Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Khơi lại nguồn tuệ giác & và khí thiêng ngút trời của...

Khơi lại nguồn tuệ giác & và khí thiêng ngút trời của vua Phật Trần Nhân Tông (kỳ2)

118
0

Trần triều với Đạo pháp và Dân tộc:

Nếu như sự lớn mạnh của nhà Đường ở Trung Hoa đã trở thành thời kỳ hoàng kim vì được nhà Tùy và các triều đại trước đó đã đổ công sức làm thềm thang và lập nền móng vững chắc giúp cho Đường triều phát triển trên những lãnh vực khác nhau, thì ở Việt Nam sự hưng thịnh và phát triển từ thời nhà Đinh, Tiền Lê và nhất là thời Lý đã được phát triển mạnh trên mọi lãnh vực và đã làm nền tảng vững chắc cho Trần triếu ngày càng trên đà thăng hoa và hưng thịnh. Sự nghiệp lịch sử vẻ vang ấy được chứng minh một cách hùng hồn, mang đậm nét truyền thống văn hóa tâm linh qua sự đồng hành phát triển của Phật giáo và dân tộc mà không ai có thể phủ nhận. Đến thời nhà Trần, cơ nghiệp tổ tiên đã vững bền, non sông qui về một mối, toàn dân an cư lạc nghiệp, đất nước thanh bình thịnh trị. Đẩy mạnh truyền thống văn hóa giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước, ra sức phát huy nguồn tài năng và tiềm lực cho xã hội, nâng cao kinh tế và quân sự, thiết lập chặt chẽ mối quan hệ chính trị và ngoại giao. Mầm móng và nền tảng cường thịnh của Trần triều đã được thời Đinh, Tiền Lê và thời nhà Lý thiết lập nên những thềm thang vững chắc trên mọi lãnh vực và đã hình thành nên một nhà nước Phật giáo thuần túy. Lấy Phật giáo làm trụ cột để khai mở và phát triển mọi phương diện và Phật giáo được cân nhắc là quốc giáo bắt đầu từ thời vua Đinh Tiên Hoàng. Gần ba thế kỷ xây dựng sự nghiệp cho đất nước, lấy Phật giáo làm kim chỉ nam để thực thi chính sách. Kết quả sự phát triển cao trên mọi lãnh vực dưới thời nhà Trần đã khiến cho nhân dân các nước khác trên thế giới phải khâm phục và vô cùng kinh ngạc nhất là sau ba lần đại phá Mông Nguyên vĩ đại, toàn dân Việt trên dưới một lòng chống giặc giữ nước, bảo vệ độc lập và chủ quyền trên toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc dưới thời nhà Trần.

Kể ra cũng ngượng khi nhắc lại những vấn đề đã được nhai đi nhai lại mãi trong các thư tịch, nhưng thiết nghĩ rằng mỗi lần đọc kỹ lại là mỗi lần cảm nhận một điều gì đó thật sự xúc động và linh thiêng. Đáng lưu tâm nhất là lời dạy của Quốc sư Trúc Lâm khuyên vua Trần Thái Tông: “Phàm làm đấng Nhân Quân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình và lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ về cung, Bệ hạ không về sao được? Tuy nhiên, sự nghiên tầm nội điển, xin Bệ hạ đừng phút nào quên” (1) chắc chắn đã khắc sâu trong lòng của Trần Thái Tông (1218-1277). Nghe lời khuyên của Quốc sư, vua phải miễn cưỡng lên lại ngôi vua. Từ hôm ấy, vua đã trở thành một bậc minh quân nhiệt huyết và một Phật tử thuần thành. Chúng ta hãy nghe lời bộc bạch thống thiết và chân thành của vua: “Trẫm lo việc chăn dân, mỗi lúc gian nan thường lăn lóc trong công việc quên cả sớm chiều: công việc thì có hàng vạn thứ mà thì giờ nhàn rỗi không có được bao lăm. Siêng công việc, tiếc thì giờ, Trẫm cố gắng học hành thêm. Chữ nghĩa thì chưa biết được bao lăm, cho nên ban đêm đến giờ khuya vẫn còn thức để đọc sách, hết đọc sách Nho rồi lại đọc kinh Phật(2).  Rõ thấy được tâm huyết của một bậc minh quân, muốn thông suốt chính trị và hoạt động xã hội thì không những đọc sách Nho, mà còn phải tìm phương pháp để trau dồi nội lực cho nên phải đọc kinh Phật. Đạo đời hai hướng mà thảy đều vẹn toàn trong một bậc minh quân; đó là biết trị quốc theo Chánh pháp, và phải tự thân nỗ lực tinh tấn tu tập để tự mình được giải thoát, nghiên tầm giáo điển để hoằng pháp lợi sanh.

