Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Từ công chúa Lý Ngọc Kiều đến thiền gia Diệu Nhân

Từ công chúa Lý Ngọc Kiều đến thiền gia Diệu Nhân

137
0

Khi công chúa phải "gả chồng xa"…

Vào một ngày xuân khoảng năm 1058, công chúa Lý Ngọc Kiều được gả về châu Chân Đăng, một vùng đất thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay, làm phu nhân quan châu họ Lê.

Thời Lý, việc gả các công chúa cho thủ lĩnh các châu là một chính sách nhằm cố kết lòng người với vương triều. Nhiều công chúa đã được gả về các vùng biên trong hoàn cảnh như thế.

Trước Ngọc Kiều, theo sử sách ghi lại đã có ba người. Đầu tiên là công chúa Bình Dương, được gả cho Châu mục châu Lạng là Thân Thiệu Thái vào năm 1029; sau đó năm 1036 có đến hai công chúa được gả đi các châu, là công chúa Kim Thành ( Đại Việt sử lược, ghi là Khánh Thành) gả cho châu mục châu Phong là Lê Tông Thuận (Đại Việt sử lược ghi là Thuận Tông) và công chúa Trường Ninh gả cho châu mục châu Thượng Oai là Hà Thiệu Lãm.

Các vua nhà Lý tiếp tục chính sách ấy trong nhiều năm. Sau Ngọc Kiều, Lý Thánh Tông lại gả công chúa Thiên Thành cho Thân Đạo Nguyên, con trai công chúa Bình Dương và Thân Thiệu Thái năm 1066, Lý Nhân Tông gả công chúa Khâm Thánh cho châu mục châu Vị Long Hà Di Khánh mùa xuân năm 1082, gả công chúa Diên Bình cho Thủ lĩnh Phú Lương là Dương Tự Minh năm 1127.

Sử sách không ghi gì thêm về các cuộc hôn nhân ấy, không rõ số phận các công chúa ở vùng biên viễn ra sao? Có phải họ đã tìm được một gia đình hay cũng chỉ như một "sứ giả thường trú" của vương triều?

Các triều đại sau đôi khi cũng áp dụng kinh nghiệm của nhà Lý. Nhà Trần gả Huyền Trân cho Chế Mân vì mục đích giữ gìn mối quan hệ hữu hảo với quốc gia phía Nam; dưới triều Hồ, Lê Trịnh… đều có những cuộc hôn nhân mà thực chất chỉ là nhằm tới một mục đích chính trị nào đó, "người đi" cũng coi như một vật hy sinh, một hòn sỏi hay một hòn ngọc, cũng đều rơi vào quên lãng.

Trường hợp của công chúa Lý Ngọc Kiều có thể có đôi chút khác biệt. Đại Việt Sử ký toàn thư, Tập 1 (tr.300) có ghi đôi điều khi công chúa qua đời, là một tài liệu rất quý để suy đoán về công chúa:

"Mùa hạ, tháng Sáu (năm 1113), phu nhân của châu mục Chân Đăng là công chúa họ Lý mất. Ngọc Kiều, con gái lớn của Phụng Càn vương, được Thánh Tông nuôi trong cung, lớn lên phong làm công chúa, gả cho châu mục Chân Đăng họ Lê. Chồng chết, phu nhân tự thề ở goá, đi tu làm sư nữ, đến đây mất, thọ 72 tuổi. Thần Tông tôn làm ni sư". (Như vậy tính ra Ngọc Kiều sinh năm 1042)."

Phụng Càn vương là em liền kề thái tử Nhật Tôn, tên là Nhật Trung, một hoàng tử có đủ tài đức.

Trong các hoàng tử của Lý Thái Tông chỉ có thái tử Nhật Tôn và ông được phong tước vương, các hoàng tử khác chỉ được phong tước hầu.

Phụng Càn vương cũng thường được giao những nhiệm vụ quan trọng trong triều. Hai lần ông được vua cha giao cho lưu thủ kinh sư.

