Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Chiếc áo (p.1)

Chiếc áo (p.1)

145
0

Trước hết, tôi chân thành cảm tạ Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế đã dành cho tôi vinh dự đọc một bài thuyết trình trong buổi lễ mãn khóa long trọng này. Tuy dạy học ở xa, tôi vẫn luôn luôn gần gũi Học viện, tưởng như đây là nơi gắn bó nhất với cuộc đời của mình. Ở đây, và chỉ ở đây, tôi mới tìm được khung cảnh đáp ứng đồng thời hai nhu cầu của tôi – nhu cầu tri thức và nhu cầu đạo đức. Trong các trường đại học mà tôi dạy ở xa, tôi có cảm tưởng như chỉ sống một nửa. Không khí mà tôi thở trong Học viện cho tôi được sống vẹn toàn cả hai nhu cầu. Tôi mong được sống vẹn toàn như vậy trong bài thuyết trình  này. 

Cái gì đặc biệt nhất trong buổi lễ hôm nay? Cái gì khiến quang cảnh trong Học viện hôm nay khác với quang cảnh thường ngày? Hiển nhiên là chiếc áo tôi đang bận, lễ phục đại học mà quý vị đang khoác trên mình. Hiển nhiên, chiếc áo đó là đề tài của tôi hôm nay. Tôi sẽ nói sơ lược về lịch sử và ý nghĩa của chiếc áo. Sau đó, tôi sẽ nói nhiều hơn về kinh nghiệm và ý nghĩ của riêng tôi. 

Trước hết là lịch sử. Với lễ phục đại học trang nghiêm, trong hàng ngũ giáo sư cũng như trong hàng ngũ sinh viên, buổi lễ tốt nghiệp hôm nay được tổ chức theo truyền thống đại học Anh Mỹ. Ở Pháp, truyền thống này không có. Để cắt nghĩa lễ phục đại học của sinh viên, giới đại học Anh Mỹ viện dẫn truyền thống bắt nguốn từ thế kỷ 12, 13, khi đại học được manh nha tại Âu châu. Lúc đó, sĩ tử còn rất hiếm, rất quý, người đi học cũng như người đi dạy đều bận áo như áo của … thầy tu. Hóa ra áo thầy tu đẻ ra áo đại học, áo thầy tu là cao quý mà áo đại học phải phỏng theo. Trừ một vài ngoại lệ, giới sĩ tử trong thời Trung cổ ít nhất cũng có đôi chút kinh nghiệm trong nhà thờ, ít nhiều đã trải qua một đời sống tôn giáo cụ thể, ví dụ đã cắt tóc giữa đỉnh đầu. Thêm vào đó, bận áo chùng giữa thời tiết lạnh lẽo thì ấm; đội mũ may gắn vào cổ áo thì vừa ấm vừa che được đỉnh đầu đã xuống tóc. Mũ đó đẻ ra mũ đại học sau này. 

Từ năm 1321, quy chế của đại học Coimbra ở Bồ Đào Nha buộc tất cả "tiến sĩ, cử nhân và tú tài" đều phải bận áo chùng. Áo chùng như thế chưa chắc đã đẹp và sang, bởi vì, vài trường đại học ở Anh, cũng vào giữa thế kỷ 14, cấm sĩ tử không được "diện quá lố" và buộc họ phải bận áo chùng thật dài. Dưới thời vua Henry VIII, đầu thế kỷ 16, hai trường đại học danh tiếng Oxford và Cambridge khởi đầu vạch ra quy chế áo mũ đại học một cách chi ly, ấn định từng chi tiết nhỏ nhặt, áp dụng chặt chẽ từ đó cho đến nay.

Truyền thống đó vượt biên qua Mỹ, thuộc địa cũ của Anh, thế giới mới, đất của Tin Lành, không có lịch sử Trung cổ. Còn ai nhìn áo chùng mà nghĩ đến tu viện khắc khổ? Huống hồ trang phục đại học bây giờ đầy màu sắc rực rỡ mà các đại học ở Mỹ đồng ý quy định một cách thống nhất từ cuối thế kỷ 19. Màu trắng, lấy từ màu lông của mũ Cử nhân ở Oxford và Cambridge, được trao cho phân khoa Văn chương, Nghệ thuật. Màu đỏ, một trong những màu truyền thống của nhà thờ, được ban cho phân khoa Thần học. Màu lục, màu của cỏ lá thuốc thang trong thời Trung cổ, được tặng cho phân khoa Y. Màu ô-liu, tương tự như màu lục, tất nhiên phải chia cho bà con của trường y là trường Dược. Nói đến nước Mỹ mà không nghĩ đến ông nhà giàu thì phạm thượng quá, cho nên màu vàng, màu của vàng bạc châu báu, phải về tay phân khoa Khoa học, vì những khám phá khoa học vĩ đại từ thế kỷ 19 là nguồn gốc của sức mạnh Tây phương. 

