Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Truyền thuyết về một cây bồ đề

Truyền thuyết về một cây bồ đề

131
0

– Bà cháu ta sắp đến chùa rồi đó.

Phía ấy, một vùng cây xanh rậm rì nằm dưới chân cồn giống như một thung lũng xanh. Tôi theo chân bà đi qua một thoi đường nhỏ sát mấy thửa ruộng nước lấp xấp làm ướt hai bàn chân không mang dép. Vừa lên khỏi bậc dốc bất ngờ bóng mát như trùm kín lấy bà cháu tôi, một khoảng vắng im lặng. Bà ngoại bảo tôi dừng lại sửa áo, mắt bà nhìn vào một cây to lớn sù sì như để nghĩ một điều gì đó rất thiêng liêng. Im lặng một chút, tôi hỏi nhỏ bà:

– Cây gì thế hở bà?

– Cây Bồ-đề của chùa đó cháu – Bà tôi cũng giọng rất nhỏ, rất thành kính. Rồi bà cầm lấy tay tôi nói cho tôi biết… Hồi nhỏ cũng bằng tuổi tôi bây giờ theo bà ngoại lên chùa, câu Bồ-đề cũng đã to lớn, rậm rạp toả bóng hết một khoảng như thế này…

Đi vào chùa, bà tôi niệm kinh thắp hương, đủ hết các bàn thờ. Tôi đi bên bà tai vẫn lắng nghe tiếng chim trên cây Bồ-đề ngoài kia, đầu tôi vẫn nghĩ về thời bà nhỏ như tôi nhưng cây bồ-đề đã to lớn, rậm rạp như bây giờ. Cây bồ-đề có từ xưa xưa, cổ tích thế sao? Tôi theo bà trở ra để được đứng dưới bóng bồ-đề thì đã thấy nhiều bà con làm cỏ ruộng xuân kéo lên ngồi nghỉ mát ở đấy. Trưa im ắng. Bóng cây bồ-đề- trùm kín. Tiếng chim vang động. Tiếng sóng trưa ngoài biển ngưng tụ ở đâu đây. Kỳ lạ thật, bóng mát cây bồ-đề như đi theo tôi, toả bóng, toả mát trong tôi.

Đêm ấy, tôi không ngủ được. chờ bà đọc hết lượt kinh, tôi ngồi lại bên bà hỏi về cây bồ-đề có từ lúc nào, đã bao nhiêu tuổi. bà giũ khăn xếp nhắm hết ly trà nóng, thong thả kể chuyển cho tôi nghe.

Thuở ấy, biến rút ra xa, cồn cát nổi lên để chắn sóng, vùng đất lõm xuống để dựng lên ngôi chùa. Bà con vùng ven thị xã góp công của làm mấy tháng ròng để thành dáng vóc một ngôi chùa vững chãi như thế núi, mát mẻ tươi xanh tựa dòng sông. Ngày sắp hoàn thành chùa, chỉ còn tìm cho ra một thứ cây trồng làm cảnh, cây mang tích Phật là xong. Đúng vào ngày ấy, một con chim giang hai cánh rộng từ trên núi cao bay xuống đậu trên một gốc cổ thụ giữa xóm Trũng Chóp nhả hạt. Mới đó, hạt mọc lên một cây con lá xanh, cành cứng. một cụ già nhất xóm nhìn thấy, gọi bà con cả xóm đến bảo đây là cây bồ-đề… Cây  bồ-đề được khum trong lòng bàn tay mang đến xin phép nhà Sư chùa Hà Sơn được trồng trước cổng chùa. Cây bồ- đề được cả xóm Trũng chăm bón, tươi mát lớn lên như thổi. Mười lăm tuổi cây, đứng cách xa thị xã mười cây số vẫn nhìn thấy cây bồ-đề. Ba mươi tuổi cây, trước hai ngày biển nổi giông bão, ngọn cây bồ-đề gió xoáy chong chóng báo điềm dữ đến. Năm mươi tuổi cây, trước ba ngày lụt thượng nguồn sông Ba, tràn xuống hạ lưu, cành cây bồ-đề gió đập, bà con thị xã nhìn về cây thấy có ánh đom đóm sáng loé biết điềm không lành… Bao đời nay, cây bồ- đề đã thành điềm báo của bà con thị xã. Đã hai trăm  tuổi, từng vụ, từng mùa, chim sáo, chim nhồng hót trên cây bồ đề gọi bà con đi biển đón mùa cá thu, cá nục…

Ngày tôi vào trường, vào dịp hè ôn tập, tôi đến chùa Hà Sơn, ngồi dưới gốc cây bồ-đề nghe chim hót, câu văn, câu thơ, con số thổi vào đầu, vào trí nhớ thành giọt nước mát. Ngày bà ngoại sắp nhắm mắt, bà dặn tôi cầm nắm nhang dưới gốc cây bồ-đề, ngày tôi lớn lên ra đi, bốn phương trời, mười phương đất tôi vẫn nghe thị xã quê tôi gọi về, tôi vẫn nhìn thấy từ trong tâm tưởng ngọn cây bồ-đề xoay chong chóng , tiếng chim hót gọi tôi nhớ về… Cứ mỗi mùa, mỗi vụ thư người bạn gái từ thị xã cho tôi biết thêm cây bồ-đề già cỗi nhưng vẫn đủ độ ra lá xanh non, tiếng chim, tiếng sáo vẫn ca hát gọi về kỷ niệm mùa xuân trai gái lên chùa. Mùa hè năm nào đó tôi và người bạn gái vào chùa nghe bài hát   “tình khúc cho em”.

