Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Hình ảnh văn miếu trong tâm thức người Việt

Hình ảnh văn miếu trong tâm thức người Việt

132
0

Chùa thờ Phật, quán cũng là một loại chùa đặc trưng của nước ta: thờ Lão Tử, Khổng Tử ở Tiền đường và thờ Phật trang nghiêm ở Hậu điện. Dân  gian Xứ Lạng quen gọi quán Tam Thanh ở Đồng Đăng là chùa Tam Giáo.

Điện miếu thờ vua, Đình miếu thờ Thành hoàng làng xã. Đền miếu thờ Thần linh, anh hùng dân tộc giữ vai trò “Hộ quốc tí dân” có nghĩa là thần linh giữu vai trò bảo trợ cho đất nước cường thịnh, hồn thiêng anh hùng dân tộc độ trì cho nhân dân sống an cư lạc nghiệp.

Đàn Nam Giao thờ Trời Đất, đàn Xã Tắc thờ thần Thái xã, Thái tắc; đàn Sơn Xuyên thờ thần Sông Núi, đàn Âm hồn thờ những oan hồn uổng tử; đàn Lệ thờ các thần Thái Lệ, Công Lệ và Tộc Lệ để cầu thanh khí, môi sinh thuần khiết cho con người và loài vật, thậm chí cả cây cỏ được dịch bệnh tiêu trừ… Tất cả thiện tâm nghĩa cử ấy đều như tỏ rõ lòng thành của con người theo lời dạy của sách Tả Thị: “Thần đã có chỗ nương tựa thì không có dịch lệ” (1).

Đời sống tâm linh người Việt rất phong phú và thâm hậu. Lập đình chùa miếu vũ để cầu phong điều vũ thuận, quốc thái dân an. Linh khí thấm đẫm vào phong thổ để rồi kết tụ thành sóng và hạt tụ lại thành vật chất như khoa học ngày nay đã khẳng định. Từ đó, địa linh sản sinh ra nhiều bậc anh tài. Nhờ huân tập và phát huy tinh thần tri kiến, một nhánh trong Bát chánh đạo, bậc trượng phu mới giáo hóa con người hướng thiện, mở rộng tầm nhìn về nhân sinh, thiên nhiên và vũ trụ.

*
*        *

Dưới thời nhà Lý, đạo Phật là tôn giáo chính thống, giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân cư Việt tộc. Nhà vua là Phật tử, lấy học thuyết Tam giáo đồng nguyên làm thuật trị nước theo lối vương đạo. Nhờ vậy mà đất nước thanh bình, nhân dân sống đời an lạc.

Theo dòng lịch sử – văn hóa, ở các tỉnh thành, phủ huyện, làng xã đều thiết lập Văn chỉ, Võ chỉ cùng với Văn miếu, Võ miếu ở kinh đô Thăng Long hoặc Phú Xuân mà người Huế quen gọi là Văn Thánh, Võ Thánh. Trước Văn miếu Huế có dựng hai nhà bia: phía tả khắc bài dụ “răn hoạn quan” của vua Minh Mạng, hoạn quan không được liệt vào tấn thân; phía hữu khắc bài họa “răn dùng ngoại thích” của vua Thiệu Trị: “Ngoại thích không được giữ chính quyền” (2) vì người xưa đã biết đề phòng hai hạng người này thân cận nhà vua và hoàng gia rồi lợi dụng mà lộng hành, thao túng, đạp trên luật mà làm điều phi pháp. Riêng tại Văn miếu trồng nhiều cây thông, biểu tượng cho phẩm chất cao quý của sĩ phu, sĩ tử nước nhà. Họ là những kẻ sĩ giữ sứ mệnh vệ đạo cho dù có ra làm quan hay không.

Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, gốc là nhà Nho uyên bác, văn võ toàn tài đã thâm nhập kinh tạng đã nói lên chí hướng của mình:

Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược
Có nhân, có trí, có anh hùng
. (3)
(Quốc Âm Thi Tập)

Đó là lời tuyên cáo, tuyên thệ của kẻ sĩ giữa đất trời mênh mang và thiêng liêng mà con người không còn cảm thấy bơ vơ. Nhà chùa cũng vậy, sân chùa, vườn chùa trồng nhiều cây thông, có khi là cả một rừng thông bát ngàn. Hoa Lư, Tràng An, Yên Tử là những bằng chứng hiển nhiên, có nhiều cây thông cổ thụ từ 700 đến 1000 năm tuổi sánh cùng với danh lam thắng tích của đất nước.