Không những cố vấn về lãnh vực chính trị mà còn giáo huấn cho vua phương pháp tu tập để phát huy Phật tánh đang ngủ vùi trong tiềm thức của Trần Thái Tông, Quốc sư khuyên: “Trong núi vốn không có Phật. Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng lại và trí tuệ xuất hiện, thì đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ tâm ấy, thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không cần phải đi tìm cực nhọc ở bên ngoài” (3).  Vậy vua Trần Thái Tông đã chứng ngộ như thế nào? Việc chứng ngộ của ngài cũng tợ như Lục Tổ Huệ Năng trước kia ngộ kinh Kim Cang. Chúng ta hãy lắng nghe vua kể: “Mười mấy năm trời, mỗi khi công việc thư rỗi, Trẫm lại họp với các vị kỳ đức để bàn luận đạo Thiền và các kinh sách nhà Phật, không cuốn nào là Trẫm không xem xét. Có lần đọc kinh Kim Cang đến câu “Ứng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, buông kinh xuống chiêm nghiệm, Trẫm chợt thấy tự mình giác ngộ(4).  Nếu không có người chứng ngộ kiểm chứng thì chúng ta làm sao có thể đoan chắc rằng vua Trần Thái Tông đã có sở đắc? Nghi vấn này hẳn nhiên là đúng! Nhưng cứ vào những thư tịch và luận ngữ cũng như những tác phẩm trước tác còn lưu lại của vua, thì chúng ta có thể thấy được những báu vật đã đong đầy hương thiền và chất liệu của một vị minh quân trác tuyệt, một bậc Thiền sư siêu phàm.

Vậy lẽ nào sự trải nghiệm và nghiên tầm, trau dưỡng và sở ngộ của vua Trần Thái Tông lại không truyền đạt lại cho Trần Thánh Tông (1258-1278) và không ‘rót’ vào tâm của Trần Nhân Tông hay sao? Suốt 32 năm trị vì thiên hạ, 20 năm làm Thái Thượng Hoàng, chẳng lẽ Trần Thái Tông lại không phải là người đã dạy Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông qua thân giáo bằng phương pháp hành thiền, trau dồi nội lực để phát huy Phật tánh và thuật xử thế, tài thao lược chính trị và lãnh đạo muôn dân hay sao? Có thể khả tín, bởi Nhân Tông là hiếu tử; vì một trưa nọ nghỉ tại chùa Tư Phúc, ngài mộng thấy Phật, tỉnh giấc, ngài bèn đem chuyện ấy kể lại cho phụ hoàng nghe, lúc ấy vua Thánh Tông rất đỗi ngạc nhiên. Cũng từ đó, Nhân Tông ăn chay trường, thân thể gầy yếu. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, vua Thánh Tông thốt lời ta thán rất chân tình: “Ta nay đã già rồi, chỉ trông cậy vào một mình con. Nếu con cứ như vậy, thì thịnh nghiệp của Tổ tông biết trông cậy vào ai?” (5).  Chưa kể đến những tuệ đăng thiền học tinh hoa trong Khoá Hư Lục, một tuyệt tác văn học Phật giáo vô cùng giá trị của vua Thái Tông, và những tác phẩm khác của Ngài. Sau khi vua Thái Tông nhường ngôi cho Thánh Tông và lên làm Thái Thượng Hoàng, thì chắc chắn nơi Thánh Tông và sau này Nhân Tông cũng đều được bẩm nhận một nền giáo dục đặc biệt. Hơn thế nữa, vua Nhân Tông lại được ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ trực tiếp hoặc gián tiếp giáo huấn. Rõ biết Nhân Tông được bẩm nhận sự giáo huấn từ những vị thầy tinh thông thiền học Phật giáo từ nơi ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ cùng với thuật trị nước an dân theo Chánh pháp của những Thái Tông siêu phàm và Thánh Tông trác tuyệt là điều không thể phủ nhận.

