được bờ cõi phía Nam cho dân yên ổn làm ăn; thực là một chính sách vừa chính trị vừa ngoại giao do một vị vua đã đạt ngộ giáo lý Phật, đem thực hiện cho quốc kế dân sinh tuyệt vời vậy. “Chùa làng”, hai chữ rất mộc mạc, chùa làng là của dân, cũng tượng trưng cho Pháp Loa đệ Nhị Tổ, và ngài là người bình dân xuất gia. Vua là sơ Tổ, dân là đệ nhị Tổ, và kẻ sĩ trong dân là đệ tam Tổ. Tổ Huyền Quang là người có học vị cao nhất xã hội, lại là một thi nhân, một nghệ sĩ rất tài hoa. Thơ của Tổ Huyền Quang, nói về hoa cúc, về phong cảnh thiên nhiên thì có ai bì kịp, vì thơ ấy là thơ Thiền, mà Thiền ấy là Thiền Thơ. Như thế, ở Thuận Hóa ngày xưa chỉ có chùa làng, không có chùa Tổ. Chùa làng là của cư dân trong cộng đồng làng xã đã thấm nhuần thiền phong “cư trần lạc đạo” mà làm nên. Cấy cối trồng trong vườn chùa làng đậm màu sắc bình dân và mang ý nghĩa vì cuộc tồn sinh chứ không có loại cây cảnh chơi theo ý nghĩa “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Cho nên vườn chùa có cây cau, cây chuối, vồng rau khoai, cây rau dền, cây đu đủ, mấy cây cà, cây ớt, khóm gừng, mươi cây thuốc lá…; thân mộc thì có cây mít, cây khế, thảng hoặc có cây mai, cây bông mộc, nói chung là cây nào cũng mang tính dân dã, có lợi ích cho cuộc sống. Không có cây nào mang tính quí phái kêu sa như trà mi, hải đường, chỉ trồng để chơi cả! Điều này cũng nói lên được cái ý Thiền Trúc Lâm Yên Tử rất trọng môi trường thiên nhiên. Chùa làng Đại Việt, thì thiên nhiên quanh chùa là thiên nhiên của Đại Việt. Nét đặc trưng này đã được Đại Sán Hán Ông, người Trung Quốc nhận xét: “Các chùa nước Đại Việt, chùa nào cũng trồng đầy những thứ tạp mộc: cau, dừa, xoài, mít…

Ta trách gì Thạch Liêm Hòa thượng-tức là Đại Sán hán Ông-dùng hai chữ “tạp mộc”! Tạp mộc là đối với ngài, người Trung Hoa; còn với dân Đại Việt, những thứ cây đó chẳng phải là “tạp mộc” gì…Đó cũng là bởi người ở trong chùa là người bình dân tu hành, dù có giỏi chữ nho thì người đó cũng không phải là những ông Nghè, ông Cống…Thời đó có lẻ người ta chưa có Tăng, Ni như hiện nay; mà chỉ có những “ông Sãi”, những “bà Vãi”, là bởi chưa có giới đàn, có ai tuyên giới đâu mà biết luật giới. Họ là những cư sĩ tự nguyện giữ giới và lên ở chùa để giữ chùa cho dân làng. Do đó mà về sau, ông Sãi chùa làng rất gần dân, hòa lẫn với dân. Hệ quả của phong cách sống này là phong cách giao tế và ngôn ngữ hằng ngày của dân gian, đã tạo được một nét gần như là bản chất văn hóa nông thôn trước đây. Người dân nông thôn rất ít nói, cuộc sống trầm lặng nhưng rất kiên cường. Một người đến nhà chơi, chủ nhà chào: “Eng!” (Anh). Khách: “Àư!” (Vâng). Trong khi chào một tiếng, chủ nhà vừa lấy cái chổi lông chim quét bụi trên bộ ván ngựa; khách tự nhiên ngồi, không nói gì hơn. Chủ lấy bao thuốc lá làm bằng bẹ chuối phơi khô, lấy một điếu vấn và chuồi bao thuốc qua ông khách. Khách lấy một điếu vấn. Chủ chạy xuống nhà lấy “con cúi” để mồi lửa thắp. Cầm ngay “con cúi” bện bằng rơm lên nhà đưa cho khách. Khách thắp thuốc bặp vài hơi: “Thuốc ngon!”; chủ: “hút được!”. Thế là hết. Không ai nói gì nữa, thật có khác gì câu thơ của một tác giả đời Trần: “Khách vào sư chẳng hỏi han; cùng nhau đứng dựa lan can ngắm trời…”

