Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Bài thơ viết dâng Mạ

Bài thơ viết dâng Mạ

139
0

 Nơi phương trời Tây xa xăm –
– tuyết rơi lạnh lẽo –
Nắm tay mạ trong cơn đau –
– bàn tay 85 năm da mồi xương bọc –
Con bỗng thấy thật là rất rõ :
 – bàn tay này, thời xưa ấy,
lúc con chưa được sinh ra,
hồi mẹ còn là cô gái Kim Long
đang đưa tay vuốt tóc –
những sợi tóc mai xanh mướt qua vành tai hồn hậu có nốt ruồi nhỏ xinh xinh
một ngày nào ? đầu xuân? cuối hạ? hay đông sầu thu muộn ?
mạ đứng ở đâu chải tóc lúc còn con gái ?
dưới cây hải đường ở mái hiên
hay giữa những tàu lá chuối xanh non ?
dưới tàng cây giáng châu
hay trong vùng hương hoa bưởi ?
nơi khu vườn Ôn Mệ ngoại
sơ thái là hoa mộc
trinh bạch là hoa cau
trong căn nhà ba gian cổ kính
uy nghi là ôn – nền nếp trâm anh thế phiệt
dịu hiền là mệ – thói nhà khuê các đoan trang
Mạ được sinh ra – thịt da nõn nà như bột nặn –
như có lần mạ kể cho con nghe…
Trong những giờ đau
bóp chân cho mạ – đôi chân lạnh giá nhăn nheo gầy guộc –
con bỗng như sờ được đôi gót hồng
thoăn thoắt thuở còn xuân
con theo đôi chân về chốn cũ
con đường Xuân-Hòa – Kim Long
có cô gái hồn nhiên cười- nói – đi – về
duyên dáng trắng trong
như buồng hoa cau mới trổ
Mạ có phải là cô gái xinh nhất nhà,
thiên phú thông minh lanh lợi tài hoa nhất chị em không nhỉ ?!
Nấu ăn khéo – bổ cau mau – việc chi khó cũng không từ nan.
Nghe kể Ôn ngoại tin yêu giao việc
Mệ ngoại được nhờ lúc khó
Mệ nội thân quí người con dâu họ Thái quán xuyến gia nương
Cậu Quang bảo người tính nóng hay la nhưng lại rất thương em thương út
Thuở còn con gái như thế mẹ là người hạnh phúc nhất đời phải không ?
Thử tưởng tượng đi !
Có sự đằm thắm êm ái nào hơn trong màu xanh thúy lục của cỏ cây trời mây sông núi vùng Thiên mụ được nắm tay người thương qua khung cửa sổ vườn sau hò hẹn trăm năm ? Giây phút ấy đẹp nhất trong đời phải không mạ ? Đã yêu được yêu và sống với người yêu !
Dì Hiếu nói hai người ấy thật là đẹp đôi – Dì nói ba thương mạ vô cùng –
Chúng con – sáu anh em nay còn lại ba đứa – đã được sinh ra trong nhữnh giờ hạnh phúc ấy.
Chính trong những ngày ốm yếu vừa qua – vuốt trán -thoa mặt- bóp lưng mẹ cho dịu cơn thở gấp, con dõi theo từng nhịp phập phồng của tim mẹ, con tự hỏi – trái tim này đã đau biết bao lần trong đời ?
Một lần mất chồng thật sớm mẹ đã là người khổ nhất !
Con đường Thiên Mụ -Kim Long – Hàng đường gập gềnh cao thấp –
Chiều ba mươi Tết con theo mẹ đi thăm mộ ba – Có giờ phút nào thiu buồn hơn cho một người góa bụa ?
Nhưng da mẹ vẫn êm, ngực mẹ vẫn ngọt ngào, tay mẹ vẫn ấm áp tình người, tình mẹ bao bọc chở che, không cho chúng con một giây khó nhọc.
Trái tim này đã thêm một lần thắt lại khi chị Ngọc Lan tử nạn – Thêm một lần mẹ làm mẹ thay con nuôi cháu – không cho cháu một phút cô đơn –
Thật lạ lùng !
Trái tim ấy, cái tình ấy không suy mà chẳng tính – Ai đem lý lẽ ra mà bàn ?
Bà Trưng, bà Triệu đi đánh giặc vì thương chồng thương nước
cũng như mẹ muôi con dưỡng cháu mà chẳng nghĩ chẳng bàn,
chẳng có một chút so đo – mặc ai kệ họ ! mẹ bảo
Thương là thương ghét là ghét
không công bình và có công bình
ai đang làm thì không có thì giờ nghĩ chuyện thiệt hơn phân chia
Mẹ đã làm tròn nhân nghĩa
từ con tim, thật là đơn giản !
Trong những năm khó khăn nhất mẹ không một chút xa lìa
