Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Phú quý và lễ nghĩa

Phú quý và lễ nghĩa

152
0

Trước hết là cô diễn viên điện ảnh nổi tiếng Angelina Jolie. Cô được trời phú sắc đẹp quyến rũ, được giới truyền thông tôn vinh là gợi cảm bậc nhất, lại kết đôi với diễn viên điện ảnh Brad Pitt, đẹp trai và cũng rất nổi tiếng. Thành công về điện ảnh thì quá vẻ vang: Giải Oscar, 3 giải Quả Cầu Vàng, và nhiều giải danh giá khác. Sau nữa là chuyện con cái: đã có con ruột- Shiloh, Angelina Jolie trang trải tình cảm thêm với mấy đứa con nuôi: Maddox, người Campuchea; Zahara, người Ethiopia; Pax Thien, người Việt. Về hoạt động nhân đạo, cô không làm theo kiểu hời hợt của người nổi tiếng, mà hăng say nhiệt thành tham gia hoạt động làm giảm đói nghèo tại Châu Phi, và đã được hãng thông tấn Reuters bình chọn là Ngôi sao nhân đạo năm 2007 (hơn cả Bill Gates). Với tiếng tăm lừng lẫy, Angelina Jolie được mời làm đại sứ thiện chí của Cao Ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR). Angelina Jolie đã đi đến 20 vùng đất chịu khủng hoảng về nhân đạo tồi tệ trên thế giới. Một tổ chức do Angelina Jolie và Brad Pitt sáng lập đã chi 1 triệu USD giúp nạn nhân của cuộc chiến tại Darfur (Sudan), nơi mà LHQ mô tả như là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử.

Từ một cô đào thuộc lãnh vực công nghệ giải trí, tôi đề cập đến một nhân vật kiệt xuất thuộc ngành công nghệ phần mềm: Bill Gates. Sự nghiệp quá vẻ vang với thương hiệu Microsoft lừng lẫy, mang về cho Bill Gates tài sản khổng lồ, vào loại bậc nhất trên thế giới. Ngay con người cũng thể hiện nét độc đáo, với ngoại hình dong dỏng cao, với khuôn mặt, nụ cười, đôi mắt cận vừa cao sang, vừa dung dị, hấp dẫn trước đám đông. Song song với sự nghiệp đó, và nhờ thành quả của sự nghiệp đó, Bill Gates đã để dành trái tim và khối óc của mình cho hoạt động nhân đạo với việc thành lập Quỹ Bill & Melinda Gates, tài trợ cho những hoạt động khoa học, y tế, từ thiện. Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên vì ông bà Gates không dành phần lớn tài sản của mình để lại cho con cái mà hứa sẽ dành cho nhân loại. Hiện họ đang có 3 đứa con nhỏ nhưng Melinda phân minh trong chuyện này: "Bất cứ lúc nào gia đình tôi nói tới chuyện tài sản, chúng tôi đều nói đến trách nhiệm phải trao tặng nó cho thế giới. Các con của chúng tôi đã có tài khoản riêng của chúng. Không phải lúc nào chúng muốn mua gì cũng được nấy mà phải đợi đến những dịp như sinh nhật mới được tặng hay đợi cho đến khi chúng tự để dành đủ tiền".

Bill & Melinda Gates (nguồn ảnh internet)

 Cũng có thể kể thêm những người đại phú quý như nhà đầu tư chứng khoán, doanh nhân Warren Buffet đã chuyển giao 30 tỉ USD vào quỹ từ thiện, và hứa sẽ cống hiến toàn bộ tài sản sau khi qua đời; ca sĩ Bono người Ireland với ban nhạc lừng danh U2 hoạt động nhân đạo không mệt mỏi, tổ chức hòa nhạc lấy tiền giúp các nước nghèo, vận động các nước giàu viện trợ chống nạn đói ở Châu Phi. Đó là những nhân vật lớn và điển hình. Có không biết bao nhiêu người phú quý đã dành của cải và công sức giúp đỡ những người khốn khó. Ngay cả những người không phải là giàu, thể hiện tấm lòng nhân ái cao cả trong việc chia xẻ miếng cơm manh áo, vận động quyên góp, tổ chức thăm viếng, tặng quà cho người nghèo.

