Chắc có lẽ đa số trong quí vị đều đồng ý rằng việc đề cập đến vua Trần Nhân Tông là nhằm khơi lại khí thiêng ngút trời của một bậc minh quân chói sáng, sưởi ấm lại nguồn tuệ giác của một vị Thiền sư nhập thế siêu phàm xuyên qua công hạnh của một vị Bồ-tát, một thiên tài chính trị gia lỗi lạc, một người con hiếu của hoàng gia nói riêng và của dân tộc nói chung, một người anh hùng cái thế, nhu nhuyến và cương trị, mẫn tiệp và thông lợi, đã lấy dân làm gốc và dựa vào sức dân là chính, biết kêu gọi toàn dân đoàn kết thành một khối thống nhất, khiến giặc Mông Nguyên phương bắc hai lần thảm bại ê chề. Vậy nhân lễ kỷ niệm 700 năm của vua Phật Trần Nhân Tông hôm nay, chúng ta thử tìm xem những yếu tố và những nguyên nhân nào đã tụ hội và kết tinh thành vua Phật Trần Nhân Tông như thế? Đâu là những tính trọng yếu đã giúp vị vua này trở thành một bậc kỳ tài vô cùng vĩ đại của truyền thống chống ngoại xâm, người anh hùng của dân tộc, bậc minh quân tài đức song toàn, một thiền sư Việt nam chói sáng trong tinh thần nhập thế của Phật giáo thời Trần.
‘Bỉ cực’ và ‘thái lai’:
Người ta nói rằng “hết cơn bỉ cực, đến thời thái lai” dường như có vẻ thích đáng với công cuộc ‘công nghiệp hóa’, ‘hiện đại hóa’ và ‘xã hội hóa’ cũng như ‘thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế’ ‘hội nhập cộng đồng quốc tế’ trong dăm ba thập niên gần đây. Sở dĩ nói ‘bỉ cực’ ấy là ngụ ý chỉ cho dân tộc Việt nam kể từ thời lập quốc đến nửa đầu thế kỷ thứ sáu (544) Lý Bôn tuyên ngôn dựng nước (1). Sau đó đất nước bị thống trị dưới chế độ nhà Tùy (581-618) và kéo dài mãi cho đến khi nhà Đường (618-907) sụp đổ và khi chiến tranh loạn lạc xảy ra khắp nơi trong thời Ngũ Đại (907-960) ở Trung Hoa thì đó cũng chính là thời kỳ đất nước ta từng bước giành lại độc lập. Quyền tự trị đã bắt đầu manh nha từ thời họ Khúc, mà đáng chú ý là hậu Chúa Khúc Thừa Dụ sau khi đánh đuổi giặc Tàu, ông tìm kế bang giao để tránh nạn can qua cho dân chúng và được Tàu phong cho chức Tiết độ sứ. Kể từ đó dân Việt trải qua 25 năm được sống yên ổn. Như vậy là vào đầu thế kỷ thứ 10 cơn ‘bỉ cực’ của dân Việt đã chấm dứt (2). ‘Hết cơn bỉ cực đến thời thái lai’ là qui luật tất yếu. Sở dĩ nói ‘thái lai’ tức là nói đến Phật giáo và dân tộc có mối quan hệ hữu cơ bất phân ly và vô cùng quan trọng mà đã được định hình trong thời Đinh (968-980), lớn mạnh trong thời tiền Lê (980-1009), và ánh đạo vàng được phát huy đến cực điểm của nó trong thời Lý (1010-1225) và thật sự tỏa sáng thời Trần (1225-1400). Lại nữa, nói ‘thái lai’ ấy tức là thời kỳ dân tộc Việt nam đã đang gặt hái được nhiều thành quả khả quan mà chưa từng thấy trong thời gian trước đây, mở ra một kỷ nguyên mới, một bước ngoặt lịch sử vô cùng vĩ đại mà đã khiến các nước trên thế giới phải răn dè và khâm phục.