Trong các hoàng tử của Lý Thái Tông, ngoài Nhật Tôn chỉ thấy sử ghi các hoạt động của Phụng Càn vương Nhật Trung. Có lẽ ông là người giúp anh được nhiều việc triều chính quan trọng, vì thế giữa hai anh em có tình thân thiết.

Lý Thánh Tông được sử khen là một vị hoàng đế nhân ái, có lòng yêu thương con cháu, nhưng đối với Ngọc Kiều, ông có sự chăm chút riêng có thể chính vì tình thân thiết anh em đó.

Nhưng dù yêu thương, Ngọc Kiều vẫn phải được gả chồng. Chỉ có điều ngày nay ta không rõ Lê công là một nhân vật như thế nào? Cuộc hôn nhân ấy có đem lại cho công chúa hạnh phúc lứa đôi hay nàng cũng chỉ như nhiều công chúa khác thực hiện một nghĩa vụ chính trị? Và nguyên nhân nào khiến công chúa sau khi chồng chết đã trở về Thăng Long nhưng quyết không lấy chồng khác mà tìm đến nương nhờ cửa Phật?

Rất may sách Thiền uyển tập anh cũng bổ sung thêm một vài chỉ dẫn. Theo sách này thì Ngọc Kiều được gả về Chân Đăng khi nàng mới đến tuổi "cập kê", nhiều nhất là 16 tuổi.

Cũng không rõ cuộc hôn nhân giữa công chúa và Lê công được bao năm tháng, nhưng khi thiền sư Chân Không mất, năm 1100, thì Ngọc Kiều đã đến viếng với tư cách là đệ tử. Chân Không mất năm ấy mới 55 tuổi đời và 36 tuổi hạ.

Tính ra sư sinh năm 1046, kém Ngọc Kiều khoảng bốn, năm tuổi, xuất gia năm 18 tuổi (1064). Và để có thể trở thành sư phụ của Ngọc Kiều, một người đã từng trải, hơn thế chắc chắn có ít nhiều học vấn, Chân Không hẳn cũng cần chừng trên dưới 10 tuổi hạ.

Như vậy có thể phỏng đoán Ngọc Kiều trở thành học trò của Chân Không khoảng sau năm 1070, nghĩa là sau khi công chúa lấy chồng chừng 15 năm và ở vào độ tuổi trên dưới 30. Dẫu sao khi bắt đầu cuộc đời tu hành công chúa cũng còn rất trẻ.

Theo Thiền uyển tập anh, trước khi xuất gia Ngọc Kiều đã có nhiều trăn trở, công chúa từng than: "Ta xem thế gian, hết thảy các pháp cũng như mộng huyễn, huống gì bọn sang quý tạm bợ lại có thể nương dựa được sao!".

Có thể nàng cũng thật lòng thương quý Lê công, bởi vì có một điều chắc chắn là Lê công cũng như các vị châu mục khác làm rể vương triều không thể là những kẻ hèn kém, thiếu bản lĩnh.

Về một khía cạnh nào đó, họ cũng tương xứng với các công chúa, song hôn nhân, dù bất cứ ở thời đại nào, cũng không thể hoàn hảo khi nó chỉ là đối tượng của sự sắp đặt, của các quy chuẩn và nhất là thuần tuý mang tính mục đích.

Vì vậy cuộc hôn nhân của Ngọc Kiều về châu Chân Đăng dẫu sao vẫn là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời công chúa khiến người đời sau ngẫm nghĩ cứ thấy ngậm ngùi.

Bởi lẽ từ nhỏ cô đã được nuôi dưỡng ở trong cung, sống cuộc đời vương giả, được yêu chiều, có thể rất hồn nhiên vui vẻ, và trẻ thơ. Trở thành "phu nhân" của một thủ lĩnh ở nơi núi rừng xa lạ, công chúa đã phải nếm trải mọi nỗi sinh ly rồi tử biệt, đủ để thấu hiểu những khổ đau mà chúng sinh phải gánh chịu trong cuộc đời.