Đó là giải thích màu sắc theo lối Mỹ. Ở Pháp, cách chọn màu và giải thích hơi khác. Sắc lệnh của Napoléon ký năm 1804 nói rõ: "các giáo sư và các tiến sĩ khoa luật bận áo giống như các giáo sư và các tiến sĩ khoa Y, nhưng thay vì màu tía của trường Y thì dùng màu đỏ tức là màu dành cho áo trong các tòa án". Một sắc lệnh khác, ký năm 1808, nói thêm: "về màu sắc để phân biệt các khoa, màu đỏ thẩm dành cho Khoa học, màu da cam cho khoa Văn, màu đen với lông chuột cho khoa Thần học ". 

Màu sắc là chuyện chi tiết, tự nó chẳng có ý nghĩa gì. Chuyện đáng nói là ý nghĩa của lễ phục. Nơi áo mũ ngày nay, chẳng còn gì là Trung cổ nữa, chỉ là tượng trưng của đại học, nhưng tượng trưng đó, tập tục đó, không khí lễ hội đó, các đại học Mỹ còn giữ rất kỹ, từ trang phục đến lễ tốt nghiệp, diễn văn, diễn hành của giáo sư và sinh viên sau buổi lễ. Tính tôn giáo trong xã hội Mỹ phảng phất trong xã hội đại học. Xã hội đại học ở Âu châu, tổ tiên của đại học Mỹ, không tha thiết với không khí lễ hội như thế. Lịch sử Âu châu dệt bằng chiến tranh, tranh chấp, cách mạng. Đại học chịu ảnh hưởng đó, và áo mũ cũng không khỏi bị nhìn dưới màu sắc phân tranh. Phe tả, cấp tiến, không muốn phô trương lễ phục. Một ví dụ cụ thể là bản thân tôi.

Tôi, xuất thân vừa ở đại học Việt Nam vừa ở đại học Pháp, lại đặc biệt ngưỡng mộ tập tục diễn văn trong buổi lễ tốt nghiệp ở các đại học Mỹ, tôi có cái nhìn tổng hợp về áo mũ này qua kinh nghiệm của bản thân tôi, tôi xin trình bày sau đây, với hy vọng rằng cái riêng của mình được nhập vào cái chung của tất cả quý vị.

Đây là lần thứ ba trong suốt quãng đời dạy đại học của tôi, tôi bận lễ phục đại học này. Lần thứ nhất, ôi lần thứ nhất, ôi Huế thân yêu của tôi, lần thứ nhất tôi bận lễ phục đại học là tại đất Huế máu ruột này, tại trường đại học Huế sinh thành ra tôi này, cách đây đúng 41 năm, mùa xuân năm 1964. Năm đó, sau khi ông Diệm bị lật đổ, các tướng tá và guồng máy hành chánh cũ định lập lại một chính thể "Diệm mà không có Diệm", với sự ủng hộ của người Mỹ. Chúng tôi, một số giáo chức đại học, dưới sự hướng dẫn của Bác sĩ Lê Khắc Quyến, khoa trưởng trường Y, đi đến lãnh sự quán Mỹ đưa thư phản kháng. Để hành động đó có tính cách uy nghi của đại học, một số chúng tôi bận áo đại học, ai có thì bận.

Như vậy, cái áo này là hình thức hay nội dung? Cái hoa là nội dung của mùa xuân hay hình thức? Cái áo này nói gì trước viên lãnh sự Mỹ? Nói rằng: tôi không phải chỉ là miếng vải đâu, tôi là trí thức đây, vì từ trong não tủy, trí thức không chấp nhận bất công. Nói rằng: tôi là đại học đây, và đại học là chỗ để mở mang trí óc, không phải chỗ để nô lệ tinh thần. Nói rằng: tôi là đại học, cho nên tôi là kế thừa của Văn Miếu, và Văn Miếu là nền tảng tinh thần, văn hóa của đất nước tôi mà tôi có bổn phận phải bảo vệ. 1963-64 không phải chỉ là năm lịch sử của Phật giáo mà thôi đâu; đó còn là năm lịch sử của đại học: lần đầu tiên tại miền Nam cũ, một đại học nhỏ bé như Đại Học Huế khám phá ra chức năng của đại học, không phải chỉ để truyền đạt kiến thức ở cấp cao, mà còn để un đúc, đào tạo ra một tinh thần, một thái độ mà bất cứ người có học nào cũng có khuynh hướng tự nhiên muốn vươn tới, để trả lời một số câu hỏi căn bản về đời sống xã hội chung quanh. Khoác chiếc áo này lên thân chính là để làm sáng ra lý tưởng đó của đại học : người có học không phải chỉ là người có bằng cấp. 

