Trang chủ Thiền môn xứ Huế Đạo tình

Đạo tình

140
0

Tuy nhiên nó thật sự có ý nghĩa và giá trị khi và chỉ khi tình người được xây dựng trên tinh thần xả kỷ vị tha, hoàn toàn loại trừ mọi ý niệm về ngã và ngã sở. Điều này thật hiếm có trong thế giới đối đãi, chấp thủ này. Vậy tìm đâu ra một cái tình như thế? Đạo Phật sẽ là nơi giúp bạn tìm thấy điều này.

Cái tình trong đạo Phật là cái tình của sự yêu thương và lòng kính trọng, là sự cảm thông của những con người cùng chung lý lưởng, là sự quên mình vì hạnh phúc của muôn loài. Nói như thế không có nghĩa tất cả mọi nơi của Phật giáo, bạn đều có thể tìm thấy được điều này. Nhưng nếu ai thật sự sống đúng với tinh thần Phật giáo thì sẽ dễ dàng bắt gặp.

Kể từ khi rời khỏi vòng tay thương yêu của cha mẹ để vào sống trong chốn thiền môn, tôi đã nhiều lần cảm nhận được cái tình cao cả thiêng liêng mà hành giả tu Phật đã thể hiện. Và, chính lần đi thọ giới vừa qua là lần mà tôi cảm nhận sâu sắc và thấm thía thêm điều đó. Đang băn khoăn về vấn đề thọ giới để học luật thì nghe tin ở Vĩnh Long có mở đại giới đàn, tôi xin phép Bổn sư để được vào đó cầu thọ giới pháp. Bổn sư tôi lo lắng vì đường quá xa. Nhưng trước sự tha thiết cần cầu của tôi, Người đành phải hoan hỉ chấp thuận và dạy: “Con đi thọ giới xa như vậy, Sư không yên tâm chút nào. Sư thì bệnh không thể đi được, thôi thì để sư cho chị C.V đưa con đi, lên đó có C.V, Sư cũng an lòng”. Sư tỷ tôi cũng bảo: “Để chị đưa em đi, không thể để em đi một mình, đã xa xôi lại không người quen biết, chị thấy tội lắm”. Trước quan tâm và lo lắng của thầy tổ và huynh đệ, tôi vô cùng xúc động và thầm nghĩ: “Ôi! tình đạo thật đáng quý làm sao!”

Thật ra chính bản thân tôi cũng vô cùng lo lắng cho chuyến đi này. Vì Vĩnh Long là nơi hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Tôi thật sự không biết gì về cảnh vật và con người nơi tôi sắp đặt chân đến. Nhưng niềm vui sắp được lãnh thọ giới pháp đã giúp tôi vững lòng và can đảm hơn lên.

