Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Huế: niềm nhớ không phai

Huế: niềm nhớ không phai

131
0

Ba mươi năm qua, tôi quay cuồng theo cơn lốc của định mệnh, sống khóc cười theo vận mệnh, tìm sống vất vả nơi xứ lạ. Tôi đã nhớ, quên rất nhiều điều, nhưng trong gốc sâu thẳm của trái tim tôi, Huế vẫn mãi mãi là một vùng thánh địa thiêng liêng, bất khả xâm phạm để cho tôi là một kẻ hành hương phải quay trở lại để được hít thở lại bầu không khí trong sạch, ngắm nhìn di tích cũ, lần bước trên con đường tình tự, tắm gội vẫy vùng thỏa thích trong giòng sông Hương lặng lờ trong mát.

Kỷ niệm ngày xưa như một vùng hào quang rực sáng được thần thánh hóa và tô đậm màu bởi trí tưởng tượng, được huyền thoại hóa bởi tình cảm nhớ nhung chất ngất. Kỷ niệm về tuổi trẻ vô tư, người tình đầu đời, bạn bè thân ái, những chốn hò hẹn rong chơi, ngôi nhà cũ, mái trường xưa, những con đường đầy bóng mát từng chứng kiến cảnh gặp gỡ yêu thương… Tất cả như những cuốn phim được quay lại từng đoạn, làm cho tôi bứt rứt nhớ thương hoài.

Mâu thuẫn thay, chính vì hoài vọng thiên đường của tâm tưởng nên tôi lại càng ngần ngại trở về thăm Huế. Tôi sợ thấy Huế chuyển mình đổi mới theo trào lưu của thời cuộc và nếp sống mới, sợ sẽ vỡ mộng nếu về lại mà không còn đứa bạn thân nào nữa. Sợ những đổ vỡ trong tâm tưởng và giấc mộng dài của mình sẽ đổ vỡ nát, sẽ trần trụi vô duyên.

Tuy vậy, tôi cũng đã quyết định trở về thăm Huế bởi một lẽ, lần này, nếu không thăm Huế, tôi cảm thấy mình như mang một món nợ tinh thần với chính mình. Để rồi sau đó, mình sẽ phải trở về quê hương lần nữa hay nhiều lần nữa để thực hiện ước mơ về thăm Huế.

Thay vì đi máy bay, vợ chồng tôi đi xe lửa tốc hành từ Sài gòn ra Huế. Xa cách quê hương cả nửa vòng trái đất và mười sáu năm dài, nay lại được đi học theo bờ biển dài của đất nước, tôi sung sướng nhìn ngắm phong cảnh đẹp của quê mẹ: biển rộng mênh mông xanh biết, núi đồi ngút ngàn trùng điệp, nương vườn um tùm màu xanh, ruộng đồng bát ngát màu rạ xanh trông như những thảm nhung êm ái, trời mây bao la lộng gió.

Trong lộ trình dài hai mươi sáu tiếng đồng hồ, tôi đã bùi ngùi xúc động khi nhìn thấy làn khói bốc lên từ những mái tranh nghèo, những trẻ mục đồng nhàn rỗi ngồi trên lưng trâu, người nông phu kéo cày vất vả, những đứa trẻ lem luốc đứng ngắm chiếc tàu lửa chạy qua. Đâu dâu, tôi cũng thấy gần gũi với mình. Quê nghèo xứ mẹ vẫn làm tôi xao xuyến luyến lưu.

Khi tàu lửa dừng lại ở ga Đà Nẵng, tôi ngập ngừng nói với chồng tôi:

Anh à, hay mình xuống ga Đà Nẵng đi. Đừng ra Huế nữa nghe!

Chồng tôi mở tròn mắt, ngạc nhiên hỏi:

Em nói gì đó? Không ra Huế nữa à? Khi ở California, em cứ nằng nặc đòi về Huế. Nay gần đến nơi em lại đổi ý. Tại sao vậy? Em điên thật!