Lược sử lập quốc:
Ngược dòng lịch sử, nếu không có vua Hùng dựng nước thủa trước, thì làm sao có Trưng Trắc và Trưng Nhị (43-44) nổi lên đánh đuổi Tô Định mà được xem như là cuộc cách mạng lần đầu tiên trong lịch sử của Giao Chỉ. Nếu không có ý chí độc lập và tinh thần yêu nước, thì làm gì có Bà Triệu (Triệu Thị Chinh) (3) cùng với anh là Triệu Quốc Đạt phất cờ khởi nghĩa (248), chống giặc Đông Ngô (222-280), như cuộc cách mạng giải phóng lần thứ hai. Đó là vào thời Tam Quốc (Ngụy_220-265, Thục_221-263, Ngô_222-280) chiến tranh loạn lạc ở Trung Hoa. Gần ba thế kỷ dân Nam phải làm thân trâu ngựa, một thời kỳ nhục nhã và đen tối nhất bắt đầu từ năm 256-420 khi Giao Châu rơi vào tay nhà Tấn (265-420); kiếp sống của dân sinh bị nô lệ, kéo dài cho đến thời Nam Bắc Triều (420-588), tức là thời Liêu Tống (420-479), Tề (479-502), Lương (502-557), và Thần (557-589). Không khí độc lập khả quan, nạn can qua tạm dứt, dân Nam mới bắt đầu hồi sinh dưới thời Tiền Lý (544-602) mà nổi bật là cuộc khởi nghĩa của Lý Bôn năm 541 đã qui tụ nghĩa quân đồng lòng chống giặc Lương. Sau thời tiền Lý Nam Đế (Lý Bôn 544-548)_cải hiệu là Thiên Đức với tên nước là Vạn Xuân_Triệu Quang Phục được tôn làm Triệu Việt Vương (549-571) trị vì thiên hạ được 20 năm. Đến thời hậu Lý Nam Đế (571-602), tức là Lý Phật Tử, một tôn thất của Lý Nam Đế đã dấy quân bất ngờ đánh Triệu Quang Phục và lên ngôi trị vì thiên hạ được gần 30 năm.
Nói chung, kể từ thời Bắc Thuộc lần thứ I (207-111 tr. CN) là kiếp sống khốn cùng của dân Nam cứ kéo dài mãi cho đến khi nhà Tây Hán nắm chủ quyền tức là thời kỳ Bắc Thuộc lần thứ II (111 tr. CN đến 39 sau CN); rồi đến thời Đông Hán và Nam Bắc Triều, tức là thời Bắc Thuộc lần thứ III (43-544) và ‘cơn bỉ cực’, nạn can qua mới dần dà nguôi ngoa cho đến cuối thời Bắc thuộc lần thứ IV (603-939). Sau khi nhà Đường (618-907) ở Trung Hoa suy sụp thì chính là thời kỳ Việt Nam mở ra một bước ngoặt mới, trang sử mới, một kỷ nguyên mới của dân tộc. Tinh thần tự trị đã bắt đầu manh nha từ thời họ Khúc, mà đáng chú ý là hậu Chúa Khúc Thừa Dụ sau khi đánh đuổi giặc Tàu, ông tìm kế bang giao triều cống với Tàu (tức vào cuối thời Đường đang loạn lạc) để tránh nạn can qua cho dân chúng và ông đã được Thiên triều của Tàu phong chức Tiết độ sứ. Kể từ đó dân Việt trải qua 25 năm được sống yên ổn. Ba đời họ Khúc (tiên chúa_Khúc Hạo, trung chúa_Khúc Thừa Mỹ và hậu chúa-Khúc Thừa Dụ), theo sử thần Ngô Sĩ Liên, đã nẩy mầm tự trị dù chưa xưng đế, xưng vương.
