Trang chủ Phật học Đức Phật dạy 7 yếu tố làm ổn định lòng dân và...

Đức Phật dạy 7 yếu tố làm ổn định lòng dân và xây dựng đất nước cường thịnh

132
0

Văn hoá bao gồm tất cả mọi thứ vốn là một bộ phận trong đời sống con người, là sự kết tụ từ những tinh hoa tốt đẹp được diễn ra trong đời sống cộng đồng. Con người có khả năng hình thành văn hoá và với tư cách là thành viên của một xã hội, con người tiếp thu văn hoá, bảo tồn nó đồng thời truyền đạt nó từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Mỗi quốc gia có một nền văn hoá đặc thù, vì văn hóa là hồn thiêng của dân tộc xứ sở ấy. Vì vậy, đất nước nào cũng giữ gìn nền văn hóa của bản địa, giữ gìn văn hóa chính là giữ gìn nền độc lập tự chủ của dân tộc mình. Do vì mất văn hóa là mất tất cả.

Đức Phật ra đời là vì an lạc hạnh phúc cho con người, nên tất cả lời dạy của Ngài đều nhắm đến vấn đề khổ, nguyên nhân của khổ, sự điệt tận khổ và con đường đưa đến đoạn diệt khổ.

Bảy yếu tố mà đức Phật trình bày sau đây cũng trong ý nghĩa ấy. Hẳn nhiên, nó được nhấn mạnh đến vấn đề về đời sống văn hoá – là yếu tố làm ổn định lòng dân, chấm dứt mầm mống gây chiến tranh khổ đau và hận thù.

Bảy yếu tố đó là:

1. Thường xuyên tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau.

2. Tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, làm việc trong niệm đoàn kết.

3. Không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng quy pháp đã được ban hành từ xưa.

4. Tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão và nghe theo lời dạy của các vị này.

5. Không bắt cóc, cưỡng ép phụ nữ hay thiếu nữ phải sống với mình.

6. Tôn sùng kính trọng, đảnh lế cúng dường các tự miếu của vajjì ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không phế bỏ các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp.

7. Bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các bậc A-la-hán, khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến đã đến được sống an lạc. (1)

Bảy yếu tố trên đã được rút ra từ cuộc vấn đáp giữa đức Phật và tôn giả Anada, nhân sự kiện vị đại thần Vassakàra nước Magadha nhận mật lịnh của va A-xà-thế đến vấn an đức Thế Tôn và trình bày với Ngài về ý định xâm lăng nước Vajjì của nhà vua.

Thế Tôn trả lời với đại thần Vassakàra: “Này Bà la môn, một thời ta sống ở Vesàli, tại tự miếu Sàrandada, ta đã dạy cho dân chúng Vajjì bảy pháp bất thối này. Này Bà la môn, khi nào bảy pháp bất thối ấy được duy trì giữa dân chúng Vajjì, khi nào dân Vajjì được giảng dạy bảy pháp bất thối này, thời này Bà la môn. Dân Vajjì sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”.

Được nghe nói như vậy, Bà la môn Vasskàra thưa với Thế tôn: “Thưa Tôn giả Gotama, nếu dân Vajjì chỉ hội đủ một pháp trong bảy pháp bất thối này, thời dân Vajjì nhất định được cường thịnh, không bị suy giảm, huống nữa là hội đủ bảy pháp bất thối. Tôn giả Gotama, A-xà-thế vua nước Ma-kiệt-đà không thể đánh bại dân Vajjì ở chiến trận, trừ phi dùng ngoại giao hay kế ly gián”.

Chúng ta cũng thấy rõ rằng bảy yếu tố được đề cập trong bản kinh là tuyệt đối căn bản để xây dựng và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc. Nếu một đất nước biết tuân thủ và phát huy bảy yếu tố trên thì đất nước ấy sẽ thái bình hưng thịnh. Chúng ta có thể hiểu vì sao dân tộc Vajjì trở nên cường thịnh. Bởi vì, khi thực hiện bảy pháp này: nó sẽ thể hiện và phát huy sức mạnh tập thể; kêu gọi và phát huy tinh thần đoàn kết nhất trí toàn dân trong sinh hoạt hội họp và trong mọi hoạt động mang tính cộng đồng; kêu gọi và khuyến khích việc tuân thủ các luật lệ mang tính truyền thống; phát huy và giáo dục đạo lý kính trên nhường dưới; phát huy và đề cao tôn trọng quyền tự do hôn nhân của mọi công dân, đặc biệt đối với phụ nữ; bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc; phát huy và giáo dục truyền thống yêu quý đạo đức tâm linh của dân tộc (2).

Cũng qua bảy yếu tố trên, chúng ta thấy rõ mối quan tâm của Thế Tôn đối với vấn đề hưng thịnh của một quốc gia hay xứ sở. Ngài đã dạy cho dân Vajjì bảy pháp ấy như vừa là một đường lối phát huy sức mạnh tinh thần của một dân tộc, vừa như một sách lược bảo vệ dân tộc. Dạy bảy pháp ấy không những làm cho dân Vajjì được cường thịnh mà còn có khả năng tiêu tan ý đồ xâm lăng của vua A-xà-thế.

Câu chuyện trên đức Phật cũng đã gián tiếp can ngăn A-xà-thế xâm lăng nước khác. Không nên đem binh đánh nhau chỉ gây nên sự chết chóc mà nên quay trở về xây dựng đất nước  mình theo bảy pháp bất thối ấy để được cường thịnh.

Đức Phật không can dự chính trị và tuyệt nhiên không làm nhà cố vấn quân sự cho bất kỳ một thế lực nào. Ngài là bậc đạo sư của trời người, xem mọi người đều bình đẳng và luôn tỏ rõ lòng từ bi thương xót hết thảy mọi loài chúng sinh. Truyệt nhiên không làm đều gì có lợi cho người này mà có hại cho người khác. Bảy pháp bất thối chuyển không chỉ vì mục đích ngăn ngừa xâm lăng mà vì sự hưng thịnh của một xứ sở trong đó mọi người được sống hạnh phúc và hòa bình. Tất cả mọi quốc gia đều có thể áp dụng bảy phương pháp ấy để được vững mạnh. Ngài phản đối mọi hình thức chiến tranh và dạy rằng: “kẻ thắng trận chỉ gây thêm thù oán, người bại trận thì nuôi oán hận khổ đau”. Cái họa thắng bại như vậy bao giờ mới chấm dứt.

Vì vậy, đức Phật luôn khuyến khích mọi người nên lấy tình thương để xóa bỏ hận thù:

“Với hận diệt hận thù
đời này không có được
không hận diệt hận thù
là định luật ngàn thu”
 (Kinh  Pháp Cú)

Vâng, chỉ có sự hiểu biết và thương yêu mới mong làm vơi bớt nỗi khổ niềm đau cho nhân loại, mang lại an lạc hạnh phúc thịnh vượng mọi cho mọi cộng đồng dân tộc trên thế gian này.

T.Đ

Chú thích:
1. Trường Bộ Kinh, Bản dịch của HT. Thích Minh Châu.
2. Thích Minh Châu (2006), Tâm Từ Mở Ra Khổ Đau Khép Lại, Nxb Tôn Giáo, tr 68-69.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here