Những kỳ tích chói sáng ấy đã tạo nền móng phát triển truyền thống văn hóa Phật giáo thiêng liêng và mầu nhiệm trải qua gần 3 thế kỷ, nêu cao ý chí quật cường, phát huy cùng tột bản sắc văn hóa dân tộc, thiết lập một nền công nghiệp vĩ đại, v.v… Nếu không phải những vị minh quân như Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành cùng với những Thiền sư như: Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh, v.v… thì làm sao giữ vững được cơ nghiệp của Tổ tiên, phát huy nghĩa lý cao thâm và bí tạng của đức Như-lai, đạo đời hỗ tương dung nhiếp song hành; vì vận mệnh của dân tộc là vận mệnh sống còn của đạo pháp, của nền văn hóa Việt Phật đã kế thừa và phát huy. Có lẽ chính vì thế mà Cố Hòa thượng Thích Trí Thủ đã nói: “Những gì chúng tôi làm cho đạo pháp cũng là làm cho dân tộc. Những gì chúng tôi làm cho dân tộc cũng chính là làm cho đạo pháp”. Đúng như nhà văn hóa Lê Văn Siêu đã phát biểu rằng “chính nhờ đạo Phật, một nền văn hóa cao hơn văn hóa Trung Quốc, mà Việt Nam không bị Trung Hoa đồng hóa và đã lập quốc hiên ngang, hào hùng, nghĩa là đã tái sinh, đã sống lại hiển hách, vinh quang trong lần lập quốc thứ hai, cách đây gần đúng 1.000 năm: sự khai sinh thời đại Lý Trần vào năm 1009 với minh quân Phật tử Lý Công Uẩn và quốc sư Vạn Hạnh”.

Không phải đợi đến thời đại Lý Trần, ngay từ năm 544, anh hùng dân tộc Lý Bôn đã khởi nghĩa thắng lợi, đánh đuổi quân Tàu ra khỏi bờ cõi và thành lập một quốc gia đầu tiên sau 600 năm nô lệ phương Bắc. Việc đầu tiên là ông đặt tên nước là Vạn Xuân và xây một ngôi chùa lớn đặt tên là chùa Khai Quốc (sau đổi tên thành chùa Trấn Quốc). Chùa Khai Quốc, tự tên gọi đã là một bản tuyên ngôn chính trị hùng tráng của một quốc gia Việt Nam độc lập, tự chủ, và đồng thời cũng là một bản tuyên ngôn văn hóa rực rỡ: Phật giáo là Quốc Đạo của quốc gia Việt Nam, ngay từ thế kỷ thứ 6, cách đây hơn 1.450 năm. Sự kiện lịch sử này đủ để nói lên công nghiệp cứu nước và dựng nước của Phật giáo trong thời kỳ đó và chứng minh đạo Phật đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xây đắp tinh thần quốc gia của nhân dân Việt Nam” (6). 