Tháng mười năm nay nỗi kinh hoàng của thị xã, bao thế kỷ đi qua lần đầu  tiên để lại trên đất này một hồng thủy trận , một giấc mơ ác chưa từng thấy. Trên chiếc xe tốc hành tôi về với thị xã…

Đã năm ngày qua vậy mà bùn của trận lụt còn níu chặt bánh xe, nỗi đau trong lòng thị xã còn nhức nhối để vết trên cây, trên tường, trên mỗi viên đã đỉnh tháp. Nữa đêm tôi chưa thật ngủ, bổng nghe lay dậy, tiếng hổn hễn gọi tôi…Tôi mở mắt ra, trong đêm nhìn thấy cây bồ-đề, tiếng gió, tiếng chim từ ngọn cây bồ-đề cứ âm vang trong tôi. Nữa đêm, sau lụt, trời không có sao, đất vô hình, gió vô hình như dẫn tôi đi theo con đường ven thị xã. Đây chùa Hà Sơn, bỗng một khoảng trống… Cây bồ-đề đâu rồi? Hai trăm tuổi cây, bóng bồ-đề đã thành cổ tích trong tôi, toả mát tuổi thơ tôi và kỳ niệm “tình khúc cho em” nay đâu rồi?

Cũng vào nữa đêm nay, tôi ngồi giữa lòng bà con xóm Trũng Chóp kể chuyện cây bồ-đề chùa Hà Sơn. Ôi cái xóm thân yêu cách đây hai trăm năm, cây bồ-đề được khum trong lòng bàn tay xóm Trũng, trồng lên cây qua bao nuôi nấng chăm sóc, thành gốc, thành rễ, thành thiện và lương tri của thị xã… Vậy mà, nay cây bồ-đề, cây của trái tim thị xã, trái tim của bà ngoại, của má, của anh em lại cùng số phận ra đi…

Đêm ấy không phải từ biển, không phải từ thượng nguồn mà từ khổng lồ của dòng sông Ba. Sông Ba như đứng thẳng, nghiêng một khổng lồ nước vào thị xã. Từ gió chướng của biển dốc ngược nước vào đất liền… Nước cuồn cuộn lò xo, ngay từ bờ sông như con quái vạt cuốn từ bãi mía, nương dâu xóm Cồn đổ vào trung tâm thị xã. Giữa trung tâm thẻ sóng lăn buồm cuốn tròn nhà cửa , phố xá. Sóng hai đầu thị xã thế sóng lưỡi búa đập vào nền, vào núi đá, núi tháp. Tất cả đều thời điểm nửa đêm. Mới đó đường phố mấy ngõ cát nước dựng sóng trắng xóa tràn lan như mặt con sông. Mới đó màu xanh ngôi chùa, cái thung lũng màu xanh, thung lũng im ắng thiêng liêng, nước, sóng thành vực. Trong phố nhà trôi xe cộ thành xác lấn với xác xúc vật trôi cuồn ra biển…

Giữa tiếng sóng, tiếng gió, tiếng trời gầm, tiếng người kêu không át nổi tiếng ầm ầm như trời vỡ. Tiếng gì vậy? không phải tiếng núi đổ, không phải tiếng dòng sông Ba đổ bể…Từ trong đêm không ánh điện, không ánh đèn dầu, một tiếng từ tầng không dội xuống, cây bồ-đề bật gốc, nhiều bà con hai bên đường ven cho biết, nước cuồn cuộn băng  băng sóng cuộn tròn cuốn chiếu, người ta nghe thấy giọng rít, giọng rào từ trong sóng, trong nước vang lên. Từ trên nóc tháp, nóc núi nhìn xuống thấy rõ cây bồ-đề trôi lững thững về hướng xóm Trũng Chóp. Xóm Trũng đang ngập chìm trong đêm vẫn nhìn thấy hàng trăm cánh tay ngoắt trong sóng. Cây bồ-đề như tìm đến xóm Trũng.

Nhà cửa, xe cộ, thuyền bè đều trôi ra sông Ba, băng tuột ra biển. Nhưng cây bồ-đề ở lại trên đất, cây bồ-đề đầu gác lên sườn núi, rễ níu lấy chân núi, và hàng trăm cánh tay bà con xóm Trũng níu lấy bồ-đề, cây bồ-đề là sự sống của bà con thị xã, bà con xóm Trũng Chóp…

Sáng nay tôi đứng giữa đất xóm Trũng, đất trắng một vùng nhìn cây bồ-đề nằm ngang, cành lá vẫn tươi xanh rậm rạp, vẫn âm vang sự sống. Từ mãnh đất xóm Trũng Chóp, con chim nhả hạt đem đến cây bồ-đề, nay cây bồ-đề lại trở về với mãnh đất của sơ sinh, trở về với sự sống bà con xóm Trũng Chóp…, cũng trên mãnh đất mà con chim nhả hạt để thành cây bồ-đề xưa cũ, mãnh đất mà hơn năm mươi năm trước tôi nghe bà ngoại kể chuyện về nó. Nay cũng từ mãnh đất này, chỉ  mới một tháng của mùa xuân, tôi gọi bà ngoại dậy để nghe cháu kể chuyện cây bồ-đề lại trở về xóm Trũng Chóp- một truyền thuyết về cây bồ-đề trong cuộc hồi sinh…

T.C

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here