Sự trải nghiệm ấy đủ sức mạnh để công chúa có một thái độ dứt khoát: "Đem cho hết các đồ trang sức, xuất gia, đến thụ giới với thiền sư Chân Không tại hương Phù Đổng, học hỏi tâm yếu", được thiền sư đặt đạo hiệu là Diệu Nhân và rồi "đạt được tam ma địa", trở thành " một bậc tôn túc trong hàng ni chúng".

Một thiền gia uy tín đương thời

Diệu Nhân đã là một bậc thày, nhiệt thành đem tâm yếu Đại thừa chỉ dẫn cho những ai muốn cầu học.

Sư bà thường giảng giải cho các đệ tử rằng: "Chỉ trở về nguồn tự tính thì dù phương pháp "đốn" hay "tiệm" đều có thể tuỳ đó mà thể nhập. Hãy luôn tĩnh lặng trong sạch, tránh xa thanh sắc, ngôn ngữ ".

Diệu Nhân coi Kinh Kim cương là bộ kinh chủ yếu dắt dẫn quá trình tu tập của mình. Bà cũng từng bộc bạch điều ấy với học trò, khi có người hỏi về một câu trong Kinh Duy ma cật "Tất cả chúng sinh bệnh nên ta cũng bệnh, vậy sao gọi là khi nào cũng tránh xa thanh sắc?", sư bà đã giảng giải rằng nếu lấy sắc và thanh mà cầu Phật thì là theo "tà đạo", bởi vì "Đạo vốn không lời", người tu hành "Xưa nay không đi", phải ngồi tĩnh lặng suy tư.

Vào thời Lý, sau một ngàn năm Bắc thuộc, là một dân tộc mới giành lại chủ quyền, Đại Việt có rất nhiều yêu cầu đặt ra trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Khẳng định bản lĩnh văn hoá dân tộc cũng là một khâu trọng yếu trong đó.

Người dân trong tâm thế chủ nhân và tự do khao khát tri thức, khao khát lý giải những vấn đề cơ bản của cuộc sống con người. Trong hoàn cảnh này người ta có dịp đi sâu vào những vấn đề có tính chất triết học, như bản thể vũ trụ, nguồn gốc con người.

Những câu hỏi đại loại như con người là ai, từ đâu đến, chết rồi đi về đâu và những mối quan hệ giữa sắc và không, sống và chết, tồn tại hay không tồn tại; vị trí, ảnh hưởng, tác động qua lại giữa ba tông giáo Nho Phật Lão, vai trò giữa Phật và Thánh, kẻ xuất gia và người tại gia… thường được đặt ra và thảo luận sôi nổi trong các thiền viện hoặc các buổi tham vấn của vua chuá với các bậc kỳ túc.

Diệu Nhân là một thiền gia uy tín đương thời, trước khi về cõi vĩnh hằng bà đã để lại một chỉ dẫn về cách tu tập và cũng có thể xem là tuyên ngôn của bà về quan niệm sống chết, về quy luật tự nhiên của cuộc sống con người:

Công chúa Lý Ngọc Kiều – thiền gia Diệu Nhân góp mặtt rogn cuốn sách "Các vị nữ danh nhân Việt Nam"

Sinh, lão, bệnh, tử,
Tự cổ thường nhiên.
Dục cầu xuất ly,
Giải phược thiêm triền.
Mê chi cầu Phật,
Hoặc chi cầu thiền.
Thiền Phật bất cầu,
Uổng khẩu vô nghiên (ngôn).

(Sinh, lão, bệnh, tử,
Tự cổ đương nhiên.
Muốn cầu siêu thoát,
Lại trói buộc thêm.
Mê, thì cầu Phật,
Hoặc, thì cầu thiền.
Thiền Phật chẳng cầu,
Mím miệng ngồi im.)

Diệu Nhân tỏ ra chấp nhận quy luật tự nhiên khách quan đối với quá trình sinh học một đời người. Theo bà, người ta sinh ra, lớn lên, già rồi ốm chết, đó là quy luật, từ xưa vẫn thế.