Vua Lý Thánh Tông cải đổi niên hiệu từ Thiên Huống Bảo Tượng năm thứ 2 (1069) sang Thần Vũ kể từ đầu tháng 7 năm Ất Dậu. Năm sau, nhà vua sai triều thần dựng lập Văn miếu tại kinh thành Thăng Long làm tỏa rạng nước Đại Việt là một nước văn hiến lâu đời từ thuở vua Hùng dựng nước cho đến các triều đại Đinh – Lê – Lý…Vì sao thế? Vì việc làm chính thống ấy phù hợp với lòng dân ý trời: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nhà Nho, sĩ phu, sĩ tử không còn câu chấp vào cực đoan là chỉ học ở chốn cửa Khổng sân Trình, chỉ biết Nho giáo mà không chịu học cho sâu, cho thấm tư tưởng Lão Trang, triết lý nhà Phật và kể cả tinh hoa truyền thống dân tộc bàng bạc trong lòng dân gian. Lập Văn miếu không hẳn chỉ đơn thuần cổ xúy cho tư tưởng, triết lý Nho giáo như nhiều người quan niệm “Vạn sự xuất ư Nho” một cách không thông thoáng. Nhà Phật chủ trương “Phật giáo không bao giờ xa rời thế gian” để giáo hóa người đời bằng nội điển và ngoại văn gói trọn trong tinh hoa của ngũ minh. (4)

Học Nho kiêm hiểu Phật từ trí tri, cách vật, thấu dò tính mệnh gốc nguồn.
Giảng Dịch biết đạo Trời, do xem tượng, chiêm hào, biết rõ âm dương chi lý
.
(Thạch Liêm Thượng nhân, Nguyễn Duy Bột dịch)

Sách “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” ghi rõ ràng mốc thời gian lập Văn miếu vào năm Canh Tuất, Thần Vũ năm thứ 2 (1070) như sau:

Mùa thu, tháng 8, làm Văn miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối, vẽ tượng Thất Thập Nhị Hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng Thái tử đến đấy học” (5)

Tinh thần Quốc học ấy vẫn được kế tục truyền thừa như một mạch nguồn văn hóa, cho dẫu rằng dưới thời Hậu Lê cho đến đời các vua Nguyễn đều lấy Nho giáo làm tôn giáo chủ đạo trong thuật trị nước theo đường hướng Cư Nho mộ Thích.

Đề bài thi Đình khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502) có cả thảy 47 câu hỏi. Câu hỏi thứ 15 đã đặt ra thế này: Điều Ngự Giác Hoàng và Huyền Quang truyền đạo gì mà được thành Phật làm Tổ?.

Lê Ích  Mộc (1459 – ?) đã trả lời : “Vả đem đời gần đây mà nói, về Thượng sĩ Triều Trần thì có Tiêu Diêu, Tuệ Trung, Điều Ngự, Huyền Quang được pháp vô thượng, viết Thiền Tông Chỉ Nam. Đó là cái đạo họ truyền vậy. Về sau ai hiểu được lẽ vô sinh, chứng tới thành niết bàn thì thành Phật làm tổ. Điều ấy cố nhiên là phải thôi”. (6)

Thí sinh Lê Ích Mộc đã trả lời như thế mà ông được vua Lê Hiến Tông cho lấy đỗ Trạng nguyên. Thế thì, ai dám bảo nhà Nho chỉ ròng khư khư thông hiểu Nho giáo mà thôi đâu.

Vì vậy trường học đầu tiên ở kinh đô Thăng Long được gọi là nhà Thái học, nơi đây thầy trò dạy và học, lãnh trọng trách truyền bá và thực hành lý lễ cổ kim. Cho nên khu vực di tích văn hóa này được gọi là Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Quốc sử còn cho biết thêm tháng 2 năm Ất Mão (1075) vua Lý Nhân Tông mở khoa thi Minh kinh bác sĩ và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh đỗ đầu khoa thi, rồi được tiến cử vào làm việc ở cung học của nhà vua. Danh phận ông thật cao sang (7).