Còn vài hôm nữa là đến ngày thọ giới, từ Huế, tôi vượt hơn một ngàn cây số để đên Vĩnh Long. Đến Thủ Đức, tôi được sư tỷ đưa đến giới trường. Đây là lần đầu tiên tôi đến nơi này, và cũng là lần đầu tiên tôi đặt chân lên trên mảnh đất của miền Tây Nam Bộ. Tôi bỡ ngỡ bước vào cổng chùa trước sự chào hỏi niềm nở và chân tình của những con người chưa một lần gặp mặt. Và kể từ đó cho đến khi giới đàn hoàn mãn là thời gian mà tôi học được một bài học sâu sắc về giá trị cao cả của nghĩa đạo, tình người. Trên từ chư Tôn túc đức trong Ban kiến đàn, cho đến các điệu và nam nữ Phật tử, tất cả đều để lại trong tôi một ấn tượng khó phai mờ. Mọi người đã lo lắng, phục vụ cho Giới đàn bằng một tấm lòng đầy tâm đạo. Trong khi tôi mệt nhoài và tưởng như không thở được bởi cái nắng gay gắt của trời Tây và sự qua lại của hàng trăm giới tử, thì mọi người lại làm việc hăng say, quên cả mệt nhọc. Điều làm cho tôi vô cùng cảm kích đó là cho dù cái nắng có khắt nghiệt đến mấy, công việc có dồn dập đến mấy, mọi người vẫn sốt sắng hoan hỉ làm việc mà không lộ vẻ bực dọc, phiền muộn. Tôi đã đọc được trong ánh mắt của họ một niềm hân hoan và tràn đầy hạnh phúc, cái hạnh phúc vượt ra ngoài cuộc sống đời thường, đó là hạnh phúc xuất phát từ lòng mến đạo. Hơn thế nữa, điều khiến cho tôi xúc động nhất và suy tư nhất chính là ở chư vị Giới sư, những người mà cho dù lạy một ngàn lần tôi cũng không thể báo đáp được thâm ân trong muôn một. Để cho việc truyền giới được thành tựu viên mãn, các Ngài đã vất vả và lo lắng nhiều. Nhìn thấy các Ngài tuổi cao sức yếu mà phải cực nhọc vì chúng tôi, tôi xúc động đến rơi nước mắt. Đứng xa xa chắp tay hướng về các Ngài mà lòng dâng lên các Ngài một lòng thành kính vô hạn. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và lòng lại càng thấm thía hơn. Tôi tự hỏi: Tại sao các Ngài lại quên đi nỗi nhọc nhằn thân xác như vậy? Tại sao các Ngài lại tha thiết và cẩn trọng như vậy? Câu trả lời cho vấn đề này là “Tất cả chỉ vì tình thương”. Tình thương ấy cao cả tuyệt vời và vượt ra ngoài tình yêu thương trần thế, bởi lẽ nó được ban ra mà không mong đáp lại bao giờ. Vì thương mà truyền trao giới pháp để cho hậu lai nương nhờ,  tu tập, ngõ hầu thoát khỏi khổ đau. Như vậy mới đúng thực là tình yêu thương trọn vẹn. Một tình thương bao la vô tận không có thân sơ – tình yêu thương trong đạo Phật.

Giới đàn hoàn mãn, tôi thu xếp hành trang trở về trú xứ. Rời xa mảnh đất vốn không quen nay trở thành thân thuộc. Tạm biệt những con người tôi mang nặng thâm ân. Suy nghĩ về kết quả mà mình đang có, tôi thầm nghĩ: Thì ra, để có được giới pháp, mình đã thọ ân biết bao nhiêu người. Vậy mình phải sống làm sao cho xứng đáng với công ơn ấy, đừng để sự lo lắng của mọi người trở thành vô nghĩa. Tôi chỉ mong sao cho tâm niệm ấy luôn hiện hữu trong đời để cảnh giác mình mỗi khi xao lãng trong tu tập.

Tôi thọ giới cho đến nay được mấy tháng rồi, nhưng mỗi lần nhắc đến thì hình ảnh ấy lại hiện lên rõ nét trong tôi. Những ân tình cao cả mà tôi cảm nhận tại giới trường đã cho tôi một bài học giá trị về cái nhiệm mầu của tình đạo và cái bao la vô tận của tình người. Có cái tình đẹp hơn và cao cả hơn như thế.

Từ đây, tôi mới thấy được giá trị sống của người con Phật chính là tình đạo. Do đó, chúng ta phải đến với nhau bằng một tình thương không vị kỷ. Bởi chỉ khi nào không có bóng dáng của tình cảm riêng tư, thì khi ấy trái tim bạn mới có thể chứa đựng một tình thương rộng lớn. Và như vậy bạn mới có thể tìm lại được giá trị đích thực của đời mình. Tuy nhiên chúng ta đang trên lộ trình tu tập, không thể một sớm một chiều mà làm được điều đó. Để làm được như vậy, đòi hỏi chúng ta phải biết lắng nghe và học hỏi những tấm gương sáng từ nhiều người, cũng như phải biết lắng đọng tâm tư để suy nghĩ về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Đây là cơ sở để chúng ta xây dựng một tình thương đúng theo tinh thần của đạo Phật.

C.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here