“Ngày hôm sau, vương tiếp kiến mừng rỡ, ân cần cùng nhau thuật lại mối tình cưu nhớ. Vương hỏi rằng: “Nghe nói kinh các, nơi thường trú của Lão Hòa thượng, xây cất chưa xong phải chăng?”. Ta đáp rằng: “Nếu làm trọn cả, phải tốn độ 7, 8 ngàn vàng (đồng?), nhưng nay vật liệu đã có chừng 3,4 ngàn, chỉ thiếu 5 ngàn lượng nữa là xong việc”. Vương sốt sắng bảo rằng: “Lão Hòa thượng qua đây, ta may được làm đệ tử, nhưng tự thẹn chưa được làm gì để đền đáp công đức. Nay lương tiền xây cất đại diện, ta xin hoan hỷ đảm phụ. Sang năm, lúc lão hòa thượng trở về, xin cứ tùy ý xây cất, hao tốn bao nhiêu ta chẳng tiếc… ”.
Phần cuối sách kể trên, có “Bài khảo cứu Hải ngoại kỷ sự” của GS Cheng Ching Ho, phần “II. Tiểu sử của Thích Đại Sán”, trang 246 cho biết: “Vương Sĩ Trinh, Ngư Dương Sơn Nhân là tác giả bộ sách Phân Cam Sư Thoại, từng công kích gắt gao việc làm và nhân cách của Đại Sán ”. Bài ấy viết rằng: “Quảng Châu có yêu tăng tên Đại Sán, tên chữ Thạch Liêm… xuất thân rất bần tiện… tính sâu độc… hằng ngày hầu chực các nhà đương sư có thế lực… để dua mỵ các quý nhân; càng được thân cận, chừng ấy không còn kiêng sợ chi nữa… Năm Giáp Tý (1684), ta vâng sứ mạng đến tỉnh Việt, nghe chuyện, trong lòng rất ghét, sau nghe y buôn lậu qua An Nam, chở về hàng thuyền báu vật, như sừng tê, ngà voi, châu ngọc, san hô… trị giá hàng vạn, mà các quan địa phương chẳng ai làm khó dễ gì…”.
Chính sự phê phán của Vương Sĩ Trinh, Ngư Dương Sơn Nhân là những người cùng thời với Thích Đại Sán, tất nhiên phải có lửa mới có khói, cho nên ngày nay cũng có nhiều độc giả cho rằng “ngũ thiên kim (5000 lượng) ” mà Minh Vương hoan hỷ với Thích Đại Sán để trùng tu am Trường Thọ (Quảng Đông) tất nhiên phải là 5000 lượng vàng! Để rồi phụ họa thêm cho những nhận định của họ Vương và họ Ngư Dương. Ở đây, không nên bàn đạo đức của một danh tăng là vấn đề rất nhiêu khê, mà chỉ bàn một khía cạnh nhỏ là số tiền “ngũ thiên kim” được hiểu và dịch thế nào cho đúng?
Luận về tiểu sử Thích Đại Sán, trang 252 sách trên, GS Cheng Ching Ho viết tiếp: “… Đến như Đại Sán làm việc buôn lậu, thì sự hiềm nghi lại càng đậm đà tăng thêm…”. Cứ theo Hải ngoại kỷ sự ký thuật lúc Đại sán khởi hành từ Quảng Đông: “Tăng chúng đi theo hơn 50 người, hành lý cũng nhiều, thuyền chủ nhìn nhau chẳng biết sắp đặt cách nào, phải đem khách hàng chuyền lui Dương Thành (Quảng Đông), còn phải chia một nửa tăng chúng, hành lý cho tháp tòng 2 thuyền đi sau”. Đoạn văn ấy có thể chứng thực số lượng hàng hóa Đại Sán đưa qua Quảng Nam vì mục đích tặng biếu hay buôn bán, quá nhiều một cách lạ lùng… Phúc Chu hưởng ứng… khảng khái xuất ra 5.000 lượng bạc (ngũ thiên kim) để cúng làm kinh phí kiến trúc Trường Thọ am đại điện…”
Ở trang 267, “Bài khảo cứu…” Giáo sư viết tiếp: “Lúc nói chuyện đến việc xây cất chùa Trường Thọ, Minh vương khảng khái phát nguyện cúng 5000 đồng, đảm phụ kinh phí kiến đại điện chùa ấy”.
Qua đó, ta thấy số tiền “ngũ thiên kim” đã được hiểu rất nhiều cách: khi thì 5000 lượng vàng, khi thì 5000 lượng bạc, khi thì chỉ là 5000 đồng!
Về sự việc này, Đại Nam liệt truyện tiền biên (Quốc sử quán triều Nguyễn, Cao Tự Thanh dịch, NxbKHXH, 1995) trang 262 chép không rõ lắm: “209. Hòa thượng Thạch Liêm:… cáo từ trở về Quảng Đông, chúa tặng cho rất hậu, lại ban cho gỗ quý để xây chùa Trường Thọ…”.