Từ những sự kiện lịch sử trọng đại như thế, chúng ta thấy rằng trong thời nhà Trần, Trần Nhân Tông đã gặp nhiều may mắn và có nhiều phước đức; vì Ngài được bẩm nhận một nền giáo dục toàn thiện đậm nét truyền thống văn hóa thiêng liêng của Phật giáo, được tôi luyện bằng ý chí và nghị lực phi phàm hội đủ chất liệu từ bi và trí tuệ của bồ-tát hạnh, một đường lối tổ chức có hệ thống thấm đượm tinh thần yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo, một tinh thần kim-cang để nhiếp phục tự thân, nhạy bén và mẫn tiệp, nhuần nhuyễn và tinh thông trong những lãnh vực chính trị và ngoại giao… Với sự nỗ lực tu tập tự thân và sự trau dưỡng tâm linh, lại uyên thâm kinh Phật; thông thạo cả binh thư yếu lược và thuật trị nước an dân, thấy rõ chỗ mạnh yếu của quốc gia xã tắc, am tường quan điểm cương nhu trong ngoại giao, biết cảm hóa ba quân tướng sĩ và muôn dân, v.v… những nền tảng và cơ sở ấy đã hội tụ trong Trần Nhân Tông, một vị Thiền sư chơn chất, một bậc minh quân chói sáng, một chính trị gia tài ba, một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một người Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, thuận với đức hiếu sinh, tự tin và bản lĩnh. Có lẽ không phải chủ quan, chúng ta có thể phát biểu rằng tất cả những yếu tố và nguyên nhân xảy ra trong suốt thời kỳ dựng nước và giữ nước vừa được tóm lược trên đã tụ hội và kết tinh thành đệ nhất Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Hoa đạo bất diệt của Việt Nam:

Sơ Tổ Phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông tục danh là Trần Khâm, sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu ngọ, niên hiệu Nguyên Phong thứ VIII (1258), con trưởng của Thượng hoàng Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu. ‘Năm 16 tuổi được lập làm Hoàng Thái Tử, Ngài cố ý từ chối; vì muốn nhường ngôi cho em nhưng Phụ hoàng Trần Thánh Tông không chịu. Vốn bẩm tính thông minh, hiếu học, đa tài, đọc thông ngoại điển và am tường ngoại điển, thường cùng những vị Tôn đức trong chốn thiền gia tham cứu Thiền học; đặc biệt được sự giáo huấn của ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, nên càng uyên thâm kinh Phật. Năm 21 tuổi được Thượng hoàng truyền ngôi và lấy niên hiệu là Thiệu Bảo Nguyên Niên (1279)’ (7).  Đường đường là đấng minh quân, Ngài vẫn giữ mình thanh tịnh, ngày ngày tham gia triều chính, đêm về tá túc ở chùa Tư Phúc trong nội thành. Năm 41 tuổi xuất gia và tịch năm 1308, thọ 51 tuổi, trị vì ngôi vua được 14 năm (1279-1293).

Khi được hạ sanh “Vua được tinh anh của Thánh nhân, đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tưới sáng, hai cung đều cho là lạ, gọi là ‘Vua lên ngôi năm 21 tuổi, trị vì 14 năm, đến niên hiệu Trùng Hưng thứ IX (năm Quí tỵ) thì nhường ngôi cho con là Anh Tông. Cách mấy năm sau xuất gia, ở hành cung Vũ Lâm, rồi sau ra tu ở núi Yên Tử và băng ở am Ngọa Vân. Nhân Tông là một vị vua nhân từ, hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng làm vẻ vang đời trước. Thực là vị vua hiếu của nhà Trần…”.(8)

Ròng rã suốt 6 năm giáo huấn và trang bị đầy đủ phép thuật trị nước an dân và phương pháp tu thân để trau dưỡng nội lực nhằm giúp cho con trở thành một bậc minh quân chơn chánh. Sắp xếp mọi việc chu đáo, Ngài truyền ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái Thượng Hoàng. Từ đây bắt đầu một cuộc đời mới, đó là vào năm 41 tuổi Ngài quyết định làm lễ xuất gia hành đạo  (1299) (9) tại núi Yên Tử, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Kế đó, việc dựng chùa, cất Tinh xá, tiếp chúng độ Tăng, và cũng trong quãng thời gian ấy; cũng như việc vãng lai để giáo hóa và thuyết pháp độ sanh tại chùa Phổ Minh, lập giảng đường tại Phủ Thiên Trường, rồi vân du đến Bố Chánh lập Am Tri Kiến và lưu trú tại đây.