Thái độ các nhà vua dưới hai thời đại Lý – Trần thoáng mở, cầu kiến để nhìn xa, trông rộng, đúng với : “tinh thần tri kiến” – nghĩa là tinh nội điển, thông ngoại điển, đã nói rõ trong Hội thứ bảy của bài phú nổi tiếng Cư Trần Lạc Đạo:

“… Học đòi cơ tổ
xá thiền không khôn chút biết nay (nơi).
Cùng căn bản, rửa trần duyên,
mựa để mấy hào ly đương mặt;
Ngã thắng chàng, viên tri kiến.
Chớ cho còn họa giữa cong tay,
Buông lửa giác ngộ,
đốt hoại thảy rừng tà ngày trước;
Cầm kiếm trí tuệ,
quét cho không tính thức thuở nay”.
Vâng ơn Thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo;
Mến đức Cổ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay
Cảm đức từ bi, để nhiều kiếp nguyện cho thân cận
Đội ơn cứu độ, nát muôn thân thà chịu đắng cay
…”(8)

Tùy duyên, người Phật tử và chưa hẳn là Phật tử ước mong có điều kiện ôn tập kiến văn về học thuyết Tam giáo Nho – Lão – Phật dùng làm hành trang chăm lo tu học, sửa mình để chung cùng lo việc với Tứ chúng. Thành thật mà nói, người đời nay vẫn thích nội dung, nội lực tỏa chiết thành văn phong , âm vận và nhạc điệu của Hội thứ bảy này. Kỳ diệu thay ! Năm Quý Hợi 1983 họa sĩ tài danh, Đinh Cường hội đủ thiện duyên, nhờ đọc thơ văn Trần Nhân Tông mà sáng tác thành bức chân dung của Điều Ngự Giác Hoàng, Sơ Tổ dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử bằng nét vẻ rất thần thái và tác tuyệt. Đích thân Phật tử Đinh Cường đem dâng tặng Hòa thượng Thích Trí Thủ sinh tiền ở chùa Quảng Hương ở Gò Vấp, Thành Phố Hồ Chí Minh. Vô cùng xúc động trước bức danh họa chân dung Đức Điều Ngự, Hòa thượng Trí Thủ khai sơn ngôi Già Lam ấy đã chọn 2 câu cuối của trích đoạn Hội thứ bảy của bài phú nỗi tiếng ấy mà đặt bút đề từ cho danh phẩm đầy ấn tượng này. Bức chân dung sơn dầu sáng giá này được tiến sĩ Lê Mạnh Thát chọn đặt ở trang đầu sách Toàn Tập Trần Nhân Tông.

Đạo Phật qua bao thăng trầm, lúc thịnh lúc suy theo lẽ thường. Vì vậy, mà vua Trần Thái Tông, tác giả hai bộ sách quý: Khóa Hư Lục và Thiền Tông Chỉ Nam Tự tiếp nhận tinh thần “bao dung thể” từ chư Tổ, từ các đời vua khai sáng nhà Lý, nhà Trần đã chỉ dạy cho hàng đệ tử và thần dân về kho báu có sẳn trong mỗi người: “Giáo lý của Đức Phật ta phải nhờ Tiên Thánh mà truyền lại cho đời”.

Điều này như khớp đúng với nội dung và ý nghĩa của bài kệ bằng chữ Hán, kết thúc của bài phú bằng văn Nôm bất hủ, gồm mười Hội của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Danh phẩm này đã được lưu giữ qua hơn 700 năm và xưa nay được nhiều tác giả phiên âm ra quốc ngữ mà bất cứ người Phật tử nào cũng thuộc nằm lòng. Thiết nghĩ, là Phật tử thì lúc bắt tay tiến hành một công việc gì đều thể hiện tâm nguyện như lời dạy thâm thúy của bài kệ:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
(9)
(Ở đời vui đạo, hãy tùy duyên
Đói cứ ăn đi, mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi Thiền)

Học đạo, tu thân để tự sửa mình. Lúc sắp trả tấm thân tứ đại về với cát bụi cũng phải giữ lấy tinh thần ấy mà quảy bước ra đi nhẹ nhàng thanh thoát.

Đức Phật chỉ dạy cho Tứ chúng biết cách gìn giữ, phát huy trí tuệ và đạo hạnh để mong sao không có ai sa ngã vào lối sống xa xỉ phô trương, hảo huyền vướng lắm bụi trần: sống chuộng hào hoa mà quên mất thực chất, thực tài, thực tướng.