Tuy nhiên, trên thế giới có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về những người giàu làm từ thiện. Làm từ thiện vì muốn chia xẻ với người nghèo khó, xuất phát từ lòng nhân ái nội tâm; làm từ thiện như một nghĩa cử chẳng đặng đừng, vừa được tiếng vừa được giảm thuế lợi tức; làm từ thiện như một cách tiếp thị hình ảnh cá nhân hoặc thương hiệu của mình; làm từ thiện để thỏa mãn hình ảnh sáng chói của mình nhất là trước ống kính truyền hình hoặc báo chí,… Lại nữa, có dư luận khuynh tả muốn cổ vũ cho phong trào đòi bình đẳng xã hội, đem công ăn việc làm, giải quyết tệ nạn xã hội,… xa hơn nữa, đòi hỏi các nước giúp đỡ các nước nghèo một cách hào hiệp, tránh “đục nước béo cò”, gây thêm khủng hoảng xã hội và rồi dùng cứu trợ như là xoa dịu khủng hoảng, hơn là chỉ bằng lòng về những hành động từ thiện đơn thuần. Mặt khác, làm từ thiện không khéo sẽ như là một sự ban ơn của giai cấp trên cho kẻ dưới, một sự đụng chạm nhân phẩm.

Tuy nhiên, xét về mặt hiệu quả, nhất là hiệu quả tức thời, thì đối với người khốn khó, nhất là những người đói quanh ta, thì của từ thiện cứu vãn mạng sống hoặc ít nhất giải quyết đời sống trước mắt; còn đối với người cho, thì ít nhất cũng đem lại chút hân hoan trong lòng, và nếu hành động lặp lại thì hiệu ứng trong tâm sẽ gia tăng lòng nhân ái. Nhiều người, nhiều tổ chức đi xa hơn việc giúp “con cá” mà nghĩ đến chuyện trao “cần câu”: giúp dạy nghề, lập quỹ cho vay ưu đãi, tài trợ học bổng, cải thiện môi trường sống… Hơn nữa, phần đông những người thành đạt đã sống hai cuộc đời như hai mặt để hoàn thiện nhân cách: một cuộc đời cam go phấn đấu trên thương trường, trên khoa học kỹ thuật, trên nghệ thuật để vươn lên đỉnh cao của thành công; một cuộc đời làm từ thiện như là nghĩa cả với xã hội, như để tạ ơn đời. Một số nhân vật lớn đã để lại di chúc cống hiến tài sản cho nhân loại, hoặc đã dành thời gian và tâm huyết cho những hoạt động có tính cách toàn cầu như thành lập và điều hành các quỹ tài trợ các hoạt động văn hóa, nhân đạo, giáo dục, khoa học, môi trường, mà thế giới biết tiếng như giải Nobel, tổ chức Ford, học bổng Fulbright, quỹ Bill & Melinda Gates,…

 Những người này, phú quý có thừa mà lễ nghĩa cũng trải rộng. Ta có thói quen dùng chữ lễ nghĩa như là từ ghép (nhất là dùng trong câu: “Phú quý sinh lễ nghĩa”), thật ra cần tách ra 2 từ: “lễ” và “nghĩa”. Theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh: Lễ: Cách bày tỏ kính ý. Nghĩa: Việc theo đường lối phải – Đạo chính – Việc nên làm – Hào hiệp. Những người nói trên thực hiện việc nghĩa, và nghĩa ở đây là bao hàm chữ nhân. Còn gì nghĩa hơn sau khi thành đạt thì nghĩ đến mọi người. Phú quý là điều kiện để sống lễ nghĩa, nhưng nếu nói theo nghĩa dân gian bình thường: Phú quý sinh lễ nghĩa – giàu thì cho bớt, để cho vẻ vang, có gì lạ? –  thì không đánh giá đúng tầm những nhân vật đó, dầu cho nhân vật có tài thì có tật (chẳng hạn như giới ca sĩ, diễn viên). Chỉ có điều lạ: phú quý không sinh ra lễ nghĩa mà sinh ra đạo tặc, chứ không phải chỉ có “bần cùng sinh đạo tặc”. Đó là tệ tham nhũng nhức nhối trong bộ máy công quyền: quan chức đục khoét công quỹ, ăn dự án, ăn đất, ăn hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng…