Những sự kiện khác như sau khi hai cuộc đại thắng Mông Nguyên (10) và khi đất nước được thái bình, Ngài đã đi khắp nơi, khuyến hóa dân chúng, dẹp bỏ những dâm từ, hành theo pháp Thập Thiện; rồi việc truyền giới Bồ-tát tại gia cho vua Anh Tông năm 1304, cũng như lên chùa Sùng Nghiêm ở núi Linh Sơn để truyền yếu chỉ Thiền học cho môn đồ. Năm 1308, lệnh cho Pháp Loa đến huyện Siêu Loaị tại Báo Ân Thiên Tự để khai giảng trú trì. Cùng năm ấy, Ngài đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lượng Giang kiết hạ, sau khi giảng Truyền Đăng Lục và mãn hạ, Ngài lại hồi qui Yên Tử sơn. Ngài lại đăng Am Tử Tiêu, lệnh Pháp Loa giảng Truyền Đăng Lục, cho đến việc hạ sơn đích thân thăm Công chúa Thiên Đoan, … cuối cùng là cuộc tọa đàm về thiền học và giải tỏa những nghi ngờ với Bảo Sát và chuyện Ngài đã viên tịch tại  Am Ngọa Vân; cũng như những tác phẩm của Ngài…(11)  Những chi tiết và những sự kiện như thế đã được nhiều sách sử ghi chép khá đầy đủ, ở đây xin khỏi phải nhắc lại.

Trộm nghĩ rằng, khuynh hướng và tư tưởng Thiền học của Phật Hoàng Trần Nhân Tông thảy đều được hấp thụ từ phụ vương, từ những bậc minh quân liệt Tổ liệt Tôn và từ những Thiền sư tiền bối đã giúp Ngài nghiễm nhiên trở thành như những gì Ngài đã trở thành. Nhiều sách vở cả nội điển lẫn sử học đã không hết lời ca ngợi và tán dương. 

Với đạo pháp và dân tộc, hùng thiêng ngút trời và nghĩa khí cao ngất của Lý Công Uẩn; trí tuệ chói sáng xuyên qua tài chính trị siêu phàm của Vạn Hạnh Thiền sư; vì chính nghĩa bảo tồn đạo pháp và dân tộc xuyên qua tài hùng biện ngoại giao sắc nhạy và kỹ năng tham chính cố vấn kỳ tuyệt của Thái sư Khuông Việt và Thiền sư Pháp Thuận… tất cả đã kết thành hoa đạo bất diệt của Việt Nam. Vực dậy tinh thần yêu nước, sức chiến đấu quật khởi và chân lý khả xâm phạm chủ quyền xuyên qua Bài kệ tuyên ngôn độc lập bất hủ của Lý Thường Kiệt; “Lời Hịch Tướng Sĩ” của Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã thật sự nung nấu ba quân tướng sĩ, khích lệ lòng dân – Hội nghị Bình Than (1282) và Hội nghị Diên Hồng (1285) – tất cả dân tộc Việt nam trên dưới một lòng chống giặc giữ nước, nêu cao chủ quyền độc lập của dân tộc, chủ nghĩa yêu nước nồng nàn, mà đã được những vị tiền bối hữu công đi trước đã kế thừa và phát huy. Tất cả những dữ kiện lịch sử trọng đại ấy đã hợp thành một thể thống nhất, một thiên anh hùng ca bất diệt, chấn động vang cả đất trời, cảm đến hồn thiêng sông núi. Chính những yếu tố quan trọng ấy đã nung nấu chí khí kiên cường và tinh thần chiến đấu quật khởi của toàn dân, cuối cùng đã giúp vua Nhân Tôn hai lần đại phá giặc Nguyên. Đó là những trang sử vàng chói sáng và cũng là những bước ngoặt lịch sử hào hùng và vô cùng vĩ đại của dân tộc Việt nam với đạo pháp mầu nhiệm.