Nếu “ngũ thiên kim” ấy chỉ là 5000 đồng tiền, tức chỉ 8 quan 3 tiền 20 đồng, thì là một số tiền quá nhỏ không thể đủ để xây cất một đại điện được, cho nên đó phải là 5000 lượng bạc hoặc 5000 lượng vàng.
Xem lại một số đoạn khác trong Hải ngoại kỷ sự liên quan đến tiền tệ, như ở Quyển V, trang 209, Thạch Liêm viết: “Lúc ta đang đau nằm tại Hội An, Quả Công hai ba lần xin cử Lưu Thanh làm chức Cai phủ, quản lý hàng hóa ngoại quốc. Ta vô tình nghe lầm, làm thư tiến cử, liền được Quốc vương phê chuẩn. Theo lệ cũ, Lưu Thanh phải nạp bạc thuế một vạn lượng, hạn trong 10 ngày nạp đủ. Lưu cầm cái giấy có chữ Quốc vương phê, chạy khắp nơi cưỡng bức dân chúng để vay mượn”. Sau khi biết được hành động của họ Lưu, vị hòa thượng đã viết thư cho Chúa (trang 212, Sđd) để đề nghị bãi chức như sau: “Lưu Thanh lại dùng 3000 vàng làm mồi, muốn cho lão tăng điên đảo thị phi, nói một lời với nhà vua để cho nó được việc, thế thì thiệt buồn cười quá. Sao nó chẳng nghĩ lão tăng được quốc vương thành tâm thỉnh cầu qua đây để quy y, quốc vương cung dưỡng, mỗi việc đều long trọng chu đáo. Nếu lão răng có việc công đức chưa hoàn thành, ắt quốc vương cũng hoan hỷ thành tựu, sá gì vật nhỏ mọn ô uế ấy. Thử xem lão răng ở vương quốc gần một năm nay, chưa từng chịu lời của ai lo lót gửi gắm, để cầu quốc vương dụng tình bao giờ. Lúc đầu vì không biết nên tiến cứ lầm… “.
Bàn luận đoạn trên, GS Cheng Ching Ho, ở trang 269 viết: “Đại Sán chưa kịp xét rõ, tiến cử Thanh lên quốc vương, liền được quốc vương phê chuẩn và kiến chiếu theo lệ cũ, trong 10 ngày trình nạp đủ 1 vạn bạc”.
Nghiên cứu lại cách dùng vàng bạc thời ấy, ta thấy Đại Nam thực lục (NXB Giáo dục, Đà Nẵng, 2004) tập 1, trang 115 có viết: “Nhâm Ngọ, năm thứ 11 (1702)… Mùa hạ, tháng 5… Sai bọn hoàng Thần, Hưng Triệt đem quốc thư và cống phẩm (kỳ nam 5 cân 4 lạng, vàng sống 1 cân 13 lạng 5 đồng cân, ngà voi 2 chiếc nặng 350 cân, mây song hoa 50 cây) sang Quảng Đông để cầu phong (Thần và Triệt người Quảng Đông nước Thanh, theo Hòa thượng Thạch Liêm đến yết kiến, nhân đó chúa sai đi)…”.
Tác giả Lê Thành Khôi, trong sách Le Viet-Nam, Histoire et Civilisation, Paris, Les éditions de minuit, 1955, phần “Tableau des poids mesures et monnaies” ở trang 551-553, cho biết tỷ lệ các đơn vị trọng lượng nay xưa như sau:
1 cân = 16 lạng (cũng đọc là “lượng”) = 604,5 gram, 1 lạng = 37,783 gram
1 lạng – 10 tiền = 100 phân = 1000 ly = 10.000 hòa = 100.000 ty = 1.000.000 hốt
Nếu “ngũ thiên kim” là 5000 lạng vàng, tức hơn ba trăm cân vàng, (so với số vàng sống làm cống phẩm cầu phong là việc rất lớn mà chỉ chưa đầy 2 cân) là một tài sản quá lớn, e không phù hợp!?
Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu (NxbVHTT, 2005) trang 633: “Kim: 2, vàng… 3, tiền tiêu… nếu tiền tệ gọi là kim. Tục gọi một lạng bạc là nhất kim”. Từ Hải, Từ Nguyên và Khang Hy Tự Điển cũng đều giải thích như thế.
Lại nữa, Lê Quý Đôn, trong Phủ Biên Tạp Lục trang 233 còn cho biết thêm: “Ở Trung Quốc tiêu bạc nhiều, tiêu tiền ít,… đàn bà trẻ con ở dân gian có mua bán vật nhỏ đều dùng bạc, thường cầm cân tiểu ly để cân từng phân hào, thuế khóa cũng thu bằng bạc không thu tiền”.
Từ các chứng lý trên, tôi cho rằng “ngũ thiên kim” mà Minh Vương biếu Hòa thượng Thạch Liêm chính là 5000 lạng bạc. Và qua đây, xin đề nghị khi tái bản Hải ngoại kỷ sự, cần đính chính các điểm nói về tiền tệ mà bản dịch không được thống nhất đã nêu trên./.
N.A.H