– Chẳng phải em điên mà là sợ vỡ mộng vàng. Lỡ chẳng còn người cũ cảnh xưa, chắc em thất vọng lắm!

Chồng tôi bèn trấn an:

Này em, em hãy chuẩn bị tinh thần để chấp nhận những thay đổi và đổ vỡ trong hồn. Phải có nhiều ơn phước lắm nên mình còn được an lành về thăm quê cũ. Biết đâu các bạn trông tin em và mừng rỡ đón em về. Em sẽ nuối tiếc nếu bỏ lỡ cơ may trở lại này.

Được chồng củng cố tinh thần, tôi bèn yên lòng nhìn mông lung qua cửa sổ, thả hồn chìm vào giấc mộng xưa. Thế rồi, chúng tôi xuống ga Huế vào buổi trưa mùa hạ nắng gắt. Con đường Lê Lợi, cũng còn là con đường tình muôn thuở vẫn xanh ngắt một màu. Chêm vào là những cánh phượng đỏ rực rỡ khoe sắc thắm, nhưng tiếng ve sầu không còn nữa.

Tôi xúc động nghẹn ngào lẩm bẩm: “Huế ơi, ta đã về rồi đây, ba mươi năm sao nhanh quá!”. Hình như trời Huế cảm động trước tâm tình của đứa con tha phương trở về quê mẹ, nên chỉ một giờ sau, trời đổ mưa suốt buổi chiều hôm ấy.

Tôi mỉm cười nói với chồng:

– Đấy anh thấy không? Huế thương em nên cảm động khóc đó. Huế đang ban ơn phước cho chúng mình đó!

Chồng tôi mỉm cười một cách tinh quái nhưng không nói một lời.

Thuê khách sạn và tắm rửa xong, chúng tôi thuê xe đạp đi lang thang như ngày cũ. Mua áo mưa, ăn bún bò trong quá ăn đường Lý Thường Kiệt, ghé quán cà phê nghe nhạc tránh mưa, ghé chợ An Cựu mua bánh nậm bột lọc của bà Móm, qua Gia Hội, vào Thành nội tìm nhà bạn cũ. Sau bao nhiều khó khăn, tôi tìm lại được gia đình hai cô bạn thân. Còn các bạn tôi thì phiêu bạt khắp nơi: đứa chết, đứa ra nước ngoài, đứa vào Sài gòn, Đà Nẵng, Ban Mê Thuột…, đứa bặt tin.

Tìm tới Tỳ Bà Trang trong Thành nội, nay đã trở thành quán cà phê, còn chàng thì mất dấu bụi hồng. Tìm về ngôi nhà ấu thơ ở vùng Nam Phổ, nhà đã trở thành một nhà máy chế rượu bia Huda. Tìm về ngôi nhà cũ ở đường Duy Tân, nhà đã được xây lại, chẳng còn một dấu vết xưa. Tôi lặng người đau xót, lòng nghe quặn đau, một phần đời của tôi đã mất, một phần hồn đã rã rời tả tơi. Huế còn đó nhưng các quán cà phê và khách sạn mọc lên như nấm. Huế còn đó nhưng người thương của tôi chẳng còn lại ai.

Trong cơn mê man của mộng tưởng, tôi lần về đứng ngay trước cửa trường cũ Đồng Khánh của tôi đã thay tên đổi họ để trở thành trường Hai Bà Trưng. Ngày xưa, trường tôi chỉ có hình ảnh những thiếu nữ mặc quần áo dài trắng, tóc thề uông xõa ngang lưng, đội nón bài thơ quai nhung đen, đi đôi guốc mộc, cùng nhau nhởn nhơ đi về trong gió chiều tung bay. Hình ảnh ấy nay được thay bằng những cô cậu học sinh mặc quần xanh áo sơ mi trắng, đạp xe đứng lổn ngổn trước sân trường.