Lần thứ hai tôi bận áo đại học chỉ cách đây ba năm. Bước vào đại học Pháp năm 1965, tôi chứng kiến những ngày cuối cùng của tập tục mặc áo đại học khi giảng dạy trong cái trường có khuynh hướng bảo thủ là trường Luật của tôi. Hầu hết giáo sư lúc đó đã không còn mặc áo đại học để dạy nữa, nhưng vẫn còn vài vị giữ tập tục này ở vài lớp cao học. Các vị đó oai vệ lắm, khi bước vào cũng như khi ra khỏi lớp đều được nhân viên bận lễ phục đuôi tôm mở cửa, khép cửa. Sắc lệnh 1804 nói rõ: "các giáo sư và các tiến sĩ luật bận lễ phục khi dạy, khi chấm thi, trong mọi hành vi công cọng, cũng như trong các buổi lễ". Ý nghĩa của lễ phục đại học, trước hết, là tạo vẽ huy hoàng cho một cơ quan bề thế trong xã hội, thứ hai là tạo uy thế cho chức năng giảng dạy, vốn được xem là một chức năng cao quý. Đứng về mặt ý nghĩa, lễ phục ở Pháp, từ thế kỷ 19, khác với hệ thống Anh Mỹ: ở Pháp, chiếc áo đi đôi với lời nói, lời giảng của ông thầy, cho nên sinh viên thì không bận; ở Anh Mỹ, chiếc áo đánh dấu một cấp bậc, một nấc thang đại học, BA, MA, PhD, cụ thể hóa bằng một tấm bằng. Nhận bằng cấp, sinh viên Anh Mỹ bận lễ phục, nô nức dự một buổi lễ tốt nghiệp huy hoàng. Ở Pháp, thi xong ai về nhà nấy.

Chỉ mới 40 năm thôi, đại học đã thay đổi hẳn bộ mặt tại Pháp. Từ một đại học dành cho một thiểu số ưu tú, đại học bây giờ mở ra cho quảng đại quần chúng. Năm 1808, khi Napoléon ký sắc lệnh thành lập đại học của đế chế, đại học Pháp trong toàn nước, cả 5 khoa gộp lại, chỉ có chừng 200 giáo sư. Một trăm năm sau, năm 1996, bộ phận giáo sư và phó giáo sư các trường đại học, không kể các ban giảng huấn tại rất nhiều trường lớn nằm ngoài hệ thống đại học, lên đến 13.700 giáo sư, 29.400 phó giáo sư, cọng thêm 6.200 giáo sư và phó giáo sư các trường Y. Năm nay, con số tổng cọng lên đến 53.000. Từ 200 chiếc áo lên năm sáu chục ngàn, vấn đề không phải chỉ là dài lưng tốn vải, vấn đề là đại học mở ra để góp phần vào việc tiến hóa tư tưởng, từ tư tưởng xã hội đến tư tưởng khoa học. Mà tư tưởng thì chỉ có thể tiến hóa khi thử thách, cọ xát, va chạm với nhau. Đại học là đất va chạm, va chạm giữa cũ và mới, va chạm giữa tả và hữu, va chạm giữa bảo thủ và tiến bộ, và đó là động cơ của tiến hóa. Và va chạm ở đâu nếu không phải nơi cái miệng, tức là nơi cái bộ phận phát ra chức năng thuyết, chức năng nói, chức năng giảng?

Giảng dạy, vì vậy không phải là nói ra chân lý vô tư, tuyệt dối, mà nói  ra ý nghĩ của mình với chân lý tương đối. Người đi dạy quan niệm như một vinh dự khi tư tưởng của mình bị sinh viên bắt bẻ. Ngay cả người dạy khoa học, chắc gì điều mình nói ra là chân lý, bao nhiêu chân lý khoa học đã không đứng vững với thời gian? Người đi dạy đã có một ý nghĩ khiêm tốn như vậy về lời nói của mình đâu còn muốn mượn màu áo để thêu thùa cho một việc làm bình thường như mọi việc làm khác ? Lễ phục đại học, vì vậy, mất dần ý nghĩa vàng ngọc của chức năng nói, chỉ còn giữ lại ý nghĩa trang trọng của lễ nghi. Nhưng ngay cả lễ nghi, xã hội Âu châu hiện tại cũng không mấy bị thu hút, xã hội đại học lại càng dị ứng hơn. Chiếc cà vạt – mà chúng ta thường gọi đùa là con mực khô – cũng biến dần nơi cổ áo của giới đại học, nói gì lễ phục. 

(Còn nữa)

C.H.T.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here