nội – ngoại – bà  – con
Vì đã khổ nên hay thương người khổ hơn mình
Nghe ai khó đã mau mắn giúp người qua cảnh khó
Nghe chùa gặp nạn đã thấy đau đáu đứng bên
Mỗi khi chùa cần – có bà Huyện bán gạo ở Bạch Đằng kia đấy !
Sinh viên nghèo học trò khó mẹ thường đùm xách mắm muối đến cho !
Lắm khi vì người nhịn cơm xẻ áo giúp bà con láng giềng qua cơn túng quẩn.
Ai xây chín chữ phù đồ, mẹ thường bảo, ta đây tu tâm nơi từng đứa con đứa cháu
nơi từng bát canh cà dưa rau đậu
Biết thương anh chồng như anh ruột
xây nhà thờ, cúng kỵ ông bà – một tay dâu thảo
Những ngày cuối cùng của đời
yếu lả như một ngọn lá mùa thu
ngồi ở chốn trời tây mẹ còn bảo
“vườn nhà thờ họ Thái
phải có mạ về mới yên !“
Đấy, vẫn tấm lòng chung thủy ấy !
mẹ đem theo mười mấy năm ở Đức
ai đua đòi văn minh kệch cỡm
quần tây áo đầm son son phấn phấn
mua đưa mẹ mặc mẹ cất trong tủ
rồi vẫn quần lãnh trắng – đen   
vẫn áo cánh lụa bạch
vẫn áo dài bốn mùa mẹ mặc
vẫn răng đen tóc bối
vẫn dáng Nguyễn Phước thanh cao
mẹ đi tàu điện – sống giữa những người phong tục văn hóa vốn khác
làm Bà Việt-Nam – “Mme Vietnam“ –
nấu cơm ngon nức tiếng Muenchen
người Đức trẻ già thảy đều mến kính
không phải như ông ngoại ngày xưa cầm gươm đánh giặc
nay mẹ đãi khách nước ngoài (nguyên bản : chinh phục con người) bằng
– Chân Tình Việt Nam –
Ai cười mẹ răng đen – mẹ còn cười cho thật rõ – thành ra có duyên !
Dẫu thích được khen nhưng không một chút bề ngoài
– có chăng bề ngoài là để dấu đau dấu khổ
– để tránh lo cho con cháu –
Suốt cả cuộc đời chỉ muốn mình là NGƯỜI CHO MỌI NGƯỜI CHỨ CHẲNG MUỐN AI VÌ MÌNH.
Bài học đời này chi mà can trường quá đỗi !
“Cực chuyện đã“ mới để con săn sóc – Nhiều lần mẹ nhìn con trong cơn yếu đuối như xin lỗi – Mạ ơi , đâu có lỗi chi khi mình đang đau !
Trong những ngày cuối ngồi canh giấc ngủ cho mẹ, từng giây mong mẹ thức giấc để mừng. Nhìn đôi mắt nhắm nghiền, con tưởng như thấy lại được đôi mắt nhung ấy ngày trước đã nhìn trời, đất, giòng sông Hương mênh mang, núi Kim phụng xanh thẳm, nhìn nắng bên kia sông, nhìn mưa buồn mái ngói – đã nhìn cả một cõi đời “sống ở thác về“.
Đôi mắt ấy lần cuối xa xăm dõi về QUÊ Cũ – sâu xa hơn cõi quê nhà –
Mẹ nói Mệ ơi Ba ơi
tiếng gà Long Thọ vừa thức dậy đấy –  Dậy đi ! Đi thôi ! Đi về !
chuông Thiên mụ đang đổ hồi
hoa bưởi hoa mộc hoa ngâu trong vườn  đã nở rồi !
Để con chải tóc cho mẹ lần cuối
Mái tóc này vẫn còn mềm như lụa xanh như mây thế ư ?
Ai nói triêu như thanh ti mộ thành tuyết ?
– Tóc mẹ vẫn xanh mãi nghìn thu !-
Con đưa mẹ về quê –
với làng với xóm với chùa chiền với mái nhà mẹ dày công bồi đắp
Con đưa ảnh mẹ lên thưa Ôn Mệ
Bước vào cổng tưởng như nghe tiếng cười ròn rã thanh xuân vang vọng trong những
gian nhà cũ, trên sân vắng, sau vườn hoang…
Dì Đãi khóc nói, chị ơi thôi hết chờ chị rồi, ngày xưa buồn vui thơ dại !
Nắng gió sông Hương !  Lạnh lòng ! con tự nhủ, còn đâu cô gái thuở ấy, con người ấy để cảm để nhìn để nhớ để thương ?
Mạ ơi, trong những tháng ngày cuối cùng đau yếu con được gần mạ, thấy mạ, gặp mạ trọn vẹn như Một Con Người – phút cuối cũng là khoảnh khắc khởi đầu của Con Người Mẹ – mãi mãi trong tâm – nguyên thủy vô sanh.

Huế – 31. 12. 1997 – 2. 11. Đinh Sửu

Thái Kim Lan 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here