Phong cách giao tế này ta thấy dường như tinh thần Phật giáo Thiền tông đã ăn sâu vào mạch máu người dân. Có nhiều hành vi hai người đều hiểu nhau, cần gì phải nói thêm nữa? “Quét bụi trên bộ phản” chính là hành vi mời khách ngồi mà mời trang trọng. Khách hiểu chủ quét bụi trên phản ngựa là để mời mình ngồi, nên tự ý ngồi ngay. Chìa bao thuốc ra chính là mời hút, cần gì nói nữa? Đưa con cúi có lửa, chính là mời thắp thuốc, cần gì phải nói? Khoảng im lặng nhiều chừng nào thì chứng tỏ nội tâm của họ hòa quyện để “hiểu”, để “sống” với nhau nhiều chừng ấy và lúc đó sự “lạc đạo” tức niềm vui trong đạo tâm của họ lại càng sung thiện hơn chừng ấy vậy. Có khi trong sự giao tế đẫm phong cách Thiền Yên Tử ấy lại còn bộc lộ nhiều nét có tính chất văn hoá đặc biệt. Hai ba người cùng ngồi uống trà, tự nhiên chủ nhà đứng dậy chạy ra vườn ngắt mấy hoa sói, hoặc mấy hoa tường vi; khi bỏ hoa vào trà cho thơm để mời khách, chủ nhà không quên đặt mấy bông trên dĩa nhỏ trong khay trà. Chủ khách cùng thưởng ngoạn hoa tươi đặt trên dĩa, vừa yên lặng nghe mùi thơm của hoa lẫn trong tách nuớc trà vừa mới chế. Không khí tĩnh mặc, đầy tiếng chim hót ngoài vườn. Chẳng ai nói với ai lời nào. Nghệ thuật uống trà như thế cũng đã tuyệt vời lắm chứ? Phải chăng đây là lối sống theo Thiền Yên Tử, “cư trần lạc đạo” đã ăn sâu vào cốt tuỷ của người dân Thuận Hoá từ buổi đầu; và còn kéo dài mãi cho tận đến thế kỷ thứ XX tây lịch.

Nhưng, cũng vì bản căn của vạn pháp là biến hành, biến hành để phát triển, để tiến hoá, cho nên Thiền Trúc Lâm Yên Tử, một phần vì không có Tổ Tổ tương truyền để hoằng pháp lợi sanh, một phần vì ngoại giới tác động, cho nên qua độ mười đời trở lên, thì trong dân tình Thuận Hoá đã có bề phai nhạt. Cho dù vẫn còn nếp sống đẹp ở một vài khía cạnh ở trên, Phật giáo Yên Tử cũng có đổi thay theo môi trường, thổ nhưỡng, khí hậu mới.

Bởi đó mà ở Thuận Hoá cuối thế kỷ thứ XVII, đầu thế kỷ thứ XVIII, vào các đời Chúa Nguyễn ở phương Nam, Phật giáo Tào Động và Lâm Tế, tự Trung Hoa khởi sự truyền sang. Vào đầu thế kỷ thứ XVIII tây lịch lại có vị Tổ người Đại Việt ở Nam Hà đắc đạo: Tổ Liễu Quán. Từ đó Phật giáo Thuận Hoá đi vào quy cũ; có chùa Tổ, có giới đàn truyền giới, Lâm Tế Tử Dung- Liễu Quán được Tổ Tổ tương truyền và phát triển long thịnh. Từ đó cho đến nay Phật giáo Thuận Hoá đã trở thành chốn Thiền Kinh, làm nơi trung tâm phát tích cho cả Phật giáo Nam Hà. Và di sản văn hoá Phật giáo hiện để lại cho Thừa Thiên-Huế rất sùng thiện. Theo cách nói hiện nay, di sản văn hoá ấy gồm có: văn hoá vật chất, văn hoá phi vật chất, văn hoá xanh tức môi trường sinh thái và văn hoá ẩm thực.

Phần văn hoá vật chất của Huế hiện nay có phần đặc trưng nổi bậc so với nhiều nơi khác. Đó là các kiến trúc cổng chùa, nhà chùa, tháp, bia khắc văn ghi việt, chuông đại hồng, tượng Phật, tượng Bồ Tát Âm thủ quyển, long vị…và vô số các pháp khí khác và người ta đã  biết nhưng chưa hiểu hết như trống đại, khánh đá, khánh đồng, chuông gia trì, mõ, cái tông, cái linh, thử xích, bê, tích trượng, phủ phất, con ốc để thổi gọi là pháo loa, báo chúng, bản gỗ, chuỗi hột bồ đề, tràng phan bảo cái… Rồi lại còn phải kể đến các bức hoành, câu đối, cách thờ tự trong điện Phật…Mỗi mỗi ở trong chùa đều là thành tựu của những nét văn hoá của Huế.