 Theo truyền thống, ở nước ta, người phú quý xuất thân từ gian khó thì nghĩ đến phước đức của tổ tiên, đến thân bằng quyến thuộc đã giúp cho mình có được như ngày nay, từ đó tin vào nhân quả và sống có nhân nghĩa. Từ túng thiếu, ăn nên làm ra, con cái lo đỡ đần cho cha mẹ, mái nhà, bữa cơm, giấc ngủ; khá hơn nữa thì giúp đỡ làng nước. Rồi chuyện cúng tế, lễ nghi tươm tất hơn, kể cả chuyện mồ mả. Đặc biệt sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, biết bao người trong nước lẫn ngoài nước, đã góp phần tái thiết quê hương, giúp đồng bào nghèo, nạn nhân chất độc da cam, tài trợ các chương trình y tế, giáo dục, trùng tu nhà thờ, chùa chiền, cấp học bổng,…, và phần đông họ chưa hẵn là những người giàu. Ngay giữa những người nghèo với nhau, vẫn sâu đậm tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, lá lành đùm lá rách.

Angelina Jolie và Brad Pitt đã chi 1 triệu USD giúp nạn nhân của cuộc chiến tại Darfur -Sudan (nguồn ảnh internet)

Từ giai đoạn đổi mới đến mở mang kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập thế giới, nói chung đời sống nhân dân đã có bước cải thiện đáng kể, nhiều người có cơ hội làm ăn và không ít người phát tài (có người xài sang tầm cỡ thế giới như sắm xe hơi Rolls Royce Phantom giá 1,32 triệu USD tương đương 21 tỉ đồng), tuy nhiên bộ mặt nông thôn và bộ mặt thành thị khuất sau vẻ hào nhoáng của phố phường, là bức tranh màu xám…

Đời sống văn hóa, giáo dục vẫn chưa có nét khởi sắc, đạo đức xã hội, đạo đức học đường chưa được cải thiện, văn minh, trật tự đô thị chưa đảm bảo, nét đẹp văn hóa truyền thống bị phai mờ, môi trường có nguy cơ xuống cấp. Điều đáng suy nghĩ là nhiều người phất lên giàu có, rồi bày vẽ những hình thức lễ nghi phiền phức, khoe của rởm đời, chơi trội, làm xốn mắt thiên hạ. Sự phú quý của một tầng lớp không nâng lên tầm văn hóa cho xã hội, mà có khi ngược lại, chỉ đề cao vật chất, bàng quan trước nổi đau của xã hội.

 Nhìn ra thế giới, tại các nước phát triển, nơi mà tự do cá nhân được tôn trọng một cách sòng phẳng, cũng là nơi mà xã hội công dân làm phát triển ý thức cộng đồng, những người khá giả “chơi trội” (!) theo kiểu khác: Tiêu dùng có đạo đức, dầu cho cách tiêu dùng này tốn kém hơn nhiều. Tại Anh, xu hướng của người tiêu dùng thời trang khi lựa chọn mua hàng chính là sản phẩm có “đạo đức” hay không. Khi mua sản phẩm, người tiêu dùng thường đặt ra nhiều câu hỏi như nhà sản xuất có cạnh tranh công bằng hay không? Sản phẩm có thể tái chế được hay không? Nơi sản xuất có tôn trọng tiêu chuẩn lao động quốc tế hay không? Sản phẩm trên ảnh hưởng đến môi trường và xã hội như thế nào? sản phẩm họ cầm trên tay có tạo thêm sự huỷ diệt cho trái đất hay không? Tôi nghĩ rằng thái độ tiêu dùng này là thể hiện một trình độ đạo đức mới, chịu trách nhiệm về hành vi phá hoại môi trường và thiên nhiên, chịu trách nhiệm về hố sâu ngăn cách giàu-nghèo trên thế giới.

