Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Nếp sống đẹp của người Phật tử

Nếp sống đẹp của người Phật tử

124
0

Một bộ phận không nhỏ của giới trẻ ngày nay đã đánh mất nền tảng đạo đức và truyền thống tâm linh thiêng liêng cao cả, lao vào đời sống vật chất truỵ lạc, thác loạn, như là một “triết lý sống” tầm thường để thoả mãn những dục vọng của họ. Trong khi đó, họ đâu biết rằng “những cuộc truy hoan, những thú vui nhục dục, những ánh đèn màu muôn sắc là những ảo giác đã và đang đánh lừa niềm hạnh phúc chân thật”, để rồi “người tình trăm năm” vẫn mong manh, vẫn âm thầm chịu đựng, trong nỗi cô đơn cùng cực của “Trái tim ngục tù”. Tất cả chỉ là “Cát Bụi” mà Trịnh Công Sơn đã diễn tả: “Bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi, lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm rồi chết một ngày”.

Vâng! Một lần sống hay ngàn lần sống và nhiều hơn thế nữa, thì tóc vẫn cứ trắng, da vẫn cứ nhăn, sinh tử vẫn cứ rập rình. Và con người có hét toáng lên rằng “Sinh tử ơi! Xin hãy dừng trôi, đừng làm đau khổ nữa” thì sanh tử vẫn cứ trôi, vẫn cứ chảy, bởi vì: “Hữu sinh, hữu tử, hữu luân hồi; vô sinh, vô tử, vô khứ lai; sinh tử khứ lai đô thị huyễn…”.

Thế giới ngày nay, quả thực là một thế giới đầy biến động, nền văn minh của loài người tưởng chừng như sẽ giải quyết được nhiều vấn đề kinh tế thị trường, hoặc đời sống đạo đức cho xã hội. Nào ngờ đâu, càng văn minh thì xã hội càng rối ren, gập ghềnh; sự xung đột sắc tộc, xung đột Tôn giáo, dẫn đến sự tranh giành quyền lực vẫn diễn ra hằng ngày trên thế giới này. Dĩ nhiên, chúng ta không phủ nhận thành tựu của nền văn minh nhân loại; vì nhờ có nền văn minh phát triển mà con người trong xã hội mới thoát khỏi những đói nghèo, bệnh tật. Nhưng theo đạo Phật, văn minh sẽ luôn luôn mới mẻ hoàn thiện, mỗi khi tham tâm, sân tâm, si tâm và sợ hãi tâm được dứt bặt thì mới có thể tạo dựng một thế giới ta-bà thanh tịnh, tròn đầy và bền vững. Có thể nói rằng đời sống vật chất tiến bộ thì đời sống tâm linh (vô tham, vô sân, vô si) cũng phải thăng hoa mới đảm bảo trật tự thế giới thanh bình và an lạc.

Qua những điều trình bày vừa nêu, chúng con nhận thấy kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt là một bài học thiết thực, một nền tảng về giáo dục Phật giáo vẫn còn nguyên giá trị của nó trong thời đại ngày nay.

Thật vậy, như chúng ta đã biết, đức Phật ra đời vì một nguyên nhân lớn, đó là: “Khai thị chúng sanh, ngộ nhập Phật chi tri kiến”. Ngài mở cho chúng ta thấy “Tri kiến Phật” để mà nhận rõ và đi vào cái sự thật bất sanh, bất diệt ấy. Với từng cấp độ khác nhau, dưới cội Bồ-đề, Ngài quán thấy chúng sanh như những đoá sen, căn tánh cao thấp khác nhau, đều từ bùn nhơ để vươn tới đỉnh cao của tuệ giác tối thượng; có đoá đã vươn lên khỏi mặt nước; có đoá còn nằm trong bùn; có đoá chưa lên khỏi mặt nước; nhưng tất cả đều có thể chứng thành đạo quả, thoát khỏi sanh tử luân hồi.