Kế đó là cuộc khởi nghĩa đánh tan quân Nam Hán của Dương Đình Nghệ, giành độc lập cho non sông đất nước vào năm 931. Ông tự xưng là Tiết độ sứ và nắm chủ quyền được 6 năm (931-936), nhưng rủi thay, vận mệnh trị vì kéo dài chưa bao lâu, sau bị Kiều Công Tiễn ám hại (937). Năm 938, Ngô Quyền đánh tơi tả đại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Nhà Hán nuốt hận kéo tàn quân về Tàu, chấm dứt nền thống trị kéo dài 1031 năm. Năm 939 Ngô Quyền – tướng quân của Dương Đình Nghệ – xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa (Phú Yên), nhưng chỉ trị vì được sáu năm thì mất (937-945) (4). Vương vị không truyền cho con trưởng của Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập nhưng lại bị Tam Kha cướp ngôi rồi xưng vương. Năm 950 Ngô Xương Văn – nhờ Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc giúp – đã chiếm lại ngôi, tự xưng là Nam Tấn Vương, rồi mời anh ruột Ngô Xương Ngập cùng coi việc nước. Thế nhưng tình hình rối loạn xảy ra khắp nơi, hậu Ngô bất lực, khiến dẫn đến loạn Thập Nhị Sứ Quân, kéo dài trên 20 năm (945-967) (5). Đó là thời chiến tranh xảy ra liên tục trong thời Ngũ Đại (907-960) ở Trung Hoa.
Thời thịnh của Đạo pháp và Dân tộc:
Nền độc lập tự trị đã được duy trì rõ nét nhất là vào năm 937, Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp loạn ‘Thập Nhị Sứ Quân’ và thống nhất giang sơn, được tôn là Vạn Thắng Vương. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng (968-980), đổi tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư, lấy niên hiệu là Thái Bình Nguyên Niên “nhằm xóa hẳn vết tích thống trị của hoàng đế phong kiến Trung Hoa, nêu cao ngọn cờ thống nhất độc lập quốc gia, lập triều chính”, chỉnh đốn hàng ngũ Giáo hội Tăng già cũng như định phẩm vị cho những Tăng sĩ lỗi lạc tham gia quốc chính, như: chức Khuông Việt Thái Sư cho ngài Tăng Thống Ngô Chân Lưu năm 969 và vào năm 971 được ban hiệu là Khuông Việt Đại Sư. Phật giáo được Đinh triều công nhận là ‘quốc giáo’ (6). Đến thời Tiền Lê (980-1009), vì Đinh Tuệ còn ấu Chúa (7), Lê Hoàn cầm quân, đánh đuổi giặc Tống (Bắc Tống 960-1127). Năm 980 Lê Hoàn lên ngôi (8), tức là vua Lê Đại Hành, chủ trương ngoại giao, tránh nạn can qua để vỗ về lòng dân; rồi thôn tính Chiêm Thành, mở mang bờ cõi. Lê Đại Hành vẫn trọng dụng những Tăng sĩ lỗi lạc tham chính và cố vấn trong thời nhà Đinh, như thỉnh Khuông Việt làm cố vấn và Thiền sư Đỗ Pháp Thuận lo việc ngoại giao. Ngoài ra, vua cho xây các tự viện và sai sứ sang Tàu thỉnh Đại tạng kinh, trị vì được 24 năm thì băng hà.