Ngỡ nàng trước sự thay đổi, tôi nghe lòng mình mất mát, cứ thế, tôi lần sâu vào trong sân trường mà nghe lòng lạc lõng bơ vơ. Trường tôi vẫn đẹp như ngày nào nhưng người xưa đã trôi giạt phương nào? Trường vẫn sơn màu hồng tím, cây phượng vẫn khoe sắc đỏ, nhưng sau lòng tô ủ dột. Các cô cậu học sinh chăm chú nhìn người khách lạ. Tôi cũng đưa mắt thờ ơ nhìn lại họ. Tôi ngậm ngùi soi bóng mình để tìm lại hình bóng một cô bé ngây thơ áo trắng, hiền lành dịu dàng như một nữ tu, nhưng thực tế bây giờ tôi đã già, mái tóc đã đổi thay quá nhiều, từ tâm linh đến thể xác, thì còn mong gì sự dừng lại của bánh xe thời gian nữa?

Tôi còn lại gì ngoài hào quang chói lọi của kỷ niệm? Chồng tôi như kính trọng những giây phút thiêng liêng thinh lặng giữa tôi và trường cũ nên chẳng nói một lời. Sau cùng anh đề nghị chụp hình tôi với trường cũ. Có còn gì ngoài kỷ niệm vàng son của tuổi thơ hoa mộng. Tôi nghe đâu đây tiếng nói cười của mình và bạn bè, Huế của thập niên 1960 nay đã hết thật rồi. Vĩnh biệt tuổi trẻ, bạn bè, thầy giáo.

Sáng hôm sau, cùng với gia đình Đào, cô bạn cũ đã theo chồng đi Mỹ, nhưng gia đình còn ở lại, chúng tôi thuê thuyền đi chơi trên sông Hương. Giòng sông vẫn lặng lờ trôi. Tôi nghe lòng lâng lâng một niềm xúc cảm lẫn lộn: Nỗi mừng hội ngộ và mối sầu vạn cổ. Tôi vẫn có thói quen thò tay vọc nước sông. Cảnh vật Huế dọc theo sông Hương vẫn đẹp như xưa. Chúng tôi ghé thăm chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén mà tưởng như đi trong cơn mộng du.

Ba mươi năm trước có một bầy thiếu nữ áo trắng thuê thuyền đi chơi. Họ cười nói ríu rít, tiếng nói cười vang vọng trên sông. Tình bạn thân ái biết bao. Nay một trong những người ấy trở về, đi thuyền trên cùng một giòng sông mà hồn lãng đãng phương nao, bạn ơi, bao giờ mình còn tìm lại được nhau?

Gia đình Đào đón tiếp tôi như một người con trong gia đình. Mẹ Đào vẫn tươi cười như ngày xưa dù cơn biến cố của Tết Mậu Thân đã phá hủy hoàn toàn ngôi nhà mới xây mất năm trăm lạng vàng, dù cuộc đổi đời năm 1975 đã làm bà sạt nghiêp, dù con bà đứa còn, đứa mất, đứa lưu lạc quê người.

Mẹ Đào và Thanh Thảo, em gái Đào đã chuẩn bị bữa ăn trưa một cách chu đáo, nào cơm nắm, xôi đậu xanh, đậu phụng muối mè, tôm rang thịt, tôm chấy, bánh ú, trái cây, nước ngọt… để cả nhà cùng ăn trưa trên thuyền.

Chúng tôi vừa ngắm cảnh, vừa nói chuyện. Bữa cơm chan đầy tình nghĩa nên ngon vô cùng. Cả đời tôi, tôi chưa được ăn bữa cơm nào ngon như thế. Chồng tôi cũng có chung nhận xét như tôi. Tôi cảm động cảm ơn bà, nhưng lời nói chỉ vô nghĩa khi sự cảm thông đã làm chúng tôi đến gần nhau. Lòng mẹ hiền bao la như giòng sông Hương. Tình mẹ hiền làm cho đứa con xa nhà cảm kích xao xuyến.