Chúng ta có thể khẳng định rằng, kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt là một bài học giáo dục mang tính nhân bản sâu sắc, rèn luyện nhân cách con người tự hoàn thiện mình, nhất là đối với hàng cư sĩ chúng ta. Kinh này nhấn mạnh đến một nền tảng đạo đức vững chắc để nối kết giữa những cặp phạm trù “có và không”, giữa “thiện và ác”, “sanh tử và Niết-bàn”; và chỉ thật sự giải thoát khi “có = không”, “thiện = ác”, “sanh tử = Niết-bàn”, mà như lời Hoà Thượng Thích Chơn Thiện đã xác quyết: “Thật tại như thật không phải chỉ chừng ấy giới hạn, vừa hạn hẹp vừa ảo hoá. Nó là thực tại của sự dập tắt nghiệp, dập tắt các ngã tướng, ngã tưởng. Đây là sự dập tắt hoàn toàn khổ đau, hay sự xuất hiện của chân hạnh phúc”.

Những cư sĩ Phật tử chúng con sau khi học bản kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt, như những cây khô được tưới tẩm nước cam lồ hạnh phúc, được phản quang suy xét bổn tâm của mình, đã thực hành những điều gì trong lời Phật dạy:

“Vì tham sân bố si,
Thanh danh bị sứt mẻ,
Như mặt trăng đêm, khuyết.
Ai không phản Chánh pháp,
Vô tham sân bố si,
Thanh danh được tròn đủ,
Như mặt trăng đêm, đầy”.

Rõ ràng đức Phật là một đấng nghiêm từ gần gũi nhất của những người con Phật chúng ta. Ngài quan tâm đến vấn đề xã hội, như: đạo đức, kinh tế, và những mối tương hệ giữa hạnh phúc gia đình và xã hội: cha mẹ và con cái; thầy và trò; chồng và vợ; cá nhân đối với xóm làng bạn bè; chủ và người giúp việc; tu sĩ với cư sĩ. Tất cả các mối tương hệ ấy được đức Phật chỉ dạy trong bổn kinh một cách tường tận và chi tiết. Ví dụ như chồng đối với vợ là phải thương yêu kính trọng vợ; người chồng cũng là người bạn của vợ; và thường mua sắm quà cho vợ như đồ nữ trang, hoặc các thứ khác dành cho nữ giới. Ngược lại, người vợ cũng phải biết thương yêu kính trọng chồng; quán xuyến công việc quản lý, cơ sở vật chất, nhà cửa cho chồng; cũng như tôn trọng bố mẹ chồng và bạn bè của chồng; hoặc như cư sĩ đối với tu sĩ thì phải tôn kính, hộ trì về vật chất hoặc những nhu yếu mà tu sĩ cần và cần phải học hỏi Phật pháp. Ngược lại, tu sĩ phải thương mến cư sĩ, dẫn dắt cư sĩ làm nhiều điều thiện, thuyết pháp cho cư sĩ, an ủi, khích lệ để cư sĩ vững tâm trên con đường tu học.

Trên đây là một vài mối tương hệ, mà đức Phật đã thuyết giảng. Như vậy, mối tương hệ ấy cũng đủ để nói lên đức Phật là một nhà giáo dục lớn trong xã hội trên tinh thần từ bi và trí tuệ. Về kinh tế của một cư sĩ, Ngài dạy rằng người cư sĩ khi làm ra tiền của thì phải biết sử dụng: ¼ cho các khoản chi hằng ngày; ¼ cho khoản chi bất thường; 2/4 làm vốn đầu tư để làm ăn kinh tế.

“Một phần mình an hưởng,
Hai phần dành công việc,
Phần tư, phần để dành,
Phòng khó khăn hoạn nạn”.

Ngoài ra, Ngài còn nhắc nhở chúng ta phải sống đầy đủ: tín, thí, giới, tuệ; sống quân bình không ‘quá nóng’ không ‘quá lạnh’; hoặc ‘không quá sớm’, cũng ‘không quá trể.v.v…

Thế kỷ hôm nay, thế kỷ XXI, chúng con thiết nghĩ: nếu như thế giới này không phân biệt Tôn giáo, thể chế chính trị, màu da sắc tộc, mà đều thực hành lời Phật dạy như trong kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt và xem như là một phương pháp giáo dục khách quan, thì chắc chắn rằng thế giới này sẽ ngày càng ổn định và phát triển bền vững, và màu xanh của trái đất vẫn ngời ngời muôn thuở trong cái nhìn đồng cảm của toàn thể nhân loại trên hành tinh xanh đầy mến thương này.

N.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here