Đất nước ta tự hào là bốn ngàn năm văn hiến, xã hội ta có truyền thống tôn trọng lễ nghĩa: tôn thờ danh nhân, khai canh, thành hoàng, anh hùng dân tộc; thờ cúng tổ tiên, kính trọng ông bà, bậc làm thầy, người lớn tuổi; nặng tình làng nghĩa xóm, tình dân tộc, nghĩa đồng bào; dầu hoàn cảnh xã hội thay đổi nhanh chóng thì những nét đẹp văn hóa đó vẫn phải giữ tinh túy, dĩ nhiên cung cách thể hiện không nhất thiết phải gò bó nguyên tắc và cần tôn trọng tự do cá nhân, phù hợp với trào lưu dân chủ. Kế thừa những truyền thống đó, một chính sách giáo dục phù hợp với thời đại mới sẽ nâng tầm văn hóa của xã hội, mọi người biết sống lễ nghĩa, coi trọng các giá trị nhân văn, vượt lên trên văn hóa hưởng thụ vật chất, văn hóa nghe nhìn hời hợt, văn hóa giao tiếp thời thượng.

Cũng trong truyền thống đó, đạo Phật gắn liền với dân tộc từ thuở dựng nước và giữ nước, đã bồi bổ mạch sống tâm linh và đạo đức với những triết lý nhân quả, từ bi hỷ xã, vô ngã vị tha, phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật. Mọi lễ nghĩa đều tốt nếu xuất phát từ tâm trong sáng. Con người sống trung thực, có niềm tin hướng thượng và lòng tin giữa con người với nhau, khiến cho xã hội ngày càng tốt đẹp. Xin dẫn chứng về lòng tin đó tại đất nước Myanmar, một nước mà đại đa số dân theo Phật Giáo, và đang trong suy thoái kinh tế vì những biến động chính trị.

 Người ta bày đá quí trong tủ kính, treo trên quầy và bày cả ra vỉa hè để bán. Khách có thể tự do lựa chọn, mặc cả và mượn một chuổi ngọc để chụp hình, đi dạo thử một vòng rồi trả lại mà chủ nhân vẫn vui vẻ đồng ý, không hề cằn nhằn và sợ bị lấy cắp. Nhiều viên đá quí mắc tiền đến vài chục ngàn, vài trăm USD nhưng vẫn được bày ra ngay trên lề đường như bán hàng xôn vậy. Bà Mya Nann Shin, chủ một trong những cửa hàng buôn bán đá quí lớn nhất ở chợ đá quí, cho biết gần 30 năm qua, chưa bao giờ chứng kiến tình trạng mất trộm hoặc cướp bóc đá quí tại đây. “Luật pháp là một lẽ. Quan trọng là truyền thống văn hóa của người Myanmar chúng tôi. Cái gì của mình thì mình nhận, còn của người khác mà có lấy trộm thì cũng chẳng bao giờ giữ được. Phật dạy như vậy.” Bà Shin lý giải. (Đi chợ đá quí Yangon, Tuổi Trẻ Xuân Mậu Tý 2008)

Dẫn ví dụ đó, tôi có lạc đề không? – Không, vì tôi nghĩ rằng: lễ nghĩa lớn nhất trong đời là mỗi người dâng tặng cho xã hội lòng chân thật, nhất là ngày nay, thời thế đảo điên, thật-giả khôn lường.

C.H.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here