Khi thuyền ghé đến ngã ba chợ Tuần, mẹ Đào lên chợ mua một trái mít chín thì gia đình Thảo và chúng tôi đua nhau nhảy xuống tắm sông. Nước vừa trong lại vừa đủ cạn để ta có thể bơi lội nhởn nhơ. Tôi có cảm tưởng mình đang được tắm trong giòng sông thiêng, y như người Ấn Độ ở mọi nơi trở về tắm gội trong giòng Hằng Hà để xin ơn phước. Hình như tôi đang được nhận lãnh ân sủng của đất trời, của hồn thiêng sông núi. Tôi đang được hưởng thụ những ân đức của giòng thánh để gội bỏ những ưu phiền đau đớn của kiếp người. Núi Kim Phụng như mỉm cười nhìn chúng tôi lặn giúp đùn gỡ như trẻ thơ. Hồn quê hương phản phất đâu đây như đón chào đứa con đi xa trở về:

Dừng chân đứng lại: trời non nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Chuyến đi chơi thuyền trên sông Hương đã để lại dấu ấn sâu đậm trong hồn tôi, để tôi có dịp so sánh với hai cuộc đi chơi trên sông nước Sài gòn và California sau này.

Cách đó không lâu, tôi có dịp đi chơi trên một du thuyền lớn ngay bến Bạch Đằng, Sài gòn. Tàu rời bến vào ban đêm, đèn xanh đỏ nhấp nháy. Trên tàu, người ta ăn uống tưng bừng. Nhạc nhảy đầm ồn ào. Những người khác ngoại quốc lên hát nhạc Tàu, nhạc Mỹ rồi cao hứng nhảy múa. Họ quay cuồng say sưa ôm ấp những cô gái Việt Nam nhỏ đáng tuổi con gái họ. Những người khác khác thì ăn uống nhồm nhoàm, gấu ó to tiếng. Cuộc đi chơi này chỉ đem thêm nỗi buồn cho tôi.

Về lại California, chúng tôi lại có dịp đi chơi trên chiếc du thuyền Champagne Cruise ở Newport Beach. Tàu rời biến vào buổi chiều, mây tím giăng hàng. Trên chiếc tàu sang trọng ấy có các thức ăn nhẹ, có rượu, có nhạc khiêu vũ. Người ta mua đồ đấu giá, xem biểu diễn thời trang, nhận giải thưởng xổ số. Bên ngoài, dọc theo bờ kênh là những ngôi nhà lộng lẫy bạc triệu và những du thuyền qua lại tấp nập. Người ta trượt nước, đua thuyền, tiếng nhạc bay hòa tiếng gió.

Chúng tôi đang thụ hưởng những thú vui chơi lành mạnh của người Mỹ. Tuy ở chung trong đám người Mỹ nhưng tôi nghe lòng mình lạc lõng bơ vơ. Cho dù tôi nói được tiếng Mỹ, tôi đã ở trên đất nước này mười sáu năm, tôi vẫn cảm thấy lạc loài. Hình như hồn quê hương không có nơi đây. Cho dù tôi có nhảy xuống tắm trong giòng nước trong ấy, tôi cũng chẳng thấy gì thiêng liêng như tôi đã cảm nhận từ giòng sông Hương.

Thì ra, cuối cùng dù ở nơi nào, thời điểm nào, tôi vẫn mãi là một người Việt, tha thiết yêu quê hương. Một thời trong quá khứ, tôi đã hít thở bầu không khí của quê hương để nhận lãnh ân sủng của hồn thiêng sông núi. Vì thế, cho dù nay tôi đã phiêu bạt nơi xa nhưng hồn tôi vẫn lãng đãng trở về quê cũ, vẫn vấn vương lưu luyến, vẫn đau niềm đau của dân tộc, vẫn buồn vui theo vận nước, và vẫn chỉ gắn bó với quê mẹ.

K.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here