Nhờ sự lát đường và cải cách, củng cố và thiết lập trên nhiều lãnh vực của nhiều triều đại đi trước đã tạo nền móng vững bền, đến thời Nhà Lý (1010-1225) như gấm được thêu hoa, như nhật nguyệt tỏa sáng, đường ngoại giao phát triển, hạng trí thức nâng cao. Những bậc minh quân thời nhà Lý đều là những Phật tử chân chính, những Thiền sư lỗi lạc, như: Lý Thái Tổ (1010-1028), Lý Thái Tông (1028-1054), Lý Thánh Tông (1054-1072), Lý Nhân Tông (1072-1127), Lý Thần Tông (1128-1138), Lý Anh Tông (1138-1175) Lý Cao Tông (1176-1210) và cuối cùng là Lý Huệ Tông (1211-1225). Sau khi củng cố chính trị và quân sự, chiếm đất Chiêm Thành, giữ yên bờ cõi, nhà Lý thống lãnh toàn dân, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình và cường thịnh trên nhiều lãnh vực khác nhau, đúng theo đường hướng Chánh pháp, không ngừng xiển dương giáo lý Phật đà, hoằng pháp lợi sanh. Nhà Lý trị vì suốt 215 năm, trải qua 7 đời vua, là thời kỳ hoàng kim của dân tộc Việt Nam…
(Còn nữa)
T.K.Đ
Chú thích:
1. Sau thời vua Hùng, công cuộc dựng nước được thiết lập vào thế kỷ 6 & đầu thế kỷ thứ 7 (542-603) vào thời Tiền và Hậu Lý Nam Đế. Dưới sự lãnh đạo của Lý Bôn (tức Lý Bí) năm 542 cuộc khởi nghĩa đại thắng vào mùa Xuân tháng Giêng năm Giáp Tý (544). Lý Bôn tuyên cáo dựng nước, lấy hiệu là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, xây điện Vạn Thọ, tổ chức triều đình thành một quốc gia độc lập. Chúng ta đọc: “Tiền Lý Nam Đế, tính rất thông minh, phía Bắc đánh đuổi Tiêu Tư, phía Nam dẹp yên Lâm Ấp, lập quốc hiệu, chính ngôi tôn, đặt trăm quan, định miếu hiệu, có đại lược qui hoạch của Đế Vương”. Sau khi Lý Nam Đế băng hà, Triệu Quang Phục lên ngôi, lấy hiệu là Triệu Việt Vương (546-557). Sau đó Lý Phật Tử dấy quân đánh Triệu Việt Vương, đất nước tạm chia đôi cho đến năm 571 Lý Phật Tử đánh thắng Việt Vương, rồi lên ngôi vua, trị vì được 32 năm (571-603). Đức Nhuận, Đạo Phật & Dòng Sử Việt, Viện Triết Lý Việt Nam & Triết học Thế Giới California USA, 1996. tr. 50-51; Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam_Tập 2, Nxb Tp. HCM, 2001, tr. 30-1.
2. Suốt chiều dài lịch sử của “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày, gia tài của mẹ để lại cho con, gia tài của mẹ là nước Việt buồn” mà lời nhạc của Trịnh Công Sơn đã đòng vọng như nhắc nhở chúng ta những người “con Rồng cháu Tiên” về nổi nhục mất nước, dân tình cơ cực lầm than và khốn khổ muôn bề. Trong thời nhà Đinh, những Thiền sư lỗi lạc của Phật giáo bắt đầu tham chính và cố vấn hoàng gia; đất nước được thanh bình và nhân dân được no ấm, mọi lãnh vực đều được phát triển.
3. Khi còn 17, 18 tuổi đã tỏ ra chí khí phi thường và lòng yêu nước quật khởi; vì giao du rộng, tập hợp cả hàng ngàn thanh niên thiếu nữ, sớm tối luyện võ, bàn kế chống giặc. Tuổi xuân đã có chí lớn, cho nên Bà đã trả lời với anh mình – Triệu Quốc Đạt, người khuyên bà rằng là phận gái chớ nên giao du nhiều và không nên có những hành động táo báo – như vầy: “Người ta sống ở cõi đời, như mầm cây ngọn cỏ, tươi héo chỉ trong nháy mắt; từ thanh xuân cho đến già cỗi, nhanh chóng như bay; cho nên không kể là trai hay gái, phải lập công to để tiếng thơm nghìn năm. Việc gì lại phải cúi đầu, khom lưng làm tôi tớ cho kẻ khác?!”. Quốc Đạt khuyên bà nên lấy chồng, chứ không nên tham gia vào việc chống giặc cứu nước, Bà dõng dạc trả lời: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá Kình ở ngoài biển Đông, quét sạch quân giặc ra khỏi bờ cõi, cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời, cúi đầu khom lưng làm tì thiếp người”. Thậm chí khi nhà Ngô sai Lục Dận sang làm thứ sử Giao Châu nhằm đàn áp phong trào khởi nghĩa, Bà Triệu đã cưỡi voi chiến, lãnh đạo nghĩa quân xông pha trận địa, quân giặc phải ngao ngán than rằng “Hoằng qua dương hổ dị, đối diện Bà vương nan”. Nghĩa là ‘múa giáo đánh hổ dễ, địch Vua Bà khó ghê’. Lý Khôi Việt, Hai Ngàn Năm Việt Nam và Phật giáo, Phật Học Viện Quốc Tế, 1997, tr. 68-9.