Bản thân bà đã đi hết bốn chặng của một đời người và khó có thể nghĩ rằng đó là một hành trình dễ dàng. Một thân thế cành vàng lá ngọc như công chúa Ngọc Kiều nhưng cuộc sống đâu đâu thập phần như ý.

Từ tuổi thanh xuân từ giã hoàng cung đi lấy chồng cho đến lúc dời bỏ cõi trần, gần sáu mươi năm trải nghiệm biết bao buồn vui mà chắc chắn buồn nhiều hơn vui, bản thân bà phải chống chọi với mọi nỗi đau tinh thần và sự tàn phá của quy luật tự nhiên đã giúp bà nhận ra sự khắc nghiệt của quy luật.

Con người ta, nói chung thường từ giã cõi đời trong tư thế thất bại, nhưng Diệu Nhân với bản lĩnh, trí tuệ sáng suốt đã giữ vững tư thế chủ động trước tự nhiên, bình tĩnh vững vàng, cho nên bà hiểu rằng nếu con người nhọc lòng cầu Phật, cầu thiền, mong nhờ sự trợ giúp của một lực lượng siêu nhiên nào để thoát khỏi "lẽ thường tự cổ" đó thì chỉ là mê muội, tự trói buộc mình mà thôi.

Người ta không cần cầu Phật mà cũng chẳng nên nhiều lời giảng giải điều gì. Thiền vốn là vô ngôn! Điều chính yếu là mọi người phải phá bỏ mọi "chấp trước", như thế sẽ đạt tới giác ngộ. Một quan niệm thật là trí tuệ và văn minh.

Hơn một thế kỷ sau, hoàng đế Trần Thái Tông sẽ trở lại vấn đề này. Ông cũng giảng về bốn giai đoạn của một đời người, chỉ dẫn cho mọi người phương pháp vượt qua bốn giai đoạn khó khăn ấy.

Và chính ông đã sử dụng gần như nguyên vẹn bài kệ này của Diệu Nhân làm "Kệ khuyến chúng".

Có điều nếu Diệu Nhân mạnh mẽ dứt khoát, quyết liệt, yêu cầu người học đạo phải đạt đến sự giác ngộ bằng suy tư, lý trí thì Trần Thái Tông chiếu cố nhiều hơn đến sự "mê hoặc" của chúng nhân.

Ông giúp những người học đạo hiểu quy luật thường nhiên đó bằng nhận thức hình tượng, bằng sự tác động vào cảm xúc của họ. Thái Tông đặt ra những phương pháp tu trì, tụng kinh niệm Phật, sám hối, dâng hương dâng hoa… giúp họ làm phương tiện để đạt đến bờ giác, đến thời điểm mà ánh sáng trí tuệ bừng mở khiến họ hiểu "Phật là không mà Tổ cũng là không".

Sự khác nhau giữa Diệu Nhân và Thái Tông đó góp phần làm nên một nét khu biệt giữa thiền học đời Lý và đời Trần.

***

Diệu Nhân là một nữ sĩ của buổi đầu lịch sử văn học nước nhà. Đối với những câu hỏi lớn mà các tín đồ đạo Phật thời nào và nước nào cũng bàn đến như sắc không, sinh tử, mê giác, thịnh suy…, cùng với cách nhìn có phần biện chứng của Nguyên phi Y Lan, nụ cười tươi tắn của Mãn Giác, cách lý giải trữ tình sâu sắc của Viên Chiếu, sự trào tiếu của Trí Bảo…, Diệu Nhân đã góp một cách nhìn sáng suốt, một thái độ ung dung tự tại góp phần làm nên tinh thần lạc quan, trí tuệ và cứng cáp của văn học thiền đời Lý, một trong những đặc sắc riêng của thơ thiền thời Lý Trần mà văn học thiền các giai đoạn sau không thể đạt đến được.

Theo Tuanvietnam.net

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here