Ngôi chùa Huế thường làm trên đồi cao; chùa Thiên Mụ ở trên đồi Hà Khê, chùa Báo Quốc ở trên đồi Hàm Long, chùa Từ Đàm mà ngày xưa là chùa Ấn Tôn, nơi phát tích Thiền Tử Dung-Liễu Quán theo phái Lâm Tế chánh tông, ở trên đồi Hoàng Long; chùa Từ Lâm ở trên một chi của dãy núi Hoàng Long Sơn, có thể gọi là đồi Từ Lâm; chùa Thiền Tôn ở tận trong núi Thiên Thai cao nhất xứ Huế; chùa Từ Hiếu ở trên đồi Dương Xuân Thượng; chùa Trúc Lâm; chùa Tây Thiên, chùa Vạn Phước…đều ở trên đồi cao cả. Có những nơi xa, chùa vẫn được tạo lập trên núi như chùa Thánh Duyên ở núi Thuý Vân, huyện Phú Lộc.

Trong lúc đó thì văn hóa đồng xanh Lạc Việt ngày xa xưa với Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, đã theo tôn chỉ “cư trần lạc đạo” để bàn bạc vào trong dân Thụân Hoá tự thuở sơ khai cõi đất này, vẫn còn tồn tại theo hình thức ban đầu là “ngôi chùa làng”. Tuy phong cách  “cư trần lạc đạo” đã phai mờ, nhưng hiện nay thì khắp tỉnh Thừa Thiên, tức cõi Thuận Hoá xưa vẫn còn rất nhiều chùa làng. Dân làng vẫn giữ gìn như một nét văn hoá không thể thiếu trong cộng đồng làng xã. Cho nên bên cạnh chùa làng, lại có khuôn Tịnh Độ sinh hoạt theo Giáo Hội Phật Giáo Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay, làm cho phần văn hoá vật chất của Phật giáo Huế thêm một nét đặc biệt.

Ngày xưa, các chùa ở Thuận Hoá đều làm bằng gỗ quý, cột kèo chạm trỗ công phu, rất nhiều hoa văn. Chùa Thiên Mụ vào năm Ất Hợi cuối thế kỷ thứ XVII (1695) đã được một Hoà Thượng người Trung Hoa ghi vào sách như sau: "Chùa Thiên Mụ chung quanh có trồng nhiều cổ thụ, day mặt ra bờ sông. Trước chùa ngư phủ, tiều phu tấp nập sớm chiều qua lại. Trong chùa, cột kèo chạm trổ  rất tinh xảo” (Thạch Liêm H.N.K.S. bản Việt, trang 199-Huế, 1963).

Suốt thế kỷ XIX đến vài thập niên đầu XX, những hoa văn chạm trổ ở các bộ sườn nhà chùa lớn của Huế đã làm giàu thêm nhiều mô típ cho nghệ thuật Huế như trái Phật thủ biến thành “mặt nạ”; ngọn lá sen úp biến thành con rùa; hoả luân với chín ngọn vươn lên để chính giữa nóc hai con rồng châu mặt vào; lá bồ đề làm hoa văn viền mái; hoa sen hoá thành đầu rồng; hoa lá sen cách điệu ở đầu cột trụ lớn trước chùa; hồi văn chữ vạn; hoa sen cánh phượng để làm đường viền dưới. Bộ cửa gỗ ở chùa Thiên Hưng xưa với nhiều hình chạm vô cùng quí giá cho nghệ thuật Huế. Vừa đa dạng vừa sinh động; chim bay, vịt lội, bướm vờn; cành mai, hoa cúc cứ linh động y như thật.

Nghệ thuật trang trí ở các ngôi chùa Huế đã làm cho một giáo sĩ Thiên chúa giáo phương Tây thốt ra câu: “Một sự trang trí vô cùng phong phú làm cho một ngôi chùa cổ xưa buồn nhất đã trở thành sang quý.” (L, Cadière). Ngoài ra, một nhà nghệ thuật học phương Tây là ông Bushell đã viết: “còn nhận thêm những đóng góp một loạt tám vật quý của Phật giáo biểu thị điềm lành, đó là: Bánh xe có lửa cháy xung quanh, con ốc bể, cái lọng, cái tàn hình hoa sen, bình bông, cặp cá, những đoạn thủ xích; ngoài ra  có thể còn có chữ vạn, đỉnh trầm có bốn chân, một chữ phù cổ đại, một cái chuông” (mỹ thuật ở Huế, Bản Việt của Hà Xuân Liêm và Phan Xuân Sanh; Thuận Hoá xuất bản, Huế 1998). Về hình hoa sen cách điệu tức là hoa sen có hai lớp nghiêng cánh phượng lên và xuống thì ông Cadière đã đưa ra nhận xét như sau: “hoa sen cách điệu theo một cách đặt biệt gọi lại hình ảnh đài sen đức Phật toạ”.

Thế nhưng, ở một xứ khí hậu nhiệt đới ẩm thấp như xứ Huế, lại thêm mối mọt, các bộ sườn nhà làm bằng gỗ rất đẹp ấy thì hình như cho đến nay không còn. Lại nữa, theo sự thăng trầm của lịch sử sau nhiều lần bị tàn phá, nhiều lần trùng kiến, trùng tu nhà cửa chùa Huế hiện nay mang sắc thái cận-hiện đại.

H.X.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here