4. Xem Đức Nhuận, Đạo Phật & Dòng Sử Việt, … tr. 65-8; và xem Lý Khôi Việt, Hai Ngàn Năm Việt Nam & Phật Giáo, … tr. 80-1.
5. Xem Đức Nhuận, Đạo Phật & Dòng Sử Việt, … tr. 65-6; và xem Lý Khôi Việt, Hai Ngàn Năm Việt Nam & Phật Giáo, Học Viện Phật Giáo Quốc Tế, 1997, tr. 80-1.
6. “Phật giáo đã trở thành một danh xưng khác đối với chủ nghĩa nhân văn mang tính đạo đức và khoa học. Tôn giáo, trong sự giải thích của ông về đạo Phật, đã trở thành đạo đức xã hội thiết yếu cho sự hình thành mối tương hệ chính đáng giữa người với người. Ông đã khiến cho nó tỏa sáng học thuyết trực giác và cảnh giới giải thoát của nó và rồi khiến nó tổng nhiếp cả chủ nghĩa thế gian, chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa yêu nước (hay chủ nghĩa dân tộc) và chủ nghĩa nhân đạo. Cho đến khi nào tôn giáo của đức Như-lai có công năng để giải bày đối với thần thông biến hóa là một nghi vấn khác”. “Ambedkar B.R. đã tâm đắc để diện kiến được sự hình thành của tôn giáo này đối với nhân loại trong xã hội loài người. Tôn giáo đã tạo nên trung tâm của sự thờ tự và sự nhiệt tâm không phải đối với Thượng đế (hay bất kỳ một đấng siêu nhiên nào) nhưng đối với sự chứng ngộ của nhân loại bằng đức hạnh chân chánh của con người. Những tăng sĩ, đối với một tôn giáo thiêng liêng như vậy, đáng nên làm những người phục hưng cho xã hội lương thiện; vì họ thấy biết rõ những qui luật của xã hội. Ambedkar B.R. đã tin tưởng rằng ông đã khám phá ra những qui luật về một xã hội trật tự thích hợp và ông đã tâm đắc những qui luật ấy nhằm thực hiện những điều khoản cho đức tin mới. Khái niệm xã hội có tính chất mới mẻ của ông đã trao truyền cảm hứng cho loài người để kiểm chứng lại những ưa thích được phong (hoặc ban) tặng của những cá nhân. Đối tượng của sự tôn kính không phải là Thượng đế, cũng không phải là đức Phật nhưng chính con người. Con người không có xã hội thì không thể được tiếp nhận. Vậy là sự phát triển của triết học mang tính chất nhân văn trong tư tưởng và hành động của Ambedkar”. Jatava, D.R., Political philosophy of B.R.Ambedkar, … tr. xix.
7.Trị vì được 12 năm, về sau Đinh Tiên Hoàng và con cả là Nam Việt Vương Đinh Liễn bị Đỗ Thích mưu sát, sau đó Đỗ Thích cũng bị bắt và bị giết. Đinh Tuệ mới sáu tuổi lên kế ngôi vua, mọi việc triều chính và quyền hành đều nằm trong tay Lê Hoàn và Dương Thái Hậu đảm nhiệm. Đức Nhuận, Đạo Phật và Dòng Sử Việt,… xem lời ghi chú tr. 70-1.
8. Nhờ tư thông với Thái Hậu và sự ủng hộ của Phạm Cự Lương và quân sĩ, họ đã tôn Lê Hoàn lên ngôi vua để chống giặc Tống, nhằm bảo toàn nền độc lập tự chủ của quốc gia Đại Cồ Việt. Sđd.