*
*       *

Xưa nay, các chùa Việt Nam đều trồng các loại cây có nguồn gốc từ đất Phật như mít, xoài, me, thông, Bồ – đề…rợp bóng xanh tươi quanh năm suốt tháng. Cây thông có tên chữ Hán là “Tùng” (松), “tùng” là cây cao quý trưởng thượng trong năm loài cây thân mộc như ý nghĩa của chiết tự chữ tùng: một bên phải là chữ “mộc” (木); bên trái là chữ “công” (公). Thân cây tùng cao lớn dùng làm rường cột, hàm ý chỉ con người có tài kinh luân được dùng vào việc lớn trong xã hội, lưu danh với làng nước. Với ý nghĩa cao đẹp ấy, cây tùng được tôn vinh, chạm khắc vào Dụ đỉnh trong hệ thống cửu đỉnh đặt trước Thế miếu trông ra Hiển Lâm các trong Đại Nội vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836). Ở miền núi đồi gió thổi thông reo hòa cùng tiếng nước chảy róc rách ở các khe suối tạo thành nhạc trời du dương thánh thót làm cho con người quên bớt buồn phiền ở chốn trần lao.

Nhựa thông cất giữ được 1000 năm là hổ phách; được 100 năm là phục linh; hổ phách là của báu dùng làm đồ trang sức cao cấp; phục linh là thần dược. Cả hai loại đều là thuốc trường sinh, theo thuật tu Tiên. Cây thông có tuổi thọ “thiên niên” thì thân xoác tay mấy vòng ôm, trên đọt thông lá xoắn thành nắm tròn, còn dưới gốc đào lên có củ phục linh, hổ phách đúng như lời sách Truyện Ký ghi chép (10). Thân cây thông lâu năm trở thành gỗ tốt, biểu trưng cho lương đống, rường cột của xã hội, của nhà chùa. Thông trồng ở Văn miếu, thông trồng ở vườn chùa xanh tươi bốn mùa. Nguyễn Công Trứ – bậc trượng phu, thông hiểu giáo lý Phật đà hằng ao ước:

“Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”

Một ước mơ cao đẹp đương trở về với uyên nguyên, với thiên nhiên bản thể. Ở đó có sự dung thông hòa hợp linh diệu giữa thiên nhiên với con người theo dòng chảy vô thường.

L.Q.T

Chú thích:

(1) Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ, Phạm Vũ và Lê Hiền dịch, Nxb Miền Nam, 1973, tr.138. Thảo mộc có hồn, có cảm xúc mà người Ấn Độ thời cổ đại gọi là Jiva.
(2) Đại Nam Nhất Thống Chí, tập Kinh sư, Quốc sử quán, Tu trai Nguyễn Tạo dịch, Nxb Nha Văn Hóa, Bộ Văn hóa Giáo dục, Sài Gòn, 1960, tr.38.
Thái giám (hoạn quan) không có phẩm hàm. Bà con bên ngoại vua chúa không được dự vào việc triều chính. (Cung giám bất đắc liệt tấn thân. Ngoại thích bất đắc thân chính).
Đại Nam Nhất Thống Chí, Tập 1. Phạm Trong Điềm dịch, Nxb Thuận Hóa, 1992, tr.34-35.
(3) Nguyễn Trãi Toàn Tập, Viện Sử học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr.440.
(4) Ngũ minh:
– Thanh minh, dạy về văn chương văn học.
– Y phương minh dạy về y học, sức khỏe.
– Công xảo minh dạy về tiểu thủ công nghiệp, công nghệ…
– Nhân minh dạy về luận lý học phương Đông.
– Nội minh dạy về triết học giáo lý…
(5) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập 1, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004, tr.323.
(6) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập 1, sđd, tr.327
(7) Lê Mạnh Thát, Toàn Tập Trần Nhân Tông, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh 2000, tr.238-239.
(8) Lời kết bằng chữ Hán cuối bài phú nổi tiếng bằng văn Nôm của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông viết theo thể loại kệ. Nói cho dễ hiểu là thi kệ, mà ý nghĩa của bài kệ này là: Thiền là sáu căn đối với sáu trần mà tâm không dấy động; chớ đừng tìm kiếm thiền ở đâu xa. Tu là phải tích cực đi đến chỗ cứu cánh, mới mong tìm về giải thoát.
(9) Nguyên văn bài kệ bằng chữ Hán kết thúc bài phú bất hủ bằng văn Nôm có tựa đề Cư Trần Lạc Đạo.
偈 云
居塵樂道且隨 緣
飢則餐兮困則眠
家中有寶休尋汨
對境無心莫問禪
Kệ vân: Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
(10) Thích Đại Sán, Hải Ngoại Kỷ Sự, Nguyễn Phương và Nguyễn Duy Bột dịch, Viện Đại học Huế, 1963, tr.133.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here