Chỉ một câu nói thì đất nước phồn vinh, hành theo chánh đạo và nhân dân ai nấy đều hết lòng ủng hộ, như Quốc Sư Trúc Lâm đã từng khuyên Thái Tông giữ vững cơ nghiệp thịnh trị của Tổ tiên và ra sức xây dựng cho đạo pháp được nở hoa và nhân dân được no ấm. Cũng một câu nói khiến cho Nhân Tông yên lòng và ba quân tướng sĩ đều hưng phấn và tự tin, giàu chí khí và nghị lực với niềm tin tất thắng như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã từng đáp lời vua Nhân Tông khi đất nước đứng trước nguy cơ ‘ngàn cân treo sợi tóc’ và với ‘Lời Hịch Tướng Sĩ’ trong ‘Binh Thư Yếu Lược’ đã làm nức lòng muôn dân. Thế chẳng phải là càng ôn lại những nét son của lịch sử Phật giáo Việt nam thì càng sưởi ấm lại niềm tự hào của dân tộc. Càng điểm lại uy danh của các thiền gia Phật giáo thì càng khơi lại những đèn Thiền Tổ đạo và hương vị thượng diệu của Chánh pháp.

 (Còn nữa)

T.K.Đ

Chú thích

1. Lý Khôi Việt, Hai Ngàn Năm Việt Nam & Phật Giáo, … tr. 109. 
2. Sđd., tr. 110.
3. Sđd., tr. 105. 
4. Sđd., tr. 111.
5. Xem Thích Phước Sơn, Tam Tổ Thực Lục, … tr. 19; và xem Thích Thanh Từ, Tam Tổ Thực Lục,… tr. 10.
6. Lý Khôi Việt, Phật Giáo & Quốc Đạo Việt Nam, Viện Tư Tưởng Việt Phật, 1997, tr. 344.
7. Có sách ghi rằng Ngài lên ngôi năm Mậu dần (1278), Thích Phước Sơn, Tam Tổ Thực Lục, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1995, tr. 17. Niên đại này tuy tác giả dựa vào Thánh Đăng Thực Lục, nhưng bên dưới có ghi chú rằng theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vua lên ngôi cũng vào năm Mậu dần, niên hiệu Bảo Phù thứ 6 (1278).  
8. Trích dẫn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Đức Nhuận, Đạo Phật và Dòng Sử Việt,… tr. 291-2; và xem Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận I, II, III, Nhà Xuất bản Văn Học, Hà Nội, 2000, tr. 279-280.
9. Nhân Tông, lúc 16 tuổi được lập làm Thái tử, bấy giờ đã có chí đi tu, xin nhường ngôi cho em, nhưng vua Thánh Tông không chịu. Đến khi chính thức nhận truyền, ban ngày thì làm việc nước, ban đêm vẫn tụng kinh. Đến đây lại cùng các vị Tăng Pháp Loa (Đồng Kiên Cương), Huyền Quang (Lý Đạo Tái) vân du các núi An Tử, Lôi Âm giảng cứu nội điển nhà Phật. Ngô Thời Sỹ, Việt Sử Tiêu Án, Văn Hóa Á Châu, 1960, tr. 212.
10. Công cuộc đại phá Mông Nguyên lần thứ II (1285) và lần thứ III (1288), xem chi tiết Đức Nhuận, Đạo Phật và Dòng Sử Việt, … tr. 251-285; và xem Viện Sử Học, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục_Tập 1, Nxb Giáo Dục, 1998, tr. 511-26 & 529-39; và xem chi tiết Lê Mạnh Thát, Trần Nhân Tông Toàn Tập, Nxb Tp. HCM, 2000, tr. 56-107 & 108-153.
11. Xem Thích Thanh Từ, Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải, Thiền Viện Thường Chiếu, 1997, tr. 11-8; và xem Thiền Sư Việt Nam cùng một Tác giả, Thành Hội Phật giáo TP. HCM, 1992, tr. 288-302; cũng xem Thích Phước Sơn, Tam Tổ Thực Lục, …. tr. 18-35; và cũng xem Viện Triết Học, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1988, tr. 246-256.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here